Bài viết chỉ mang tính tham khảo và phổ biến. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và điều trị đúng hướng dẫn trong bài viết thì người bệnh có thể tự điều trị được cho mình. Nếu bệnh ở mức độ nặng, lâu ngày, điều trị không hiệu quả thì bệnh nhân gửi thông tin cho nhà thuốc để được điều trị theo hướng chuyên trị hơn.
Bấm vào đây để vào mục Các Câu Hỏi Cho Bệnh Ngoài Da . Bấm vào đây để đến mục Gửi Bệnh Án để điền thông tin gửi đến nhà thuốc.
NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ GÂY BỆNH NGOÀI DA
Nguyên nhân gây ra bệnh ngoài da được chia thành hai nguyên nhân là do nội nhân và ngoại nhân ( Nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài ). Ngoại nhân bao gồm: Phong – Hàn – Thử – Thấp – Táo – Hỏa – Trùng ( Trùng: côn trùng, các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng ) – Độc ( Hóa chất, các loại chất xúc tác và gây phản ức với cơ thể ); Nội nhân bao gồm: thất tình nội thương, ăn uống, lao động quá sức, tạng phủ tổn thương ( Thất tình nội thương: Thất tình là bảy biến động tâm lý của con người gồm: Hỷ ( vui ) – Nộ ( giận dữ ) – Ưu ( buồn ) – Tư ( lo ) – Bi ( sầu khổ ) – Khủng ( sợ hãi ) – Kinh ( khiếp sợ ). Theo Đông y thì đây là biểu hiện bên ngoài của tình chí công năng tạng phủ. Ở trạng thái bình thường thì các tình chí này không khiến cho phát sinh bệnh, nhưng ở trạng thái thái quá kéo dài thì sẽ khiến cho âm dương – khí huyết tạng phủ rối loạn mà sinh bệnh. Đây được gọi là “Thất tình nội thương” ). Cơ chế sinh bệnh chủ yếu gồm có khí huyết thất điều mà sinh phong, sinh thấp, hóa táo, dần đến hư, ứ trệ. Có thể phân thành các thể sau:
1 – Phong:
Rất nhiều chứng bệnh ngoài da có liên quan mật thiết với phong tà ( 風邪 – Phong đứng đầu trong lục khí gồm Phong – Hàn – Thử – Thấp – Táo – Hỏa, ở trạng thái bình thường thì nó không gây bệnh, nhưng khi chính khí cơ thể hư suy thì lục khí sẽ ảnh hưởng đến chính thường của cơ thể mà gây bệnh, lúc đó lục khí được gọi là lục tà, nên “phong” được gọi là “phong tà” ). Khi da thịt tấu lý của con người không kín đáo, vệ khí ( khí đi ở vùng tấu lý cơ nhục dưới da để bảo vệ cơ thể ) không vững thì phong tà thừa hư suy đó mà xâm nhập vào cơ thể, gây tắc trở vùng da lông. Bên trong không thông được, bên ngoài không tiết ra được khiến cho doanh vệ thất điều, sự vận hành của khí huyết thất thường, cơ da mất đi sự nhu nhuận mà dẫn đến bệnh ngoài da.
Bệnh ngoài da do phong tà gây ra đa phần gồm có các đặc điểm sau:
- Vùng bệnh phát không cố định, dễ di chuyển mà hay thay đổi: Khi phát bệnh, vùng bệnh không cố định, lúc phát lúc không, thay đổi bất thường như các chứng Ẩn chẩn ( mề đay ), Du phong ( viêm da cơ địa ).
- Ngứa ngáy, bong vảy trắng gọi là dương tà: Phong tính ráo khô, dễ hao tán âm huyết, nên thường biểu hiện da khô ráo, ngứa ngáy, bong vảy.
- Phát ở phần trên là phong thuộc dương tà: Tính của dương tà thường đi lên trên, cho nên mỗi khi gặp phải dương phong thì thường phát bệnh ở trên trước như các chứng viêm Diện du phong ( viêm da tiết bã ), Bạch tiết phong ( mụn bã nhờn ).
- Phong kết hợp với khí khác mà sinh bệnh: Phong là đầu của các bệnh, phong tà thường kết hợp với các tà khí khác tương kiêm mà gây bệnh như phong hợp thấp, phong hợp nhiệt, phong hợp hàn.
2 – Thấp:
Thấp được phân ra nội thấp, ngoại thấp. Bệnh ngoài da đa phần là ngoại thấp. Thấp tà do ngoại cảm gây ra, đa phần có liên quan đến thấp khí trong tự nhiên như người bệnh ở lâu ngày nơi ẩm thấp, dầm mưa lội nước… Nội thấp đa phần là do Tỳ hư khiến chức năng vận hóa kém, công năng chuyển vận đồ ăn thức uống và tân dịch bị trở ngại khiến tích tụ đình trệ ở cơ da mà thành. Bệnh ngoài da do thấp tà gây ra gồm có các đặc điểm:
- Thủy bào (水疱 – bóng nước ), Ma lạn (糜烂 – ngứa lở ngoài da ), vùng bệnh rỉ dịch: Thấp là âm tà, tà khí xâm nhập vào da thịt, uất kết không giải, kết với khí huyết mà sinh ra thủy bào, ma lạn, rỉ ra dịch vàng.
- Tình trạng bệnh kéo dài: Thấp là âm tà, tính nặng mà đục, chất dính, lưu lại rồi thì khó đi. Cho nên bệnh ngoài da do thấp tà gây ra thường kéo dài triền miên khó mà thuyên giảm nhanh.
- Phát ở phần dưới: Thấp tính nặng đục, có xu hướng đi xuống, cho nên khi phát bệnh đa phần phát ở phần chi dưới, vào vùng nhị âm ( Nhị âm tức là tiền âm ( bộ phận sinh dục ) và hậu âm ( hậu môn )).
3 – Nhiệt – Ngoại Cảm:
Nhiệt tà hoặc thực nhiệt ở tạng phủ uẩn uất ở cơ da không bài tiết ra ngoài được, chưng bốc lên mà gây bệnh. Hỏa và nhiệt cùng một gốc, nhiệt là một hình thức của hỏa, hỏa là sự cực thịnh của nhiệt, nhiệt mạnh quá thì hóa thành hỏa thành độc. Các bệnh ngoài da do nhiệt tà gây ra có các đặc điểm sau:
- Da đỏ ửng, hực nóng: Nhiệt tà uất ủ dưới da cơ, nhiệt tổn thương lạc mạch, bức huyết vọng hành ( khiến huyết đi càn, không còn theo đường đi của mình ) nên ngoài da ửng hồng, hực nóng, thường phát ban ngoài da.
- Bóng mủ, đau nhức, ngứa ngáy: Nhiệt thịnh hun đốt cơ da, nhiệt uất gây ung lở cơ thịt, nhiệt nhẹ thì ngứa nên mới xuất hiện bóng mủ, lở loét, đau nhức, ngứa ngáy.
- Tình trạng bệnh nặng, phát triển biến hóa đa dạng: Nhiệt thuộc dương tà, có xu hướng phát mạnh lên trên, tính mạnh mẽ cho nên nhiệt tà gây bệnh thường có tính chất nặng, phát triển biến hóa đa dạng, vị trí bệnh ở phần trên cơ thể.
4 – Trùng:
Bệnh ngoài da do trùng gây ra thì một là do ký sinh trùng gây ra như ở chứng ngứa rộp; một là do độc tố của trùng xâm nhập vào cơ thể con người phản ứng mà gây ra bệnh, hoặc là do cơ địa con người dị ứng với một số loại trùng mà sinh ra bệnh. Bệnh ngoài da do trùng gây ra thường có các đặc điểm sau:
- Ngứa dữ dội: Do ký sinh trùng ăn vào cơ da mà sinh ra bệnh khiến ngứa dữ dội.
- Thường có tính truyền nhiễm: Các loại ký sinh trùng gây ngứa ngoài da có thể truyền nhiễm thông qua tiếp xúc.
- Bệnh ngoài da do thấp uất sinh nhiệt, ký sinh trùng trong đường ruột: Đa phần có các chứng trạng như trường vị thấp nhiệt, đau dạ dày, ăn ít cầu lỏng, bí đại tiện.
6 – Độc:
Bệnh ngoài da do độc gây ra được phân thành độc do thuốc và hóa chất, do ăn uống, do sơn, do trùng độc. Ngoài độc tà xâm nhập cơ thể gây bệnh ra một loại độc tố hoặc tác nhân từ một chất nào đó phản ứng với cơ địa của riêng mỗi người bệnh và gây ra bệnh ngoài da cũng được đưa vào phạm vi của “độc” ( viêm da dị ứng ).
Độc tà gây bệnh đa phần có các đặc điểm sau:
- Trước khi phát bệnh, bệnh nhân có tiền sử uống thuốc hoặc ăn một loại thức ăn bất thường nào đó, hoặc có tiếp xúc với chất bất thường, hoặc có bị côn trùng cắn đốt.
- Bệnh ngoài da do tiếp xúc với một loại chất bất thường hoặc uống thuốc thường có một thời kỳ ủ bệnh nhất định.
- Đặc điểm lâm sàng: Hoặc chỉ giới hạn nhất định ở một vùng, hoặc lan tỏa toàn thân, vùng bệnh tổn thương có các đặc trưng hình thái tổn thương đa dạng như sưng đỏ, ngứa ngáy, có mụn nổi lên, phát từng mảng hình tròn, lở loét. Thế bệnh đến nhanh mà đi cũng nhanh, nếu quá nặng có thể tổn thương đến tính mạng.
7 – Huyết Ứ:
Thường ngoại cảm lục dâm, nội thương thất tình đều có thể dẫn đến tắc trở khí cơ. Khí là thống soái của huyết, huyết theo khí mà đi, khí trệ thì huyết ứ mà sinh bệnh. Bệnh ngoài da do huyết ứ gồm có các đặc điểm sau:
- Có xuất các chấm huyết dưới da hoặc có ban đỏ: Huyết ứ tắc trở, huyết không lưu hành được, huyết tràn ra ngoài mạch đi vào cơ da gây ra.
- Nổi hạt, đau nhức: Do huyết ứ tích tụ thành khối, khí huyết không thông gây ra.
- Da dẻ, móng tay thô ráp, nhiều cáu, da dẻ bị xơ cứng, lông tóc rụng nhiều: Do ứ huyết tắc trở, da dẻ mất đi sự nhu dưỡng gây ra.
8 – Huyết Hư Phong Táo:
Huyết hư phong táo là cơ chế bệnh quan trọng trong bệnh mạn tính ngoài da. Do ngứa ngáy kéo dài, ăn uống không ngon dẫn đến Tỳ – Vị hư nhược, ăn uống sút kém, khiến cho nguồn hóa sinh khí huyết bị yếu mà sinh ra huyết hư hóa táo sinh phong. Hoặc vì thấp nhiệt uất kết lâu ngày, hóa hỏa hao thương âm huyết, khiến cho huyết hư phong táo mà phát sinh bệnh ngoài da. Bệnh ngoài da do huyết hư phong táo gồm có các đặc điểm sau:
- Người bệnh đa phần là người già hoặc người có tiền sử mất máu, bệnh tỳ vị hư lâu ngày.
- Ngứa phát nhẹ về ban ngày mạnh về ban đêm, nếu người có huyết hư Can vượng thì bệnh tăng giảm tùy theo tình trạng tâm lý.
- Đặc điểm tổn thương da thường chủ yếu dựa trên tình trạng khô, dày, thô, bong tróc, rất ít lở loét và chảy dịch. Đa phần có hoa mắt chóng mặt, sắc mặt trắng nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế.
9 – Can Thận Bất Túc:
Tạng phủ thất điều là cơ chế và nguyên nhân sinh bệnh lớn nhất trong bệnh ngoài da, trong đó Can – Thận bất túc là thường thấy hơn cả. Can – Thận bất túc chủ yếu bao quát tinh tiên thiên bất túc và tinh huyết hậu thiên bất túc. Như Can huyết hư thì móng tay không nhuận, chất móng dày mà khô; Can hư huyết táo, cân khí không vinh nhuận thì sinh mụn cóc; Thận tinh bất túc thì tóc mất sự nuôi dưỡng mà khiến cho khô rụng; Thận hư thì sắc mặt sẽ đen ám. Vì Thận là gốc của tiên thiên cho nên bất kỳ tính tiên thiên, tính di truyền của bệnh ngoài da đều có một mối quan hệ nhất định với Can – Thận. Bệnh ngoài da liên quan đến Can – Thận có các đặc điểm sau.
- Có liên quan đến sự phát triển, phát dục, thai sản, kinh nguyệt.
- Sự phát triển của bệnh có một quá trình mạn tính kéo dài. Do tinh huyết là loại hữu hình, không dễ sinh ra, bệnh lâu ngày tổn thương Can – Thận, tiêu hao tinh huyết nên khiến cho tình trạng bệnh kéo dài triền miên.
- Chứng trạng toàn thân lấy triệu chứng hư tổn là chủ yếu. Đặc trưng triệu chứng tổn thương da thường là da khô, dày, thô, bong tróc, rụng tóc, sắc da tối, móng tay thay đổi, xuất huyết ban đỏ dưới da.
Bệnh ngoài da thường không bởi một nguyên nhân gây ra, thường do tác động của một số nguyên nhân kết hợp với nhau, hoặc do nội thương kết hợp mà gây bệnh, hoặc là thực chứng, hoặc là hư chứng, hoặc hư thực lẫn lộn. Cho nên khi khám lâm sàng cần phải phân tích kỹ mới có thể đưa ra được kết luận chính xác.
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường