Trang chủ / KIẾN THỨC / Học Thuyết Tạng Tượng / TẠNG THẬN – MỆNH MÔN

TẠNG THẬN – MỆNH MÔN

Nhà Thuốc HẠNH LÂM ĐƯỜNG

 

Thận, vị trí ở vùng hai bên cột sống thắt lưng, mỗi bên một quả; bên phải hơi thấp xuống, bên trái hơi cao lên; hình tròn bầu dục, gấp khúc, nhìn giống như hạt đậu đỏ. Thận cùng với Bàng quang, cốt tủy, não, tóc, tai, tạo thành một hệ thống. Thận chủ tàng tinh, chủ nạp khí, là gốc rễ âm dương tạng phủ trong cơ thể con người, là nguồn của sinh mệnh, vậy nên gọi Thận là gốc của tiên thiên[1]. Trong ngũ hành thì Thận thuộc thủy, là Dương trong Âm. Trong bốn mùa thì Thận tương ứng với mùa Đông của bốn mùa.

 

 

I) HÌNH THÁI GIẢI PHẪU CỦA THẬN:

1)  Vị trí giải phẫu của Thận:

Vị trí của Thận ở hai bên cột sống thắt lưng, trái phải mỗi bên một quả. Thận phải hơi thấp xuống – Thận trái hơi cao lên. theo sách “Loại Chứng Trị Tài” ( quyển đầu ) chép: “ Thận gồm hai quả, ở cạnh đốt sống thứ mười bốn”.

 

2) Kết cấu hình thái của Thận:

Thận có hai quả, bên ngoài hình bầu dục gấp khúc, nhìn giống hạt đậu đỏ. Sách “Y Quán” chép: “Thận có hai quả, là nơi ở của Tinh. Vị trí ở ngang rốn, cạnh đốt sống thứ mười bốn, cách ra hai bên 1,5 thốn, hình như hạt đậu đỏ, nằm song song với nhau, cạnh hai bên cột sống, có lớp màng nhầy bọc bên ngoài, trong trắng ngoài đen”.

 

II) CÔNG NĂNG SINH LÝ CỦA THẬN:

1) Thận chủ tàng tinh:

Nói Thận tàng tinh, là ý nói Thận bao gồm các tác dụng trữ tồn, cất giữ tinh khí của toàn thân.

 

a) Khái niệm và phân loại tinh:

a1) Khái niệm về Tinh:

Tinh, còn gọi là “Tinh khí”. Là phạm trù quan trọng trong học thuyết học thuyết Khí Nhất Nguyên Luận. Trong quá trình lịch sử phát triển của Khí Nhất Nguyên Luận, các học giả khi bàn về Tinh Khí, thường lấy “Tinh”, “Tinh Khí” để giải thích về “Khí”, như vậy, “Tinh”, “Tinh Khí”, tức là “Khí”, khiến cho lĩnh vực Đông y học hình thành một khái niệm về “Khí” và “Tinh”, hoặc “Tinh Khí”. Trong Đông y học, Khí và Tinh tuy cùng thuộc vào phạm trù hệ thống vật chất sự sống, nhưng Tinh ngoài cách gọi chung về vật chất tinh vi của Khí ra, còn là một khái niệm hàm nghĩa rộng rất quan trọng. Nói chung, hàm nghĩa của Tinh có chia ra nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

Tinh theo nghĩa rộng, là cách gọi chung của vật chất tinh vi hữu hình cấu thành và duy trì sự phát dục, sinh trưởng, sinh lý, cùng các hoạt động công năng tạng phụ của cơ thể con người. Mục “Khí Huyết Tinh Thần Luận” sách Độc Y Tùy Bút chép: “Tinh có bốn loại: gọi là Tinh, là Huyết, là Tân, là Dịch”. Chữ “Tinh” ở trên đây là “Tinh” theo nghĩa rộng. Nghĩa rộng của Tinh bao gồm vật chất sinh mệnh bẩm thụ từ cha mẹ, tức là Tinh tiên thiên, cùng với tinh thủy cốc có được từ hậu thiên, tức là Tinh hậu thiên.

Tinh theo nghĩa hẹp, là vật chất tinh vi bao gồm tác dụng sinh sôi phát triển của tinh bẩm thụ từ cha mẹ được tàng trữ ở Thận, còn gọi là Tinh sinh lý.

 

a2) Phân loại Tinh:

Nói về nguồn gốc của Tinh, có thể phân thành hai loại tinh là Tinh tiên thiên, và Tinh hậu thiên.

  • Tinh tiên thiên:

Tinh tiên thiên còn gọi là Tinh của Thận. Tinh tiên thiên, được bẩm thụ từ cha mẹ, có được từ lúc mới sinh ra ( 与生俱来 – Dữ sinh cụ lai ), là năng lượng sinh sản, cấu thành vật chất khởi đầu của con người. Thiên “Kinh Mạch” sách Linh Khu ( 灵枢·经脉 ) chép: “ Con người khi mới bắt đầu sinh ra, cái có trước tiên là tinh” ( 人始生,先成精 – Nhân thỉ sinh, tiên thành tinh ); thiên “Quyết Khí” sách Linh Khu ( 灵枢·决气 ) chép: “ Tinh nam huyết nữ hợp nhau mà hình thành hình thể sự sống. Vật chất và sự sống được hình thành đầu tiên thì gọi là tinh” ( 两神相搏,合而成形, 常先身生, 是为精 – Lưỡng thần tương bạc, hợp nhi thành hình, thường tiên thân sinh, thị vi tinh ); mục “Tiểu Nhi Bổ Thận Luận” sách “Cảnh Nhạc Toàn Thư” ( 景岳全书·小儿补肾论 ) chép: “Tinh hợp với nhau mà hình bắt đầu thành, hình đó chính là tinh vậy – tinh tức là hình vậy”. Trong quá trình mang thai và phát dục, tinh là vật chất đầu tiên cấu thành việc mang thai, là cơ sở của sự sống, cho nên được gọi là tinh tiên thiên”. Tinh tiên thiên được tàng giữ trong Thận, sau khi sinh ra, có được sự sung dưỡng không ngừng của tinh hậu thiên, mà trở thành vật chất cơ bản của sinh lý và sinh sản của con người. Vì vậy, còn được gọi là “Tinh sinh thực” ( tinh sinh lý ).

 

  • Tinh hậu thiên:

Tinh hậu thiên còn được gọi là tinh ngũ tạng lục phủ. Tinh hậu thiên có nguồn gốc từ chất tinh hoa thủy cốc, do sự hóa sinh của Tỳ Vị, mà mang đi tưới tắm cho lục phủ ngũ tạng. Con người sau khi sinh ra, ăn uống thủy cốc vào vị, trải qua sự ngấu nhừ của Vị, và sự vận hóa của Tỳ, mà sinh thành tinh khí thủy cốc, đồng thời du chuyển đến ngũ tạng lục phủ, khiến nó trở thành tinh tạng phủ. Tinh tạng phủ đầy đủ, mạnh mẽ, ngoài việc cung cấp cho các nhu cầu hoạt động cho sự sống của cơ thể ra, các phần còn lại được tàng trữ trong Thận, để dự trữ cho những lúc cần thiết khác. Lúc ngũ tạng lục phủ cần thiết những tinh vi vật chất này nuôi dưỡng, thì tạng Thận lại mang những tinh dự trữ này, biến hóa để nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng. Một mặt không ngừng dự trữ, mặt khác lại không ngừng cung cấp, tuần hoàn liên tục, sinh sôi không ngừng. Đấy chính là quá trình và tác dụng của thận tàng tinh lục phủ ngũ tạng. Từ đó có thể thấy, tinh hậu thiên duy trì hoạt động sự sống của cơ thể, thúc đẩy vật chất cơ bản sinh trưởng phát của của cơ thể. Như sách “Di Đường Tán Ký” ( 怡堂散记 ) chép: “ Tạng Thận nhận lấy tinh của lục phủ ngũ tạng để cất giữ, ngũ tạng mạnh mẽ, mà có thể tiết ra, đó là tinh tàng cất ở Thận, không phải tinh sinh ra ở Thận. Tinh ngũ tạng lục phủ, được Thận cất giữ và vận chuyển bài tiết, vận chuyển bài tiết có quy luật thì tinh ngũ tạng lục phủ được liên tục không ngừng, cho nên Thận thành ở khảm mà vị trí ở hướng bắc, bên trên giao với Tâm, tràn đầy rồi tiết ra ngoài, sinh phát không ngừng”.

 

  • Mối quan hệ giữa tinh tiên thiên và tinh hậu thiên:

Nguồn gốc xuất phát của tinh tiên thiên và tinh hậu thiên tuy không giống nhau, nhưng đều được cất giữ ở Thận. Cả hai nương tựa lẫn nhau. Tinh tiên thiên là vật chất cơ bản chuẩn bị cho tinh hậu thiên; tinh hậu thiên không ngừng cung cấp và nuôi dưỡng tinh tiên thiên. Tinh tiên thiên có được sự sung dưỡng của tinh hậu thiên, mới có thể phát huy mạnh mẽ được hiệu quả sinh lý; tinh hậu thiên có được sự hỗ trợ mạnh mẽ của tinh tiên thiên, mới có thể không ngừng hóa sinh. Đó chính là: “Tiên thiên sinh hậu thiên, hậu thiên dưỡng tiên thiên”, cả hai cùng tương bổ tương thành, thông qua sự kết hợp mật thiết đó, mà tạo thành tinh khí trong thận. Thận là gốc của tiên thiên, tiếp nhận tinh khí của các tạng phủ khác để cất giữ. Tinh khí của tạng phủ sung thịnh, thì công năng sinh thành, tàng chứa, và bài tiết của Thận mới có thể chính thường được. Vì vậy, thiên “Di Tinh” sách “Y Biển” ( 医碥·遗精 ) chép: “ Tinh là bảo vật quý nhất của toàn thân, nguồn gốc được sinh bởi tiên thiên, mà thành ở hậu thiên, ngũ tạng cũng có tinh này, nên thuộc về Thận ”.

 

b) Công năng sinh lý của tinh:

Tinh khí bên trong Thận không chỉ có thể thúc đẩy sự sinh trưởng, phát dục, và tính dục của cơ thể, mà còn có thể tham gia vào sự sinh thành của huyết, nâng cao kháng thể của cơ thể.

b1) Thúc đẩy công năng tính dục:

Thận tinh là vật chất đầu tiên của sự phát dục phôi thai, lại có thể thúc đẩy sự trưởng thành cơ năng sinh lý, và sự sản sinh thận tinh, cất giữ và bài tiết, đối với sự di truyền có tác dụng rất quan trọng. Sự phát triển cơ quan sinh dục, cùng với công năng sinh lý của nó đều phải dựa vào Thận. Sau khi con người được sinh ra, do tinh tiên thiên và tinh hậu thiên tư dưỡng lẫn nhau, bắt đầu từ lúc còn ấu thơ, tinh khí của Thận bắt dần dần được sung thịnh, phát dục cho đến tuổi thanh niên, nhờ sự không ngừng sung thịnh của Thận tinh mà sản sinh ra các tố chất giúp hoàn thiện công năng sinh lý, đó được gọi là “Thiên quý”. Nhờ đó, người nam có thể sản sinh tinh dịch; người nữ hàng tháng có thể đều đặn hành kinh, công năng sinh lý dần hoàn chỉnh, để chuẩn bị cho năng lực tính dục. Về sau, theo tuổi già, thận tinh do đã hoạt động tối đa nên dần có xu hướng suy hư dần, sự sinh thành của Thiên quý cũng từ đó giảm dần, thậm chí dần dần cạn kiệt, năng lực sinh lý cũng theo đó mà suy giảm, có khi mất hẳn. Điều này cho thấy, Thận tinh có tác dụng quyết định đối với công năng sinh lý, là gốc rễ của việc sinh sản và di truyền. Nếu công năng Thận tinh thất thường, sẽ dẫn đến rối loạn công năng siinh lý, khiến cho công năng tính dục giảm sút.

Vì vậy nên thiên “Thượng Cổ Thiên Chân Luận” sách Tố Vấn chép: “Người đàn ông 16 tuổi thì Thận khí thịnh, Thiên quý đến, tinh khí tràn đầy, Âm Dương hòa, nên có thể có con”, “56 tuổi Thiên quý khô kiệt, tinh ít dần, hình thể đều rã rời”; “người nữ 14 tuổi Thiên quý đến, Nhâm mạch thông, mạch Thái sung thịnh, kinh nguyệt xuất hiện, nên có thể có con”, “49 tuổi, nhâm mạch hư, mạch Thái sung suy yếu, Thiên quý khô cạn, kinh mạch tắc trở, nên hình thể suy yếu mà không thể có con”.

Nói chung, sự phát dục hoàn chỉnh các cơ quan sinh dục sinh sản của nam nữ, cùng với năng lực tính dục của nó, đều phải dựa vào sự sung thịnh của Thận tinh, mà sự sinh thành, cất giữ, và bài tiết của tinh khí đều do thận làm chủ, vậy nên mới có thuyết “Thận chủ sinh thực ( tính dục, sinh sản )”. Căn cứ vào lý luận trên, phương pháp cố thận bảo tinh là một trong những phương pháp trị liệu quan trọng đối với các bệnh về rối loạn công năng tính dục.

 

b2) Thúc đẩy sinh trưởng phát dục:

Sinh, Trưởng, Tráng, Lão, Dĩ ( kết thúc ) là quy luật tự nhiên của sự sống loài người. Con người từ lúc sinh ra, trải qua thời gian phát dục, trưởng thành, hoàn chỉnh, lão suy, cho đến sự tồn tại của cơ thể trước lúc chết đi được gọi là tuổi thọ. Thông thường, lấy năm tháng đã sống để làm thước đo tính độ dài ngắn của tuổi thọ. Trong Đông y học gọi tuổi thọ là “Thiên niên”, “Thiên thọ”, tức là hạn độ tuổi thọ Trời cho. Con người lấy ngũ tạng làm gốc, mà Thận là rễ của ngũ tạng. Tinh khí mà Thận tàng trữ là cơ sở của sự sống, có tác dụng chủ đạo trong quá trình Sinh, Trưởng, Tráng, Lão, Dĩ của con người. Vậy nên thiên “Thiên Niên” sách Linh Khu chép: “tuổi thọ cao, đó là nhờ khí mạch thường thông suốt, Thận khí dư thừa vậy” ( Thiên thọ quá độ, khí mạch thường thông nhi Thận khí hữu dư dã -天寿过度,气脉常通而肾气有余也). Quá trình Sinh, Trưởng, Tráng, Lão, Dĩ, được gọi là “Lịch trình sự sống”. Đa phần thường căn cứ vào số tuổi của cuộc đời mà đem lịch trình sự sống phân ra làm 4 giai đoạn (theo quy định mới nhất thì con người từ khi sinh ra, cho đến 15 – 16 tuổi thì được gọi là tuổi thiếu niên; 17 tuổi đến 44 tuổi thì gọi là thanh niên; 45 tuổi đến 59 tuổi gọi là trung niên; 69 tuổi trở lên thì gọi là lão niên. Trong đó 60 tuổi đến 74 tuổi được gọi là thời kỳ tiền lão niên; 75 đến 89 tuổi gọi là lão niên; 90 tuổi trở lên gọi trường thọ ). Theo ghi chép trong sách “Hoàng Đế Nội Kinh”, Đông y học có hai cách phân chia đối với lịch trình sự sống: một là theo thiên “Thiên Niên” ( 天年 ) ở bộ Linh Khu thì cứ 10 tuổi là một đơn vị phân chia, tức từ 10 tuổi đến 40 tuổi là thời kỳ cơ thể con người sinh trưởng phát dục từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi tráng niên, và là thời kỳ yếu, mạnh của khí huyết tạng phủ, tức là giai đoạn khí huyết tạng phủ từ thịnh cho đến suy; Bắt đầu từ tuổi 50 trở đi, đến 100 tuổi, cho đến lúc chết, là giai đoạn cơ thể con người từ trung niên bước vào lão niên, khí huyết tạng phủ bắt đầu suy nhược, ngày càng lão suy cho đến lúc mất. Khí huyết tạng phủ tùy theo sự tăng dần của tuổi tác, bắt đầu theo quy luật biến hóa mà dần dần xuất hiện hiện tượng từ thịnh chuyển sang suy. Hai là theo thiên “Thượng Cổ Thiên Chân Luận” ( 上古天真论 ) sách bộ Tố Vấn thì lấy cách tính theo “nam 8, nữ 7”, chia lịch trình sự sống ra làm 3 giai đoạn. Một là giai đoạn phát dục của sự sống: nam 8 tuổi đến 16 tuổi; nữ từ 7 tuổi đến 14 tuổi. Ghi chép cụ thể như sau: “Đàn ông 8 tuổi, thận khí thực, tóc dài răng cứng; 16 tuổi Thận khí thịnh, thiên quý đến, tính khí tràn trề, âm dương hòa, nên có thể có con”; “Phụ nữ 7 tuổi Thận khí thịnh, răng cứng tóc dài; 14 tuổi thiên quý đến, Nhâm mạch thông, mạch Thái sung thịnh, kinh nguyệt cũng theo đó mà xuất hiện nên có con”; Hai là tính theo giai đoạn tráng thịnh của cơ thể: Người nam “24 tuổi Thận khí thăng bằng, cân cốt mạnh mẽ, nên răng khôn mọc cứng cáp; 32 tuổi cân cốt suy giảm dần, cơ nhục đã hết săn chắc”; Người nữ “21 tuổi thận khí hòa điều, nên răng khôn đã mọc cứng cáp; 28 tuổi gân cốt cứng cáp, tóc mọc dài mượt, thân thể phát triển hoàn thiện”. Ba là giai đoạn thân thể suy giảm dần: Người nam “40 tuổi thận khí suy, tóc rụng răng khô; 48 tuổi dương khí bắt đầu suy kiệt, sắc mặt kém sắc, tóc bắt đầu bạc; 56 tuổi Can khí suy, gân cử động khó khăn, thiên quý cạn, tinh ít, tạng Thận suy, hình thể bắt đầu lỏng lẽo; 64 tuổi răng tóc bắt đầu rụng”. Người nữ “35 tuổi mạch Dương minh suy, sắc diện héo úa dần, tóc bắt đầu rụng; 42 tuổi trở lên ba mạch dương bắt đầu suy, sắc mặt khô héo, tóc bắt đầu bạc; 49 tuổi Nhâm mạch hư, mạch Thái xung suy giảm, thiên quý cạn kiệt, đường sinh nở đã co lại, nên hình thể lỏng lẽo mà không thể có con được”. Tính quy luật biến hóa của sự thịnh suy tinh khí và tạng phủ con người, tùy theo biểu hiện tăng trưởng của tuổi tác mà thịnh, suy, hay kiệt.

Nhìn chung, trong toàn quá trình của sự sống, do sự biến hóa thịnh suy của tinh khí trong thận mà biểu hiện ra trạng thái sinh lý khác nhau của sinh, trưởng, tráng, lão, dĩ. Con người, bắt đầu từ tuổi ấu thơ, Thận tinh bắt đầu sung thịnh dần, rồi có răng cứng tóc dài cùng các hiện tượng sinh lý khác. Đến tuổi thanh niên, thân tinh lại thêm mạnh mẽ rồi đát đến đỉnh điểm, cơ thể cũng theo đó mà phát dục đến thời kỳ tráng thịnh, rồi răng khôn mọc, thân thể cường tráng, gân cốt mạnh mẽ. Đến khi tuổi già, thận tinh suy thoái, hình thể cũng dần dần lão suy, sự vận động của gân cốt toàn thân không còn linh hoạt, răng lung lay tóc rụng, xuất hiện hiện tượng lão suy. Từ đó có thể thấy, Thận tinh quyết định sự sinh trưởng phát dục của cơ thể, là gốc rễ sinh trưởng phát dục của cơ thể con người. Nếu Thận tinh khuy hư, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát dục của con người, sẽ xuất hiện sự xuất hiện các rối loạn như: chậm phát triển, gân cốt yếu mềm. Đên lúc trưởng thành sẽ xuất hiện tình trạng chưa già đã suy, răng lung lay, tóc bạc. Thận tinh đối với sự thúc đẩy quá trình sinh trưởng phát dục của cơ thể con người bao gồm tác dụng rất quan trọng, là gốc rễ của sự sống, nên sách Trung Tàng Kinh chép: “Thận khí tuyệt thì không thể sống trọn tuổi Trời cho, mà phải chết” ( 肾气绝则不尽其天命而死也- Thận khí tuyệt tắc bất tận kỳ Thiên mệnh nhi tử dã ). Cho nên, đối với sự rối loạn cơ chế sinh trưởng phát dục như chứng “Ngũ nhuyễn”, “Ngũ trì”… thì bổ Thận là một trong những phép trị liệu quan trọng. Bên cạnh đó, bổ Thận điền tinh lại là một biện pháp để làm chậm lại sự lão suy, và dùng để điều trị các bệnh tật liên quan đến công năng sinh lý. Trong văn hiến đông y qua các thời đại, các phương tễ diên niên ích thọ nhiều nhất vẫn là bổ Thận. Bế tàng Thận tinh là một nguyên tắc quan trọng trong dưỡng sinh. Học Phái Cố Tinh là một nhánh học thuật quan trọng trong Dưỡng sinh học của Đông y.

 

b3) Tham dự sự sinh thành huyết dịch:

Thận tàng tinh, tinh sinh tủy, tinh tủy hóa mà thành huyết. Cho nên, trên lâm sàng, trị huyết thường dùng các pháp bổ tinh tủy là chính.

 

b4) Chống cự lại sự xâm tập của ngoại tà:

Thận tinh bao gồm cả tác dụng kháng lại ngoại tà, giúp cho con người miễn nhiễm với bệnh tật. Sách “Phùng Thị Cẩm Nang” chép: “Tinh đầy đủ thì trăm bệnh không sinh; Tinh thiếu thốn thì vạn bệnh khởi phát”. Tinh sung mãn, thì thân thể mạnh mẽ, cường tráng, vệ khí kín đáo, sức thích nghi cao, ngoại tà khó xâm nhập. Ngược lại, tinh khuy hư thì tuổi thọ kém, vệ khí kém, sức thích nghi yếu, ngoại tà xâm tập mà sinh bệnh. Vì vậy thiên “Kim Quỹ Chân Ngôn Luận” sách Tố Vấn chép: “người biết bế tàng tinh khí, thì mùa Xuân không có ôn bệnh”. Mùa đông không bế tàng tinh khí, thì đến mùa xuân sẽ phát ôn bệnh. Năng lực chống cự ngoại tà của Thận thuộc phạm trù chính khí, giống với ý nghĩa của “chính khí tồn nội, tà bất khả can” ( chính khí có bên trong thì tà khí không xâm phạm ); hoặc “tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư” ( Tà khí xâm tập được là bởi chính khí hư ).

 

2) Thận chủ thủy dịch:

Thủy dịch là cách gọi chung về các loại thủy chất lỏng trong cơ thể. “Thận

chủ thủy dịch”, nói theo nghĩa rộng, là ý nói Thận là tạng thuộc thủy, phiếm chỉ thận bao gồm tác dụng tàng tinh và điều tiết thủy dịch. Theo nghĩa hẹp mà nói, thì thận chủ về công năng trao đổi và điều tiết thủy dịch trong cơ thể. Công năng chủ thủy của Thận chủ yếu dựa vào sự khí hóa của thận dương đối với thủy dịch để thực hiện. Tác dụng chủ trì và điều tiết thủy dịch trong cơ thể của tạng Thận được gọi là tác dụng “Khí hóa”.

Sự trao đổi thủy dịch trong cơ thể bao gồm hai phương diện: Một là mang tân dịch của chất tinh vi thủy cốc có tác dụng nhu dưỡng tư nhuận cho các tổ chức tạng phủ đi phân bố toàn thân; hai là mang các trọc chất sau khi các tổ chức tạng phủ đã sử dụng xong bài tiết ra ngoài. Hai mặt này, đều dựa vào tác dụng khí hóa của thận mới có thể hoàn thành được.

Trong tình trạng bình thường, nước uống khi vào vị quản ( dạ dày ), nhờ sự vận hóa và vận chuyển của Tỳ mà được đưa lên Phế – Phế tuyên phát và túc giáng mà thông điều thủy đạo, giúp chất “thanh” ( chất tân dịch có lợi cho cơ thể ) theo con đường của Tam tiêu mà vận chuyển đi toàn thân, phát huy tác dụng sinh lý của nó; chất “trọc” ( chất tân dịch xuất hiện sau khi trao đổi xong ) thì hóa thành mồ hôi, nước tiểu, và khí v.v… rồi đi ra ngoài theo tuyến mồ hôi trên da, đường hô hấp, đường nước tiểu… từ đó, duy trì sự thăng bằng tương đối của diễn biến trao đổi thủy dịch trong cơ thể. Trong quá trình diễn biến trao đổi chất này, sự hun đốt và khí hóa của Thận giúp Phế, Tỳ, Bàng quang, cùng các tạng phủ, qua sự trao đổi của thủy dịch, phát huy tác dụng sinh lý của chính mình. Chất thủy dịch sau khi các tổ chức tạng phủ đã sử dụng xong ( chất trọc trong chất thanh – thanh trung chi trọc ) từ Tam tiêu mà đi xuống, rồi đến Thận, trải qua tác dụng khí hóa của Thận, mà phân thành hai thể “thanh” và “trọc”. Chất thanh thì tiếp tục thông qua Tam tiêu mà đi lên, đi vào Phế mà bố tán khắp cơ thể; Chất trọc thì trở thành nước tiểu, đi xuống Bàng quang, từ niệu đạo bài xuất ra ngoài. Cứ như vậy tuần hoàn để duy trì sự thăng bằng trao đổi thủy dịch trong cơ thể.

Tác dụng đóng mở ( khai – hợp ) của Thận có một sự ảnh hưởng nhất định đối với sự thăng bằng trao đổi thủy dịch trong cơ thể con người. “Mở” ( khai ) là chuyển ra, và bài tiết ra; “đóng” ( hợp ), là đóng lại, để bảo tồn trữ lượng ổn định tương đối của thủy dịch trong cơ thể. Trong trạng thái sinh lý bình thường, do Thận âm, Thận dương của con người thăng bằng lẫn nhau, tác dụng đóng mở của Thận cũng cũng điều hòa với nhau, vì vậy mà sự bài tiết niệu dịch ( nước tiểu ) của được chính thường. Như nội dung trên cho thấy, sự trao đổi thủy dịch trong cơ thể con người, cùng với Phế, Tỳ Vị, Tiểu tràng, Đại tràng, Bàng quang, Tam tiêu, và các tạng phủ, có một mối quan hệ mật thiết, mà sự tuyên túc của Phế, vận hóa và du chuyển của Tỳ, khí hóa của Thận, là một khối liên kết trung tâm trong việc điều tiết sự thăng bằng của thủy dịch trong cơ thể. Trong đó, lấy Phế làm ngọn ( tiêu ); lấy Thận làm gốc ( bản ); lấy Tỳ là trụ cột đứng giữa. Tác dụng khí hóa của Thận xuyên suốt sự bắt đầu và kết thúc của quá trình trao đổi thủy dịch, nằm ở một địa vị cực kỳ quan trọng, cho nên mới có thuyết: “Thận chủ thủy” ( Thận giả chủ thủy  – 肾者主水 ); “Thận là tạng thủy” ( Thận vi thủy tạng -肾为水脏 ).

 

3) Thận chủ nạp khí:

Nạp ( 纳 ), nghĩa là cố nhiếp ( thâu tóm ), thọ nạp ( đón nhận). Thận chủ nạp khí, là ý nói Thận có tác dụng nhiếp nạp khí đi vào từ Phế, mà điều hòa hô hấp. Vận động hô hấp của con người, tuy do Phế làm chủ, nhưng khí được đưa vào cơ thể thì cần phải đi xuống Thận, nhờ Thận nhiếp nạp mà hô hấp mới có thể thông sướng, điều hòa và có quy luật. Vậy nên sách Y Biển ( 医碥 ), ở mục “Khí” có chép: “Khí gốc ở Thận, cũng đi về Thận, nên mới nói Thận nạp khí” ( Khí căn ư Thận, diệc quy ư Thận, cố viết Thận nạp khí -气根于肾,亦归于肾,故曰肾纳气 ). Vận động hô hấp ổn định chính thường, chính là kết quả của hiệp điều lẫn nhau giữa Phế và Thận. Cho sách Loại Chứng Trị Tài ( 类证治裁 ), quyển 2 có chép: “ Phế chủ khí, thận là gốc rễ của khí, Phế chủ xuất khí, Thận chủ nạp khí, Âm Dương giao hòa với nhau khiến cho hô hấp được chính thường” ( Phế vi khí chi chủ, Thận vi khí chi căn, Phế chủ xuất khí, Thận chủ nạp khí, Âm Dương tương giao, hô hấp nãi hòa -肺为气之主,肾为气之根,肺主出气,肾主纳气,阴阳相交,呼吸乃和 ).

Thận chủ nạp khí, đối với vận động hô hấp của con người có một ý nghĩa quan trọng. Chỉ một khi Thận khí mạnh mẽ, nhiếp nạp chính thường, mới có thể khiến cho hô hấp của Phế được quân bình, khí đạo ( đường hô hấp ) thông sướng. Nếu công năng nạp khí của Thận suy giảm, nhiếp nạp kém đi, thì khí đi vào không thể đi xuống Thận, sẽ xuất hiện các biểu hiện như: thở ra nhiều hít vào ít, hô hấp khó khăn, động làm việc là thở suyễn, cùng các biểu hiện bệnh lý của Thận không nạp khí. Cho nên, bệnh ho suyễn, như trong sách Lâm Chứng Chỉ Nam Y Án, quyển bốn có chép: “Ở Phế là thực chứng, ở Thận là hư chứng” ( Tại Phế vi thực, tại Thận vi hư -在肺为实,在肾为虚 ). Vì vậy, trong chứng ho suyễn, nếu bệnh mới thì trị ở Phế, nhưng bệnh lâu ngày thì trị ở Thận.

Thận chủ nạp khí, là tác dụng bế tàng cất giữ của Thận được thể hiện trong vận động hô hấp. Vậy nên sách Y Học Nhập Môn ( 医学入门 ), trong mục “Tạng Phủ” có chép: “… nên mới nói (Thận) là gốc của hóa tinh, bế tàng” ( … cố viết hóa tinh, vi phong tàng chi bản -故曰化精,为封藏之本  ).

 

4) Chủ Âm – Dương toàn thân:

a) Mối quan hệ giữa Thận tinh, Thận khí, Thận âm, Thận dương:

Ngũ tạng đều có âm dương, nếu nói về vật chất và công năng, thì vật chất thuộc âm, công năng thuộc dương. Công năng sinh ra từ vật chất, mà vật chất biểu hiện công năng.

  • Thận tinh:

 tức là tinh khí được cất giữ trong Thận. Nguồn gốc của nó có từ tinh tiên thiên, dựa vào sự sung dưỡng không ngừng của tinh hậu thiên, là cơ sở vật chất của công năng hoạt động Thận, là gốc rễ của hoạt động sự sống cơ thể, đối với các mặt hoạt động sinh lý của cơ thể có một tác dụng cực kỳ quan trọng.

 

  • Thận khí:

 được hóa sinh từ Thận tinh, thực ra là muốn nói đến công năng sinh lý được sản sinh bởi tinh khí của tạng Thận. “Khí” trong Đông y học là nói đến vật chất cơ bản nhất cấu thành cơ thể và duy trì hoạt động sự sống cơ thể, là vật chất cơ bản của công năng hoạt động kinh lạc tạng phủ. Khí có thuộc tính vận động của nó, biểu hiện vận động của Khí là công năng hoạt động của kinh lạc tạng phủ cơ thể con người. Kinh lạc tạng phủ là khái niệm tổng hợp của biện chứng thống nhất giữa kết cấu và công năng, nó tuy có ý nghĩa giải phẫu, nhưng quan trọng hơn nó còn là mô hình công năng của cơ thể con người, nêu lên được công năng sinh lý của kinh lạc tạng phủ trong cơ thể con người. Tinh hóa thành khí, nên Thận khí được sản sinh nhờ Thận tinh. Quan hệ giữa Thận tinh với Thận khí trên thực tế là một mối quan hệ giữa công năng với vật chất. Trên lý luận và thực tế, đã lý giải toàn diện được hiệu ứng sinh lý của Thận tinh, lại đem Thận tinh ( tức công năng sinh lý của tạng thận ) khái quát thành hai phương diện là Thận âm và Thận dương.

  • Thận âm:

Trong sách Nội Kinh và các sách khác, trong thời gian đầu không ghi chép cụ thể về Thận âm. Sách “Trung Tàng Kinh” là sách đầu tiên biện chứng về tạng phủ, đối với bệnh lý về Thận đã có sự phân chia biện chứng thành hư thực, hàn nhiệt. Đến đời nhà Đường, y gia Tôn Tư mạo đem hư thực, hàn nhiệt của bệnh lý về thận phân chia lý luận, trong các trước tác đó, tuy chưa nói rõ ràng đến Thận âm, nhưng đối với tác dụng tư nhuận của Thận đã sơ bộ đã có nhận thức rõ. Mục “Tiêu Khát” trong sách “Thiên Kim Yếu Phương” ( Tôn Tư Mạo ) có chép: “ duy chỉ có hư hao, môi miệng khô héo, tinh dịch tự tiết ra”. Đến đời Tống, y gia Tiền Ất đã sáng tạo ra bài thuốc Lục Vị Địa Hoàng Hoàn để trị Thận hư, bắt đầu cho khái niệm về tư bổ Thận âm. Nhưng khái niệm rõ rệt và đầy đủ nhất phải đến đời Minh mới được xác lập. Theo dòng phát triển và hình thành của học thuyết Mệnh môn từ đời Minh, người ta bắt đầu nhận thức được trong thận có tàng chứa Âm Dương, Thận âm – Thận dương là gốc của âm dương của toàn thân. Mục “ Thủy Hỏa Luận” trong sách “ Y Quán”  có đưa ra cách gọi về Thận âm: “ Lục Vị Hoàn… lại trị Thận âm hư nhược, tân dịch không giáng xuống, trọc âm thâu lại thành đàm, hoặc sinh khái thấu”. Trương Cảnh Nhạc lập ra phương Tả Quy Hoàn để trị chân âm, chân thủy bất túc, đồng thời nêu lên: “ Ẩm khí của ngũ tạng không có thận âm thì không được tư dưỡng” ( “Cảnh Nhạc Toàn Thư – Truyền Trung Lục – Mệnh Môn Dư Nghĩa” ) đã nhấn mạnh đến tác dụng quan trọng của Thận âm.

Thận âm còn gọi là “Nguyên âm”, “Chân âm”, là gốc của âm dịch trong cơ thể con người, đối với các tổ chức tạng phủ khí quan, có tác dụng tư dưỡng nhu nhuận. Ngoài ra, Thận âm còn có tác dụng chế ước dương khí trong Thận dương, phòng ngừa sự kháng thịnh vọng động của nó ( dương khí ). Thận âm bất túc có thể xuất hiện biểu hiện bệnh lý ở hai phương diện sau: một là tư dưỡng bất túc. Biểu hiện lâm sàng thường là huyễn vựng, nhĩ minh, đại tiện khô táo, thân hình gầy ốm, họng khô lưỡi ráo; hai là âm không chế dương, hư nhiệt quấy nhiễu bên trong. Biểu hiện lâm sàng thường là ngũ tâm phiền nhiệt, triều nhiệt gò má đỏ, đạo hãn mất ngủ, người nam mộng tinh di tinh; người nữ mộng giao, lưng yếu gối mỏi. Phép trị trong trường hợp này thường là nếu hư nhiệt chưa hư nặng thì tư bổ thận âm là chính, phương thang thường dùng là Tả Quy Hoàn, Lục Vị Hoàn; hư hỏa rõ rệt thì cần tư âm giáng hỏa là chính, phương thang thường dùng là Tri Bá Địa Hoàng Hoàn, Đại Bổ Âm Hoàn.

 

  • Thận dương:

cách gọi “Thận dương” có xuất xứ từ thời Tống. Hứa Thúc Vi trong “Phổ Tế Bản Sự Phương”, mục “Chư Khái Hư Hãn Tiêu Khát”  có nói: “khí của Thận làm mạnh cho vùng eo lưng, đó là chân hỏa”. Về sau, Nghiêm Dụng Hòa phát triển lý luận này của Hứa Thúc Vi, trong “ Phổ Tế Phương” đã xuất hiện các khái niệm mới như “Chân dương”, “Khảm hỏa”, “Chân hỏa”, như trong mục “Bổ Ích”, sách “Phổ Tế Phương” chép: “ Con người trong cuộc sống không điều dưỡng đúng phép, hư lao quá độ, chân dương hư suy, khảm hỏa không ôn ấm, không thể chưng bốc cho Tỳ thổ… đây là chân hỏa hư suy, không thể chưng bốc ôn ấm cho Tỳ thổ mà sinh ra ( bệnh )”. Trong thời Minh, sự hình thành của học thuyết mệnh môn chính là sự xác định khái niệm Thận dương, sáng tạo nên một điều kiện cần thiết. Trương Giới Tân cũng đã nêu lên một khái niệm về Hỏa vô hình, đồng thời, trên cơ sở bài Bát Vị Hoàn, đã sáng lập nên bài Hữu Quy Hoàn, trên cơ sở bổ âm tinh, đã phối ngũ thêm các vị thuốc bổ dương để trong dương tìm âm ( dương trung cầu âm ).

Thận dương còn được gọi là “ Chân dương”, “Nguyên dương”, là gốc rễ dương khí trong cơ thể con người, có công năng ôn ấm cho cơ thể, thúc đẩy khí hóa để giúp cho âm hàn không bị ngưng kết. Biểu hiện bệnh lý của chứng này, một mặt thì biểu hiện sức ôn ấm mất đi, tinh thần mỏi mệt, sợ lạnh chân tay lạnh, eo lưng, chân lạnh đau, dương nuy, lạnh tử cung, vô sinh, công năng tính dục suy giảm… một mặt thì biểu hiện khí hóa rối loạn, trao đổi thủy dịch bất thường, xuất hiện tiểu ít, bí tiểu, hoặc tiểu không cầm được, thủy thũng… pháp trị chủ yếu là ôn bổ Thận dương. Nếu người bệnh có thủy đình bên trong, thì cần lợi niệu hành thủy để kiêm trị cả ngọn.

Thận âm và Thận dương, giữa cả hai có sự chế ước lẫn nhau, dựa vào nhau, tương hỗ lẫn nhau để tạo nên cái “dụng”, duy trì động thái bình hoành ( thăng bằng ) trạng thái sinh lý của cơ thể con người. Từ thuộc tính âm dương  mà nói thì Tinh thuộc Âm, Khí thuộc Dương. Cho nên có lúc còn gọi Thận tinh là “Thận âm”, Thận khí là “Thận dương”. Âm và Dương này là chỉ về thuộc tính của vật chất và công năng.

 

b) Thận âm và Thận dương là gốc của âm dương tạng phủ:

Thận là gốc của Lục phủ ngũ tạng, là nhà của thủy hỏa, cất giữ chân âm ( mệnh môn thủy ), mà chứa đựng chân dương ( mệnh môn hỏa ). Âm của ngũ tạng lục phủ nếu không có thận âm thì không được trợ giúp nuôi dưỡng; Dương của ngũ tạng lục phủ, nếu không có Thận dương thì không được ôn dưỡng. Vì vậy, ở mục “ Mệnh Môn Dư Nghĩa” quyển “Truyền Trung Lục ”, sách “Cảnh Nhạc Toàn Thư” chép: “ Mệnh môn là rễ của nguyên khí, là nhà của thủy hỏa; Âm khí của ngũ tạng âm không có nó ( mệnh môn ) thì không được nuôi dưỡng; dương khí của ngũ tạng không có nó thì không thể phát tiết được”. Mục “Cầu Chánh Lục” sách “Loại Kinh Phụ Dực” chép: “ Mệnh môn thủy hỏa, là nguồn hóa của mười hai tạng. Vậy nên Tâm dựa vào đó, thì thần trí quân chủ mới sáng suốt; Phế dựa vào đó, thì trị tiết được thông suốt; Tỳ dựa vào đó mà kho dự trữ mới dồi dào; Can dựa vào đó để làm gốc cho mưu lự; Bàng quang dựa vào đó để Tam tiêu được khí hóa; Đại tiểu trường dựa vào đó thì truyền tống được phân chia rõ rệt”. Thận âm sung mãn, thì âm của các tạng toàn thân đều sung mãn; thận dương vượng, thì dương của các tạng toàn thân cũng vượng thịnh theo. Cho nên mới nói, Thận âm là gốc của âm toàn thân – Thận dương là rễ của dương toàn thân.

Trong tình trạng bệnh lý, do một nguyên nhân nào đó khiến cho tình trạng thăng bằng của Thận âm và Thận dương mất đi mà không tự phục hồi được, thì sẽ hình thành bệnh lý Thận âm, hoặc Thận dương hư. Thận âm hư thì thường xuất hiện các biểu hiện lâm sàng như ngũ tâm phiền nhiệt, huyễn vựng tai ù, lưng gối mỏi mềm, nam thì di tinh nữ thì mộng giao ( mơ thấy quan hệ tính dục ); Thận dương hư thì xuất hiện các biểu hiện lâm sàng như tinh thận mẹt mỏi, lưng gối lạnh đau, người lạnh chân tay giá lạnh, tiểu tiện không thông hoặc không khống chế được tiểu, đàn ông liệt dương đàn bà không có con do lạnh tử cung, suy giảm công năng sinh lý, phù thũng…

Do giữa Thận âm và Thận dương có một mối quan hệ nội tại, trong quá trình biến hóa của bệnh thường có ảnh hưởng hỗ tương. Lúc Thận âm hư phát triển đến một mức độ nhất định thì có thể sẽ liên lụy đến Thận dương mà biến chứng thành Âm Dương lưỡng hư, còn gọi là “Âm tổn cập Dương”; Lúc Thận dương hư đến một mức độ nhất định thì có thể liên lụy đến Thận âm rồi biến chứng thành Âm Dương lưỡng hư, còn gọi là “Dương tổn cập Âm”.

 

III) ĐẶC TÍNH SINH LÝ CỦA THẬN

 

1) Thận chủ bế tàng:

“Phong tàng” ( 封藏 ), còn gọi là “bế tàng” ( 闭藏 ) đều có nghĩa là đóng kín, cách nói diễn tả sự cất giữ kín đáo, đóng kín. Thận là gốc của tiên thiên, là rễ của sự sống, cất giữ chân âm mà tàng giữ chân dương[2]. Thận tàng chứa tinh[3], Thận tinh nên được cất giữ ( bế tàng ) chứ không nên phát tiết ( hao tổn ), giống như rễ của cây, nguồn của nước: rễ cây không được cắt đứt; nguồn nước không được khô cạn. Rễ có được tưới nước thì cành lá tươi xanh; Thận chủ mệnh môn hỏa, chân hỏa thì chỉ nên tiềm ẩn chứ không nên phát lộ, giống như nguồn nước thì không được cạn kiệt, nguồn có được khơi thông thì giòng nước mới trong xanh.

 

2) Hữu hư vô thực:

Lý luận “Thận chủ bế tàng” đã trực tiếp sinh ra quan điểm “hữu hư vô thực”[4] ( 有虚无实 – chỉ có hư chứng, không có thực chứng ); “Thận tinh bất khả tả, thận hỏa bất khả phạt” ( 肾精不可泻,肾火不可伐 – Tinh của thận không được phát tiết, hỏa của thận không được hao tổn ). Đó là các quy tắc dùng để điều trị các chứng trạng bệnh tật của Thận trên lâm sàng. Lý luận “Thận chủ bế tạng còn có một ý nghĩa chỉ đạo định hướng rất quan trọng trong phạm trù dưỡng sinh. Môn dưỡng sinh truyền thống thường chủ trương nhấn mạnh đến bảo dưỡng âm tinh, không để phát tiết ra ngoài khiến cho thận tinh sung mãn kín đáo mà kéo dài tuổi thọ.

 

PHỤ

MỆNH MÔN

 

1) Mệnh Môn Và Học Thuyết Mệnh Môn

Sách “Nội Kinh” gọi Mệnh môn là đôi mắt. Thiên “Căn Kết” ( 根结 ) sách Linh Khu chép: “Rễ của Thái dương là ở Chí âm, liên kết với nhau ở Mệnh môn. Mệnh môn chính là mắt” ( 太阳根于至阴, 结于命门。命门者,目也 – Thái dương căn ư chí âm, kết ư mệnh môn. Mệnh môn giả mục dã ). Sách “Nạn Kinh” thì cho rằng Mệnh môn là ở nội tạng, như ở nạn 36 trong sách Nạn Kinh chép: “Thận có hai quả, nhưng không phải đều là Thận. Bên trái là Thận, bên phải là Mệnh môn”[5] ( Thận lưỡng giả, phi giai thận dã, kỳ tả giả vi thận, hữu giả vi mệnh môn – 肾两者, 非皆 肾也, 其左者为肾, 右者为命门). Từ đó về sau, còn rất nhiều luận điểm khác nhau về mệnh môn, cũng giống như sự khác nhau khi bàn về hình thái và vị trí của “Tam tiêu”, như: “hai Thận đều là mệnh môn”; “Mệnh môn nằm giữa hai Thận”; “Mệnh môn là khí động giữa hai thận”… nhưng vẫn có một sự thống nhất rằng Mệnh môn là bởi hai thận mà ra. Sách “Nạn Kinh” vừa cho rằng: “Mệnh môn là nơi trú ngụ của tinh và thần, là sự liên hệ với nguyên khí” ( Mệnh môn giả, tinh thần chi sở xá, nguyên khí chi sở hệ dã – 命门者精神之所舍, 原气之所系也 ), nghĩa là mệnh môn chính là sự thúc đẩy cho hoạt động sự sống; cũng vừa cho rằng mệnh môn có sự tương quan mật thiết với công năng sinh lý: “Mệnh môn là nơi ở của tinh và thần, người nam thì tàng chứa tinh, người nữ thì liên quan đến tử cung, khí của mệnh môn thông với Thận” ( Mệnh môn giả, tinh thần chi sở xá dã, nam tử dĩ tàng tinh, nữ tử dĩ hệ bào, kỳ khí dữ thận thông – 命门者精神之所舍, 男子以藏精,女子以系胞, 其气与肾通 ). Từ đó cho thấy ý nghĩa của Mệnh môn đều có liên quan mật thiết đến Thận. Cũng từ đó, các y gia qua các đời không ngừng phát huy, phát triển thêm, mở rộng học thuyết về Mệnh môn, trở thành một bộ phận lý luận có ý nghĩa đột phá trong học thuyết tạng tượng, chiếm một vị trí rất quan trọng trong lý luận và thực tiễn lâm sàng Đông y. Vì vậy các y gia như Tiết Kỷ ( 薛己 ), Tôn Nhất Khuê ( 孫一奎 ), Trương Cảnh Nhạc ( 张景岳 ), Triệu Hiến Khả ( 赵献可 )…đã có những thành quả nghiên cứu nhất định về trường phái ôn bổ. Lý luận của các y gia đó có thể khái quát như sau:

 

2) Lý Luận Mệnh Môn Chân Âm – Chân Dương:

Danh y Tiết Kỷ thuộc phái ôn bổ đã sáng tạo ra lý luận chân âm – chân dương, trong đó có nói: “nếu như tinh âm của Thận bất túc, dương không thể chuyển hóa, hư hỏa vọng động mà sinh ra các chứng như trên ( âm hư ) thì nên dùng Lục Vị Địa Hoàng Hoàn để bổ, giúp cho Âm vượng mà thì dương sẽ hóa; Nếu dương khí ở thận bốc lên, âm tinh không sinh ra được, hư hỏa vọng động mà sinh ra các chứng trên ( dương hư ) thì nên dùng  Bát Vị Địa Hoàng Hoàn để bổ, khiến cho Dương vượng mà Âm sinh ( Thiết nhược thận kinh âm tinh bất túc, dương vô sở hóa, hư hỏa vọng dộng dĩ chí tiền chứng, nghi dụng Lục Vị Địa Hoàng Hoàn bổ chi, sử âm vượng tắc dương hóa; nhược thận kinh dương khí táo, âm vô dĩ sinh, hư hỏa nội động nhi chí tiền chứng giả, nghi dụng Bát Vị Địa Hoàng Hoàn bổ chi, sử dương vượng dĩ âm sinh – 设若肾经阴精不足,阳无所化, 虚火妄动以致前症,宜用六 地黄丸補之,使阴旺则阳化;若肾经阳气燥, 阴无以生, 虚火内动而致前症者, 宜用八味地黄丸补之, 使阳旺以阴生 ), đồng thời còn trích dẫn hai câu nói của Vương Bân ( 冰 ) “ích hỏa chi nguyên” ( làm mạnh cho nguồn của hỏa ) và “tráng thủy chi chủ” ( mạnh thủy làm chủ ) để làm sáng tỏ hơn. Lý luận chân âm chân dương và cách sử dụng Lục Vị và Bát Vị Hoàn của Tiết Kỷ đã sáng tạo nên phái ôn bổ đời nhà Minh, đối với các y gia đời sau như Trương Cảnh Nhạc, Triệu Hiến Khả, Tôn Nhất Khuê  và nhiều y gia khác có một sức ảnh hưởng rất lớn.

Triệu Hiến Khả dựa trên cơ sở lý luận của Tiết Kỷ đã thêm một bước xây dựng và làm sáng tỏ hơn về lý luận mệnh môn âm dương thủy hỏa, nhấn mạnh mối quan hệ giữa mệnh môn với Thận, tức là mối quan hệ giữa thủy và hỏa. Ông nói: “mệnh môn là hỏa quân chủ ( quân hỏa ), là hỏa trong thủy, nương tựa lẫn nhau mãi mãi không rời. Nếu hỏa mạnh có thừa, chân thủy suy yếu, lúc đó không được trừ đi thế mạnh của hỏa, chỉ nên bổ thủy để phối với hỏa, chủ yếu làm mạnh cho thủy để trấn áp thế mạnh của hỏa; Hỏa suy yếu mà thủy có biểu hiện mạnh lên, cũng không nên trừ đi thế mạnh của thủy, nên bổ hỏa trong thủy, mạnh cho nguồn của hỏa để tiêu đi sự che lấp của âm thủy”. Triệu Hiến Khả cũng căn cứ vào kiến giải của Vương Băng mà làm sáng tỏ hơn về Thận thủy, Mệnh môn hỏa, cho rằng Lục Vị bổ thủy, Bát Vị bổ hỏa, mở rộng tác dụng sử dụng của hai phương này. Ông nói: “lấy cái thủy hữu hình để bù đắp cho cái hỏa vô hình thì sẽ bền vững lâu dài. Đó là chân thủy chân hỏa, thăng giáng hợp nhau mà thành ký tế ( giao nhau ). Người làm y mà không ngộ ra được bản chất của tiên thiên thái cực, không xét cho đến nơi đến chốn sự diệu dụng của thủy hỏa vô hình thì sẽ không dùng hết được cái thần kỳ của Lục Vị và Bát Vị. Như vậy thì y lý đã mất hết nửa phần rồi”. Cho rằng Lục Vị Hoàn là chủ phương để tráng thủy ( mạnh cho thủy ). Nếu Thận thủy hư thì dùng ( phương này ) để chế hỏa, không có phương này thì không thể cứu cho thủy được; Bát Vị Hoàn là chủ phương để mạnh cho hỏa, nếu mệnh môn hỏa suy mà không hóa được thủy, không có phương này thì không thể giúp được cho thủy. Hai phương này dùng đúng cách sẽ đạt được mục đích ích cho Vỳ – Vị mà bồi đắp cho nguồn của ngũ tạng lục phủ.

Trương Cảnh Nhạc cho Mệnh môn là nơi tàng chứa tinh của Thận. Tinh tàng ở đây là thủy trong âm ( âm trung chi thủy ); khí hóa ở đây là hỏa trong âm. Mệnh môn bao gồm cả thủy và hỏa, là gốc của sinh mệnh. Ông nói: “Công năng của thủy hỏa, một trong hai không thể thiếu. Hỏa của mệnh môn được gọi là nguyên khí; thủy của mệnh môn được gọi là nguyên tinh. Ngũ dịch[6] đầy đủ thì hình thể dựa vào đó mà mạnh khỏe; Ngũ khí[7] bình hòa với nhau thì doanh vệ cũng nhờ đó mà được điều hòa. Thủy hỏa của mệnh môn này chính là nguồn chuyển hóa của 12 tạng”. Từ đó đưa ra quan điểm “dương không có thừa” ( dương phi hữu dư – 阳非有余 ), “chân âm không đủ” ( chân âm bất túc – 真阴不足 )[8], cho rằng thủy hỏa của mệnh môn là gốc rễ của cơ thể con người, chỉ sợ thủy hỏa không đủ chứ không thể nói là hữu dư được. Vì vậy bệnh mệnh môn thường là chứng hư. Nếu nói đến chứng “thực hàn ở bên dưới” ( hàn thực ư hạ ) thì đó không phải là dó âm thịnh mà là do mệnh môn hỏa suy; chứng “nhiệt thịnh bên trên” thì đó không phải là do dương thịnh mà là do thủy của mệnh môn khuy hư. Nguồn của Thủy bị khuy hư thì bệnh thuộc âm hư xuất hiện; gốc của hỏa suy thì sinh ra các bệnh dương hư. Trương Cảnh Nhạc dùng ích thủy tráng hỏa để luận về “phép trị chân âm” ( chân âm chi trị ), đồng thời cho rằng Cách dùng Lục Vị hoặc Bát Vị Hoàn để bổ ích chân âm chân dương của Tiết Lập Trai và Triệu Hiến Khả còn có chỗ chưa đầy đủ. Ông nói: “Chân âm đã hư thì không thể lại phát tiết thêm nữa, trong hai phương trên đều dùng Phục linh, Trạch tả để thẩm thấp lợi niệu thái quá, tức là vẫn giữ nguyên phương trong sách Kim Quỹ của Trương Trọng Cảnh, nhưng Trương Trọng Cảnh lập ra phương này với mục đích lợi thủy. Tuy  trong cái tác dụng đại bổ của phương này có gia các vị Phục linh, Trạch tả vào thì không hại gì, nhưng không tránh khỏi việc giảm bớt lực bổ thì tác dụng sẽ không còn bao nhiêu”. Từ đó ông lập ra các phương Tả Quy Hoàn, Tả Quy Ẩm, Hữu Quy Hoàn, Hữu Quy Ẩm, lý – pháp – phương – dược đều có sự nhất quán, hình thành một hệ thống lý luận hoàn chỉnh.

3) Quan hệ giữa thận với mệnh môn:

Điểm quan trọng của học thuyết mệnh môn là: trong mệnh môn đã vừa có chân thủy lại còn có chân hỏa, là gốc rễ sự sống của con người; mệnh môn có mối quan hệ mật thiết với Thận, rất khó chia lìa. Đông y hiện đại cho rằng Thận âm là gốc rễ của âm dịch toàn thân, có tác dụng tư dưỡng và nhu nhuận cho các tổ chức tạng phủ; Thận dương là gỗ rễ của dương khí toàn thân, có tác dụng ôn ấm và hóa sinh cho các tổ chức tạng phủ. Trên thực tế đây chính là nội dung trọng tâm được đúc kết, hấp thu từ học thuyết mệnh môn, làm phong phú thêm cho lý luận Đông y hiện đại. Có thể cho rằng: Hỏa của mệnh môn tương đương với Thận dương; Thủy của mệnh môn tương đương với Thận âm. Thận âm và Thận dương tức là chân âm và chân dương, nguyên âm và nguyên dương. Học thuyết mệnh môn của các y gia xưa nhấn mạnh tinh khí trong Thận là nguồn gốc của sự sống con người. Ngày nay học thuyết mệnh môn đã được hợp vào với lý luận tạng phủ trong Đông y học. Mệnh môn với thận, thủy hỏa mệnh môn với Thận âm, thận dương đã trở thành một từ đồng nghĩa.

[1] Tiên thiên là hình tượng bào thai được hình thành bởi tinh cha huyết mẹ. Tiên thiên thường đi với Hậu thiên thành một cặp phạm trù đối lập. Hậu thiên là sự phát triển tiếp theo sau khi con người được sinh ra được nuôi dưỡng bởi ăn uống hấp thụ tinh hoa thủy cốc lương thực mà phát triển.

 

[2] Chân âm – Chân dương còn gọi là Nguyên âm – Nguyên dương, Chân thủy – Chân hỏa. Đây là hai trạng thái đối lập với nhau cùng ở trong Thận. Hai trạng thái này hỗ trợ nhau, thăng bằng lẫn nhau để gìn giữ cho sự sống và phát triển của cơ thể.

[3] Xin xem lại mục “Khái Niệm Về Tinh”. Ý nghĩa tàng chứa tinh ở đây là cất giữ tinh hoa của các tạng phụ và cơ thể.

[4] Hư và thực trong Đông y là hai thuật ngữ dùng để diễn tả hiện tượng: bất cập ( hư ) – thái quá ( thực ); bất túc ( không đầy đủ – hư ) – hữu dư ( dư thừa – thực ); yếu ( hư ) – mạnh ( thực ). Nhìn chung hư và thực là thuật ngữ dùng để nói đến hiện tượng bất cập và thái quá của một sự vật.

[5]Bàn về học thuyết mệnh môn có rất nhiều ý kiến và giả thuyết. Tác giả cũng có ý kiến thực tế của mình, nhưng trong quá trình biên tập tác giả vẫn giữ nguyên văn bản của các y gia xưa đã nêu ra trong các y văn cổ. Cho đến thời điểm hiện tại, quan điểm và khái niệm về mệnh môn vẫn chưa được chính thức công nhận.

[6] Ngũ dịch là 5 loại dịch được hóa ra từ ngũ tạng gồm: Mồ hôi thuộc Tâm; nước mũi thuộc Phế; nước mắt thuộc Can; nước dãi ( diên ) thuộc Tỳ; nước bọt thuộc Thận. ( lưu ý: Nước dãi là dịch khi thèm ăn tiết ra; nước bọt là dịch thường xuất hiện trong miệng ).

[7] Ngũ khí là nói đến khí của ngũ tạng trong cơ thể.

[8] Trương Cảnh Nhạc căn cứ vào câu “Dương sinh Âm trưởng” trong nội kinh để đưa ra thuyết “Dương phi hữu dư”; Chu Đan Khê căn cứ vào câu “Âm khuy Dương kháng” ( âm hư dương trỗi dậy ) trong Nội Kinh để đưa ra thuyết “Dương thường hữu dư”

 

Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường

 

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

error: Bạn không thể copy nội dung này
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Xin chào, bạn cần trợ giúp ?