Bài viết chỉ mang tính tham khảo và phổ biến. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và điều trị đúng hướng dẫn trong bài viết thì người bệnh có thể tự điều trị được cho mình. Nếu bệnh ở mức độ nặng, lâu ngày, điều trị không hiệu quả thì bệnh nhân gửi thông tin cho nhà thuốc để được điều trị theo hướng chuyên trị hơn.
Bấm vào đây để vào mục Các Câu Hỏi Cho Bệnh Kinh Tọa. Bấm vào đây để đến mục Gửi Bệnh Án và điền thông tin gửi đến nhà thuốc.
ĐAU THẦN KINH TỌA
Chứng đau thần kinh tọa thuộc phạm trù “tý chứng” (Tý chứng là các bệnh đau nhức – tê bại nguyên nhân do phong – hàn – thấp tà gây ra)trong Đông y, thường có các tên gọi như “tọa thống phong”, “yêu cước thống”, “đồn cước thống”, “tọa điển phong”… Trên lâm sàng thường luận trị dựa trên Phong – Hàn – Thấp, Ngoan tý và Cân tý. Sách “Hoàng Đế Nội Kinh” từ lâu đã có luận rất rõ về phạm trù tý chứng, trong đó bao gồm cả chứng đau thần kinh tọa. Thánh y Trương Trọng Cảnh đời Hán đối với chứng thống phong và phong thấp tý có đưa ra hai phương thang là Cam Thảo Phụ Tử Thang và Ô Đầu Thang để điều trị, cho đến ngày nay vẫn còn được ứng dụng trên lâm sàng. Trong giai đoạn đời Đường – Tống, phương pháp điều trị phát triển hơn và có hiệu quả hơn, ngoài việc uống thuốc ra còn thêm châm cứu, uống rượu thuốc, dán thuốc cao. Đến thời Kim – Nguyên, gọi chung chứng này với thống phong là một, giúp phong phú hơn cho việc mở rộng cái nhìn về bệnh cơ của chứng này. Đến đời Minh – Thanh nhận thức về bệnh này càng có chiều sâu hơn, y gia Vương Thanh Nhậm ở thời này có đưa ra quan điểm chứng này do huyết ứ gây bệnh và sáng tạo ra phương thang Thân Thống Trục Ứ Thang cho đến ngày nay vẫn còn sự ảnh hưởng quan trọng trên lâm sàng.
Để thuận tiện trong việc phổ biến kiến thức về chứng này, chúng tôi mượn tên gọi “thần kinh tọa” để dễ mô tả và dễ chuyển tải thông tin đến với người bệnh.
Đau thần kinh tọa là nói đến tình trạng đường đi của thần kinh tọa và vùng phân bố của nó bị đau. Dựa trên tính chất của bệnh được phân thành hai loại là cấp tính và mạn tính. Chứng này đa phần phát ở một bên, thường thấy xuất hiện ở người nam thanh niên. Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa rất phức tạp và phát bởi rất nhiều yếu tố, thường hay tái phát liên tục. Y học hiện đại trên lâm sàng chủ yếu là điều trị đối phó là chính, thường hiệu quả rất thấp.
A) Nguyên Nhân Và Cơ Chế Gây Bệnh:
Nguyên nhân gây ra chứng đau thần kinh tọa đều được thống nhất bởi các y gia xưa và nay, lấy ngoại tà ( Phong – Hàn – Thấp ) và tổn thương là nguyên nhân chính. Các nguyên nhân đó được khái quát như sau:
Hàn thấp xâm tập: Chứng này nguyên nhân đa phần là do người bệnh sinh sống nơi ẩm thấp lạnh lẽo, không sử dụng các biện pháp phòng lạnh, hoặc thường xuyên dãi dầm mưa gió, làm việc trong môi trường nước, qua nhiều ngày tháng khiến cho hàn thấp trở trệ kinh mạch, khí huyết vận hành không thông, không thông thì gây đau. Hàn – thấp đều là âm tà, hàn chủ co rút, thấp tính dính trệ, cho nên khiến cho lưng đùi co rút đau đớn, co duỗi khó khăn, đa phần tê dại sợ lạnh, bệnh thường xuyên tái phát, kéo dài triền miên. Nếu bệnh kéo dài lâu ngày thì uất lâu hóa nhiệt cũng có thể xuất hiện chứng hỏa nhiệt thương cân ( hỏa nhiệt làm tổn thương gân mạch ).
Can thận âm hư: Cơ thể bẩm tố hư nhược khiến không đủ lực để tự kháng tà ra ngoài, hàn tà dần dần đi sâu vào bên trong, đến mùa đông bệnh phát tác, khiến can thận bất túc, gân cốt mất đi sự nuôi dưỡng dẫn đến co rút kéo xuống đến ngón chân, lưng – mông – chân đau nhức, cử động đau tăng.
Khí trệ huyết ứ hoặc do ngoại tà xâm tập lâu ngày lưu ở gân mạch; hoặc do té ngã tổn thương, khí huyết tắc nghẽn. Kinh mạch tắc trở, huyết không lưu thông lâu ngày sinh ra huyết ứ, đình lưu ở cân cốt. Huyết ứ thì cơn đau cố định, đau châm chích là chính.
B) Biện Chứng Phân Loại:
-
Hàn thấp xâm tập:
- Biểu hiện lâm sàng là cẳng chân co rút đau nhức. Tà đi vào kinh Thiếu dương thì đau nhức đa phần men theo bên ngoài lưng – đùi; tà đi vào kinh túc Thái dương thì cơn đau men theo mặt sau lưng – đùi. Gặp trời lạnh thì đau tăng, ban đêm đau nhiều, chườm ấm thì dễ chịu, cục bộ vùng đau thường lạnh. Hoặc cơ thể nặng nề, đa phần cơ thịt tê dại. Mạch trầm, sáp hoặc khẩn; rêu lưỡi mỏng trắng hoặc trắng – nhớt.
-
Can Thận Bất Túc:
- Biểu hiện lâm sàng thường là lưng đùi mỏi mềm vô lực, thỉnh thoảng co rút gân cơ, đi lại khó khăn. Lao động quá sức thì đau tăng, khi nằm thì đỡ đau. Trong người phiền táo cáu gắt, có mồ hôi trộm, choáng váng ù tai, mặt đỏ nóng, đêm về tiểu nhiều, đại tiện bón. Mạch tế hoặc tế sác. Rêu lưỡi đỏ mà ít.
-
Khí Huyết Ứ Trệ:
- Tình trạng bệnh kéo dài, lâu ngày không khỏi hoặc té ngã tổn thương. Biểu hiện cơn đau kịch liệt, đau như dùi đâm hoặc đau tê bại mất cảm giác, vùng chân đau không thể co duỗi được, ấn vào các huyệt mặt sau bên ngoài có cảm giác đau rõ rệt. Mạch tế – sáp hoặc trầm – trì. Trên mặt lưỡi có các nốt ứ huyết.
Ngoài các triệu chứng kể trên, còn có các chứng đau nguyên nhân do sang chấn hoặc tiền sử sang chấn do lao động nặng nhọc, sau khi bị tổn thương xuất hiện các triệu chứng đặc trưng như trên, các thể này đều quy vào phạm vi chứng khí huyết ứ trệ. Ngoài ra cũng còn có các chứng được phân theo mức độ nặng nhẹ, tùy theo mức độ cơn đau.
C) Phương Thang Kinh Nghiệm Điều Trị Thần Kinh Tọa
1 – Đau do hàn thấp cảm nhiễm:
Pháp trị:
Tán hàn trừ thấp, ôn thông kinh mạch.
Phương thang:
Xuyên ô 6 – 12g ( sắc trước 2 tiếng đồng hồ ).
Ma hoàng 6g
Bạch thược 14g
Ma hoàng 14g
Tế tân 4g
Địa long 16g
Uy linh tiên 16g
Chích cam thảo 8g
Xuyên khung 8g
Gia giảm: Hai chân nặng nề gia Phòng kỷ, Khương hoạt; nếu cục bộ tê dại thì gia Đương quy, Kê huyết đằng; nếu co rút đau nhức thì gia Mộc qua, nếu nóng thì gia Tri mẫu, Hoàng bá.
Cách dùng: Sắc uống. Mỗi lần uống 1 thang, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Các loại thuốc thành phẩm thường dùng: Quyên Tý Thang, Ma Hoàng Phụ Tử Tế Tân Thang, Ma Hoàng Gia Truật Thang, Tiểu Hoạt Lạc Đơn, Thận Trước Thang.
2 – Can Thận Âm Hư:
Pháp trị:
Tư thận dưỡng can, tráng cân chỉ thống.
Phương Thang:
Quế chi 30 – 60g
Sinh hoàng kỳ 20 – 30g
Tục đoạn 10 – 20g
Độc hoạt 10g
Đương quy 10g
Bạch thược 10g
Ký sinh 30g
Ngưu tất 30 g
Đỗ trọng 20g
Sinh địa 30g
Gia giảm: Bệnh lâu ngày thì gia Ngũ linh chi, Xuyên sơn giáp, Một dược; nếu sốt nóng thì gia tri mẫu.
Cách dùng: Sắc uống. Mỗi lần dùng 1 thang. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
D) Phương Thang Kinh Nghiệm Lâm Sàng
-
Bổ Dương Hoàn Ngũ Thang.
Thành phần:
Hoàng kỳ 40g
Quy vĩ 16g
Xích thược 16g
Địa long 16g
Quế chi 12g
Xuyên khung 10g
Kê huyết đằng 16g
Đào nhân 10g
Hồng hoa 10g
Cam thảo 4g
Ngưu tất 10g
Gia giảm:
Nếu thiên về hàn nặng thì bỏ Ý dĩ nhân, gia Chế mã tiền, Tế tân, Ngũ gia bì; nếu thiên về nhiệt nặng thì gia Tri mẫu, Hoàng bá; Nếu huyết ứ nặng thì gia Cốt toái bổ, Thỏ ty tử.
Cách dùng:
Sắc uống. Chia ra làm 3 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang.
2 – Xuyên Thạch Thông Tý Thang
Thành phần:
Xuyên sơn giáp 30g
Đan sâm 14g
Ý dĩ nhân 20g
Diên hồ sách 14g
Hoàng kỳ 16g
Thục địa 16g
Đương quy 10g
Địa long 10g
Ngưu tất 10g
Cam thảo 8g
Xích thược 14g
Bạch thược 14g
Gia giảm:
Thiên về hàn nặng thì bỏ Ý dĩ nhân, gia Thương truật, Độc hoạt, Tế tân, Chế xuyên ô; Nếu thiên về nhiệt nặng thì bỏ Hoàng kỳ, gia Phòng kỷ, Hoàng bá, Mộc thông, Kỷ tử, Hy thiêm thảo, Chích cam thảo thay cho sinh Cam thảo; nếu thiên về huyết ứ trệ thì gia Đào nhân, Hồng hoa, Sơn giáp châu, Thổ miết trùng; nếu thiên về âm hư nội nhiệt thì bỏ Hoàng kỳ, gia Sinh địa, Hạn liên thảo, Nữ trinh tử, Sa sâm, Địa cốt bì, Tri mẫu, Đơn bì; bệnh lâu ngày tổn thương lạc mạch thì gia Ngô công, Toàn yết, Bạch hoa xà, Thận trùng.
Cách dùng: Sắc uống, ngày uống 2 lần, mỗi ngày 1 thang.
3 – Huyết Tả Tán
Thành phần:
Huyết kiệt 12g
Chế mã tiền 40g
Chế nhũ hương 8g
Mộc qua 12g
Độc hoạt 12g
Mộc thông 12g
Mộc phòng kỷ 12g
Ngô công 3 con
Các vị nghiền mịn, trộn lẫn với Huyết kiệt, Chế mã tiền, bỏ vào trong lọ dùng dần cho hết.
Cách dùng:
Uống thuốc với rượu trắng hoặc nước ấm. Lúc mới uống thì mỗi lần dùng 2g, dần dần tăng lên thành 3g. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 lần.
Kiêng kỵ:
Không ăn đồ tanh.
4 – Xà Yết Tán
Thành phần:
Trảm xà
Toàn yết
Ngô công
Thành phần bằng nhau, tán bột.
Cách dùng:
Mỗi ngày dùng 3g, chia ra 3 lần, 10 ngày là một liệu trình.
5 – Mã Tiền Tử Hoàn
Thành phần:
Mã tiền
Ma hoàng
Chế thảo ô
Ngưu tất
Thương truật
Nhũ hương
Một dược
Cương tàm ( sao )
Toàn yết ( sao )
Chích cam thảo
Các vị cùng trọng lượng
Gia giảm:
Nếu đau thắt lưng thì gia Đỗ trọng ( cùng cân lượng ); Nếu thấp nặng thì gia Phòng kỷ ( cùng cân lượng ).
Cách dùng:
Mã tiền cần phải bào chế nghiêm ngặt.
Cách chế:
Cho Mã tiền vào trong nồi có cát hoặc nồi đồng, thêm lượng nước thích hợp, đồng thời cho thêm vào đậu xanh nấu chung, chờ đến khi đầu xanh nở ra thì bỏ Mã tiền vào trong nước lạnh, bỏ vỏ cắt thành từng lát mỏng, tán mịn.
E) Châm Cứu Điều Trị Đau Thần Kinh Tọa
-
Thể Châm:
Chọn huyệt:
Chủ huyệt:
Hoàn khiêu ( hoặc Trật biên ), Dương lăng tuyền.
Huyệt phối:
Nếu tà phạm vào Túc thái dương kinh thì gia Ủy trung, Bát tủy, Thừa sơn, Côn lôn, An môn; nếu tà phạm vào kinh túc Thiếu dương thì gia Tuyệt cốt, Khâu khư; nếu bệnh lâu ngày thì gia Thận du.
Thao tác châm:
Chọn các chủ huyệt, gia thêm các huyệt phối hợp. Huyệt hoàn khiêu châm sâu, Chuyển kim rộng kết hợp đề – tháp khiến cho cảm giác của người bệnh thấu xuống đến chân hoặc ngón chân; huyệt Dương lăng tuyền cũng châm sâu, cũng dùng thủ pháp như trên khiến cho cảm giác tê lan tỏa đến lưng bàn chân. Sau khi đã châm đắc khí thì lưu kim. Thời gian lưu kim từ 20 – 60 phút, cách khoảng 5 – 10 phút thì xoay kim và đề tháp một lần. Đa số dùng phép bình bổ bình tả, châm liên tục hàng ngày hoặc cách nhật. Từ 10 – 15 lần châm là một liệu trình.
F) ĂN UỐNG ĐIỀU TRỊ THẦN KINH TỌA:
1 – Hoàng Đằng Đế Cân Thang
Thành phần:
Hoàng kỳ 30g
Đương quy 30g
Ngưu tất 30g
Phòng phong 15g
Tầm cốt phong 15g
Kê thỉ đằng 15g
Gân lợn 1 cặp
Cách dùng:
Nấu trước thuốc với 800 ml nước, sau lọc bỏ bã. Cắt gân lợn thành từng đoạn ngắn rồi bỏ vào nước thuốc, nấu lửa nhỏ cho đến khi gân lợn mềm ra là được. Ăn và uống nước thuốc, 5 ngày là một liệu trình. Có thể dừng 1 tuần hoặc 10 ngày rồi ăn lại, hoặc ăn cách quãng 1 – 2 ngày 1 lần.
2 – Trứng Ngô Công
Thành phần:
Trứng gà 1 quả
Ngô công 1 con
Cách dùng:
Tán mịn Ngô công, đục thủng một lỗ trên trứng gà và bỏ bột Ngô công vào, cùng bột mì hoặc bún trét kín lỗ lại, hấp cách thủy cho chín. Mỗi ngày dùng một quả, ăn liên tục 10 ngày.
3 – Rượu Dọc Mùng ( Môn bạc hà )
Thành phần:
Dọc mùng 10g
Ngưu tất 15g
Kê huyết đằng 10g
Hương phong đằng 10g
Hải phong đằng 10g
Truy địa phong 10g
Thiên ma 10g
Xuyên ô 10g
Thảo ô 10g
Tế tân 8g
Xuyên sơn giáp 10g
Cách dùng:
Các vị tán mịn, ngâm với 1 lít rượu nước nhất. Ngâm 4 ngày thì lọc bỏ bã để dùng. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5ml, uống sau bữa ăn.
Ngoài các phương pháp kể trên, người bệnh cần kết hợp thường xuyên rèn luyện vận động thể dục, lưu ý đến các tư thế và động tác khi hoạt động – làm việc, giữ gìn thân thể tránh để bị ảnh hưởng sự tác động của thời tiết khắc nghiệt thái quá, sinh hoạt điều dưỡng điều độ thì mới có thể phòng và hỗ trợ trong việc điều trị chứng thần kinh tọa.
Được viết bời nhà thuốc Hạnh Lâm Đường