Ba kích còn có tên là Dây ruột già, Dây ruột gà, Chẩu phóng xì ( Quảng Ninh ), Sáy cáy ( Thái ), Thao tày cáy ( Tày )Trong Đông y có các tên Ba kích thiên, Kê trường phong, Kê nhãn đằng, Hắc đằng toản, Thố tử trường, Tam giác đằng. Tên khoa học Morinda officcinalis stow, thuộc họ cà phê. Là thân dây leo quấn, sống nhiều năm. Ngọn có cạnh, màu tím nhạt hoặc tím thẫm, có lông, khi già thì nhẵn. Ở nước ta Ba kích phân bố nhiều ở vùng đồi núi thấp cách tỉnh trung du, miền núi phía bắc như Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Ba kích – Dây ruột gà
Bộ phận dùng:
Rễ cây đào về cắt bỏ cổ rễ và rễ con, chỉ lấy chỗ có đường kính 0,5cm trở lên, phơi nắng cho héo rồi dùng chày gỗ đập nhẹ cho bẹp phần thịt ( không đập nát ), tiếp tục phơi, xấy khô, thịt sẽ chuyển thành màu tím thẫm hoặc tím nhạt, có nhiều chỗ đứt đoạn lộ lõi ra, cắt thành đoạn 10cm. Tiếp tẩm nước muối 5%, ngâm 30 phút rồi đồ chín, rút lõi, phơi khô.
Bảo quản:
Trữ trong lọ, để nơi khô ráo, thỉnh thoảng kiểm tra mối mọt.
Tính vị quy kinh:
Tính ấm; vị cay ngọt, chát. Đi vào kinh Can – Thận.
Công năng chủ trị:
Có công năng bổ Thận trợ dương, mạnh gân chắc xương, trừ phong thấp. Chủ trị yếu sinh lý do thận dương hư, di tinh xuất tinh sớm, lạnh đau bụng dưới, tiểu tiện nhiều lần, vô sinh do lạnh tử cung, đau nhức do phong hàn, lưng gối mỏi mềm, đau nhức xương khớp.
Các bài thuốc tiêu biểu:
Bài 1: Ba kích, Đảng sâm, Phúc bồn tử, Thỏ ty tử, Thần khúc mỗi vị 300gr; Hoài sơn 600gr. Các vị tán mịn làm hoàn với mật ong, trọng lượng 10gr. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 hoàn.
Tác dụng: Bổ khí ích tinh, trị xuất tinh sớm, yếu sinh lý do Tỳ Thận khí hư.
Bài 2: Ba kích, Cốt toái bổ, Đảng sâm, Nhục thung dung, Long cốt, tất cả 300gr; Ngũ vị tử 150gr. Tán mịn, hoàn với mật ong, trọng lượng 10gr. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 hoàn.
Công dụng: Trị xuất tinh sớm do thận dương hư.
Nhà thuốc Hạnh Lâm Đường