Bài viết chỉ mang tính tham khảo và phổ biến. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và điều trị đúng hướng dẫn trong bài viết thì người bệnh có thể tự điều trị được cho mình. Nếu bệnh ở mức độ nặng, lâu ngày, điều trị không hiệu quả thì bệnh nhân gửi thông tin cho nhà thuốc để được điều trị theo hướng chuyên trị hơn.
Bấm vào đây để vào mục Câu Hỏi Cho Bệnh Trào Ngược Dạ Dày. Bấm vào đây để đến mục Gửi Bệnh Án để điền thông tin gửi đến nhà thuốc.
TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY
I) Khái Niệm:
Trào ngược dạ dày ( GERD ) là sự xuất hiện triệu chứng hoặc sự tổn hại một tổ chức của dạ dày, tá tràng do tình trạng đi ngược lên của đồ ăn trong dạ dày đi lên thực quản, thường có kèm theo viêm thực quản. Trên lâm sàng thường lấy biểu hiện chủ yếu là ợ chua, ợ nóng, nóng đau sau vùng xương ức. Chứng này thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến ăn uống, giấc ngủ, công việc. Trong Đông y chứng này thường thuộc phạm trù chứng “thổ toan” ( nôn chua ), “tào tạp” ( cồn cào ). “ế cách” ( nghẹn ), “ẩu thổ” ( nôn mửa ), “phiên vị” ( ăn vào nôn ra ).
Dạ dày ở trạng thái bình thường và phát bệnh
II) Bệnh danh:
1 – Thổ toan:
Tên gọi “thổ toan” ( nôn ra dịch chua ) đầu tiên được chép trong sách Nội Kinh. Trong thiên “Chí Chân Yếu Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “Các chứng nôn mửa ra dịch chua, cầu lỏng liên tục, sau đại tiện lại muốn đi tiếp thì nguyên nhân là do nhiệt” ( 诸呕吐酸,暴注下迫,皆属
于热 – Chư ẩu thổ toan, bạo chú hạ bách, giai thuộc ư nhiệt ) hoặc “Khí thiếu dương mạnh lên thì nôn nước chua, mau đói bụng” ( 阳之胜… 呕酸善饥 – Thiếu dương chi thắng… ẩu toan thiện cơ ).
2 -Tào Tạp ( cồn cào ):
Sách “Cảnh Nhạc Toàn Thư” chép: “chứng cồn cào lúc phát lúc ngừng, khi phát bệnh thì cảm giác trong bụng trống rỗng giống như không có gì, giống như đói mà không đói, giống cảm giác cay mà không cay, giống đau mà không đau, ngực bụng bồn chồn rất khó diễn tả, hoặc ăn vào thì giảm dần, hoặc sau khi ăn thì lại cồn cào, hoặc có kèm theo nôn nao rồi dần dần thấy đau dạ dày” ( 嘈杂一症,或作或止,其为病也,则腹中空空, 若无一物, 似饥非饥,似辣非辣, 似痛非痛,胸膈 懊憹,莫可名状,或得食暂止,或食已复嘈,或兼恶 心, 而渐见胃脘作痛 – Tào tạp nhất chứng, hoặc tác hoặc chỉ, kỳ vi bệnh dã, tắc phúc trung không không, nhược vô nhất vật, tự cơ phi cơ, tự lạt phi lạt, tự thống phi thống, hung cách áo não, mạc khả dang trạng, hoặc đắc thực tạm chỉ, hoặc thực dĩ phục tào, hoặc kiêm ố tâm, nhi tiệm kiến vị quản tác thống ).
3 – Vị thống ( đau dạ dày ):
Tên gọi “Vị thống” được chép đầu tiên trong thiên “Chí Chân Yếu Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “Những ngày khí quyết âm làm chủ thì phong khí mạnh… con người sẽ dễ mắc bệnh đau dạ dày vùng sát tim” ( 厥阴司天,风淫所胜… 民病胃脘当心而痛 – Quyết âm tư thiên, phong dâm sở thắng… dân bệnh vị quản đương tâm nhi thống ), hoặc ở thiên “Tý Luận” chép: “Ăn uống quá độ sẽ tổn thương trường vị” ( 饮食自倍,肠胃乃伤 – Ẩm thực tự bồi, trường vị nãi thương ).
4 – Ế cách ( nuốt nghẹn ):
Đối với chứng ế cách, sách “Minh Y Chỉ Chưởng” chép: “Nguyên nhân gây ra chứng ế cách đa phần là do tình chí uất ức. Uất ức thì khí kết ở vùng lồng ngực mà sinh đàm, đàm kết lâu ngày thành khối, bám dính ở thượng tiêu, thực quản bị hẹp lại không thông, uống nước có thể nuốt được, nhưng nuốt đồ ăn thì khó mà thành bệnh” ( 膈病多起于忧郁,忧郁则气结于胸臆而生痰, 久则痰结成块,胶于上焦,道路窄狭,不能宽畅,饮则可入,食则难入,而病已成矣 – Cách bệnh đa khởi ư ưu uất, ưu uất tắc khí kết ư hung ức nhi sinh đàm, cửu giả đàm kết thành khối, giao ư thượng tiêu, đạo lạc hiệp trách, bất năng khoang sướng, ẩm tắc khả nhập, thực tắc nan nhập, nhi bệnh dĩ thành hĩ ).
Tổng hợp các chứng kể trên có thể thấy: Thổ toan, thôn toan, tào tạp, vị thống, ế cách đều là do vị khí đi nghịch lên trên mà gây ra, vị trí bệnh, tính chất và biểu hiện lâm sàng của bệnh với biểu hiện lâm sàng của chứng trào ngược về cơ bản đều là một. Vì vậy trào ngược dạ dày thuộc vào phạm trù của các chứng kể trên.
III) Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh:
1 – Cảm nhiễm ngoại tà ( cảm nhiễm do thời tiết thái quá ):
Sinh hoạt không điều độ, không biết bảo vệ cơ thể đúng cách, khí nghịch lên trên thì có thể gây ra nôn nước chua. Ở mục “Thôn Toan” sách “Cảnh Nhạc Toàn Thư” chép: “Thường thì cơ da nhiễm phong hàn nặng thì đa phần sẽ nôn ra nước chua, đó là phong hàn nhiễm theo hô hấp, khí tạng phủ thông với mũi, khi phong hàn đi vào kinh lạc thì đầu tiên đi vào các du huyệt ở lưng, vì vậy khi phong hàn đã đi vào thì tính dương hòa trong dạ dày sẽ bị đè nén dẫn đến ứ đọng dịch chất bên trong mà thành nôn ra nước chua”.
2 – Ăn uống không điều độ:
Ăn quá nhiều đồ ăn sống lạnh, béo ngọt, cay, hoặc ăn quá nhiều, quá no khiến tổn thương đến Tỳ – Vị, Tỳ – Vị mất đi sự kiện vận, chức năng ngấu nhừ đồ ăn uống kém dần, công năng hấp thụ chuyển hóa, thăng giáng của Tỳ – Vị giảm sút, tinh chất của đồ ăn thức uống không đi xuống mà lại đi ngược lên trên khiến ợ ra đồ ăn, nước chua, nặng thì sinh nôn mửa. Ở mục “Thố Yến Chứng Trị” sách “Tam Nhân Cực Nhất Bệnh Chứng Phương Luận” chép: “Phàm khi dạ dày có nước thì cồn cào, có đồ ăn thì chua, sau khi ăn ợ chua nôn chua đều là thuộc chứng túc thực ( thức ăn tồn đọng ), thường gọi là chứng ế toan”.
3 – Tình chí thất điều ( áp lực tinh thần ):
Can ( gan ) và vị ( dạ dày ) có mối quan hệ tương thừa ( thừa thế mạnh của mình để làm yếu cái khác ) và tương khắc ( khắc chế ), Can thuộc mộc, Vị thuộc thổ. Can là tạng cương, tính chất thích sự điều đạt, chủ về sơ tiết ( làm chủ công năng sơ thông và bài tiết của cơ thể ). Nếu tinh thần bị áp lực, lo lắng giận dữ sẽ khiến cho khí cơ đình trệ, khí uất tổn thương đến Can, Can khí nghịch lên phạm vào Vị, Vị mất đi công năng hòa giáng, dịch chất đi lên trên khiến nôn chua, ợ hơi. Mục “thôn toan” trong sách “Lâm Chứng Bí Lục” chép: “Trong dạ dày có dịch chua, cồn cào có cảm giác nóng như xát ớt, nguyên nhân đa phần là do Can khí phạm vị”.
4 – Lao lực quá độ hoặc bệnh lâu ngày tổn thương Tỳ:
Người bệnh do lao lực quá độ hoặc bệnh nặng lâu ngày tổn thương Tỳ, Tỳ khí hư nhược tà khí bên trong và bên ngoài thừa lúc đó mà xâm nhập, thấp nhiệt sinh ra bên trong, Tỳ mất đi sức kiện vận, Vị mất đi công năng hòa giáng, khí nghịch lên trên mà gây ra ợ hơi nuốt chua. Ở mục “Tỳ Vị Khuy Tổn Thôn Toan Ái Hủ Đẳng Chứng” sách “Nội Khoa Trích Yếu” có chép: “Tỳ Vị bị hư tổn thì sẽ bị nuốt chua ợ ra đồ ăn” ( 脾胃亏损, 吞酸嗳腐 – Tỳ Vị khuy tổn, thôn toan ái hủ ).
IV) Phép trị:
1 – Nguyên tắc điều trị:
a) Phép điều bổ tỳ vị:
Chứng này chủ yếu là do gốc bệnh là hư ngọn của bệnh là thực. Tỳ Vị hư nhược, hấp thụ chuyển hóa rối loạn mà phát sinh bệnh tật. Vì vậy dùng phép trị bổ Tỳ – Vị để trị gốc bệnh. Phép trị này thường được dùng trong sách “Cảnh Nhạc Toàn Thư”, Trương Giới Tân đưa ra phép trị ôn bổ Tỳ – Vị để trị chứng nuốt chua, nôn chua: “Tỳ vị khí hư và người trung niên suy nhược khiến ăn uống giảm sút, thường hay nuốt chua, nôn chua thì nên dùng phép trị ôn bổ Tỳ – Vị, dùng các thang Lý Trung Thang, Ôn Tỳ Ẩm, Thánh Truật Tiễn để chủ trị, tuyệt đối tránh các loại thuốc hàn, lương, tiêu hao. Ở mục “Thổ Toan Thôn Toan” sách “Minh Y Tạp Trước” có chép: “Nếu xét khám thấy Tỳ khí hư mà ăn uống không hấp thụ chuyển hóa, dịch chất không đi xuống được thì nên dùng Lục Quân Tử Thang để bổ dưỡng cho Vị là chính, kết hợp thêm Việt Cúc Hoàn để thanh trung ( làm mát bên trong ).
b) Phép sơ can hòa vị ( sơ thông cho Can, hòa giáng cho Vị ):
Chua là vị của Can, thuộc Mộc. Can khí ứ trệ, uất nên hóa hỏa, Tỳ – Vị hư nhược, Can khí nghịch lên mà phạm vào Vị, Vị mất đi chức năng hòa giáng mà phát bệnh. Vì vậy phép “sơ can hòa vị” là phép kinh điển dùng xưa nay. Ở mục “Ẩu Thổ Uyết” sách “Trương Thị Y Thông” có chép: “Nếu trong Vị có thấp khí uất mà thành tích, thì đó là do thấp uất sinh nhiệt, theo mộc ( Can ) hóa hỏa mà sinh ra nôn nước chua, lâu ngày không khỏi, Can mộc ngày càng mạnh, Vị thổ ngày càng suy. Cần phải bình ( thăng bằng ) cho Can – Vị, dùng phương Tiêu Dao Tán uống với Tả Kim Hoàn. Nếu đồ ăn đình trệ bên trong dạ dày thì dùng Bình Vị Tán gia Bạch đậu khấu, Hoắc hương, Sa nhân, Thần khúc.
c) Phép thanh hóa thấp nhiệt:
Tỳ – Vị hư nhược không vận hóa được thủy thấp nên xuất hiện thấp nhiệt, lúc này phép phép trị cần phải kiêm trị cả gốc lẫn ngọn bệnh, vừa phải kiện tỳ đồng thời lại phải thanh hóa thấp nhiệt. Ở mục “Ế Toan Tận Vi Ư Thực Đình” sách “Y Học Truyền Tâm Lục” có chép: “Ợ chua… nôn chua… đều là do Tỳ hư không thể vận hóa được đồ ăn thức uống, uất tích lâu ngày mà sinh thấp nhiệt, nhiệt chưng bốc dần dần thành chua. Dùng Bình Vị Tán gia Thần khúc, Mạch nha, Sơn tra thán, Thảo quả, Ngô thù du, Hoàng liên, Chỉ thực để trị”.
d) Phép gốc ngọn cùng trị:
Đối với phép trị hư thực trong chứng này, ở mục “Thôn Toan” sách “Cảnh Nhạc Toàn Thư” Trương Cảnh Nhạc chép: “Phép trị chứng nuốt chua, nôn chua thì cần phân biệt nặng nhẹ của hư thực, khỏe yếu của tuổi tác, bệnh đang ở thế thực thì nên trị ngọn; ở thế hư thì nên trị gốc”. Nói cách khác chứng này tà thực là ngọc, chính hư là gốc. Tà thực rõ rệt thì cần khu tà, nhưng đối với chứng hư thì phép trị cần kết hợp trị cả gốc ngọn, luôn luôn phải nhớ điều bổ Tỳ – Vị.
2) Điều trị lâm sàng:
a) Thổ toan:
- Thể trung hư khí nghịch:
Chứng trạng: Nôn ra nước chua hoặc ợ ra nước chua, ợ hơi, dạ dày căng đầy, ăn uống không biết ngon, tinh thần mệt mỏi vô lực, đại tiện lỏng nhão. Rêu lưỡi mỏng, sắc đỏ nhạt, mạch tế – nhược.
Phép trị: Kiện tỳ hòa vị, sơ can giáng nghịch
Phương thang: Lục Quân Tử Thang hợp Tứ Nghịch Tán gia: Bán hạ, Trần bì, Tuyền phúc hoa, Đại giả thạch, Sa nhân, Sinh khương.
- Thể Can – Vị uất nhiệt:
Chứng trạng: Nóng trong lồng ngực, nôn ra nước chua, dưới xương ức nóng đau, dạ dày nóng đau, bụng trên trướng đầy, ợ hơi, ợ ra thức ăn, tâm phiền dễ giận, cồn cào mau đói. Lưỡi đỏ, rêu vàng. Mạch huyền.
Phép trị: Sơ can tiết nhiệt, hòa vị giáng nghịch.
Phương thang: Sài Hồ Sơ Can Tán hợp Tả Kim Hoàn.
- Thể đởm nhiệt phạm vị:
Chứng trạng: Miệng đắng họng khô, nóng lồng ngực, bụng sườn căng đau, nôn chua, ợ hơi nôn ra nước, tâm phiền mất ngủ, cồn cào mau đói. Lưỡi đỏ rêu nhớt. Mạch huyền.
Phép trị: Thanh hóa đởm nhiệt, giáng khí hòa vị.
Phương thang: Sài Cẩm Ôn Đởm Thang Gia Giảm.
- Thể khí uất đàm trở:
Chứng trạng: hầu họng khó chịu, có đàm cứng, khó chịu vùng ức, ợ hơi hoặc nôn ra nước, nuốt khó, mất tiếng, nửa đêm ho nhiều. Rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch huyền.
Phép trị: Khai uất hóa đàm, giáng khi hòa vị.
Phương thang: Tuyền Phúc Hoa Đại Giả Thạch Thang hợp Bán Hạ Hậu Phác Thang Gia Giảm.
- Thể huyết ứ lạc mạch:
Chứng trạng: Sau xương ức nóng đau hoặc đau châm chích, sau lưng đau, nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen, nóng trong lồng ngực, nôn ra nước chua, ợ hơi, dạ dày đau âm ỉ. Sắc lưỡi đỏ tía tối, hoặc có các chấm đỏ. Mạch sáp.
Phép trị: Hoạt huyết hóa ứ, hành khí thông lạc.
Phương thang: Huyết Phủ Trục Ứ Thang Gia Giảm.
b) Tào tạp ( cồn cào ):
- Thể huyết hư:
Chứng trạng: Trong dạ dày cồn cào, kèm theo các biểu hiện sắc mặt trắng bệch, môi nhợt, đầu choáng hồi hộp, mất ngủ mộng mị. Chất lưỡi nhạt. Mạch tế, nhược.
Phép trị: Ích khí dưỡng huyết hòa trung.
Phương thang: Quy Tỳ Thang.
- Thể vị nhiệt:
Chứng trạng: Cồn cào kèm theo trạo trực khó chịu trong dạ dày, miệng khát thích uống nước mát, trong miệng có mùi hôi, bồn chồn trong lồng ngực, ăn nhiều mau đói, hoặc giống như đói mà không phải đói. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng – khô. Mạch hoạt, sác.
Phép trị: thanh nhiệt hóa đàm hòa trung.
Phương thang: Ôn Đởm Thang Gia Vị.
- Thể vị hư:
Chứng trạng: cồn cào lúc có lúc không, miệng nhạt không có vị, sau ăn bụng trướng, không muốn ăn uống. Chất lưỡi nhạt. Mạch hư.
Phép trị: Kiện tỳ ích vị hòa trung.
Xử phương: Tứ Quân Tử Thang Gia Vị.
c) Vị thống ( đau dạ dày ):
- Thể hàn tà khách vị ( Phong hàn xâm nhập vào vị ):
Chứng trạng: dạ dày đau dữ dội, nặng thì đau co rút, gặp nóng đỡ đau, gặp lạnh đau tăng, miệng nhạt không khát, hoặc thích uống ấm. Rêu trắng, mỏng. Mạch huyền, khẩn.
Phép trị: Ôn vị tán hàn, lý khí chỉ thống.
Phương thang: Lương Phụ Hoàn.
- Thể ẩm thực đình trệ ( thức ăn đình trệ bên trong ):
Chứng trạng: Sau khi ăn uống quá no dạ dày có biểu hiện phát đau, đầy trướng không tiêu, đau đớn không chạm vào được, ăn vào càng đau, ợ hôi nuốt chua, hoặc nôn mửa ra đồ ăn không tiêu, mùi đồ ăn nôn ra hôi thối, sau khi nôn ra thì đỡ đau, không thích ăn hoặc biếng ăn, đại tiện không chặt, nếu đánh rắm được hoặc sau đại tiện thì dễ chịu. Rêu lưỡi dày, nhớt. Mạch hoạt, có lực.
Phép trị: Tiêu thực đạo trệ, hòa vị chỉ thống.
Phương dược: Bảo Hòa Hoàn.
- Thể can khí phạm vị:
Chứng trạng: Dạ dày trướng đau, đau gò từng cơn, đau từ dạ dày kéo xuống sườn, ngực đầy ợ hơi, thích thở dài, đại tiện không thông, ợ hơi hoặc đánh rắm thì dễ chịu, gặp chuyện phiền não giận dữ thì phát bệnh hoặc bệnh nặng hơn. Rêu trắng, mỏng. Mạch huyền.
Phép trị: Sơ can lý khí, hòa vị chỉ thống.
Phương thang: Sài Hồ Sơ Can Tán.
- Thể can – vị uất nhiệt:
Chứng trạng: Dạ dày nóng đau, đau liên tục, thích lạnh ghét nóng, gặp lạnh thì đỡ hơn, tâm phiền dễ giận dữ, ợ chua cồn cào, miệng khô không đắng. Lưỡi đỏ ít rêu. Mạch huyền – sác.
Phép trị: Sơ can lý khí, tiết nhiệt hòa trung
Phương thang: Đơn Chi Tiêu Dao Tán hợp Tả Kim Hoàn.
- Thể ứ huyết đình trệ:
Chứng trạng: Dạ dày đau, đau như dùi đâm dao cắt, vị trí đau không nhất định, ấn vào đau tăng, sau khi ăn thì đau tăng mạnh, về đêm đau tăng, hoặc có nôn ra máu, cầu phân đen. Sắc lưỡi đỏ tía tối hoặc có các chấm đỏ. Mạch sáp.
Phép trị: Hoạt huyết hóa ứ, lý khí chỉ thống.
Phương thang: Thất Tiếu Tán Hợp Đan Sâm Ẩm.
- Thể tỳ – vị thấp nhiệt:
Chứng trạng: Dạ dày nóng rát đau, cồn cào ợ chua, miệng khô đắng, khát không muốn uống, có cảm giác ngọt dính nhớt trong miệng, ăn đồ ngọt thì tiết ra nước chua, ăn kém lợm giọng buồn nôn, thân mình nặng nề mệt mỏi, tiểu tiện sắc vàng, đại tiện không thông. Rêu lưỡi vàng – nhớt. Mạch hoạt – sác.
Phép trị: Thanh nhiệt hóa thấp, lý khí hòa trung
Phương thang: Thanh Trung Thang.
- Thể vị âm hư:
Chứng trạng: Dạ dày nóng đau âm ỉ, giống như đói mà không muốn ăn, miệng ráo họng khô, khát nước muốn uống, người gầy vô lực, đại tiện khô cứng. Sắc lưỡi đỏ, khô hoặc bóng sáng không rêu. Mạch tế – sác.
Phép trị: Dưỡng âm ích vị, hòa trung chỉ thống.
Phương thang: Ích Vị Thang Hợp Thược Dược Cam Thảo Thang.
- Thể tỳ – vị hư hàn:
Chứng trạng: Dạ dày đau âm ỉ, đau kéo dài không dứt, gặp lạnh thì đau, khó chịu, thích ấm và thoa dầu, bụng đói đau tăng, ăn vào đỡ đau, sau khi làm việc nhiều, hoặc ăn đồ lạnh, hoặc gặp gió thì phát đau hoặc đau nặng hơn, ợ ra nước chua, ăn kém, tinh thân mệt mỏi vô lực, chân tay không ấm, đại tiện lỏng nhão. Rêu lưỡi trắng, sắc lưỡi đỏ nhạt. Mạch hư, nhược.
Phép trị: Ôn trung kiện tỳ, hòa vị chỉ thống.
Phương thang: Hoàng Kỳ Kiến Trung Thang.
d) Ế cách
- Thể thất tình uất kết
Chứng trạng: nuốt nghẹn, vùng thượng vị đau, bụng trướng đầy, tâm phiền dễ giận. Sắc lưỡi đỏ tối, rêu vàng. Mạch huyền.
Phép trị: Sơ can khai uất
Phương thang: Thất Khí Thang gia Uất kim, Qua lâu, Sa nhân, Mộc hương.
- Thể khí uất đàm trở
Chứng trạng: vùng lồng ngực đầy tức có lúc đau, ăn vào nuốt nghẹn đồ ăn không xuống dạ dày được, khi nôn ra đồ ăn có lẫn đàm, nếu tinh thần thoải mái thì giảm nhẹ, ợ hơi nấc cục, nôn ra đàm, miệng khô họng ráo, đại tiên khó, sắc lưỡi đỏ. Rêu mỏng nhớt. Mạch huyền hoạt.
Phép trị: Hóa đàm hạ khí khai uất.
Phương thang: Có thể linh động dùng các thang như: Điều Đàm Hoàn, Tứ Thất Thang, Đinh Trầm Thấu Cách Thang.
- Thể thấp nhiệt uẩn kết
Chứng trạng: Ăn vào nuốt nghẹn mà đau, uống nước thì nuốt được, sau khi ăn vào lại trồi ra, ngực lưng nóng đau, thân hình gầy, da dẻ khô ráo, lòng bàn tay – chân – ngực nóng, miệng khô họng ráo, khát nước muốn uống nước mát, đại tiện khô cứng. Lưỡi đỏ – khô, hoặc mặt lưỡi nứt. Mạch huyền – tế – sác.
Phép trị: Dưỡng âm sinh tân, tả nhiệt tán kết
Phương thang: Sa Sâm Mạch Đông Thang.
- Thể huyết ứ
Chứng trạng: Ăn vào nuốt nghẹn, vùng thượng vị đau, nặng thì nước nuốt cũng không xuống, ăn vào nôn ra, sắc mặt tối ám, da dẻ khô ráo, thân mình gầy, đại tiện như phân dê, hoặc nôn chất như nước đậu đỏ, hoặc đi cầu ra máu. Sắc lưỡi tía tối, hoặc sắc lưỡi đỏ khô. Mạch tế – sáp.
Phép trị: Phá kết hành ứ, tư âm dưỡng huyết.
Phương thang: Thông U Thang.
- Thể khí hư dương vi
Chứng trạng: ăn vào nuốt nghẹn, tình trạng không ngừng gia tăng, ăn nuốt không xuống, sắc mặt trắng nhợt, tinh thần mệt mỏi, mình lạnh thở ngắn, mặt phù chân thũng, nôn ra nước trong, bụng trướng cầu lỏng. Sắc lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng. Mạch tế – nhược.
Phép trị: Ôn bổ tỳ – thận, ích khí hồi dương.
Phương thang: Nếu ôn bổ tỳ thì dùng phương Bổ Khí Vận Tỳ Thang; Nếu ôn thận thì dùng phương Hữu Quy Hoàn.
V) Dự phòng tái phát và điều dưỡng:
Cũng như ở chứng đau dạ dày, Đối với người bệnh trào ngược dạ dày, trào ngược thực quản cũng cần xem trọng về điều dưỡng sinh hoạt, nhất là điều dưỡng phương diện ăn uống và tinh thần. Ăn uống cần ăn ít và chia ra thành nhiều bữa, dinh dưỡng đầy đủ, thực phẩm cần thanh đạm dễ tiêu, không nên uống quá nhiều rượu và ăn đồ sống lạnh – cay nóng, tránh đồ ăn cứng, khó tiêu, không ăn no uống nhiều, hoặc đừng để đói no thất thường; Tránh lao động quá sức, cần có chế độ nghỉ ngơi thích hợp khi đang mang bệnh hoặc đang điều trị bệnh. Đặc biệt về mặt tinh thần cần để ý những tình trạng và hoàn cảnh có thể dẫn đến kích động hoặc áp lực tâm lý dẫn đến không kiểm soát được được tình chí của mình. Có như vậy mới có thể giảm nhẹ hoặc để phòng tình trạng tái phát của chứng trào ngược.
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường.