Bài viết chỉ mang tính tham khảo và phổ biến. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và điều trị đúng hướng dẫn trong bài viết thì người bệnh có thể tự điều trị được cho mình. Nếu bệnh ở mức độ nặng, lâu ngày, điều trị không hiệu quả thì bệnh nhân gửi thông tin cho nhà thuốc để được điều trị theo hướng chuyên trị hơn.
Bấm vào đây để vào mục Các Câu hỏi Viêm Xoang Cấp. Bấm vào đây để đến mục Gửi Bệnh Án để điền thông tin gửi đến nhà thuốc.
Viêm Xoang Cấp Tính
1) Biểu hiện lâm sàng:
a) Đau nhức và đau đầu:
Người bệnh thường có cảm giác đầu nặng nề, đau âm ỉ, khi cúi đầu, dùng lực, chạy nhảy, hỷ mũi và ho đều đau tăng. Đồng thời còn có tính đau lan tỏa, có thể khiến vùng chung quanh đau liên đới và các cơn đau này thường có tính kéo dài.
b) Lượng nước mũi nhiều:
Nước mũi nhiều là đặc trưng của viêm xoang, cho nên viêm tên “tỵ uyên” xuất phát từ đó ( “uyên” nghĩa là vực sâu đầy nước, tỵ uyên được diễn tả như nước từ trong hố sâu chảy ra liên tục ). Trong thời kỳ bệnh cấp tính ở mức độ nặng thường có biểu hiện chảy dịch dính nhớt hoặc chảy dịch mủ trong mũi ra nhiều, vừa hỷ không hết, lại chảy dịch vào họng nhiều khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy đàm rất nhiều, có lúc trong đàm lẫn máu hoặc mùi tanh hôi.
c) Mũi nghẹt:
Nghẹt mũi là một triệu chứng thường thấy nhất trong chứng này. Vì thanh dương không nâng lên, các khiếu khó có thể được sạch sẻ, khiến cho các chất nhầy trở trệ không thông.
d) Trở ngại khướu giác:
Chứng này thường khiến cảm giác ngửi mùi của người bệnh kém dần hoặc thậm chí mất hẳn. Đa số mang tính tạm thời, nhưng có một thiểu số có thể chuyển qua mất hẳn khướu giác. Tình trạng này là do Phế khí bất túc. Như trong thiên “Mạch Độ” sách Linh Khu có chép: “Phế khí thông với mũi, Phế hòa thì mũi mới có khả năng nhận thức được mùi thơm thối” ( Phế khí thông ư tỵ, Phế hòa tắc tỵ năng tri hương xú hỉ – 肺气通于鼻,肺和则鼻能知香臭矣 ).
2) Các Biểu Hiện Toàn Thân:
a) Phát sốt:
Nếu xuất hiện tình trạng cảm mạo tái phát hoặc sau khi viêm xoang cấp tính, thường khiến cho tình trạng phát sốt nguyên phát thêm nặng nề và kéo dài. Đối với tình trạng sốt thật sự do viêm mũi cấp tính gây ra đều không nghiêm trọng.
b) Các tình trạng khác:
ăn không biết ngon, trong mình không thoải mái, thậm chí bồn chồn. Trong tình huống này nếu có viêm xoang trán cấp tính và viêm xoang hàm trên do viêm chân răng thì có thể sẽ nghiêm trọng.
Lúc đang phát viêm xoang cấp, các vùng da lân cận và các tổ chức phần mềm có thể sẽ bị sưng đỏ, ví dụ như ở người viêm xoang trán thì ở vùng trán và khóe mắt sẽ phản ứng; người viêm xoang hàm trên thì ở hai bên gò má hoặc dưới khóe mắt phản ứng; người viêm xoang sàng thì phần trên khóe mắt trong phản ứng.
Trong chứng viêm xoang cấp, cục bộ vùng xoáng ấn vào đau, có lúc đau rất rõ.
3) Nguyên Nhân Và Cơ Chế Sinh Bệnh:
Chứng này thường là do thứ phát từ những lần viêm xoang cấp trước hoặc sau khi cảm mạo, cũng có khi do kết hợp thêm các bệnh truyền nhiễm cấp tính. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác gây ra.
a) Phong hàn:
Sách “Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận” chép: “Phàm tân dịch, nước mũi, nước dãi nếu gặp nhiệt thì khô ráo; gặp lạnh thì tràn ra không thể tự thâu vào được. Phế khí thông ra mũi, nếu tạng này nhiễm lạnh thì lạnh từ đây đi vào mũi mà khiến tân dịch chảy ra không tự thâu vào được” ( Phù tân dịch thế thóa, đắc nhiệt tức can táo, đắc lãnh tắc lưu dật, bất năng tự thâu. Phế khí thông ư tỵ, kỳ tạng hữu lãnh, lãnh tùy khí nhập thừa ư tỵ, cố sử tân dịch bất năng tự thâu – 夫津液涕唾,得热即干燥,得冷则流溢,不能自收.肺气通于鼻,其脏有冷,冷随气入乘于鼻,故使津液不能自收 ).
b) Thực nhiệt:
Thiên “Khí Quyết Chân” sách Tố Vấn chép: “Nhiệt từ Đởm đi vào não” ( Đởm di nhiệt ư não -胆移热于脑 ); sách “Phùng Thị Cẩm Nang Bí Lục” chép: “Nếu chảy ra dịch vàng – hôi mà đau mũi thì đó là nhiệt lâu ngày không khỏi mà gây nên bệnh” ( Nhược lưu hoàng xú thủy nhi thống giả, vi nhiệt cửu nhi bất dũ – 若流黄臭水而痛者,为热久而不愈 ).
c) Ngoại hàn thúc bó nhiệt:
Sách “Y Học Chuẩn Thằng Lục Yếu” chép: “Ngoại tà đi vào cơ thể từ mặt cho nên sẽ đi vào kinh Dương minh gây át trở khiến khí không thông mà chảy ra nước mũi trong, lâu ngày chuyển đục, đó gọi là nội hàn thúc bó nhiệt” ( Tà tùng diện nhi lai, tắc nhập dương minh đạo, phật uất khí bất thông sướng, cố thanh thế thời xuất, cửu biến vi trọc, sở vị ngoại hàn thúc nội nhiệt – 邪从面而来,则入阳明脉道,怫郁气不通畅,故清涕时出,久变为浊,所谓外寒束内热 ).
d) Phong nhiệt ở Phế:
Trong thiên “Chí Chân Yếu Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “khí hóa của hỏa trì hoãn kéo dài, nước chảy không thể đóng băng, nhiệt khí hoành hành… truyền vào Phế phát sinh ho, chảy nước mũi” ( Xích khí hậu hóa, lưu thủy bất băng, nhiệt khí đại hành,… kỳ tắc nhập phế, khái nhi tỵ uyên -赤气后化,流水不冰,热气大行, … 其则入肺,咳而鼻渊).
e) Hỏa ở thái dương – đốc mạch:
Sách “Cảnh Nhạc Toàn Thư” chép: “Chứng tỵ uyên, nói tóm lại là do hỏa mạnh ở Thái dương – Đốc mạch, đi lên vào não khiến tân dịch ra không ngừng, cho nên còn có tên gọi là não lậu” ( Tỵ uyên chứng, tổng do thái dương – đốc mạch chi hỏa, thậm giả thượng liên ư não nhi tân tân bất dĩ, cố hữu danh vi não lậu – 鼻渊证,总由太阳,督脉之火,甚者上连于脑而津津不已,故又名为脑漏 ).
f) Thanh dương không thăng lên:
Trong thiên “Ưu Chuể Vô Ngôn Thiên” sách Linh Khu chép: “Nước mũi từ trong mũi ra liên tục không cầm, đau âm ỉ ở trán không ngừng, mũi nghẹt” ( nhân chi tỵ động, thế xuất bất năng thâu giả, ngoan tảng bất khai, phân khí thất dã – 人之鼻洞,涕出不能收者,顽颡不开,分气失也 ). Sách “Y Triệt” chép: “Mũi thông lên với não… não là phủ của nguyên thần, mà mũi là khiếu của mệnh môn. Khi trung khí bất túc, thanh dương không thăng lên, thì đầu mang bệnh, cửu khiếu không thông” ( Tỵ, thượng thông não hộ… não vi nguyên thần chi phủ, nhi tỵ vi mệnh môn chi khiếu. Nhân chi trung khí bất túc, thanh dương bất thăng, tắc đầu vi chi khuynh, cửu khiếu vi chi bất lợi – 鼻,上通脑户……脑为元神之府,而鼻为命门之窍。人之中气不足,清阳不升,则头为之倾,九窍为之不利 ).
Trên thực tế lâm sàng thường hay gặp 4 loại sau:
- Tà còn thừa nhập phế ( Tàn tà tập phế )
- Phong hàn.
- Phong nhiệt
- Thanh dương không thăng lên
Các chứng này chỉ cần điều trị kịp thời, hợp lý thì đa số đều khỏi. Ngược lại nếu không kịp thời, điều trị không hợp lý thì chuyển qua mạn tính.
4) Biện chứng luận trị:
a) Tàn tà nhập phế:
Bất cứ một thể bệnh nào đều phải trải qua một quá trình thời gian, nếu chứng bệnh đó cần phải được điều trị bình phục mà lại không điều chỉnh, đến một giai đoạn tái phát mạnh hơn thì cần phải cân nhắc đến một bệnh khác có liên quan. Viêm xoang thể thứ phát cũng không hoàn toàn là do tàn tà nhập phế, nhưng tà còn thừa ( tàn tà ) này cũng chỉ xuất phát tròng phạm vi của ba thể là phong hàn – phong nhiệt và thanh dương không thăng.
b) Phong hàn:
Người bệnh vốn trước đó đã có phong hàn, ít mồ hôi, đầu đau, thích ấm. Vùng mũi lạnh, nghẹt mũi, nước mũi trong, chảy nước mắt, mất khả năng nghe mùi. Mạch phù – khẩn. Rêu lưỡi trắng – mỏng.
c) Phong nhiệt:
Còn gọi là thực nhiệt, hàn thiểu nhiệt đa ( hàn ít nhiệt nhiều ). Triệu chứng mồ hôi nhiều, đầu đau, miệng khô thích uống mát, đại tiện khô cứng. Mũi tắc không nặng, nước mũi dẻo – vàng. Rêu lưỡi mỏng – vàng, sắc lưỡi đỏ. Mạch phù – sác hoặc đại.
d) Thanh dương không thăng lên:
Trong trường hợp này đa phần viêm xoang phát sau 7 – 10 ngày, nước mũi chảy liên tục, nghẹt mũi nặng, đầu đau, đồng thời có thể xuất hiện chóng mặt, mắt nhìn lờ mờ, tai lùng bùng, miệng dính nhớt. Rêu lưỡi trắng, mỏng, nhớt. Thân lưỡi mềm, mập. Mạch nhu hoặc nhuyễn.
5) Điều trị bên trong:
a) Phong hàn:
Pháp trị cần tân ôn giải biểu. Phương thang thường dùng như Kinh Phòng Bại Độc Tán kết hợp với Thương Nhĩ Tử Tán. Các vị thường dùng như: Kinh giới, Phòng phong, Sài hồ, Tiền hồ, Bạch chỉ, Thương nhĩ tử, Cát cánh, Tân di.
b) Phong nhiệt:
Nếu nhẹ thì dùng pháp thanh nhiệt giải độc. Phương thang thường dùng như Ngân Kiều Bại Độc Tán hợp với Ngũ Vị Tiêu Độc Ẩm. Nếu nặng thì dùng các vị đắng – lạnh để tả hỏa, phương thang thường dùng như Hoàng Liên Giải Độc Thang hoặc Long Đởm Tả Can Thang, có thể kết hợp dùng thêm Thương Nhĩ Tử Tán. Các vị thường dùng như Kim ngân hoa, Liên kiều, Bạc hà, Cúc hoa, Bồ công anh, Ngư tinh thảo, Hoàng cầm, Lô căn, Cát cánh, Thương nhĩ tử, Bạch chỉ.
c) Thanh dương không thăng lên:
Pháp trị thường là “thăng thanh hóa trọc”. Phương thang thường dùng như Hoắc Hương Chính Khí Tán hợp dùng với Thương Nhĩ Tử Tán, gia thêm Thăng ma, Sài hồ, Cát căn, Màn kinh tử.
d) Tàn tà tập phế:
Căn cứ vào tình hình cụ thể để áp dụng 3 pháp trên.
6) Phép Trị Ngoài:
Trong sách Tiên Tỉnh Nho Y Học có bài thuốc: “dùng vừng đen ( mè đen ) rang chín, giã nát, bỏ rượu vào lọ gốm nấu cho nóng, bỏ vừng vào, bịt kín, dùng một ống hành ( có thể dùng ống hút ) cắm vào miệng lọ, hít lấy hơi. Hít bên không nghẹt. Nếu hư hàn thì dùng rượu, hư nhiệt thì dùng dấm.
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường