Vị trí của Can nằm ở vùng bụng, dưới hoành cách mô, từ bên hạ sườn phải qua sườn trái. Can cùng với Đởm, Mắt, Cân, móng tay, cấu thành một hệ thống. Can chủ sơ tiết, là tạng thích điều đạt mà ghét uất ức; thể là âm, nhưng dụng là dương. Trong Ngũ hành thì thuộc Mộc, là Dương trong Âm. Can tương ứng với mùa Xuân trong bốn mùa.
I) Hình thái giải phẫu của Can
1) Vị trí giải phẫu của Can:
Vị trí của Can nằm ở vùng bụng, dưới hoành cách mô, ở bên hạ sườn phải, qua bên hạ sườn trái. Trong Y văn Đông y, có nhiều sách nói đến cấu tạo của tạng phủ, như sách Y Tông Tất Độc, Thập Tứ Kinh Phát Huy… đặc biệt là sách Nội Kinh. Nói rõ Đông y học đã nhận thức rất rõ về bộ vị của Can là ở hạ sườn phải, bên phải phía trước của thận, hơi lệch về bên trái. Trong Đông y học còn có thuyết “Can tả Phế hữu”. Thuyết này được nói đến đầu tiên trong Nội Kinh, thiên “Thích Cấm Luận” sách Tố Vấn Nội Kinh chép: “Can sinh ở bên trái, tạng Phế ở bên hữu”. Như vậy, tại sao lại “Can bên tả, Phế bên hữu”? đó là vì tả hữu là còn đường của Âm Dương, Khí trong con người, Dương thăng lên từ bên trái, Âm giáng xuống từ bên phải. Can thuộc Mộc, ứng với mùa Xuân, vị trí ở hướng Đông, là sự khởi đầu của Dương khí, chủ sinh chủ thăng, dương thăng lên từ bên trái; Phế thuộc Kim, ứng với mùa thu, vị trí ở hướng tây, là tạng âm đầu tiên, chủ sát, chủ giáng. Tả là Dương thăng, hữu là Âm giáng. Vì vậy, tạng can tuy ở bên phải, nhưng khí của nó lại thăng bên trái; tạng Phế tuy ở trên hoành cách mô, nhưng khí lại giáng xuống từ bên phải. Can là tạng Dương, chủ thăng; Phế là tạng âm chủ túc giáng. Từ đặc điểm công năng sinh lý của Can và Phế thì có thể thấy “tả can hữu phế”. Có thể thấy “tả Can hữu Phế” không phải là bàn đến vị trí giải phẫu, mà chính là bàn đến đặc điểm công năng. Vì vậy, Trương Cảnh Nhạc có nói trong “Châm Thích Loại” sách Loại Kinh: “ Can mộc vượng ở phương đông, chủ phát sinh, nên khí sinh ở bên tả. Phế kim vượng ở phương tây mà chủ thâu liễm, nên khí tàng (cất giữ) bên hữu”. Nói chung, Can sinh ở bên tả, là nói đến Can chủ thăng, công năng của nó là ở bên trái. Căn cứ vào lý luận tả thăng hữu giáng, thì bộ vị hành khí của Can là ở bên tả. Vì vậy, trong sách “Thập Tứ Kinh Phát Huy” có chép: “Can là tạng … công năng trị tiết của nó ở bên trái”
2) Kết cấu hình thái của Can:
Tạng can được chia thành thùy, chia ra hai bên tả hữu, sắc đỏ thẫm. Đối với việc chia thùy của Can, trong văn hiến Đông y tuy có ghi chép, nhưng cũng có những điểm chưa phù hợp với nhau. Như sách Nạn Kinh có đoạn chép: “ ( Gan ) có 2 lá”, và “ bên trái 3 nhánh, bên phải 4 nhánh, tổng cộng là 7 nhánh”. Dương Thượng Thiện cho rằng: “ lá gan lớn có hai nhánh; lá gan nhỏ thì có nhiều nhánh” ( Nạn Kinh Tập Chú ). Theo miêu tả của Dương Thượng Thiện, thì lá gan nhìn bên ngoài gồm có 2 lá, bên trong thì có 5 nhánh.
II) Công năng sinh lý của Can:
1) Can chủ sơ tiết:
Can chủ sơ tiết, là ý nói can chủ sơ thông, thư sướng, điều đạt, để bảo trì sự điều đạt, thông sướng, sơ thông của khí cơ toàn thân, đó là “ thông mà không trệ, tán mà không uất”.
Can chủ sơ tiết chính là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự phát triển công năng sinh lý của mọi mặt trong cơ thể.
“Sơ” (疏), nghĩa là sự thông suốt, lưu thông không ứ trệ; “Tiết” ( 泄 ), nghĩa là thăng phát, phát tiết. Sơ tiết, tức là thăng phát, phát tiết, sơ thông. Từ “sơ tiết” đầu tiên được nói đến trong sách Tố Vấn, thiên Ngũ Thường Chính Đại Luận: “Thổ sơ tiết, khiến cho Mộc khí thoáng đạt” ( 土疏泄,苍气达 – Thổ sơ tiết, thương khí đạt ), cũng đồng quan điểm với ý nghĩa Thổ có được Mộc mà thông đạt, như trong Dương Hữu Dư Âm Bất Túc Luận, sách Cách Chí Dư Luận của Chu Đan Khê có chép: “chủ sơ tiết, chính là Can tạng” ( 司疏泄者,肝也 – Tư sơ tiết giả, Can dã ).
Tác dụng Can chủ sơ tiết trong hoạt động sinh lý của con người, chủ yếu là:
a) Điều sướng khí cơ:
Can chủ công năng sinh lý của sơ tiết, có quan hệ chung đến sự điều sướng khí cơ của toàn thân cơ thể con người. Khí cơ, tức là vận động thăng giáng xuất nhâp của Khí. Thăng giáng xuất nhập là hình thức cơ bản của tác dụng khí hóa. Cơ thể con người là một cơ thể không ngừng phát sinh tác dụng khí hóa thăng giáng xuất nhập. Quá trình thăng giáng xuất nhập của tác dụng khí hóa, là nhờ thông qua sự thực hiện hoạt động công năng của tạng phủ. Trong cơ thể con người, từ Âm Dương doanh vệ, tân dịch khí huyết, cho đến kinh lạc, không gì là không dựa vào thăng giáng xuất nhập để quan hệ tương hỗ lẫn nhau, duy trì công năng sinh lý chính thường. Công năng sơ tiết toàn thân của Can, đối với sự hiệp điều bình hoành giữa khí cơ thăng giáng xuất nhập của các tổ chức tạng phủ toàn thân, đã có một tác dụng điều tiết sơ thông quan trọng. Quyển bốn, sách Độc Y Tùy Bút chép: “phàm, khí hóa của mười hai kinh lạc tạng phủ, đều cần phải nhờ đến khí hóa của Can Đởm cổ vũ cho, mới có thể điều sướng mà không sinh bệnh”. Vì vậy, công năng sơ tiết của Can chính thường, thì khí cơ điều sướng, khí huyết điều hòa, kinh lạc thông lợi, hoạt động của cá tổ chức tạng phủ cũng được hiệp điều chính thường.
b) Điều tiết tinh thần tình chí:
Tình chí, tức tình cảm, tình tự, ý nói đến một loại quá trình tâm lý phản ánh biến hóa tình cảm của hoạt động tinh thần con người. Tình chí trong Đông y học thuộc phạm trù nghĩa hẹp của “thần”, bao gồm hỉ ( 喜 – vui ), nộ ( 怒 – giận ), ưu ( 忧 – buồn ), tư ( 思 – lo lắng ), bi ( 悲 – đau buồn ), khủng ( 恐 – sợ ), kinh ( 惊 – hãi ), còn gọi là Thất tình. Can thông qua tác dụng thông sướng bởi công năng sơ tiết khí cơ của bản thân nó, có thể điều tiết được hoạt động tinh thần, tình chí của con người. Hoạt động tinh thần tình chí của con người, ngoài trừ do tâm thần làm chủ ra, còn có tương quan mật thiết với công năng sơ tiết của Can, nên thiên Linh Lan Bí Điển Luận sách Tố Vấn còn có thuyết “Can chủ mưu lự”. Can chủ mưu lự, tức là chủ về mưu tính tư lự. Can chủ mưu lự là Can hỗ trợ cho Tâm thần để điều tiết tư duy, tinh cảm cùng các tác dụng hoạt động tinh thần. Trong tình trạng sinh lý chính thường, công năng sơ tiết của Can chính thường, Can khí thăng phát, không hưng phấn thái quá, cũng không bị ức chế thái quá, thư sướng điều đạt, thì con người mới có thể hiệp điều hoạt động tinh thần tình chí của bản thân mình, biểu hiện tinh thần thoải mái, tâm tình thư sướng, lý trí tỉnh táo, tư duy linh hoạt, khí hòa chí đạt, huyết khí hòa bình. Nếu Can mất đi sự sơ tiết, sẽ dễ khiến choo hoạt động tinh thần tình chí của con người thất thường. Sơ tiết bất cập, thì sẽ biểu hiện uất ức không vui, đa sầu dễ tư lự; nếu sơ tiết thái quá, thì sẽ biểu hiện phiền táo, dễ giận dữ, đầu đau căng trướng, mặt đỏ mắt đỏ. Vậy nên sách Liễu Châu Y Thoại có chép: “lười biếng mệt mỏi, đó là bệnh do Can mà ra” ( 七惰之病,必由肝起 – thất đọa chi bệnh, tất do Can khởi ). Đời Tống, Cao Dĩ Tông, trong sách Vĩ Lạc quyển 10, có chép: “Thần là con của Khí, Khí là mẹ của Thần, hình là nhà của Thần”.
Chủ sơ tiết của Can thất thường, thường có quan hệ ảnh hưởng đến tính chí thất thường. Can mất sơ tiết khiến cho tình chí khác thường, thì gọi là vì uất mà sinh ra bệnh; vì tình chí khác thường mà khiến Can mất sơ tiết thì gọi là vì bệnh mà dẫn đến uất.
2) Thúc đẩy tiêu hóa – hấp thu:
Tỳ Vị là khí quan tiêu hóa chủ yếu của con người. Vị chủ thâu nhận, tỳ chủ vận hóa. Can chủ sơ tiết là điều kiện trọng yếu để bảo đảm cho công năng tiêu hóa hấp thu chính thường của Tỳ – Vị. Đối với tác dụng thúc đẩy công năng tiêu hóa hấp thu của Tỳ – Vị, Can phải thông qua sự hiệp điều thăng giáng khí cơ của Tỳ – Vị, và sự bài tiết, thẩm thấu dịch mật mà thực hiện được.
a) Hiệp điều khí cơ thăng giáng của Tỳ – Vị:
Vị khí chủ giáng, đón nhận thủy cốc để du chuyển đến Tỳ; Tỳ khí chủ thăng, vận hóa chất tinh vi thủy cốc để tưới rót cho toàn cơ thể. Tỳ thăng vị giáng cấu thành vận động tiêu hóa của tỳ vị. Chủ công năng sơ tiết chính thường của Can chính là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho công năng thăng giáng then chốt của Tỳ Vị không bị rối loạn. Can thuộc Mộc, Tỳ Vị thuộc Thổ, Thổ có được Mộc mà đạt. Mục “Tạng Phủ Bệnh Cơ Luận” sách Huyết Chứng Luận chép: “Tính của Mộc là chủ sơ tiết. Khí đồ ăn thức uống vào Vị, đều phải nhờ vào khí của Mộc để sơ tiết, thì thủy cốc mới hóa được. Khi Can không sơ tiết thủy cốc, thì khó tránh khỏi các chứng cầu lỏng bụng đầy” ( 木之性主乎疏泄。食气入胃,全赖肝木之气以疏泄之,则水谷乃化。设肝不能疏泄水谷,渗泄中满之证在所难免 – Mộc chi tính chủ ư sơ tiết. Thực khí nhập vị, toàn lại Can Mộc chi khí dĩ sơ tiết chi, tắc thủy cốc nãi hóa. Một Can bất năng sơ tiết thủy cốc, sấm tiết trung mãn chi chứng tại sở nan miễn ). Có thể thấy, sự tiêu hóa, hấp thu của ăn uống, có quan hệ mật thiết với công năng sơ tiết của Can, vậy nên công năng sơ tiết của Can vừa có thể giúp cho vận hóa của Tỳ, khiến cho khí thanh dương thăng phát, chất tinh vi thủy cốc đưa lên Phế, lại có thể giúp cho Vị thâu nạp ngấu nhừ, thúc đẩy khí trọc âm giáng xuống, khiến cho đồ ăn đã ngấu nhừ được đưa xuống tiểu trường. Nếu Can mất sơ tiết, phạm Tỳ khắc Vị, sẽ dẫn đến thăng giáng của Tỳ Vị thất thường, trên lâm sàng, trừ các chứng trạng Can khí uất kết ra, vừa có thể xuất hiện chứng bĩ mãn ợ hơi, nôn ọe ăn kém, cùng các chứng trạng Can Vị bất hòa của chứng Vị khí bất giáng ra, lại có thể xuất hiện Tỳ khí bất thăng mà sinh các chứng bụng trướng, tiết tả ( cầu lỏng ), cùng các chứng trạng Can Tỳ bất hòa. Vậy nên mục Luận Can Khí sách Tri Y Tất Biện chép: “Can khí nếu bị động, thì sẽ thừa Tỳ Thổ mà gây đau, trướng, nặng thì gây cầu lỏng, hoặc phạm lên vị thổ, khiến cho khí nghịch gây nôn ọe, hai sườn trướng đau”.
b) Thẩm thấu, bài tiết Đởm trấp ( dịch Mật ):
Đởm là phủ của Can, bên trong chứa dịch, Đởm trấp có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa. Đởm trấp là khí thừa của Can tích tụ mà thành. Có thể thấy, nguồn gốc Đởm trấp là ở Can, cất giữ ở Đởm, Đởm trấp bài tiết vào trong khoang ruột để giúp đỡ cho công năng tiêu hóa, hấp thu đồ ăn thức uống. Công năng sơ tiết chính thường của Can chính là tình trạng bài tiết và thẩm thấu chính thường của Đởm trấp, hỗ trợ cho công năng hấp thu tiêu hóa của Tỳ Vị. Nếu Can khí uất kết, ảnh hưởng đế sự thẩm thấu và bài tiết của Đởm trấp, có thể dẫn đến cản trở hấp thu tiêu hóa của Tỳ Vị, mà xuất hiện các triệu chứng sườn đau, miệng đắng, ăn vào không tiêu, thậm chí dẫn đến Hoàng Đản. Nói chung, Tỳ là chí âm trong Âm, không có Dương trong Âm thì không thăng; Thổ có tính đôn hậu, không có cái “khúc trực” ( vừa cong vừa thẳng ) của Mộc thì không đạt. Can khí thăng phát, sơ đạt trong Thổ, để giúp Tỳ thăng thanh vận hóa, Vị đón nhận và ngấu nhừ.
3) Duy trì vận hành khí huyết:
Sơ tiết của Can có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự điều sướng của khí cơ. Chỉ có khí cơ điều sướng, mới có thể phát huy mạnh mẽ tác dụng Tâm chủ huyết mạch, Phế giúp Tâm hành huyết, Tỳ thống nhiếp huyết dịch, từ đó mới bảo đảm được sự vận hành chính thường của khí huyết. Cho nên Can khí thư sướng điều đạt, huyết dịch mới có thể theo đó mà vận hành, cất giữ và bài tiết có điều độ. Khởi nguồn của huyết là ở khí, khí hành thì huyết hành, khí trệ thì huyết ứ. Nếu Can mất sơ tiết, khí cơ không điều hòa, thì sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành của khí huyết. Nếu khí cơ trở trệ, thì khí trệ mà huyết ứ, mà có thể thấy chứng ngực sườn đau chích, thậm chí trưng hà, thũng khối, thống kinh, bế kinh v.v… Nếu khí cơ nghịch loạn, lại có thể dẫn đến huyết dịch không tuần hoàn theo con đường thông thường, mà sinh xuất huyết. Mục “Kinh Thủy Hoặc Tử Hoặc Hắc Luận” sách “Cách Trí Dư Luận” chép: “Huyết là phối của khí: khí nhiệt thì nhiệt, khí hàn thì hàn, khí thăng thì thăng, khí giáng thì giáng, khí ngưng thì ngưng, khí trệ thì trệ”.
4) Điều tiết sự trao đổi thủy dịch:
Sự điều tiết của trao đổi thủy dịch, chủ yếu là nhờ Phế, Tỳ, Thận và kết hợp của các tạng phủ khác mà thành, nhưng có quan hệ mật thiết với Can. Vì Can chủ sơ tiết, có thể điều sướng khí cơ của tam tiêu, thúc đẩy cơ năng điều tiết trao đổi thủy dịch của ba tạng Phế, Tỳ, Thận; Tam tiêu, tức là thông qua sự thúc đẩy vận hóa thủy thấp của Tỳ, tán bố thủy dịch của Phế, chưng hóa thủy dịch của Thận, để điều tiết sự trao đổi thủy dịch. Tam tiêu là con đường lưu thông của trao đổi thủy dịch. Mục “Tạng Tượng Loại”, sách Loại Kinh chép: “Thượng tiêu không yên, thì thủy phạm lên nguồn ở trên cao; Trung tiêu không yên, thì thủy chảy vào Trung quản; Hạ tiêu không yên, thì thủy loạn nhị tiện ( tiểu tiện, đại tiện ). Khí tam tiêu được yên, thì mạch lạc thông mà thủy đạo lợi”. Công năng đào vét ( quyết độc – 决渎 ) của Tam tiêu, trên thực tế là sự tổng hợp công năng điều tiết thủy dịch của Phế, Tỳ, Thận. Công năng sơ tiết của Can chính thường, khí cơ điều sướng, thì khí Tam tiêu mới yên, thủy đạo thông lợi, khí thuận thì thủy dịch toàn thân cũng theo đó mà thuận, vậy nên sách Huyết Chứng Luận, mục Âm Dương Thủy Hỏa Khí Huyết Luận chép: “Khí hành thì thủy cũng hành”. Nếu Can mất đi sự sơ tiết, Khí cơ Tam tiêu trở trệ, khí trệ thì thủy ngừng lại, từ đó dẫn đến đàm ẩm, thủy thũng, hoặc thủy cổ ( cổ trướng ). Vậy nên mục “Tiểu Tiện Nguyên Ủy Luận” sách “Y Kinh Tố Hối Tập” chép: “Thủy là con của Khí, Khí là mẹ của Thủy. Khí hành thì Thủy hành, Khí trệ thì Thủy trệ”. Từ đó có thể thấy, tạng Can thông qua tác dụng sơ lợi điều đạt kí cơ tam tiêu tạng phủ, để điều tiết hoạt động trao đổi dịch chất trong cơ thể, đây chính là cơ sở của lý luận “lý khí để trị thủy”. Nhưng cần phải để ý, phép lý khí không chỉ chủ yếu là trị liệu thủy thũng, nhưng còn cần phải trợ cho hành thủy.
5) Điều tiết công năng sinh lý và khí quan sinh dục:
a) Điều lý xung nhâm:
Các đặc thù hoạt động sinh lý về kinh, đới, thai, sản của Phụ nữ, đều có quan hệ đến công năng của nhiều tạng phủ, trong đó công năng của tạng Can rất quan trọng, vậy nên mới có thuyết “người nữ lấy Can làm tiên thiên”. Suốt đời người Phụ nữ lấy huyết làm chủ. Từ việc hành kinh hao huyết, khi mang thai huyết phải tụ lại để nuôi dưỡng, cho đến việc sinh nở, không gì là không liên quan đến huyết. Mạch xung là bể của huyết, mạch Nhâm chủ bào thai, hai mạch Xung Nhâm có liên quan mật thiết với cơ năng sinh lý của Phụ nữ. Can là bể của huyết, hai mạch Xung Nhâm tương thông với kinh túc quyết âm Can, mà lệ thuộc vào Can. Can chủ sơ tiết, có thể điều tiết hoạt động sinh lý của hai mạch Xung Nhâm. Công năng sơ tiết của Can được chính thường, thì khí của kinh túc quyết âm sẽ điều sướng, có ảnh hưởng tốt đến ha mạch Xung Nhâm, khiến cho thông lợi Nhâm mạch, mạnh mẽ mạch Thái xung, kinh nguyệt nhờ đó mà đi xuống, sự bài tiết của đới hạ cũng chính thường, nhâm mạch thai sản, sinh nở được thuận lợi. Nếu Can mất đi sự sơ tiết mà dẫn đến Xung Nhâm thất điều, khí huyết bất hòa, từ đó mà hình thành các bệnh tật về kinh nguyệt, đới hạ, thai sản, cùng các rối loạn về công năng tính dục, vô sinh.
b) Điều tiết tinh thất:
Tinh thất ( tạm gọi là nhà của tinh ) là nơi tàng chứa tinh của người nam. Người nam theo sự sung thịnh đầy đủ của thận khí mà thiên quý chí[1] (thúc đẩy sự hoàn thiện của công năng sinh lý, đồng thời duy trì các yếu tố vật chất của hệ sinh dục). Nếu tinh khí tràn trề, thì sẽ giúp cho công năng sinh lý được đầy đủ. Sự khai hợp của tinh thất ở người nam, sự tàng trữ tinh dịch, có quan hệ đến công năng của Can Thận. Ở mục “Dương Hữu Dư Âm Bất Túc Luận” sách Cách Chí Dư Luận chép: “chủ bế tàng là Thận; chủ sơ tiết là Can”. Công năng sơ tiết của Can, cùng công năng bế tàng của Thận cỏa sự hiệp điều thăng bằng. Nếu tinh thất đóng mở có quy luật, tinh dịch bài tiết điều độ, sẽ khiến cho công năng sinh lý, và hệ sinh dục của người nam được thăng bằng. Nếu công năng sơ tiết của Can thất thường, thì sẽ khiến cho quy luật đóng mở của tinh thất bị rối loạn. Nếu công năng điều tiết tinh thất của Can bất cập, thì sẽ xuất hiện các bệnh chứng như công năng sinh lý suy giảm, dương nuy ( liệt dương ), ít tinh, vô sinh; nếu công năng điều tiết tinh thất của Can thái quá, thì sẽ khiến cho đòi hỏi sinh lý mạnh, Dương cường, mộng tinh v.v… Vì vậy, mục “Tạng Tượng Loại” sách “Loại Kinh” có chép: “ Can là Dương trong Âm, mạch của nó đi vòng quanh tiền âm ( bộ phận sinh dục ), nếu mạnh thì háo sắc, hư thì chán ghét sự quan hệ ( tính dục ), không thích phụ nữ” ( 肝 为 阴 中 之 阳,其 脉 绕 阴 器,强 则 好 色,虚 则 妒 阴,时 憎 女 子 – Can vi âm trung chi dương, kỳ mạch nhiễu âm khí, cường tắc háo sắc, hư tắc đố âm, thời tăng nữ tử ).
6) Can Tàng Huyết Sinh Huyết:
a) Can chủ tàng huyết:
Can tàng huyết là ý nói đến các công năng của Can bao gồm: tàng trữ huyết dịch, ngăn chặn xuất huyết, và điều tiết lượng huyết. Vì vậy, Can còn được gọi là bể của huyết.
a1) Tàng trữ huyết dịch:
nguồn gốc của huyết là từ tinh vi thủy cốc, sinh hóa ở Tỳ, mà cất giữ ở Can. Trong Can, tàng chứa một lượng huyết nhất định, vừa có thể nhu dưỡng cho thân thể, chế ước dương khí của Can để duy trì sự điều hòa khí huyết và thăng bằng âm dương của Can, lại vừa có thể ngăn ngừa sự xuất huyết. Vì vậy, nếu Can không tàng huyết, không chỉ có thể xuất hiện tình trạng Can huyết bất túc, dương khí thăng mạnh lên trên thái quá, mà còn có thể dẫn đến xuất huyết.
a2) Điều tiết lượng huyết:
trong tình trạng sinh lý chính thường, lượng huyết dịch của các bộ phận trong cơ thể có một sự hằng định tương đối. Nhưng huyết dịch trong mỗi bộ phận của con người, tùy theo mỗi tình trạng sinh lý khác nhau của con người mà thay đổi. Lúc cơ thể con người hoạt động tối đa, hoặc tâm lý kích động, thì lượng huyết dịch trong mỗi bộ phận cơ thể con người sẽ có một sự gia tăng tương ứng cần thiết. Vì vậy, huyết dịch tàng chứa trong tạng Can sẽ vận chuyển ra bên ngoài cơ thể, để cung cấp cho nhu cầu hoạt động của hoạt động cơ thể. Lúc cơ thể nghỉ ngơi và yên tĩnh, hoặc tinh thần ổn định, do sự hoạt động của các bộ phận trong toàn thân giảm thiểu, nhu cầu huyết dịch bên ngoài của toàn thân cũng theo đó mà giảm thiểu, lượng huyết dịch của các bộ phận cũng đi về Can. Như vậy, có thể thấy khi con người hoạt động thì huyết dịch vận hành ra kinh lạc; khi con người tĩnh thì huyết dịch đi về tạng Can.Vì tạng Cang bao gồm các tác dụng tàng trữ huyết dịch và điều tiết lượng huyết, nên Can được gọi là bể của huyết.
Lúc công năng tàng huyết của Can bị cản trở, có thể sẽ xuất hiện hiện hai tình trạng: một là huyết dịch khuy hư. Can huyết bất túc thì công năng phân bố huyết dịch đến các bộ phận của toàn thân không thể đáp ứng được các yêu cầu hoạt động , có thể xuất hiện các bệnh lý do huyết hư không nhu dưỡng. Như tự mất huyết, khiến hai mắt khô rít, nhìn không rõ, hoặc không thấy; nếu Cân mất nhu dưỡng, sẽ khiến cân mạch có rút, chân tay thân thể tê dại, co duỗi khó khăn, ở phụ nữ thì lượng kinh ít, thậm chí bế kinh. Hai là huyết dịch vong hành ( huyết dịch đi lạc chỗ ). Can không tàng huyết có thể xuất hiện biến hóa bệnh lý có khuynh hướng xuất huyết, như thổ huyết, nục huyết, kinh nguyệt quá nhiều, băng lậu.
Quan hệ giữa công năng Can tàng huyết và sơ tiết: Can vừa chủ sơ tiết lại chủ tàng huyết. Tàng huyết chính là cơ sở vật chất của sơ tiết; sơ tiết là biểu hiện công năng tàng huyết. Công năng sơ tiết của Can đều phải dựa vào tác dụng nhu dưỡng của huyết, lại phải dựa vào công năng chính thường của Can, mới có thể phát huy được tác dụng. Cho nên giữa công năng tàng huyết và sơ tiết của Can có một mối quan hệ tương bổ tương thành mật thiết với nhau. Công năng tàng huyết đối với công năng sơ tiết mà nói, trên phương diện sinh lý, Can chủ sơ tiết, khí cơ thông sướng, thì huyết mới có thể điều tiết và đi về đúng nơi một cách chính thường. Sự vận hành của huyết dịch không những cần phải có sự thúc đẩy của Tâm Phế và sự thống nhiếp của Tỳ, mà còn cần phải có sự điều tiết của Can, mới có thể bảo đảm được sự điều sướng khí cơ, khiến cho huyết hành mà không dẫn đến ứ trệ. Trên phương diện bệnh lý, Can mất đi sơ tiết thì có thể ảnh hưởng đến sự vận hành và trở về của huyết dịch. Nếu Can uất khí trệ, khí cơ không thông sướng, thì huyết dịch cũng theo đó mà ứ trệ, đó là do khí trệ mà sinh huyết ứ. Nếu sơ tiết thái quá, Can khí thượng nghịch, huyết theo khí nghịch, có thể dẫn đến xuất huyết. Theo công năng tàng huyết và sơ tiết của Can mà nói, trên phương diện bệnh, Can chủ tàng huyết, huyết có thể dưỡng Can, khiến cho Can dương không bị kháng mạnh lên, bảo đảm được công năng chính thường cho chức năng sơ tiết của Can. Trong tình huống bệnh lý, nếu công năng tàng huyết của Can bất túc, hoặc Can không tàng huyết khiến xuất huyết, cuối cùng sẽ dẫn đến Can huyết bất túc. Can huyết bất túc, sơ tiết mất đi, sẽ dẫn đến đêm ngủ mộng mị, phụ nữ kinh nguyệt không đều, cùng các triệu chứng kèm theo.
b) Can chủ sinh huyết:
Nói Can chủ sinh huyết là nói đến tác dụng tham gia vào sự sinh thành huyết dịch. Can không những tàng huyết, mà còn có thể sinh huyết. Thiên “Lục Tiết Tạng Tượng” sách Tố Vấn chép: “Can … sung mãn ở Cân, có tác dụng sinh huyết khí” ( Can … kỳ sung tại cân, dĩ sinh huyết khí -肝……其充在筋,以生血气 ). Mục “Chư Huyết Môn” sách Trương Thị Y Thông chép: “ Khí không hao thì đi về Thận mà thành tinh; Tinh không tiết thì đi về Can mà thành huyết” ( Khí bất hao, quy tinh ư Thận nhi vi tinh. Tinh bất tiết tắc quy ư Can nhi hóa tinh huyết -气不耗,归精于肾而为精。精不泄,则归精于肝而化清血 ). Qua đó cho thấy Can tham gia và việc sinh thành huyết dịch.
Can chủ sơ tiết với Can chủ sinh huyết: Can lấy huyết làm thể, lấy khí làm dụng. Quyển 6, sách Ôn Bệnh Điều Biện chép: “Can chủ huyết, can lấy huyết để tự nuôi dưỡng, huyết đủ thì ( Can ) nhu nhuận, huyết hư thì ( Can ) cứng thô” ( Can chủ huyết, Can dĩ huyết vi tự dưỡng, huyết túc tắc nhu, huyết hư tắc cường -肝主血,肝以血为自养,血足则柔,血虚则强 ). Can chủ sinh huyết, huyết đầy đủ thì Can tự sung mãn. Chất cứng rắn thì nên có thể nhu hòa, thông cho cái tính điều đạt sinh sôi, thì sẽ không bị thăng động. Sơ tiết với sinh huyết, Can khí với Can huyết, tương hỗ lẫn nhau, có động có tĩnh. Can huyết bất túc thì Can khí hữu dư, sơ tiết thái quá, sẽ dẫn đến các bệnh về Can khí, Can hỏa, Can phong. Trương Giới Tân chép trong “Chất Nghi Lục”: Can huyết bất túc, thì sinh các chứng rút gân, co giật, co quắp, móng tay kho, mắt hoa, đầu đau, đau sườn, đau bụng dưới, san thống”.
7) Đặc Tính Sinh Lý Của Can:
a) Can thích điều đạt:
Điều đạt, thư thái, điều sướng, đều là ý nghĩa của sự thông đạt; Uất ức, là ý nói đến sự trở trệ. Can là tạng thuộc phong mộc, Can khí thăng phát, thích điều đạt mà ghét sự uất ức ( đè nén ). Can khí cần phải duy trì đặc tính thư sướng nhu hòa, thăng phát điều đạt, mới có thể duy trì công năng sinh lý chính thường của nó, giống như cây cối mùa xuân sinh trưởng điều đạt thư sướng, sung mãn. Can chủ thăng phát là nói đến can bao gồm đặc tính thăng phát sinh trưởng, nảy nở không ngừng, có công năng giúp cho các tạng khác được sinh trưởng hóa dục. Can thuộc Mộc, khí thông với mùa xuân, trong cây cối mùa xuân có cơ chế sinh thăng nảy nở, vậy nên dùng tính thăng phát của cây cối mùa xuân để quy loại vào Can. Vì vậy, nói Can chủ thăng phát, lại nói Can chủ khí thăng sinh. Điều đạt là tính của Mộc. Phàm, liên quan đến Mộc trong tự nhiên giới, thì đều có tính thích thích thư triển, thuận sướng, điều đạt, vừa không uất ức, lại không trở ngại, mà có cái tính tự nhiên. Can thuộc Mộc, tính của Mộc điều đạt, nên điều đạt cũng là tính của Can. Can thích điều đạt là nói đến tính của Can thích thư triển, điều sướng, thông đạt. Trong trạng thái sinh lý chính thường, Can khí thăng phát, nhu hòa, thư sướng, vừa không bị đè nén uất ức, lại không kháng mạnh lên, lấy sung hòa điều đạt là thuận. Vì vậy, Đường Dung Xuyên nói: “Can thuộc Mộc, Mộc khí sung hòa phát đạt, không để cho ( Can ) bị uất nén, thì huyết mạch được thông sướng” ( Huyết Chứng Luận – Tạng Phủ Bệnh Cơ Luận ). Nếu Can khí thăng phát bất cập, uất kết không thoải mái, thì sẽ xuất hiện các chứng trạng ngực sườn đầy tức, buồn bực không vui; nếu Can khí thăng phát thái quá, sẽ thấy các chứng trạng cau có dễ giận dữ, chóng mặt hoa mắt, đầu căng đau. Đặc tính này của Can với công năng sinh lý của Can chủ sơ tiết có mối quan hệ mật thiết.
Can khí thăng phát điều đạt mà không uất át trở trệ, thì công năng sơ tiết của Can chính thường. Công năng sinh lý của Can chủ sơ tiết là nhờ bởi sự quyết định của Can tính thích thăng phát điều đạt. Mục “Bình Can Giả Thư Can Dã Phi Phạt Can Dã” sách Độc Y Tùy Bút chép: “Tính của Can thích thăng mà ghét giáng, thích tán mà ghét liễm”; sách Nội Kinh Bác Nghĩa chép: “ lấy Mộc là đức, nên thể của nó ( Can ) nhu hòa mà thăng; lấy tượng ứng mùa Xuân, lấy điều đạt làm tính … tính của nó ( Can ) sơ tiết mà không thể đè nén”.
b) Can là tạng tính cương:
Can là tạng phong mộc, thích điều đạt mà ghét uất ức ( đè nén ); khí của nó dễ nghịch lên, dễ bùng phát lên trên; tính của nó cương cường. Vì vậy nên mới gọi Can là tạng cương. Cương, có ý nói cương cường bạo cấp. Khí của nó gấp gáp mà động, dễ bùng phát, dễ nghịch lên, nên được ví như “khí quan Tướng quân” ( Tướng quân chi quan ). Thể của Can là âm, nhưng dụng của nó lại là dương, là tạng phong mộc. Khí của nó chủ thăng, chủ động, thích điều đạt mà ghét bị uất ức, cũng sợ sự bùng phát thái quá. Can là tạng cương, bởi vì do tính Can thể là âm mà dụng là dương. Thể của Can âm nhu; dụng của Can dương cương, âm dương hòa điều, cương nhu tương tế ( giúp đỡ lẫn nhau ), thì công năng của Can chính thường. Vì vậy, quyển 1 – sách Lâm Chứng Chỉ Nam Y Án chép: “Can là tạng Phong Mộc, vì có Tướng hỏa ở bên trong, thể là âm; dụng là dương, tính cương cường, chủ về động và thăng. Nó nhờ Thủy hàm chứa cho; nhờ huyết nhu cho; nhờ Phế kim thanh túc hạ giáng để bình cho; nhờ cái tính dày chắc của Thổ bồi cho, nên mới có cái chất cương cường; có được cái thể nhu hòa, rồi mới có được cái tính xum xuê điều đạt. Như vậy thì làm sao mà có bệnh tật được”. Trong tình trạng sinh lý, thể âm của Can dựa vào sự hàm dưỡng bởi âm tinh của Thận mới có thể sung dưỡng được, do đó, nếu thể âm của Can thường bất túc, thì Dương của nó sẽ dễ kháng mạnh lên. Đặc tính bệnh lý của Can khí, Can dương hữu dư phản ánh lên bản thân tạng Can có đặc tính cương cường táo cấp. Đặc tính này nếu nghịch lên, sẽ ảnh hưởng đến các tạng khác như thừa Tỳ, phạm Vị, xung Tâm, vũ Phế, cập Thận, nên mới có câu nói “Can là tên trộm của ngũ tạng”.
c) Thể của Can là Âm nhưng dụng là Dương:
“Thể” và “Dụng” ( thể dụng ) là phạm trù triết học cổ đại, ý nói đến thực thể và tác dụng, công năng, thuộc tính, hoặc bản chất và hiện tượng, hoặc mối quan hệ của căn cứ và biểu hiện của thực thể đó. Khi nói đến lĩnh vực Đông y học, là nói đến bản thể của tạng phủ, cùng với mối quan hệ giữa nó với công năng sinh lý, và đặc tính sinh lý. “Thể” là nói đến bản thể của tạng phủ, ý nói đến đặc tính, và công năng của tạng phủ. “Thể của Can là âm mà dụng là dương”: “Thể” ở đây là bản thể của Can; “Dụng” ở đây là nói đến công năng hoạt động của Can. Can là tạng “cương” ( cứng chắc ), lấy huyết làm “thể”, lấy khí làm dụng, thể là âm, mà dụng là dương. Can là tạng tàng chứa huyết, huyết thuộc âm, nên thể của Can là âm; Can chủ sơ tiết, tính thích điều đạt, bên trong cất chứa tướng hỏa, chủ thăng chủ động, nên dụng của Can là dương.
- Ý nghĩa “thể âm” của Can: Một là vì Can nằm trong phạm vi âm tạng. vị trí nằm dưới hoành cách mô, nên thuộc âm; hai là vì Can tàng chứa âm huyết, mà huyết thuộc âm. Can phải dựa vào sự tư dưỡng của âm huyết, mới có thể phát huy tác dụng sinh lý chính thường của nó. Can là “can” tạng, nếu không có sự nhu nhuận thì sẽ bất hòa.
- Ý nghĩa “dụng là dương” của Can: Một là vì nhìn từ phương diện cơ năng sinh lý của Can, thì Can chủ sơ tiết, tính thích điều đạt, bên trong có chứa tướng hỏa, chủ động chủ thăng, theo thuộc tính âm dương mà nói thì Can thuộc dương; hai là vì nhìn từ phương diện biến hóa sinh lý của Can, thì dương của Can dễ kháng lên, dễ động phong. Biểu hiện bệnh lý của Can thường thấy là Can dương thượng kháng, và Can phong nội động, dẫn đến huyễn vựng, tê chân tay, rút gân, lắc lư run rẩy, giốc cung phản trướng ( Giốc cung phản trướng có biểu hiện lâm sàng như vùng cơ lưng co rút, khiến người cong về về phía sau, hình tượng giống như cây cung ). Khí thuộc dương, huyết thuộc âm – dương chủ động, âm chủ tĩnh. Vì vậy mà gọi Can tạng “thể là âm mà dụng là dương”.
Can thể âm dụng dương, trên thực tế đã khái quát kết cấu hình thể của Can, với mối quan hệ công năng sinh lý, đồng thời, cũng nói rõ lên đặc trưng chủ yếu của Can tạng trong phương diện sinh lý, và biến hóa bệnh lý.
Do Can tạng có đặc điểm bao gồm thể là âm, mà dụng là dương, cho nên, trên lâm sàng, đối với việc trị liệu các bệnh về Can, như trong sách “Loại Chứng Trị Tài” ( quyển 3 ) có nói: “Dụng dược không nên cương, mà nên nhu; không nên phạt mà nên hòa”. Thường thường dùng các pháp tư dưỡng âm huyết để ích Can, hoặc các pháp lương Can, tả Can, để ức chế cái thăng động thái quá của Can.
8) Can khí tương ứng với khí của mùa xuân:
Can có mối quan hệ nội tại với hướng đông, phong, mộc, mùa xuân, sắc xanh, vị chua… Mùa xuân là mùa bắt đầu cho một năm, dương khí bắt đầu sinh ra, vạn vật được vinh dưỡng, khí hậu ôn ấm nhiều gió. Thiên nhân tương ứng, đồng khí tương cầu, Can trong cơ thể con người sẽ có sự tương ứng trên. Vậy nên khí trong mùa xuân là mạnh nhất, phản ứng mạnh nhất, nên thường thấy bệnh biến của Can trong mùa này. Trên lâm sàng, trong ba tháng mùa xuân là mùa Can mộc làm chủ, vì Can chủ sơ tiết, nên thường liên quan đến các bệnh về hoạt động tinh thần, tình chí; lại như can tương ứng với vị chua, nên bổ Can thường dùng các vị như Bạch thược, Ngũ vị, cùng các vị có vị chua…
[1] Thiên quý chí (天癸至): tuổi dậy thì.
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường