Nhân sâm, Đảng sâm, Hoàng kỳ là các loại thuốc bổ khí thường dùng trong Đông y. Trên lâm sàng những loại này thường hay phối hợp với nhau. Tuy vậy, về phương diện công hiệu và chủ trị giữa các vị này đều khác nhau.
1) Nhân sâm:
Nhân sâm thương phẩm
Nhân sâm trồng Nhân sâm hoang dã
Nhân sâm còn gọi là Sơn sâm, là rễ cây thân thảo sống lâu năm thuộc họ Ngũ gia bì, vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, có tác dụng đại bổ nguyên khí, sinh tân chỉ khát ( sinh ra chất dịch trong cơ thể, cầm cơn khát ), khinh thân ích khí ( bổ khí nhẹ nhàng thân thể ), diên niên ích thọ ( giúp trường thọ ). Trong đông y Nhân sâm là loại thuốc đại bổ nguyên khí hàng đầu, dùng nó có thể “ích khí cố thoát” ( mạnh khí chống thoát dương ), cho nên trên lâm sàng thường dùng để trị các bệnh nặng hoặc bệnh lâu ngày, hoặc huyết thoát ( mất máu ) dẫn đến khí thoát ( vong dương ) có biểu hiện lâm sàng tinh thần mê man, toàn thân vô lực, chân tay lạnh, mồ hôi đầm đìa, mạch vi muốn tuyệt. Vị Nhân sâm có thể dùng một mình, cũng có thể dùng kết hợp với Hắc phụ tử hoặc Hoàng kỳ. Công năng đại bổ nguyên khí của Nhân sâm còn có thêm một phương diện khác trong tác dụng bổ Phế – Thận trị suyễn, như Nhân sâm phối với Hồ đào nhục hoặc Nhân sâm phối với Cáp giới trị chứng suyễn do Phế – Thận khí hư, hoặc đoản khí dẫn đến thở gấp, tiếng nói nhỏ, mạch hư – nhược. Tác dụng bổ của Nhân sâm mạnh nhất ở Trung tiêu, còn có thể kiện Tỳ cầm tiêu chảy. Nếu Nhân sâm phối Bạch truật, Phục linh, Sa nhân, Liên nhục, Hoài sơn, Ý dĩ nhân… có thể trị chứng tinh thần mệt mỏi, chân tay vô lực, ăn kém cầu lỏng do Tỳ – Vị khí hư. Vì vậy, trên lâm sàng có thể dùng Nhân sâm để điều trị các chứng như:
- Bệnh nhiệt tổn thương tân dịch trong cơ thể dẫn đến sốt cao, miệng khát, mồ hôi đầm đìa, mạch đại mà vô lực, có thể kết hợp với các loại thuốc thanh nhiệt dưỡng âm như Thạch cao, Tri mẫu.
- Ôn bệnh hoặc thử bệnh ( Các chứng cảm nhiễm vào mùa nóng ) tổn thương đến khí và tân dịch mà thấy mồ hôi ra nhiều, miệng khát tinh thần mỏi mệt, hoặc tân dịch và khí không đủ dẫn đến bồn chồn mất ngủ, hơi thở ngắn tự ra mồ hôi, hồi hộp tim đập nhanh, mạch tế – nhược, thì dùng Nhân sâm phối với Mạch môn, Ngũ vị mà trị. Do Nhân sâm còn có tác dụng trấn tâm an thần cho nên có thể dùng để trị các chứng hoảng hốt kinh sợ, khó vào giấc ngủ do tâm thận bất giao, thường phối hợp với Táo nhân, Viễn chí. Chứng Tâm – Tỳ lưỡng hư xuất hiện các triệu chứng tinh thần mệt mỏi hay quên, hồi hộp khó thở, ăn uống sút kém, đại tiện lỏng nhão, thở ngắn vô lực thì dùng Nhân sâm phối với Hoàng kỳ, Đương quy, Bạch truật, Long nhãn để trị. Ngoài ra, Nhân sâm còn tác dụng tráng dương, trên lâm sàng thường tùy chứng gia giảm để trị dương nuy ( liệt dương, yếu sinh lý ), dùng nhân sâm để bồi bổ cho nguyên khí của thận. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy trong Nhân sâm có hàm chứa thành phần hoạt tính chủ yếu là Saponin và Polysacarit Nhân sâm ( Polysaccharide ). Trong Nhân sâm có thành phần chủ yếu là Saponin có tác dụng nâng cao khả năng hoạt động của bộ não và thể lực, chống mệt mỏi, thúc đẩy tầng suất hoạt động tư duy, bảo vệ công năng hoạt động của tim, cải thiện hoạt động của cơ tim, hạ đường huyết, làm chậm quá trình lão hóa. Bên cạnh đó thành phần Polysacarit có tác dụng nâng cao kháng thể, tăng cường sức khả năng phòng ngừa các tế bào ung thư. Liều dùng Nhân sâm mỗi ngày từ 3 – 10g.
2) Đảng sâm:
Đảng sâm
Đảng sâm là thực vật thân thảo lâu năm thuộc họ Cát cánh, phần dùng làm thuốc là củ rễ, có thể dùng sống hoặc chế mật mà dùng. Do vùng đất sinh trưởng khác nhau nên Đảng sâm được phân ra 3 loại là Tây đảng sâm, Đông đảng sâm, Lộ đảng sâm. Loại sản phẩm tốt nhất vẫn là loại sinh trưởng ở Lộ Châu – Sơn Tây được gọi là Lộ đảng sâm. Đảng sâm tính hơi ấm, vị ngọt, vào hai kinh Tỳ – Vị, có công năng Bổ trung ích khí, dưỡng huyết sinh tân, là loại thuốc dùng để tư dưỡng cho Tỳ – Vị. Đảng sâm phối hợp với các vị Bạch truật, Phục linh, Chích thảo gọi là “Tứ Quân Tử Thang” được dùng để điều trị các chứng tinh thần mệt mỏi vô lực, tỳ vị hư nhược, ăn uống sút kém, đại tiện lỏng nhão; Phối với Hoàng kỳ, Mạch môn, Ngũ vị có thể trị chứng khí và tân dịch tổn thương, trị chứng ho thở gấp do Phế khí hư nhược. Nhìn chung công năng của Đảng sâm so với Nhân sâm là giống nhau, nhưng công năng của Đảng sâm kém hơn, đồng thời Đảng không có tác dụng đại bổ nguyên khí như Nhân sâm. Trong một số trường hợp, nếu các triệu chứng kể trên xuất hiện nhưng mức độ bệnh nhẹ và nguyên khí chưa hao tổn thì không cần dùng đến Nhân sâm mà chỉ cần dùng Đảng sâm là đủ.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy đảng sâm hàm chứa nhiều lượng đường Polysacarit, đường inulin, đường fructose, kiềm, Saporin, vitamin B1, B2 và 17 loại Axit amin ( trong đó có 7 loại rất cần thiết cho cơ thể ) và 14 loại nguyên tố vô cơ ( trong đó có 7 loại nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người, có khả năng tạo hưng phấn cho hệ thần kinh khiến cho tinh thần phấn chấn, tiêu trừ mệt mỏi, cũng có thể gia tăng tế bào hồng cầu và huyết sắc tố, đồng thời có thể tăng cường cho hệ miễn dịch ). Đối với tình trạng tế bào máu hạ do hóa trị hoặc xạ trị thì Đảng sâm cũng có tác dụng nâng cao hồng cầu. Liều dùng Đảng sâm từ 8 – 16g, trong một sốt trường hợp bệnh nặng hoặc bệnh cấp thì có thể dùng 16 – 30g hoặc hơn.
3) Hoàng kỳ:
Hoàng kỳ
Hoàng kỳ là loại thực vật thân thảo sống lâu năm thuộc họ đậu, bộ phận dùng là rễ, phân bố nhiều ở Hắc Long Giang, Cát Lâm, cho nên còn gọi Hoàng kỳ ở những vùng này là Bắc kỳ. Hoàng kỳ tính hơi ấm, vị ngọt.
Công năng và ứng dùng của Hoàng kỳ chủ yếu ở bốn điểm sau: Một là bổ khí thăng dương, mạnh ở mảng thăng đề. Thường ứng dụng điều trị các chứng trong phạm vi khí hư hạ hãm như thoát giang ( sa hậu môn), trĩ, sa tử cung, sa dạ dày, sa thận, băng lậu, choáng váng xoay xẩm vô lực, hoặc đoản khí thở gấp, đồng thời có thể dùng kết hợp với Nhân sâm, Bạch truật, Thăng ma, Sài hồ; Hai là Hoàng kỳ có tác dụng cố biểu liễm hãn ( kín da lông, cầm mồ hôi ). Thường dùng trị các chứng tự ra mồ hôi do biểu hư bất cố ( chính khí hư khiến da lông không kín đáo mà ra mồ hôi nhiều ). Nếu vệ khí không mạnh ( vệ khí tương đương với khái niệm kháng thể trong y học hiện đại ) ra mồ hôi, hoặc cảm mạo tái phát liên tục thì có thể phối dùng với Phòng phong, Bạch truật để cố biểu ( mạnh cho da lông ) khu tà ( loại trừ các yếu tố gây bệnh ); Ba là tác dụng thác sang bài nùng ( trị lở loét, làm sạch mủ dịch ). Thường ứng dụng lâm sàng để điều trị các chứng ung nhọt lâu ngày không vỡ mủ, hoặc nhọt mủ phát bên trong nếu dùng Hoàng kỳ sẽ thúc được mủ máu ung nhọt phát ra bên ngoài. Cũng có thể sử dụng Hoàng kỳ để trị chứng khí huyết hư nhược sau khi ung nhọt phát ra lâu ngày không lành miệng, thường phối hợp với Kim ngân hoa, Tạo giác thích, Bồ công anh để sinh cơ lành miệng ung nhọt; Bốn là có tác dụng lợi thủy tiêu thủng. Hoàng kỳ thường ứng dụng lâm sàng để trị chứng thủy thủng do dương khí không vận hành, thông qua tác dụng bổ khí kiện tỳ của Hoàng kỳ giúp cho Tỳ dương có được sự kiện vận mà tiêu được thủy thũng. Các chứng thủy thũng có kiêm thêm khí hư cũng có thể dùng Hoàng kỳ, trong các trường hợp này thường phối dùng với Phòng kỷ, Phục linh, Bạch truật. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy trong Hoàng kỳ hàm chứa thành phần Carbohydrat, Folate ( Vitamin B9 ), và nhiều loại axit amin giúp hưng phấn cho hệ thống trung khu thần kinh, cho nên có thể làm tinh thần tỉnh táo, chống mệt mỏi, nâng cao hệ thống miễn dịch, tăng cường khả năng kháng bệnh, rất hiệu quả trong điều trị khí hư, cảm mạo và các bệnh lây nhiễm. Ngoài ra Hoàng kỳ còn có tác dụng giúp mạnh tim, lợi niệu và hạ huyết áp. Vì Hoàng kỳ có chứa một lượng nhỏ nguyên tố Selen, Selen là chất kháng ung thư cực kỳ hiệu quả, cho nên Hoàng kỳ có tác dụng khác ung thư. Liều dùng Hoàng kỳ từ 12 – 16g, nếu bệnh nặng hoặc tùy chứng có thể dùng từ 30 – 120g.
Tóm lại, công hiệu của Nhân sâm, Đảng sâm, Hoàng kỳ có điểm giống nhau, cũng có điểm khác nhau, vì vậy không thể khi thấy triệu chứng khí hư là dùng như nhau, cần phân biệt rõ khi sử dụng, nếu không thì không thể phát huy tác dụng được. Ví dụ như nhiệt tà tổn thương khí và tân dịch thì nên dùng Nhân sâm, nếu dùng Hoàng kỳ là không thích hợp. Trên lâm sàng cần phân biệt rõ khi sử dụng.
Bên cạnh Nhân sâm và Đảng sâm, còn có rất nhiều loại củ rễ cũng có tên là “Sâm” nhưng thực ra tác dụng lại khác. Dưới đây là những loại sâm phổ biến thường dùng:
Nhóm thuộc chủng loại nhân sâm:
Nhóm này xét về tác dụng thì tương đồng với Nhân sâm, nhưng chỉ có một mình nhân sâm là có tác dụng đại bổ nguyên khí, về mặc bồi bổ thì Nhân sâm có phần tốt hơn.
Cao ly sâm ( 高丽参 )
-
Cao ly sâm xuất xứ từ Hàn quốc hoặc Triều tiên. Tác dụng tương đồng với Nhân sâm nhưng lực bồi bổ yếu hơn, không có tác dụng đại bổ nguyên khí mà chỉ có tác dụng bồi bổ cho khí của tạng phủ. Tuy có một số tài liệu cho rằng Cao ly sâm tác dụng và lực đại bổ nguyên khí tương đồng với Nhân sâm nhưng thực tế lâm sàng cho thấy nếu dùng Cao ly sâm hợp với Phụ tử để hồi dương cho người hấp hối thì gần như không có tác dụng.
Viên sâm ( 园参 )
-
Viên sâm là Nhân sâm được trồng và canh tác tại vườn, vì vậy được gọi là “Viên sâm”. Tác dụng tương đồng với Nhân sâm hoang dã nhưng chất lượng thì không thể so được với Nhân sâm hoang dã.
Sinh sái sâm ( 生晒参 )
-
Sinh sái sâm là Viên sâm đã đạt độ tuổi 6 – 7 năm, sau đó được thu hoạch và chế ra nhiều dạng sâm khác nhau như: Bạch can sâm ( 白干参 )、Bạch đường sâm ( 白糖参 )、Quang Chi Sâm ( 光枝参 )、Bì mao sâm ( 皮尾参 )、Nguyên chi sâm ( 原枝参 )、Chủng diện sâm ( 种面参 ). Tác dụng tương đồng với Nhân sâm.
Di sơn sâm移山参
-
Di sơn sâm là Nhân sâm được khai thác trong môi trường tự nhiên trên núi cao, sau đó được mang về chăm sóc nuôi trồng tại vườn. Tác dụng tương đồng với Nhân sâm, còn được xưng tụng là “khởi tử hồi sinh tiên thảo” ( cây thuốc tiên khởi tử hồi sinh ).
Nhị hồng sâm ( thường được gọi là Trường Bạch Sơn hồng sâm – 长白山红参)
-
Nhị hồng sâm tác dụng nhuận bổ là chính. Không có tác dụng đại bổ nguyên khí nhưng có tác dụng bổ khí cho tạng phủ. Thích hợp cho dùng uống bồi bổ lâu ngày hoặc bổ cho trẻ em suy nhược.
Thái tử sâm ( 太子参 )
-
Thái tử sâm tác dụng nhuận bổ như Nhân sâm nhưng không mạnh bằng Nhân sâm. Không có tác dụng đại bổ nguyên khí, chỉ có tác dùng bổ khí cho tạng phủ. Có thể dùng thường xuyên dưới dạng hãm trà hoặc ngâm rượu để bồi bổ cơ thể, nâng cao sức đề kháng.
Các nhóm thuộc chủng loại khác:
Ngoài các loại có tính năng giống Nhân sâm kể trên còn có các loại sâm khác xét về công năng vẫn có phần giống với Nhân sâm, nhưng về tính vị thì lại khác.
Tây dương sâm ( 西洋参 )
-
Tây dương sâm là giống sâm phổ biến ở Mỹ, Canada. Trong Tây dương sâm chứa nhiều thành phần Saponin nhân sâm, tinh dầu, axit amin, Polysacarit, Axit nucleic, peptide ( hoạt chất chống lão hóa da ), các vitamin và nguyên tố vi lượng. Có tác dụng ích khí tư âm, bồi bổ ngũ tạng, trị chứng bốc hỏa do âm hư và thời kỳ tiền mãn kinh rất hiệu quả. Trên lâm sàng thường được dùng để điều trị các chứng khí hư, âm hư như cao huyết áp, bệnh mạch vành tim, cơn đau thắt tim, chứng kích động do bệnh lý về tim; ho và thở gấp do phế hư nhiệt; khô miệng do bệnh ở phế thận; hồi hộp khó thở, hay quên, mất ngủ do tâm âm hư.
Bố chính sâm
-
Sâm bố chính còn có các tên gọi là Sâm báo, Sâm thổ hào, Nhân sâm Phú Yên. Sâm bố chính có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế, bổ âm sinh tân, dưỡng tâm an thần, kiện tỳ tiêu thực. Thường dùng bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng, trị các bệnh về phổi do phế nhiệt như ho, sốt âm ỉ. Trị các chứng khát nước uống nhiều, người gầy suy nhược, ăn ngủ kém, kinh nguyệt không đều, đau nhức mình mẩy.
Sâm Tu Mơ Rông ( Sâm dây Kon Tum )
-
Sâm Tu Mơ Rông còn gọi là Sâm dây Kon Tum. Tác dụng giống với Đảng sâm. Kinh nghiệm lâm sàng của nhà thuốc cho thấy ngoài tác dụng như Đảng sâm ra Sâm Tu Mơ Rông còn có tác dụng an thần kiện tỳ rất rõ rệt. Rất hiệu quả trong việc điều trị mất ngủ và ăn uống sút kém.
Sâm Ngọc Linh
-
Sâm ngọc linh còn gọi là Sâm Việt Nam, Sâm khu năm, Trúc tiết nhân sâm, Trúc tiết sâm, củ ngải rọm con, cây thuốc giấu. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của bộ y tế Việt Nam thì trong Sâm ngọc linh chứa 26 hợp chất Saponin có cấu trục hóa học đã biết và 24 Saponin có cấu trúc mới không có trong loại sâm khác. Trong các nghiên cứu mới đây cho thấy danh sách Saponin của Sâm ngọc linh được phát hiện lên đến 52 loại. Ngoài ra trong Sâm ngọc linh còn có 14 axit béo, 17 axit amin ( trong đó có 8 axit amin không thể thay thế được ) và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng, hàm lượng tinh dầu là 0,1%.
Theo đông y Sâm ngọc linh tính ấm, vị ngọt hơi đắng. Vào kinh Can – Tỳ – Phế. Có tác dụng cầm máu, tan máu bầm, tiêu sưng giảm đau, trừ đàm trị ho, trị suy nhược cơ thể tăng cường sức khỏe, nâng cao chức năng sinh lý. Trị ho ra máu, tổn thương do té ngã, suy nhược sau bệnh nặng.
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường.