Viêm tai

Nhà Thuốc Hạnh Lâm Đường

Bài viết chỉ mang tính tham khảo và phổ biến. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và điều trị đúng hướng dẫn trong bài viết thì người bệnh có thể tự điều trị được cho mình. Nếu bệnh ở mức độ nặng, lâu ngày, điều trị không hiệu quả thì bệnh nhân gửi thông tin cho nhà thuốc để được điều trị theo hướng chuyên trị hơn.

Bấm vào đây để vào mục Câu Hỏi Cho Bệnh Tai Mũi Họng. Bấm vào đây để đến mục Gửi Bệnh Án để điền thông tin gửi đến nhà thuốc.

 

 

 

VIÊM TAI

 

 

 

I) CHẨN ĐOÁN BỆNH VỀ TAI THEO TÂY Y:

1 – Các Bệnh Tai Ngoài.

a) Bít tai ngoài bẩm sinh ( Dị tật tai ngoài ):

Bít tai ngoài bẩm sinh là chỉ về một hiện tượng vành tai ngoài hoặc ống tai bị dị tật bẩm sinh, thậm chí không có vành tai và ống tai. Ở người bệnh này trong tai thường không có phát bệnh, tai điếc đa phần là do tính truyền dẫn chứ không có tính chất do thần kinh cảm âm, bởi vì âm thanh không chỉ thông qua tai ngoài và tai trong. Lúc tai ngoài bị dị tật, xương khuyếch đại âm thanh ( xương tiểu cốt ) sẽ bị ảnh hưởng. Đối với chứng này, y văn cổ chưa thấy có ghi chép đưa ra biện pháp giải quyết.

b) Viêm tai ngoài:

Viêm tai ngoài thường xuất hiện tình trạng phát viêm hoặc thối lở vùng tai ngoài hoặc ống tai ngoài. Viêm tai ngoài do bơi lội là một trong những điển hình trong chứng này. Triệu chứng thường thấy trong chứng viêm tai ngoài thường là cảm thấy vùng tai khó chịu, đau nhức hoặc ngứa ngáy. Trực tiếp kiểm tra có thể thấy vùng bệnh viêm nhiễm hoặc ống tai ngoài có dấu hiệu viêm. Chứng viêm tai ngoài thông thường không dẫn đến điếc tai, nhưng lúc ống tai bị lấp do sưng đỏ thì sẽ sinh ra điếc nhẹ do rối loạn truyền dẫn. Để điều trị viêm tai ngoài thường chỉ cần dùng các loại thuốc sát trùng hoặc thuốc bôi ngoài là được, nhưng cần chú ý vệ sinh sạch sẽ trước khi sát trùng hoặc bôi thuốc.

c) Ráy tai tắc nghẽn:

Nguyên nhân gây ra tổn thương đến thính lực thường là do ráy trong ống tai gây ra. Chức năng thông thường của ráy tai là bài trừ các dị vật xâm nhập vào ống tai. Với người bình thường thì đa số lượng ráy tai sản sinh vừa đủ để bảo vệ tai. Nhưng ráy tai tích tụ đến một mức độ nhất định thì sẽ gây ra tắc nghẽn ống tai, có thể dẫn đến lấp kín toàn bộ ống tai, sóng âm không thể truyền vào được, nếu nặng thì sẽ dẫn đến tổn thương truyền dẫn thính lực đơn thuần mức độ nhẹ. Điều trị ráy tai tắc nghẽn thông thường chỉ cần nhờ người có chuyên môn lấy ráy ra là được, có lúc trong trường hợp ráy tai cứng và bám chặt thì cần phải dùng dung dịch làm mềm để lấy ráy ra.

2) Các Bệnh Tai Giữa:

a) Viêm tai giữa:

Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa thường đa số là do viêm và tai giữa ứ dịch. Chứng viêm tai giữa rất phổ biến, nhất là ở trẻ em. Nguyên tắc cơ bản là không khí lưu thông trong các ống Eustachian ( Ống Eustachian là các kênh ở mỗi bên của khuôn mặt chạy từ mặt sau của mũi và cổ họng đến tai giữa ) với khoang tai giữa bị tắc nghẽn, không được dẫn lưu. Thông thường khi người ta nuốt hoặc ngáp, nhai thì ống Eustachian sẽ tự động mở ra, do ống Eustachian ở trẻ con thường nằm ngang mà không hướng xuống, vì vậy khi nuốt, nhai hoặc ngáp có khi không mở ra, ở người lớn nhờ có sự hỗ trợ của trọng lực khiến cho ống Eustachian tự động mở ra.

Người bệnh viêm giữa thường cảm thấy đau nhức hoặc căng đau trong tai, sẽ xuất hiện tình trạng điếc ở mức độ nhẹ và trung bình, nếu để cho tình trạng này phát triển mà không điều trị thì sẽ khiến nặng nề hơn và buộc phải dùng đến các biện pháp điều trị can thiệp sâu để điều trị viêm nhiễm và giúp cho ống Eustachian được mở ra và thông tắc nghẽn.

b) Thủng màng nhĩ:

Thủng màng nhĩ là một tình trạng bệnh lý thường xảy ra nhất, thường do nhiều nhân tố gây ra. Nếu tai trong trong viêm, hoặc bị thủng màng nhĩ do tiếng động lớn, sóng âm ( ngoại thương ) thì người bệnh thường cảm thấy trong tai đau dữ dội, có lúc tai ra máu hoặc ra mủ. Thủng màng nhĩ có thể dẫn đến tổn thất thính lực do truyền dẫn âm thanh ở mức độ nhẹ đến trung bình. Trong một số tình trạng, màng nhĩ thủng nhỏ không cần điều trị vẫn tự khỏi, nếu lổ lớn thì cần phải phẫu thuật để vá.

c) Xơ cứng tai:

Chứng xơ cứng tai là do xương tiểu cốt bị Can xi hóa và xơ cứng gây ra, thuộc về tổn thương di truyền. Trong chứng này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, thường phát ở giai đoạn tuổi thanh niên. Giai đoạn đầu thường xuất hiện tình trạng ù tai hoặc điếc tai. Xơ cứng tai thường có tính chuyển hướng điếc tai từ nhẹ đến nặng dần.

d) Viêm xương chũm:

Nếu tai giữa viêm mà không kịp thời điều trị thì sẽ tiếp tục lan qua xương chũm. Xương chũm là một khối xương lồi nhỏ nằm sát vành tai, chất xương không cứng, bên trong có cấu trúc nhiều hốc như bọt biển. Nếu vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào xương chũm thì có thể dẫn đến viêm nhiễm. Trong trường hợp điều trị không đúng hoặc không kịp thời thì có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như điếc tai, liệt mặt, chóng mặt, ù tai, suy giảm thính giác, viêm màng não, viêm nội sọ, áp xe ngoài màng cứng, nhiễm trùng máu…

Các phương pháp điều trị viêm xương chũm trong tây y nếu dùng kháng sinh mà vẫn không ngăn chặn được viêm xương chũm thì sẽ tiến hành phẫu thuật cắt đi phần xương chũm bị nhiễm trùng. Có một số trường hợp buộc phải cắt đi xương tiểu cốt và mamgf nhĩ. Sau khi cắt bỏ xương chũm thường khiến cho ống tai bị dị dạng, dẫn đến điếc nhẹ hoặc điếc trung bình vĩnh viễn thể điếc tai truyền dẫn.

e) Viêm tai Cholesteatoma:

Viêm tai Cholesteatoma thường phát ở phần trên của màng nhĩ, đồng thời xâm nhập vào và tạo nên các u dịch ở phần da trên của khoang tai giữa. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây viêm tiếp ở xương tiểu cốt. Bệnh này thường có liên quan đến các bệnh tật ở tai giữa ( như viêm tai giữa hoặc viêm xương chũm ). Nếu thủng màng nhĩ mà chưa khỏi hoàn toàn có thể kết hợp từ đó sinh ra thành từng mảng tách ra sau đó hình thành khối u, người bệnh lúc đó sẽ cảm thấy đau nhức, tai ra nhiều dịch, có khi dẫn đến điếc tai hoặc có mùi hôi trong tai.

 

3) Các Bệnh Viêm Tai Trong:

a) Điếc tai thể thần kinh cảm ứng:

cũng còn gọi là “điếc tai thần kinh cảm ứng” ( ĐTTKCƯ ), là sự tổn thương vĩnh viễn ốc tai hoặc thần kinh thính giác. Trong rất nhiều tình huống, nguyên nhân gây ra chứng ĐTTKCƯ là không thể xác định được. Trên lâm sàng, chứng này thường được cho là do sự tổn thương kéo dài ở ốc tai và loa tai gây ra. Sự tổn hại này suốt đời không thể hồi phục. Tổn thương tai trong trên lâm sàng tây y thường không thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật để phục hồi lại nguyên vẹn trạng thái ban đầu, đa số người bệnh buộc phải dùng máy trợ thính để khắc phục.

b) Điếc tai bẩm sinh – điếc tai di truyền:

Điếc tai bẩm sinh là chứng xuất hiện từ lúc mới sinh ra; điếc tai di truyền là do dị dạng nhiễm sắc thể, thuộc về chứng do di truyền. Có lúc chứng này xuất hiện bắt đầu từ tuổi thành niên hoặc lúc lớn tuổi, tuy điếc tai di truyền không xuất hiện từ lúc sơ sinh, nhưng gen di truyền khiến cho thính lực ngày càng mất đi đã xuất hiện từ lúc sơ sinh, tình trạng đó có thể khiến cho tần suất tổn thương thính lực từ mức độ nhẹ cho đến mức độ nặng.

Các chứng điếc tai không nằm ở thể bẩm sinh và di truyền thì do nhiều nhân tố khác gây nên như phát ban, sốt Rubella ( sởi Đức ), mẹ có thai phát ban truyền qua con… ngoài ra cân nặng lúc sơ sinh hoặc sinh non.

c) Điếc tai do tiếng ồn:

Điếc tai do tiếng ồn ( ĐTDTÔ )gây ra do tổn thương thính lực do tình trạng ô nhiễm âm thanh trực tiếp gây ra. ĐTDTÔ thông thường đầu tiên là do ảnh hưởng bởi âm thanh ở tần suất cao, sau đó ở tần suất trung bình. Nguyên nhân dẫn đến ù tai đa số bắt đầu do tiếng ồn khiến tổn thương thính lực. Sử dụng các thiết bị chống ồn có thể phòng ngừa sự tổn thương các mô mềm và các tế bào thần kinh trong tai. Đối với các trường hợp này thường không thể giải quyết được bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Nhiều trường hợp do không biết cách phòng ngừa và khắc phục có thể dẫn đến điếc tai vĩnh viễn.

d) Điếc tai tuổi già:

Điếc tai tuổi già là tình trạng điếc tai có thể thần kinh tính giác có liên quan đến tuổi tác. Tuy đối với tình trạng suy giảm thính lực là do tuổi tác gây ra, trên lâm sàng tây y vẫn chưa có kết luận chắc chắn, nhưng chứng điếc tai vẫn có liên quan mật thiết với tuổi tác. Cuối cùng thể điếc tai này là do sự tăng trưởng tuổi tác hay do sự ảnh hưởng kéo dài của ô nhiễm âm thanh gây ra, hoặc do dùng thuốc quá liều, trước mắt trên lâm sàng tây y vẫn chưa xác định được. Thể điếc tai này thường có một quá trình thời gian chuyển bệnh dần, do vậy trong thời điểm đầu thính lực bị ảnh hưởng vẫn còn ở mức nhận thức cao thì đa số người già vẫn nghe được âm thanh do người khác nói, nhưng không rõ ràng và hay nhầm lẫn, dần về sau chuyển sang mức độ thính lực trung bình, rồi thấp thì lúc đó thực sự khả năng nghe rất khó khăn.

e) Điếc tai do dùng thuốc:

Theo tổ chức Nghe – Nói Mỹ ( ASHA ) thì hiện có hơn 200 loại hóa chất có thể gây ra điếc tai và rối loạn thăng bằng.

Trước mắt, trên thị trường thuốc tân dược, có một số loại thuốc thường gây ra tác dụng phụ như ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh tai như: thuốc kháng sinh, thuốc hóa trị, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu… do các loại thuốc này đối với tai có thể sản sinh ra các độc tố thường gọi là “nhóm thuốc có độc tính với tai”. Chứng điếc tai do thuốc có thể có tính vĩnh viễn hoặc cũng có thể ù tai. Trước mắt chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.

f) Hội chứng Ménière:

Hội chứng Ménière là một hội chứng tổng hợp gồm 3 triệu chứng chính gồm: Chóng mặt, điếc tai và ù tai. Điếc tai do hội chứng Ménière là một dạng điếc tai có tính thần kinh cảm âm lúc tăng lúc giảm lúc tăng lúc giảm ở mức độ thấp. Ở thời điểm bệnh nặng hơn thì có thể ảnh hưởng đến tổn thương thính lực mức độ cao. Hội chứng Ménière thông thường hình do sự tăng cường quá độ của sự tạo thành bạch huyết nội sinh. Vì tai trong phụ trách thính giác và thăng bằng của cơ thể, hai chức này có thể cùng một lúc bị tổn thương nên gây ra bệnh. Chứng này đôi khi tự khỏi, nhưng đôi khi có thể nặng hơn.

g) Biến Chứng Bệnh Ốc Tai Sau:

Biến chứng bệnh ốc tai sau là tình trạng phát bệnh ở phía trên ốc tai, thông thường là các bệnh về thần kinh thính giác hoặc phía trên của đường trung khu thính giác. Các bệnh ốc tai sau bao gồm: Điếc tai đột ngột, mất cảm giác thăng bằng, điếc một bên tai, rối loạn ngôn ngữ, khối u thần kinh âm thanh và ù tai.

Do đại bộ phận đường trung khu thính giác rất gần hoặc nằm trong đại não, vì vậy biến chứng bệnh ốc tai sau thường gây ra điếc tai thể thần kinh cảm âm hoặc điếc tai thể tổng hợp, điếc tai thể trung bình, đồng thời cũng là một trong những loại bệnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

 

II) CHẨN ĐOÁN BỆNH VỀ TAI TRONG ĐÔNG Y

Biến chứng bệnh về tai trong đông y gồm vọng – văn – vấn – thiết, kết hợp triệu chứng toàn thân và triệu chứng cục bộ ở tai lại với nhau, quy nạp trên cơ sở biện chứng bát cương và biện chứng tạng phủ rồi tiến hành phân tích.

A) Biện chứng nhĩ minh ( ù tai ) – nhĩ lung ( điếc tai ):

a) Tai ù phát mạnh đột ngột, giọng nói lớn, sức nghe kém, đa phần là do hỏa ở Can – Đởm nghịch lên trên, hoặc đàm hỏa uất kết đi lên tai.

b) Ù tai phát chậm, giọng nói nhỏ, lực nghe dần dần kém, đa phần là do Can – Thận âm hư, hư hỏa bốc lên, hoặc khí huyết khuy hao, vùng tai không được nuôi dưỡng.

c) Tai ù có tiếng ve kêu đa phần thuộc Can – Thận hoặc tâm thận hư, khí huyết bất túc. Tai ù như tiếng nước rì rào hoặc tiếng gió thì đa phần thuộc nhiệt mạnh ở Can – đởm, tà khí ủng trệ ở tai.

d) Điếc đột ngột đa phần là do tà của phong – nhiệt – thấp tắc trở tai hoặc do ráy tai, dị vật tắt nghẽn; điếc chậm đa phần là do các tạng Can – Thận – Tỳ hư tổn là chính.

e) Người già thính lực kém, không có tiền sử viêm nhiễm chảy dịch, đa phần là do Can – Thận lưỡng hư, khí – huyết bất túc không vinh được mà sinh bệnh.

f) Vì trong tai có chảy mủ mà gây ra ù tai, điếc tai thì cần dựa trên biện chứng các nguyên nhân gây bệnh liên quan.

 

B) Biện chứng bệnh tai mủ:

a) Tai mủ mới phát chất mủ dẻo và vàng, đa phần là do hỏa nhiệt ở Can – Đởm chưng bốc lên tai, hun đốt cơ mạc. Vàng mà lượng nhiều thì đa phần là thuộc thấp nhiệt hun bốc; trong mủ lẫn máu thì là do có hỏa nhiệt trong kinh Can, nhiệt tổn thương huyết phận.

b) Bệnh lâu ngày dịch mủ chuyển sang màu xanh, hình sợi, lượng nhiều, hoặc dính sợi như keo, đa phần là do tỳ hư thấp thịnh. Nếu dịch mủ hình sợi mà lượng không nhiều thì đa phần là do Thận hư, hư hỏa chưng bốc lên trên.

c) Trong dịch mủ có chất như đậu hủ, mùi hôi, đa phần là do thận dương hư, thấp nhiệt tà độc ứ trệ, hun đốt cơ mạc ở tai, trùng độc ăn vào xương, đây thuộc chứng chính hư tà thực.

Là cơ quan thính giác trên cơ thể con người, tai có một vị trí cực kỳ quan trọng. Cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, tai cũng rất dễ phát một số bệnh. Nếu không kịp thời điều trị và điều trị không chính xác thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Nói một cách cụ thể, mục tiêu trong điều trị là tiêu trừ các chứng trạng lâm sàng, giúp cho người bệnh khôi phục được thính lực và công năng của tiền đình.

 

C) Điều Trị Lâm Sàng:

a) Viêm tai ngoài:

  • Thể phong nhiệt thấp tà:

Phép trị cần sơ phong thanh nhiệt, giải độc trừ thấp. Phương thang thường dùng như “Ngân Hoa Giải Độc Thang Gia Giảm”. Ống tai sưng đỏ đau nhức rõ rệt có thể gia thêm Tạo giác thích, Bạch chỉ, Cát cánh, hoặc phối dùng với phương “Ngũ Vị Tiêu Độc Ẩm”.

  • Thể Can – Đởm thấp nhiệt:

Phép trị cần thanh can đởm, lợi thấp tiêu thũng. Phương thang thường dùng như: “Long Đởm Tả Can Thang Gia Giảm”. Nếu tiện tạo thì gia thêm Đại hoàng, Huyền minh phấn.

  • Thể huyết hư hóa táo:

Phép trị cần dưỡng huyết nhuận táo. Phương thang thường dùng như “Địa Hoàng Ẩm Gia Giảm”. Nếu da ống tai dày sắc đó tối thì có thể gia Hồng hoa, Xuyên khung. Cục bộ sưng – đỏ – căng, chất thải ít, lâu ngày không khỏi thì có thể hợp với Thác Lý Tiêu Độc Ẩm.

b) Viêm Tai Giữa:

  • Thể phong tà trở khiếu:

Sau cảm mạo bệnh nhân có cảm giác trong tai căng hoặc đau nhẹ, tai ù, lực nghe kém, giọng nói lớn hơn bình thường, màng nhĩ bị hõm vào sưng đỏ hoặc có dịch ở bề mặt. Đa số phát sốt sợ gió, mũi tắc – chảy nước mũi. Phép trị cần sơ phong tán tà, hành khí thông tắc. Phương thang thường dùng như “Sơ Phong Thông Khiếu Thang”.

  • Đàm thấp tụ nhĩ:

Cảm giác tai căng trướng và tắc nghẽn rõ rệt, lực nghe suy giảm, giọng nói lớn hơn bình thường, lúc lắc đầu nghe trong tai có tiếng nước. Kiểm tra màng nhĩ cho thấy hình trạng như quả dưa nằm ngang hoặc bị lồi ra. Đa số có hiện tượng nặng đầu chóng mặt, mệt mỏi vô lực. Miệng nhạt bụng đầy; Rêu lưỡi mỏng, nhớt; mạch nhu hoặc hoạt. Pháp trị cần kiện tỳ thăng thanh, lợi thấp thông khiếu. Phương thang thường dùng như “Kiện Tỳ Thông Khiếu Thang”.

  • Khí huyết ứ lạc:

Tai trong có cảm giác bị tắc, lực nghe suy giảm, tai ù dần dần, lâu ngày không khỏi. Kiểm tra màng nhĩ cho thấy bị hõm vào rõ rệt, hoặc bị dày, có lắng đọng chất vôi, có dịch dính và teo; sắc lưỡi đỏ tối; mạch sáp. Phép trị thường là thông nhĩ khai khiếu. Phương thang thường dùng như “Hoạt Huyết Thông Khiếu Thang”

c) Viêm Tai Trong:

  • Thể Can – Đởm hỏa thịnh, uất nhiệt đi lên:

Triệu chứng thường là chóng mặt, lợm giọng buồn nôn, đa số phát nóng trong tai, chảy mủ, miệng đắng họng khô, bồn chồn cáu gắt, tiểu tiện vàng, đại tiện khô. Kiểm tra tây y cho thấy mù vàng dẻo, màng nhĩ bị thủng, nhãn cầu trướng căng; sắc lưỡi đỏ, rêu vàng; mạch huyền – sác. Phép trị thường là thanh tả can đởm, giải độc tức phong. Phương thang thường dùng là “ Long Đởm Tả Can Thang”.

  • Thể Can – Thận âm hư, Can dương thượng kháng:

Biểu hiện lâm sàng thường là chóng mặt, buồn nôn, đau tai, tai chảy mủ, ù tai, lưng gối mỏi yếu, lòng bàn chân tay nóng, miệng đắng họng khô. Sắc lưỡi đỏ, ít rêu; mạch huyền, tế. Pháp trị thường là tư dưỡng Can – Thận, bình Can tiềm dương. Phương thang thường dùng như Thiên Ma Câu Đằng Ẩm Gia Giảm.

  • Tỳ mất vận hóa, đàm trọng nội sinh:

Triệu chứng lâm sàng thường là chóng mặt, buồn nôn, tai chảy dịch, đầu nặng căng, người mệt mỏi vô lực, ăn uống xút kém, bụng đầy. Kiểm tra cho thấy màng nhĩ bị thủng, nhãn cầu trướng căng. Sắc mặt không tươi; lưỡi nhạt, mập; mạch hoãn, nhược. Pháp trị thường là điều đàm tức nhục. Phương thang thường dùng như Nhị Trần Hợp Lục Quân Tử Thang Gia Giảm.

 

Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường.

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

error: Bạn không thể copy nội dung này
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Xin chào, bạn cần trợ giúp ?