Bài viết chỉ mang tính tham khảo và phổ biến. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và điều trị đúng hướng dẫn trong bài viết thì người bệnh có thể tự điều trị được bệnh cho mình. Nếu bệnh ở mức độ nặng, lâu ngày, điều trị không hiệu quả thì bệnh nhân gửi thông tin cho nhà thuốc để được điều trị theo hướng chuyên trị hơn.
Bấm vào đây để vào mục Câu Hỏi Cho Bệnh Viêm Xoang. Bấm vào đây để đến mục Gửi Bệnh Án để điền thông tin gửi đến nhà thuốc.
VIÊM XOANG MẠN TÍNH
Trên lâm sàng viêm xoang mạn tính tỷ lệ cao hơn viêm xoang cấp tính, trong đó viêm đa xoang và viêm toàn xoang thường thấy hơn là viêm một bên. Nhưng trong viêm xoang thì viêm xoang trán là thường thấy nhất.
Viêm xoang mạn tính đa phần do quá trình điều trị viêm xoang cấp tính không kịp thời hoặc không phù hợp khiến bệnh tái phát nhiều lần rồi chuyển qua mãn tính. Cho đến nay ranh giới giữa viêm xoang mạn tính và viêm xoang cấp vẫn chưa có khái niệm rõ ràng. Căn cứ trên các biểu hiện thường xảy ra trên lâm sàng thì thường tình trạng viêm xoang cấp tính vượt quá 4 – 6 tuần không thuyên giảm thì chuyển qua mạn tính.
1) Biểu hiện lâm sàng:
Về cơ bản tất cả các chứng trạng giống với tình trạng viêm xoang cấp tính, nhưng lại có tính tái phát liên tục, bệnh kéo dài không hết, nhưng lại không có sốt nóng lạnh như viêm xoang cấp tính. Lúc vẫn còn đang ở giai đoạn cấp tính thì tình trạng của viêm xoang mạn tính rất giống với viêm xoang cấp, nhưng mức độ có nhẹ hơn lúc phát cấp tính lần đầu, thời gian phát bệnh cũng ngắn hơn, đa số thường có các biểu hiện chính như sau:
a) Dịch nhiều:
Tình trạng dịch nhiều cũng như viêm xoang cấp tính, là một trong những chứng trạng chủ yếu. Chất dịch so với cấp tính thì dẻo và đặc hơn, đa phần đã chuyển sang màu vàng xanh, dịch có tính dính hoặc có mủ, nhưng chủ yếu vẫn là có mủ. Nhưng cũng có một số ít chất dịch lỏng, sắc xanh trắng. Viêm xoang hàm trên thì thường có mùi rất hôi.
b) Mũi tắc:
So với chứng cấp thì nghẹt nặng hơn, do niêm mạc mũi sưng và lượng dịch nhiều hơn. Ở người bệnh lâu ngày có bệnh tà ở Phế kinh thì sẽ khiến khí hư, khí có tác dụng dẫn huyết, khí hư thì huyết trệ mà sinh ứ tắc, ứ tắc ở vùng vách ngăn mũi khiến vách ngăn bị phì đại, ứ tích tụ không giải được thì vách ngăn sưng to không nhỏ lại được khiến hô hấp bị cản trở.
c) Khả năng nghe mùi giảm hoặc mất hẳn:
Do lâu ngày trọc khí xông lên khiến thanh dương không thăng, dẫn đến âm khí thịnh trong các khiếu dẫn đến xuất hiện tình trạng rối loạn ngửi mùi ở nhiều mức độ khác nhau.
d) Đau đầu:
Đau đầu thường có những đặc điểm dưới đây:
- Thường có đặc điểm có tính thời gian và định vị, lại có tính phát đau một bên. Nếu đau hai bên thì có một bên sẽ đau nhiều hơn.
- Mức độ đau không mạnh, thuộc về tình trạng đau đầu thông thường.
- Đau sẽ thuyên giảm, sau khi được ở trong môi trường yên tĩnh, ngủ đủ, nhỏ thuốc, hít hơi thuốc để dẫn lưu. Khi phát ho, nhảy mũi, gập người, cúi đầu, dùng lực hoặc đột ngột xoay chuyển đầu thì đau tăng. Nếu hút thuốc, uống rượu và bị kích động thì càng nặng hơn.
Ngoài ra do dịch mủ chảy vào trong họng và thời gian dài dùng miệng để thở, thường sinh ra kèm theo viêm họng mạn tính, từ đó khiến cho nhiều đàm, khàn giọng, cảm giác vướng, khô rít họng, đau họng, ngứa họng. Thậm chí hai tai lùng bùng, ù tai, tai kêu o o.
2) Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh:
Nguyên nhân gây ra viêm xoang mạn tính ngoài do viêm xoang cấp tính nhiều lần gây ra cũng còn do chính khí hư suy không thể thắng được tà khí bên ngoài đi vào. Sự tồn tại tổn thương mạn tính của chân răng hàm trên và đáy của xoang hàm trên, hoặc xoang mũi sau khi bị tổn thương và viêm nhiễm tái phát liên tục, hoặc viêm xoang có tính biến chứng đều có thể gây ra viêm xoang mạn. Cũng có thể liên quan đến các bệnh về phế quản. Thời kỳ cấp tính của viêm xoang mạn vẫn tương đồng với viêm xoang cấp, nhưng trong giai đoạn bình thường thì lại khác với viêm xoang cấp.
a) Phế khí hàn:
Ở mục “Tỵ Uyên” sách Y Triệt ( 医彻 ) có chép: “Người có hàn lãnh trong người mà ăn uống đồ lạnh thì tổn thương Phế… đều do đi vào não mà gây ra” ( Hình hàn ẩm lãnh tắc thương Phế… giai do sấm khai não hộ – 形寒饮冷则伤肺…皆由渗开脑户 ). Hoặc như sách “Y Thuần Thừa Nghĩa” ( 医醇剩义 ) chép: “Cảm mạo nặng khiến hàn khí đi vào não, mũi không thông chảy nước mũi liên tục, đó là chứng não lậu do hàn khí tổn thương” ( Cảm mạo trọng thương, hàn khí xâm não, tỵ khiếu bất thông, thời lưu trọc thế, thử hàn thương chi não lậu dã – 感冒重伤,寒气侵脑,鼻窍不通,时流浊涕,此寒伤之脑漏也 ).
b) Não nhiệt:
Ở mục “Tỵ Khẩu Chứng Luận Trị” sách Loại Chứng Trị Tài ( 类证治裁 ) chép: “Phong hàn đi vào não, uất ở đó lâu ngày mà hóa nhiệt” ( Phong hàn nhập não, uất cửu hóa nhiệt – 风寒入脑,郁久化热 ). Hay như mục “Tỵ Bệnh” sách Thọ Thế Bảo Nguyên ( 寿世保元 ) chép: “Phong nhiệt ở não ( có thể gây ra bệnh lý về mũi )” ( Phong nhiệt tại não – 风热在脑 ).
c) Đởm nhiệt:
Mục “Tỵ Uyên” sách Y Lâm Thằng Mặc ( 医林绳墨 ) chép: “Nhiệt tà ở Đởm đi vào não thì gây chảy nước mũi mà thành chứng não lậu” ( Đởm nhiệt di ư não, tắc trọc thế hạ lưu nhi thanh não lậu chi chứng -胆热移于脑,则浊涕下流而成脑漏之症 ).
d) Tân dịch hóa đàm:
Trong mục “Tỵ Môn” sách Cổ Kim Y Thống ( 古今医统 ) chép: “Tà đi vào kinh thái âm, khí của nó ẩn dồn vào trong mũi khiến tân dịch ủng trệ mà khí ở mũi không được thông điều” ( Tà thừa thái âm, kỳ khí ủng tích ư tỵ giả, tắc tân dịch ủng tắc, tỵ khí bất đắc tuyên thông – 邪乘太阴,其气壅积于鼻者,则津液壅塞,鼻气不得宣调 ).
e) Thanh dương không thăng:
Sách Y Lâm Thằng Mặc ( 医林绳墨 ) chép: “Mũi là nơi thông ra của Phế, tính ưa sạch trong mà ghét chất đục trọc. Thường thì trọc khí ( khí đục ) đi xuống dưới mà thanh khí ( khí trong ) thì đi lên, nhưng thanh – trọc không phân định rõ ràng thì đường thông ra của phế bị bế tắc” ( Tỵ giả phế chi khiếu, hỷ thanh nhi ố trọc dã. Cái trọc khí xuất ư hạ, thanh khí thăng ư thượng, nhiên thanh trọc chi bất phân, tắc khiếu khích hữu bế tắc giải yên – 鼻者肺之窍,喜清而恶浊也。盖浊气出于下,清气升于上,然而清浊之不分,则窍隙有闭塞者焉 ). Hay như sách “Thận Trai Di Thư” ( 慎斋遗书 ) cũng cho rằng: “Trong con người thì khí thanh dương đi vào đường thông ra của ngũ tạng lục phủ và không nơi nào bị ngưng trệ… thanh khí không lưu hành thì khí trọc tà mạnh lên ở các đường thông ra của tạng phủ mà sinh bệnh” ( Kỳ tại nhân thân, thanh dương chi khí, tắc lưu hành ư ngũ tạng lục phủ chi không khiếu nhi vô sở trệ ngưng… thanh khí bất hành, tắc tà trọc chi khí, đắc sung tắc ư không khiếu chi tế nhi vi hại – 其在人身,清阳之气,则流行于五脏六腑之空窍而无所滞凝……清气不行,则邪浊之气,得充塞于空窍之际而为害 ).
f) Phế khí hư hàn:
Trong sách Bách Bệnh Biện Chứng Lục ( 百病辨证录 ) chép: “Người thường hay chảy nước mũi lâu năm không khỏi là do Phế khí hư hàn” ( Nhân hữu tỵ lưu thanh thế, kinh niên bất dũ, thị phế khí hư hàn – 人有鼻流清涕,经年不愈,是肺气虚寒 ).
g) Thận não bất túc:
Trong sách Phùng Thị Cẩm Nang Bí Lục ( 冯氏锦囊秘录 ) có chép: “Nếu người thường hay chảy nước mũi nhiều, hoặc vàng hoặc trắng hoặc lẫn sợi máu như mủ, đều là do thận hư gây ra, không nên các loại thuốc quá mát để điều trị” ( Nhược hồ nhân nhi đa thế, hoặc hoàng hoặc bạch hoặc đới huyết như nùng giả, giai thận hư sở chí, bất khả quá dụng lương dược – 若乎人而多涕,或黄或白或带血如脓者,皆肾虚所致,不可过用凉药 ). Hoặc như sách Dương Khoa Tâm Đắc Truyền ( 疡科心得传 ) chép: “Chứng não lậu là do phong nhiệt hun đốt ở não khiến dịch thấm xuống, đó là chứng do thận hư… xét đến nguyên nhân thì là do thận hư không thể nạp khí về gốc khiến hỏa không được khống chế mà đi lên tác động đến Phế, từ đó khí tân dịch không hạ giáng xuống dưới được, đi vào đường thông ra của phế ( mũi ), chuyển thành nước mũi đục, đó là chảy ngược vậy” ( Não lậu, nãi phong nhiệt thước não nhi dịch hạ sấm, thử thận hư chi chứng dã… cứu kỳ nguyên, tất thận hư nhi bất nạp khí quy nguyên, cố hỏa vô sở úy, thượng bức phế kim, do thị tân dịch chi khí bất đắc giáng hạ, tịnh ư không khiếu, chuyển vi trọc tân tân, vi chi nghịch lưu hỉ – 脑漏,乃风热烁脑而液下渗,此肾虚之证也……究其源,必肾虚而不能纳气归元,故火无所畏,上迫肺金,由是津液之气不得降下,并于空窍,转为浊涕津津,为之逆流矣 ).
h) Dương hư não hàn:
Trong sách Y Phương Khảo ( 医方考 ) chép: “Chứng tỵ uyên do dương hư não hàn thường là vì phần trên của con người thuộc về dương, cho nên sáu khí dương đều hội tụ ở mặt, nếu dương khí tự hư thì âm khí lấn lên khiến não bị lạnh mà sinh chảy nước mũi” ( Dương hư não hàn tỵ uyên giả, nhân thân chi thượng, thiên chi dương dã, cố lục dương chi khí giai hội ư diện. Nhược dương khí tự hư, tắc âm khí tấu chi, lệnh nhân não hàn nhi lưu thanh thế – 阳虚脑寒鼻渊者,人身之上,天之阳也,故六阳之气皆会于面。若阳气自虚,则阴气凑之,令人脑寒而流清涕 ).
i) Trùng:
Sách Y Học Nhập Môn ( 医学入门 ) chép: “Trong mũi chảy ra nước vàng – thối, nặng thì khiến đau buốt trong não, thường gọi là “não sa”. Đấy là do có trùng ăn trong não” ( Hữu lưu xú hoàng thủy giả, thậm tắc não diệc tác thống, tục danh não sa, hữu trùng thực não – 有流臭黄水者,甚则脑亦作痛,俗名脑砂,有虫食脑 ).
Ngoài các thể bệnh như trên ra cũng còn rất nhiều nguyên nhân khác, nhưng quy nạp lại thì trên lâm sàng thường thấy nhất không ngoài 5 thể là: Phế khí hư hàn; Can đởm uất nhiệt; Tỳ hư nội thấp sinh đàm; thanh dương bất thăng; thận não bất túc. Nhưng cũng không thể phân loại một cách máy móc được, ví dụ chứng “Thận tủy bất túc” có thể chuyển hóa thành chứng “Phế khí hư hàn”; “thanh dương bất thăng” có thể khiến cho tân dịch hóa đục thành đàm; “Tỳ hư nội thấp” cũng có thể cản trở khí thanh dương đi lên… Vì vậy vấn đề điều trị trên lâm sàng cần phải tùy tình hình cụ thể mà đưa ra pháp trị thích đáng.
Bệnh viêm xoang mạn tính thường có tính chất dai dẳng, điều trị khó khăn, nhưng cũng không phải là không điều trị không khỏi. Tuy nhiên không để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng bệnh thường kéo dài, thường ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, dạ dày, các bệnh về đường ruột, cùng các chứng khác như hồi hộp, mất ngủ, lo lắng, dễ cáu gắt, dễ bị ám ảnh…
3) Biện chứng luận trị:
a) Phế khí hư hàn:
Biểu hiện thường là mũi tắc lâu ngày không thông, thời tiết ấm thì đỡ hơn. Điều đó cho thấy ôn ấm thuộc dương, có thể khu trừ được hàn khí. Lượng nước mũi nhiều mà trong loãng không dính, đó là dấu hiệu của hàn. Các triệu chứng thường phát mạnh vào thời tiết lạnh. Các triệu chứng toàn thân tuy không rõ ràng nhưng thường cảm giác mệt mỏi, sợ lạnh ghét gió. Đại tiện lỏng nhão, tiểu tiện trong, lượng nhiều. Rêu lưỡi mỏng; mạch tế – nhược.
Pháp trị thường là ôn phế khư hàn. Các vị thuốc thường dùng như Đảng sâm, Quế chi, Tế tân, Kha tử nhục, Cam thảo, Kinh giới, Phòng phong, Cát cánh.
b) Can đởm uất nhiệt:
Biểu hiện lâm sàng thường là mũi nghẹt không nặng, nước mũi dẻo, nhiều mà đục, sắc vàng xanh, có lúc lẫn các sợi máu. Bệnh không phản ứng với thời tiết lạnh. Khi kiểm tra có thể thấy niêm mạc mũi bình thường hoặc có xung huyết ửng đỏ. Triệu chứng toàn thân thường là đau đầu mạnh, không giống với các cơn đau đầu thông thường. Đại tiện táo, tinh thần mệt mỏi dễ cáu gắt. Miệng khát muốn uống. Mạch huyền; rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, sắc lưỡi đỏ hồng.
Pháp trị cần thanh Can hỏa. Phương thang thường dùng như “Ức Can Tán”, “Đơn Chi Tiêu Dao Tán”. Các vị thuốc thường dùng như: Đơn bì, Sơn chi, Đương quy, Bạch thược, Hoàng cầm, Sài hồ, Hạ khô thảo, Sinh địa. Nếu nặng thì dùng Long Đởm Tả Can Thang.
b) Tỳ hư nội thấp sinh đàm:
Mũi tắc kéo dài, lượng nước mũi nhiều, sắc đa phần là trắng, ít vàng, chất dẻo – dính như hồ. Khả năng nghe mùi kém. Kiểm tra cho thấy vách ngăn phì đại, niêm mạc mũi thường thấy có nhiều đàm trắng, có một số trường hợp có polip. Các triệu chứng toàn thân thường là chân tay mỏi mệt, người mệt hơi thở ngắn, tiêu hóa kém, đại tiện lỏng nhão; sợ lạnh, thường dễ cảm mạo, sắc mặt không tươi, nặng thì có thể phù. Mạch nhu, rêu lưỡi mỏng, chất lưỡi non, thân lưỡi mập, sắc đỏ nhạt, cạnh lưỡi có răng cưa.
Pháp trị thường là kiện tỳ hóa thấp tiêu đàm. Các phương thang thường dùng như “Lục Quân Tử Thang”, “Sâm Linh Bạch Truật Tán Hợp Nhị Trần Thang – Tam Tử Thang”. Trong bài vị Lai bặc tử khắc với Sâm, cho nên lúc dùng cần quan tâm đến liều lượng. Các vị thường dùng như Đảng sâm, Bạch truật, Phục linh, Trần bì, Bán hạ, Cam thảo, Sơn dược, Cát cánh.
c) Thanh dương không thăng:
Nước mũi lượng nhiều mà dính, hoặc vàng hoặc trắng, nhưng không có vàng dẻo. Ngoại trừ nghẹt mũi ra ở vùng thái dương có cảm giác căng tức khó chịu. Cảm giác nghe mùi giảm trầm trọng. Triệu chứng toàn thân thường biểu hiện tinh thần mệt mỏi, tứ chi vô lực, ăn uống sút kém, trong miệng thường hay dính nhớt không sạch, đầu nặng đau đầu nhẹ. Rêu lưỡi trắng mỏng, sắc đỏ nhạt; mạch nhuyễn – vô lực.
Pháp trị thường bổ trung ích khí thăng thanh. Phương thang thường dùng là “Bổ Trung Ích Khí Thang”, “Ích Khí Thông Minh Thang”… Trong trường hợp người bệnh có tiền sử tăng huyết áp thì cần cẩn thận khi dùng. Các vị thuốc thường dùng như Sài hồ, Thăng ma, Sương bồ, Đảng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Bạch thược, Trần bì.
f) Thận tủy bất túc:
Lượng nước mũi không nhiều, sắc không nhất định, chất lỏng hoặc dẻo. Nghẹt mũi mức độ nhẹ; cảm giác ngửi mùi vẫn bình thường. Kiểm tra cho thấy vách ngăn và niêm mạc mũi bình thường. Triệu chứng toàn thân thường là chóng mặt tai ù, thắt lưng mỏi, lưng trên đau, di tinh bạch đới, miệng khô họng ráo, sốt về chiều, tâm bồn chồn, có khi lòng bàn chân tay nóng. Đại tiện khô. Rêu lưỡi đỏ; mạch tế – sác.
Pháp trị thường là bổ thận điền tủy. Phương thang thường dùng như “Lục Vị Địa Hoàng Thang”, “Tả Quy Ẩm”, “Đại Bổ Âm Hoàng”. Các vị thuốc thường dùng như Thục địa, Sơn dược, Sơn thù, Quy bản, Tri mẫu, Câu kỷ tử, Đỗ trọng, Hoàng bá.
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường