1) Cơ sở phát triển và hình thành của hệ thống lý luận Đông y:
Đông y học là một chuyên ngành nghiên cứu về sinh lý, bệnh lý, bệnh tật của cơ thể con người và phương pháp điều trị – phòng ngừa, nó có một hệ thống lý luận đặc thù và kinh nghiệm lâm sàng phong phú. Hệ thống lý luận Đông y học thừa hưởng sự ảnh hưởng sâu sắc của nền tư tưởng duy vật luận và biện chứng cổ đại, lấy quan niệm chỉnh thể là tư tưởng chủ đạo; lấy sinh lý và bệnh lý của kinh lạc – tạng phủ làm nền tảng; lấy biện chứng luận trị làm hệ thống lý cho đặc điểm trị liệu.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, xã hội lúc bấy giờ cực kỳ thay đổi, chính trị – kinh tế – văn hóa đều rất phát triển, tư tưởng học thuật cũng từ đó mà ngày càng nảy nở. Trong thời điểm này đã xuất hiện một pho sách kinh điển của Đông y, đó là “Hoàng Đế Nội Kinh”. Hoàng Đế Nội Kinh đúc kết các thành tựu và kinh nghiệm điều trị y học của thời Xuân Thu Chiến Quốc để hình thành một hệ thống lý luận y học đặc thù, trở thành nền tảng cho sự phát triển y – dược học của đông y.
2) Học thuyết âm dương ngũ hành và nhân tố gây bệnh:
– Âm Dương – Ngũ Hành:
- Âm dương:
Âm dương – Ngũ hành là một từ gọi chung của học thuyết Âm dương và học thuyết Ngũ hành. Đông y học căn cứ vào đây để phân tích rõ về mối quan hệ của tính đối lập và thống nhất bên trong cơ thể con người.
Âm – dương vừa đại diện cho “cơ năng” và “vật chất” trong cơ thể, lại vừa đại diện cho hai loại quá trình cơ bản là “hưng phấn” và “ức chế”. Âm dương mất thăng bằng ( thiên thịnh thiên suy – một bên mạnh một bên yếu ) chính là chủ thể dẫn đến nguyên nhân gây ra bệnh. Đồng thời đông y cũng dùng khí – huyết để hợp nhất vật chất và cơ năng. Có thể nói ý nghĩa của “huyết” là hàm ý phạm trù huyết dịch và các loại dịch trong cơ thể; “khí” là hàm ý nói đến cơ năng từ cục bộ cho đến chỉnh thể. Nói một cách quy nạp thì các hiện tượng đi lên – đi ra ( phù – nổi lên trên ), hưng phấn ( thực – đầy, chắc ), có khuynh hướng nóng ( nhiệt ) đều quy về “dương chứng” ( chứng thuộc dương ); đi xuống và đi vào ( lý ), suy nhược ( hư – không mạnh mẽ ), có khuynh hướng lạnh ( hàn ) đều thuốc “âm chứng”.
- Ngũ hành:
Ngũ hành bao gồm Mộc ( Can – gan ) – Hỏa ( Tâm – tim ) – Thổ ( Tỳ ) – Kim ( Phế – phổi ) – Thủy ( Thận ). Các y gia xưa căn cứ vào thuộc tính của ngũ hành, quy nạp các hiện tượng ở thế giới tự nhiên bên ngoài với các tổ chức bên trong cơ thể, đồng thời lấy mối quan hệ “tương sinh” “tương khắc” để điều chỉnh công năng giữa tạng – phủ. Trên lâm sàng vận dụng âm dương ngũ hành chủ yếu là để giải thích mối quan hệ hỗ tương và sinh lý tạng phủ trong cơ thể, sự biến hóa phức tạp của bệnh lý, từ hiện tượng phản ánh tình trạng bình thường và bất bình thường mà suy ra tình trạng của bệnh và đưa ra hướng điều trị chính xác.
3) Nhân tố gây bệnh:
- Nội nhân ( nguyên nhân bên trong ):
“Nội nhân” còn gọi là “nội thương” ( tổn thương bên trong ). Ý nói đến các nhân tố tổn thương tạng phủ bên trong bao gồm các trạng thái tâm lý thái quá: Hỷ ( vui mừng ), nộ ( giận dữ ), ưu ( lo lắng ), tư ( suy nghĩ ), bi ( buồn sầu ), khủng ( sợ hãi ), kinh ( khiếp hãi ), bảy yếu tố tâm lý này gọi là “thất tình”. Ngoài ra cũng có các yếu tố khác như nội thương do ăn uống, do đàm ứ bên trong, do ký sinh trùng.
- Ngoại nhân ( nguyên nhân bên ngoài):
Ngoại nhân là sự tổn thương do sự tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Thông qua ngoài da, đặc tính của niêm mạc mà các loại nhân tố gây viêm nhiễm xâm nhập và gây ra bệnh tật. Các nhân tố đó bao gồm: Phong ( gió ), hàn ( lạnh ), thử ( oi bức ), thấp ( ẩm ),táo ( khô ráo ), hỏa ( nhiệt ). Sáu yếu tố này còn gọi là “lục dâm” ( sáu sự thái quá ).
- Bất nội ngoại nhân ( các nguyên nhân khác ):
Sự phát sinh bệnh tật do yếu tố bên ngoài gây ra không thuộc nội nhân hoặc ngoại nhân thì gọi là “bất nội ngoại nhân” ( các nguyên nhân khác ). Như các bệnh hoặc tổn thương do quan hệ tình dục, do vũ khí, do lửa nước, do côn trùng thú vật, do trúng độc… các nguyên nhân đó được gọi là bất nội ngoại nhân.
4) Nguyên Nhân Bệnh Và Cách Gọi Tên Bệnh:
- Phong:
Phong ( 風 ) Chủ yếu là nói đến sự di chuyển của không khí từ đó tác động đến ngoài da và niêm mạc của cơ thể khiến cho cơ năng điều tiết của cơ thể bị cản trở, ảnh hưởng đến tính thống nhất của bên trong và bên ngoài cơ thể, từ đó phát sinh bệnh tật như ho do cảm phong hàn ( ngoại phong ), nhưng đối với các loại bệnh tật thuộc hệ thống thần kinh như đau đầu chóng mặt, lưng chân tê đau… thì thuộc “nội phong”.
- Hàn:
Hàn là do khí hậu lạnh lẽo tác động đến cơ thể, từ đó mà phát sinh bệnh tật. Thời kỳ mới phát bệnh, có các triệu chứng như sợ lạnh, phát sốt, đầu cổ đau… đó gọi là cảm mạo do “ngoại hàn”. Nếu cơ thể sau khi gặp phải các nhân tố gây bệnh này cơ năng của cơ thể sẽ gặp phải sự ức chế rõ rệt, hiện tượng hưng phấn bị ức chế, cơ thể sẽ mất đi độ ấm ( nội hàn ).
- Thử:
Thử là nói đến khí nóng mùa hạ tác động đến cơ thể, từ đó dẫn đến bệnh tật. Sau khi phát bệnh người bệnh có biểu hiện sốt cao, miệng khát, mệt mỏi, nhiều mồ hôi, hoặc hôn mê bất tỉnh, tiểu tiện rít đỏ…
- Thấp:
Thấp là nói đến độ ẩm trong không khí quá cao, hoặc cơ năng trao đổi chất trong cơ thể và cơ năng bài tiết gặp cản trở, bài tiết kém gây tồn đọng thủy dịch, từ đó phát sinh bệnh tật. Đặc trưng của chứng này là người bệnh xuất hiện các triệu chứng cơ thể mệt mỏi nặng nề, đại tiện tiểu tiện rối loạn.
- Táo
Táo là nói đến sự khô ráo của khí hậu hoặc thủy dịch trong cơ thể khô ráo mà phát sinh ra bệnh.
- Hỏa:
Hỏa là nói đến sự nóng thái quá, sự bốc mạnh lên trên, sự hưng phấn. Thường thì một loại bệnh viêm cấp tính đang trong thời gian phát, thân nhiệt tăng cao mạnh thì đều gọi là “hỏa”.
5) Đặc điểm cơ bản của đông y học:
a) Quan niệm chỉnh thể:
Quan niệm chỉnh thể là nói đến tính chỉnh thể thống nhất của cơ thể con người và tính chỉnh thể giữa con người với tự nhiên.
b) Biện chứng thi trị:
Biện chứng thi trị là phương pháp cơ bản trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh tật của đông y.
- Chứng: Chứng là sự khái quát bệnh lý ở một giai đoạn nào đó của quá trình phát triển bệnh tật.
- Biện chứng: Biện chứng là sự phân tích và phân biệt triệu chứng bệnh tật.
- Thi trị: Là kết quả của căn cứ vào biện chứng mà xác định và đưa ra một phương pháp điều trị tương ứng.
5) Đông y chẩn đoán bệnh tật như thế nào:
a – Chẩn đoán: Tứ chẩn bao gồm bốn phương pháp dùng để chẩn đoán và quan sát bệnh tật trên lâm sàng bao gồm: vọng ( nhìn ), văn ( nghe ), vấn ( hỏi ), thiết ( bắt mạch, sờ nắn ).
- Vọng chẩn: Vọng chẩn là phương pháp chẩn đoán qua việc nhìn và quan sát toàn thân và cục bộ các hiện tượng của cơ thể người bệnh và các chất thải của người bệnh.
- Văn chẩn: Bao gồm lắng nghe hai phương diện âm thanh và mùi vị, là phương pháp chẩn đoán bệnh tật thông qua nghe – ngửi mùi vị, nhận biết được các mùi vị – âm thanh bất thường xuất phát từ một căn bệnh
- Vấn chẩn: Vấn chẩn là thông qua thông tin từ bệnh nhân qua hỏi đáp lâm sàng mà nhận biết được mối liên hệ của tình trạng phát sinh, phát triển, quá trình điều trị, các triệu chứng hiện tại và các bệnh tật liên quan của bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị.
- Thiết chẩn: Thiết chẩn bao gồm nội dung của hai phần gồm bắt mạch ( mạch chẩn ) và sờ nắn ( án chẩn ). Bắt mạch là kiểm tra nhịp đập và sự mạnh nhẹ của mạch; sờ nắn là kiểm tra một bộ vị nhất định trên cơ thể bệnh nhân bằng cách sờ, thoa, ấn, để nhận biết được thay đổi nội tại bên trong của bệnh tật hoặc phản ứng bên ngoài thân thể, từ đó có thể nắm bắt được các thông tin từ cơn đau, vùng bệnh rồi kết hợp với các thông tin khác mà tiến hành điều trị.
b – Biện chứng:
– Biện chứng bát cương: Bát cương là “tổng cương” ( quy chuẩn chung ) của các loại biện chứng, là phương pháp phân tích các đặc tính trong một bệnh tật.
- Biểu – Lý: Biểu và lý là hai cương lĩnh để phân biệt vị trí trong ngoài và sự nông sâu của bệnh tật.
- Hàn – Nhiệt: Hàn và nhiệt là hai cương lĩnh để phân biệt tính chất của bệnh tật.
- Hư – Thực: Hư và thực là hai cương lĩnh để phân biệt sự thịnh – suy ( mạnh yếu ), tà – chính ( “Tà” có ý nói đến các yếu tố gây bệnh gồm các độc tố, vi khuẩn, khí độc… “chính” là ý nói đến chính khí trong cơ thể, khả năng kháng bệnh của cơ thể ). Hư là nói đến chính khí trong cơ thể suy giảm; thực là nói đến tà khí đang mạnh lên.
- Âm – Dương: Âm và dương là tổng cương của biện chứng bát cương. Trong chẩn đoán lâm sàng, có thể quy nạp tất cả các loại bệnh tật về phương diện âm – dương.
– Biện chứng tạng phủ: Biện chứng tạng phủ là một phương pháp chẩn đoán căn cứ vào công năng sinh lý tạng phủ, biểu hiện bệnh lý, tiến hành phân tích và quy nạp triệu chứng bệnh tật, từ đó suy luận ra cơ chế bệnh, phán đoán được vị trí và tính chất bệnh, tình trạng chính – tà, thịnh suy của bệnh tật.
– Biện chứng kinh lạc: Biên chứng kinh lạc là phương pháp chẩn đoán vận dụng nguyên lý kinh lạc học để tìm ra nguyên nhân phát sinh bệnh tật, tính chất cùng với các triệu chứng thuộc về bộ vị đó.
– Biện chứng khí huyết – tân dịch: Biện chứng khí huyết là phương pháp dựa trên công năng sinh lý của khí huyết – tân dịch , sự biến chuyển bệnh lý, phân tích và nhận thức các triệu chứng khác nhau qua phản ánh của bệnh tật để chẩn đoán bệnh tật và đưa ra phác đồ điều trị lâm sàng.
6) Đông y điều trị bệnh tật như thế nào:
Về cơ bản, phương pháp điều trị bệnh của đông y gồm các pháp sau:
- Bát pháp: Sau khi chẩn đoán xong, hướng điều trị trong đông y gồm các phép sau: hãn ( cho ra mồ hôi ) – thổ ( cho nôn ra ngoài ) – hạ ( cho đại tiện ra ngoài ) – hòa ( còn gọi là phép “hòa giải”, là phép giải tà ở kinh thiếu dương ( một đường kinh trong cơ thể ) và hỗ trợ cho chính khí ) – ôn ( làm ấm ) – thanh ( làm cho mát ) – tiêu ( dùng các phương pháp tiêu thực đạo trệ, tiêu kiên tán kết để làm mềm khối tích trệ hoặc tiêu thực. Phép này dùng để giải quyết các bệnh về ăn uống, đàm, khí, huyết, dịch ) – bổ ( bồi bổ cho suy nhược ).
2. Phương tễ: Phương tễ là phương thang trên lâm sàng, căn cứ vào phép trị và công dụng có thể chia thành 21 loại phương tễ bao gồm: giải biểu, thanh nhiệt, bổ ích, trừ thấp.
3. Dược vật ( thuốc ): Dựa vào các đặc tính chung công dụng của thuốc và các phương pháp điều trị kết hợp, có thể chia thành hơn 20 chủng loại dược vật như: giải biểu, thanh nhiệt, lý khí, bổ huyết.
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường.