Bài viết chỉ mang tính tham khảo và phổ biến. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và điều trị đúng hướng dẫn trong bài viết thì người bệnh có thể tự điều trị được cho mình. Nếu bệnh ở mức độ nặng, lâu ngày, điều trị không hiệu quả thì bệnh nhân gửi thông tin cho nhà thuốc để được điều trị theo hướng chuyên trị hơn.
Bấm vào đây để vào mục Câu Hỏi Cho Bệnh Viêm Mũi Dị Ứng. Bấm vào đây để đến mục Gửi Bệnh Án để điền thông tin gửi đến nhà thuốc.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ VIÊM MŨI DỊ ỨNG TRONG
ĐÔNG Y
1) Khái Quát
Trong Đông y, viêm mũi dị ứng được quy vào phạm trù của chứng “Tỵ cừu” (鼻鼽) ( còn gọi là “Tỵ đế” ). Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đột ngột phát và tái phát liên tục các triệu chứng như mũi ngứa, nghẹt, chảy nước mũi, nhảy mũi. Bệnh có liên quan mật thiết với sự thay đổi điều kiện khí hậu – thời tiết trong tự nhiên. Nguyên nhân do bẩm tố cơ địa có bệnh, tạng phủ hư tổn, thêm vào gặp phải ngoại tà, hoặc nhiễm phải phấn hoa, khói bụi mà gây ra bệnh. Bệnh ở khoang mũi thường có tính chất do dị ứng gây ra, thường thấy nhất là ở khoa tai – mũi – họng, được phân ra thành chứng viêm mũi dị ứng kinh niên và và viêm mũi dị ứng theo mùa.
Để thuận tiện trong việc phổ biến kiến thức về chứng này, chúng tôi mượn tên gọi “Viêm Mũi Dị Ứng” để dễ mô tả và dễ chuyển tải thông tin đến với người bệnh.
2) Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh:
Đông y cho rằng nguyên nhân gây ra chứng viêm mũi dị ứng là do tác động của ngoại tại kết hợp với cơ địa của người bệnh. Các tác nhân ngoại tại đa số là do lục dâm ( 6 loại khí ) gồm phong – hàn – thử – thấp – táo – hỏa. Như trong sách Tế Sinh Phương chép: “Mũi là hệ của Phế, chức năng cần phải điều hòa, nếu điều hòa thì nghe được mùi thơm hôi, nếu tâm lý buồn bực u uất, thêm vào khí lục dâm bên ngoài làm tổn thương, ăn uống thất thường, lao động quá sức khiến cho công năng của mũi không còn điều hòa tuyên phát nữa, đường thở tắc nghẽn. Các bệnh do chứng này gây ra thường là: nục huyết ( chảy máu mũi ), ung lở, phì đại vách ngăn, ngứa lở mũi, chảy nước mũi, mũi nghẹt không thông, chảy mủ, hoặc không nhận biết mùi ( Phù tỵ giả phế chi hầu, chức dục thường hòa, hòa tắc hấp dẫn hương xú hĩ. Nhược thất tình nội uất, lục dâm ngoại thương, ẩm thực lao dịch, chí tỵ khí bất đắc tuyên điều, thanh đạo ủng tắc. Kỳ vi bệnh dã: vi nục, vi ung, vi tức nhục, vi sang dưỡng, vi thanh đế, vi trất tắc bất thông, vi trọc nùng, hoặc bất văn hương xú -夫鼻者肺之候,职欲常和,和则吸引香臭矣。若七情内郁,六淫外伤,饮食劳役,致鼻气不得宣调,清道壅塞。其为病也:为衄,为痈,为瘜肉,为疮疡,为清涕,为窒塞不通,为浊脓,或不闻香臭).
Ô nhiễm không khí là một nhân tố quan trọng, nhưng cũng có sự khác nhau về vùng sống, có quan hệ mật thiết với các tác nhân phát tán khác như phấn hoa, nấm, côn trùng. Các nguyên nhân dẫn đến dị ứng bao gồm:
- Bụi trong nhà: Phòng ốc lâu ngày không quét dọn thường có nhiều bụi. Trong bụi thường có những tạp chất hỗn hợp bởi nhiều thành phần kháng nguyên mà chủ yếu là các loài bọ mạt, lông vải, các chất bong ra từ vật dụng trong nhà, bột thực phẩm, da bong tróc của vật, người, nấm mốc, nấm độc, các bụi hữu cơ bong tróc từ các đồ mục nát và các chất vô cơ.
- Loài bọ mạt: Bọ mạt thuộc loài chân đốt, là loài côn trùng ở trong mạng nhện, thể tích trung bình 0.25 x 0.35mm, loại to nhất có thể quan sát được bằng mắt thường. Có khoảng hơn 40 loại bọ mạt có liên quan đến nguyên nhân gây ra bệnh viêm mũi dị ứng ở người, trong đó mạt bụi, mạt bột, mạt trong đồ cũ, mạt trong thức ăn thiu hư. Trong gia đình các nơi có thể dễ thấy mạt nhất là chiếu đệm, quần áo, chăn mền, ghế sô pha.
- Nấm: Trong chứng viêm mũi dị ứng quanh năm thì nấm cũng là một yếu tố thường thấy. Nấm trong thời kỳ sinh trưởng thường sản sinh ra lượng lớn bào tử phát tán trong không khí, đa phần thể tích của chúng có đường kính khoảng từ 20 micrômét trở xuống. Loại nấm phát tán trong không khí nhiều hơn rất nhiều so với phấn hoa. Bào tử nấm và sợi nấm đều có thể gây ra dị ứng, kháng nguyên của bào tử mạnh hơn. Các loại nấm mốc có thể gây dị ứng gồm: nấm Alternaria ( nấm chuỗi ), nấm Mucor ( nấm lông ), nấm rễ, nấm xanh, nấm Phythohthora ( nấm mầm nhánh ). Ngoài ra nguyên nhân dẫn đến dị ứng thường thấy là do bông vải, lông vũ, và da lông động vật. Tế bào da chết và bọ mạt sinh trưởng và tồn trữ trong lông vũ động vật và da lông thường có tính kháng nguyên mạnh hơn. Trong chứng viêm mũi dị ứng quanh năm phấn hoa không phải là nguyên nhân chủ yếu. Một số người bệnh có thể chỉ vì ăn một số loại thực phẩm nào đó cũng có thể dẫn đến viêm mũi dị ứng. Các loại thực phẩm thường thấy như tôm, cua, nhộng, cá, sữa, trứng gà, đào, táo.
3) Biện chứng luận trị:
Nguyên nhân do khí hư:
Biểu hiện lâm sàng thường là mũi ngứa từng cơn và nhảy mũi liên tục; chảy nước mũi liên tục và lượng nhiều; niêm mạc mũi có màu xám trắng, sưng rõ rệt; sợ gió; gặp gió lạnh hoặc thay đổi thời tiết là phát bệnh; ho có đàm trong; thở ngắn; sắc mặt trắng nhạt. Sắc lưỡi đỏ nhạt; rêu lưỡi mỏng. Mạch hư – nhược.
Pháp trị: Ích khí thông tỵ.
Phương trị: Ngọc Bình Phong Tán hợp Ôn Phế Chỉ Lưu Đơn Gia Giảm.
Nguyên nhân do dương hư:
Biểu hiện lâm sàng thường ngứa mũi từng cơn, nhảy mũi liên tục không ngừng, sáng tối đều nặng, nước mũi trong chảy rất nhiều, niêm mạc mũi trắng nhợt hoặc đỏ tối, sưng to rõ rệt, khoang mũi nhiều dịch; sợ lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt trắng bệch, ho ra nhiều đàm, tai ù có tiếng kêu; tiểu tiện trong – dài, đại tiện lỏng nhão; rêu lưỡi sắc nhạt, quanh lưỡi có dấu răng, rêu lưỡi trắng; mạch hoãn, nhược.
Pháp trị: Ôn dương thông tỵ
Phương trị: Ôn Dương Khư Phong Thang Gia Giảm, hoặc Kim Quỹ Thận Khí Hoàn Gia Giảm.
Nguyên nhân do âm hư:
Biểu hiện lâm sàng thường là ngứa mũi, nhảy mũi, chảy nước mũi trong, bệnh kéo dài không khỏi, sáng tối phát từng cơn, niêm mạc mũi trắng nhợt, sưng to hoặc viêm đỏ, tai ù nghe o o, lưng mỏi vô lực; lưỡi đỏ ít rêu; mạch tế – sác.
Pháp trị: Tư âm thông tỵ.
Phương thang: Tư Âm Giáng Hỏa Thang gia Hoàng kỳ, Phòng phong.
Nguyên nhân do thấp trệ: Biểu hiện lâm sàng thường nghẹt mũi, chảy nước mũi trong rất nhiều; nhảy mũi; niêm mạc khoang mũi trắng nhợt, sưng phù; người nặng nề kém lực; rêu lưỡi trắng – nhớt; mạch tế – hoạt.
Pháp trị: Trừ thấp thông tỵ
Phương thang: Nhị Trần Thang hợp Thương Nhĩ Tử Tán.
Nguyên nhân do Phế nhiệt:
Biểu hiện lâm sàng thường là mũi căng, mũi tắc, ngứa mỏi khó chịu, nhảy mũi, chảy nước mũi, gặp nóng hoặc thời tiết nóng thì phát nặng hơn. Niêm mạc mũi hơi đỏ, Rêu lưỡi đỏ; mạch huyền hoặc huyền hoạt.
Pháp trị: Thanh nhiệt tuyên Phế.
Phương thang: Tân Di Thanh Phế Ẩm Gia Giảm.
4) Các phương pháp khác
- Liệu pháp làm bỏng: Thoa cồn Ban Miêu lên vùng huyệt Nội Qan
- Liệu pháp dán thuốc: Vào mùa đông dùng dịch gừng tươi đắp vào các huyệt Phế du, Cao hoang, Thận du – Đản trung, Đại chùy.
5) Châm cứu xoa bóp
- Liệu pháp châm cứu: Dùng các huyệt Phong trì, Nghênh hương, Hòa liêu, Phế du, Thận du, Tam âm giao, Cao hoang du. Mỗi lần châm chọn 2 – 4 huyệt. Có thể dùng pháp bổ châm hoặc cứu ngải.
- Nhĩ châm: Dùng các điểm Nội tỵ, Thần môn, Nội phân bí, Phế, Tỳ, Thận.
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường