Trang chủ / Cây cỏ làm thuốc / ĂN UỐNG VỚI SỨC KHỎE

ĂN UỐNG VỚI SỨC KHỎE

 

 

ĂN SÁNG

Cháo Trị Liệu Bệnh Tật

Cháo là một trong những món ăn truyền thống của người phương đông, trong cháo bao hàm dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, bốn mùa đều có thể dùng, thích hợp cho mọi đối tượng, được xem như một loại thực phẩm tốt dùng dưỡng sinh và trị liệu.

Lịch sử dùng cháo trị bệnh bắt nguồn từ thời Đông Hán. Thời đó có một vị danh y tên Trương Trọng Cảnh, giữ chức Thái thú ở huyện Trường Sa, ông tinh thông y lý, đã trước tác cuốn “Thương Hàn Luận” nổi tiếng và có giá trị lâm sàng cho đến giờ. Trong sách có hướng dẫn cách dùng bài thuốc  “Quế Chi Thang”, ông lưu ý: Sau khi uống bài thuốc này cần phải ăn cháo nóng để tăng cường kết quả điều trị.

Cổ nhân thường xưng tụng cháo là “Thế gian đệ nhất bổ nhân chi vật” ( thực phẩm bổ nhất bồi bổ thể trạng cho con người ). Dưới đây liệt kê một số phương pháp ăn cháo kết hợp với thảo dược để hỗ trợ điều trị một số bệnh.

  • Mất ngủ: Ăn cháo nấu với Bạch liên ( Hạt sen )

Vô sinh do tinh trùng yếu hoặc tinh trùng không đủ: Ăn cháo hạt sen nấu với bong bóng cá ( loại bong bóng đã làm khô ).

  • Đẹp da: Ăn cháo Hồng táo
  • Thể trạng hư nhược, khí đoản ( hơi thở ngắn ): Ăn cháo Hoài sơn
  • Miệng hôi: Ăn cháo Lệ chi ( Cơm quả vải ). Có thể nấu cháo hạt sen, quả vải chung với nhau cũng rất tốt.
  • Tăng tiểu cầu: Ăn cháo nấu với vỏ lụa đậu phộng ( củ lạc )
  • Hạ sốt: Ăn cháo nấu với Lô căn ( rễ cây sậy )
  • Chóng mặt, tăng huyết áp: Ăn cháo nấu với Carot
  • Miệng khát trong lòng bồn chồn: Ăn cháo nấu với Mi hầu đào ( quả Kiwi )
  • Phòng trị bệnh cước khí ( tê phù ): Ăn cháo nấu với bột cám gạo
  • Choáng váng ra nhiều mồ hôi: Ăn cháo nấu với Ý dĩ
  • Bổ trung khí trị bí đại tiện: Ăn cháo nấu với Ngó sen.
  • Phòng trúng thử mùa hạ: Ăn cháo nấu với lá sen.
  • Sáng mắt: Ăn cháo nấu với Hạn cần ( rau cần tây )
  • Phù thũng: Ăn cháo nấu với đậu đỏ.
  • Khai vị giải độc: Ăn cháo nấu với Ngư tinh thảo ( rau dấp cá ).
  • Bồi bổ cơ thể: Ăn cháo xương.

 

ĐIỂM TÂM BUỔI SÁNG

  • Bánh Phục Linh

Phục linh là một vị thuốc đông y, có thể dùng để chế biến thành món ăn. Phục linh có tác dụng kiện Tỳ ích khí, bồi bổ tăng cường tuổi thọ. Có tác giả nghiên cứu về các phương thuốc bổ trường thọ của Từ Hy Thái Hậu phát hiện ra trong đó có tất cả 64 vị thảo dược, vị được sử dụng nhiều nhất là Phục linh chiếm đến 78%. Kế đến là Bạch truật chiếm 69%, Đương quy 62%. Điều đó chứng tỏ các y gia đời xưa đã đặc biệt sử dụng vị thuốc này vào việc tăng cường tuổi thọ.

Phương pháp sử dụng Phục linh có nhiều cách, phạm vi ứng dụng rất rộng. Ngoài cách sử dụng trong thuốc thang còn có thể sử dụng như thực phẩm như Phục linh phấn ( bột Phục linh ), Phục linh chúc ( cháo Phục linh ), Phục linh tửu ( rượu Phục linh ).

Bánh Phục linh dùng ăn điểm tâm được dùng thịnh hành vào đời nhà thanh. Theo sử liệu ghi chép thì trong thành Bắc Kinh có loại đặc sản nổi tiếng là bánh Phục linh, loại bánh này trắng như tuyết, mỏng như lụa, bên trong có kẹp mứt hoa quả mật ong, quả thông, vừa ngọt vừa thơm, nhiều dinh dưỡng. Loại bánh này được nhiều người mua cho người già ăn và làm quà tặng.

Thành phần bánh Phục linh gồm: 7 phần nếp, 2 phần gạo tẻ, 2 – 3 phần Phục linh, Khiếm thực, Liên nhục, Hoài sơn. Tất cả tán ra bột, trộn đều rồi làm bánh.

Tô Đông Pha là một người làm bánh Phục linh rất giỏi. Ông cho biết cách làm như sau: Lấy mè đen chưng 9 lần ( cửu chưng Hồ ma ), dùng Phục linh bỏ vỏ, cho thêm vào một ít mật ong trắng mà làm bánh. Ăn bánh này lâu ngày giúp cho khí lực mạnh mẽ, bệnh tật tiêu trừ, tăng cường tuổi thọ.

 

ĂN TRƯA

Nếu để ý một chút thì chúng ta sẽ thấy các đồ gia vị trong bếp như Hồ tiêu, Hoa tiêu, Nhục quế, Sơn nại, Bát giác… đa số đều là các vị thuốc thừng dùng trong Đông y. Trong đó Quế, Gừng, Táo đều có thể ăn trực tiếp. Trong một số phương thang của Trương Trọng  Cảnh, có một số phương thang điển hình dùng ẩm thực trị bệnh như Trư Phu Thang dùng trị chứng đau họng ở kinh Thiếu dương và Đương Quy Sinh Khương Dương Nhục Thang để trị phụ nữ đau bụng sau sinh. Xem ra, giữa ẩm thực và thảo dược có một sự kết hợp rất hiệu quả.

Dùng ẩm thực trị liệu trong ăn uống vừ khiến cho đẹp mắt, ăn ngon, lại vừa đạt được tác dụng điều trị bệnh, đây còn gọi là “dược thiện”.

Lưu Ý:

  • HỒ TIÊU

Hồ tiêu có hai loại: Hắc hồ tiêu ( tiêu đen ) và Bạch hồ tiêu ( tiêu trắng, tiêu sọ )

  • Hắc hồ tiêu gặp nhiệt độ cao thì càng thơm, cho nên dùng đối với các món ăn sào nấu lâu như cơm chiên, các đồ sào.
  • Bạch hồ tiêu tính cay thơm, dễ phát tán, cho nên dùng để bỏ vào các món canh, hoặc các loại rau sào nấu vừa trút ra khỏi nồi thì bỏ vào đồ ăn.

Hoa tiêu: Hoa tiêu lúc chưa chín màu xanh, lúc chín chuyển sang màu đỏ ngã đen. Hoa tiêu và hồ tiêu có họ về chủng loại khác nhau hoàn toàn.

Hoa tiêu có tác dụng trừ mùi tanh cho nên dùng để nấu các loại thịt; Hồ tiêu khử được dầu và béo, cho nên dùng trong chế biến các món đồ biển.

Ngoài ra còn một loại tiêu nữa là Ma tiêu. Ma tiêu vị cay và tê, có thể dùng trong tất cả mọi trường hợp chế biến thức ăn. Loại tiêu này rất ngon và làm tăng cảm giác ngon miệng.

 

  • SƠN NẠI

Sơn nại còn gọi là Sa khương, Tam nại. Hình thù nhìn giống Sinh khương ( củ gừng ). Có tác dụng hành khí – ôn trung, giảm đau, kiện Tỳ hòa Vị. Có tác dụng điều trị bụng đầy trướng, dạ dày lạnh đau, ăn không tiêu. Đây là loại gia vị không thể thiếu trong nhà bếp.

 

  • BÁT GIÁC HỒI HƯƠNG

Bát giác hồi hương có công năng tán hàn, lý khí, khai vị. Dùng trị các chứng nôn mửa do lạnh dạ dày, đau bụng do lạnh, ngực bụng lạnh đau, tiểu tràng uất khí gây đau, thận hư đau lưng, chân tê phù.

 

ĂN UỐNG PHÒNG VÀ HỖ TRỢ UNG THƯ

Bắp cải, Súp lơ dùng trong ăn uống với các trường hợp ung thư đường ruột, ung thư dạ dày.

Gan động vật, Lòng đỏ trứng, Carot, quả mơ, khoai lang, rau Bina ( cải bó sôi ) có khả năng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư, khiến cho các tế bào bị loại bỏ, đồng thời có thể bảo vệ được vỏ tế bào đường ruột, đường hô hấp và bàng quang, đề phòng các chứng ung thư phổi, đường ruột, bàng quang. quả Thanh Yên ( còn gọi là quả Citron ) và nấm tươi cũng có thể hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày và tử cung.

Các loại thực phẩm kháng ung thư khác còn có: Đậu xanh, tỏi, hải tảo, quả sung, rong tóc tiên ( còn có tên là Địa nhĩ, Rong tóc tiên, Tảo chuỗi ngọc. Tên khoa học là Nostoc commune ), ô mai, đậu trắng, thịt trai, ốc đá ( có nơi gọi là ốc Campuchia ), nấm tuyết ( ngân nhĩ ), Hoàng tinh, tiết canh lợn – vịt, Hồng táo, rau hẹ, rau diếp thơm ( còn gọi là diếp ngồng, xà lách thơm, diếp gốc, diếp măng, ngó xuân. Tên khoa học là Lactuca sativa varaugustana ), Củ cải trắng, dưa chuột.

 

CÁC LOẠI ĐỒ ĂN TỐT CHO CÁC BỆNH TIM MẠCH

  • Các loại có tác dụng hạ mỡ máu gồm: Gừng ( sinh khương ), rùa, hải tảo, các loại đậu còn vỏ tươi ( thường chế biến cả đậu cả vỏ để ăn như: đậu ván, đậu tây…) , nấm, đậu nành, tỏi, hành tây, quýt, sơn tra, sữa bò, bột đại mạch, hạt hướng dương.
  • Các loại có tác dụng chống sơ hóa mạch máu và bảo vệ huyết quản gồm: Nấm tai mèo, mật ong, Hồng táo, cà tím, khoai lang.
  • Các loại có tác dụng hạ huyết áp gồm: Cải bó sôi, rau cần tây, cây cỏ ngọt ( điềm cúc ), táo, chuối, hạt dưa, đậu xanh, nước ép carot, năng củ ( Mã thầy ), sứa.

Lưu ý: khi phối hợp ăn uống cần chú ý đến tính thời tiết. Mùa xuân vạn vật sinh sôi và hướng lên trên, cần phối ngũ với các vị có tính thăng phát; mùa hạ nóng bức cần phối với các vị bổ có tính mát; mùa thu khí hậu mát mẽ, cần bình bổ không thiên lệch; mùa đông khí hậu rét lạnh cần bổ các vị có tính ấm. Nắm bắt được đặc tính của thời tiết thì có thể khiến cho việc ăn uống có tác dụng tốt đến bệnh tật.

 

UỐNG TRÀ BUỔI TRƯA

Trà có tác dụng rất rộng trong việc điều trị bệnh. Trong các thư tịch Đông y đều có nói nhiều về việc dùng trà điều trị bệnh, như trong sách “La Thị Hội Ước Y Kính” có chép: Trà có tác dụng tẩy bám, trừ mùi xú uế, thanh nhiệt, tiêu thực, trừ đàm, giải khát, thông sáng đầu mắt, tỉnh táo tinh thần, giải trừ nhiệt độc, lợi đại tiểu tiện, cầm đi lỵ ra mủ máu, dùng đắp trị phỏng nước sôi, trừ mỡ giảm béo”.

Sau đây là các cách dùng trà hỗ trợ và điều trị các loại bệnh:

Trà gừng trị đi lỵ, trà đường có thể hòa vị ( điều hòa tiêu hóa )

Trà cúc hoa làm sáng mắt, uống trà nóng tổn thương ngũ tạng ( có câu: Bụng đói uống trà khiến tâm loạn; buổi tối uống trà khiến mất ngủ; uống trà nóng tổn thương ngũ tạng; uống trà ấm kéo dài tuổi thọ ).

Sau ăn uống trà tiêu thực, sau uống rượu uống trà giải say.

Buổi trưa uống trà tỉnh táo tinh thần, buổi tối uống trà khó đi vào giấc ngủ.

Sau ăn súc miệng bằng trà giúp làm sạch răng, tẩy trừ cáu bẩn.

Bụng đói uống trà khiến tâm loạn, qua đêm uống trà hại Tỳ – Vị

Uống trà quá độ khiến người gầy gò, uống trà nhạt ấm sẽ giúp kéo dài tuổi thọ.

 

ĂN HOA QUẢ SAU BỮA ĂN

Đông y chủ trương sau bữa ăn cần ăn thêm hoa quả để trợ cho tiêu hóa, tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên có một số người sau khi ăn thì bị đau bụng cầu lỏng, thậm chí phát sinh các loại bệnh khác. Đấy là do không biết tính vị và công hiệu – cấm kỵ của từng loại hoa quả. Sau đây là một số hoa quả phù hợp với mỗi trường hợp thể trạng của mỗi người.

  • Ô mai: Vị chua, tính ấm. Ô mai muối có thể làm ấm mật ( ôn đởm ) sinh tân dịch. Ăn nhiều quá thì tổn thương răng, sinh đàm, phát nhiệt. Nếu có các chứng đàm thấp như ho đàm, bụng đầy trướng và phụ nữ hành kinh thì không nên dùng.
  • Quả mơ: Vị ngọt, chua, tính ấm. Quả mơ chín có tác dụng nhuận phế sinh tân. Ăn nhiều dễ sinh đàm nhiệt. Phụ nữ sau sinh, trẻ em lúc đang mang bệnh thì không nên dùng.
  • Quả đào: Vị ngọt, chua, tính ấm. Quả đào chín ăn có tác dụng hoạt huyết trợ tim, giải khát đỡ đói. Ăn nhiều sinh nhiệt, có thể khiến sinh mụn nhọt, ký sinh trùng đường ruột, đi cầu lỏng. Đào ngâm mật ong có tác dụng sinh tân dịch điều nhiệt.
  • Quả mận ( mận miền bắc, không phải quả Roi ): Vị ngọt, chua, tính mát. Quả mận chín có tác dụng mát gan giải nhiệt, hoạt huyết sinh tân. Ăn nhiều sẽ khiến cho thấp thịnh sinh đàm dễ dẫn đến phát sốt nóng lạnh, cầu lỏng. Người Tỳ – Vị hư nhược tránh ăn.
  • Quả táo: Vị ngọt, tính mát. Có tác dụng khai vị, sinh tân dịch, nhuận phế, thông cho Tâm, đỡ đói giải rượu
  • Đại táo: Tươi thì vị ngọt tính mát, Có tác dụng lợi cho trường vị ( thông cho dạ dày và đường ruột ). Phơi khô thì vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ Tỳ dưỡng Vị, bổ cho tân dịch, nhuận Phế an thần. Đại táo màu đỏ thì gọi là Hồng táo, có tác dụng khai vị dưỡng cho Tâm, kiện Tỳ bổ huyết. Ăn đại táo nhiều thì dễ có ký sinh trùng đường ruột, sinh đàm, sinh nhiệt, hư răng.
  • Quả lê: Vị ngọt, tính mát. Có tác dụng nhuận Phế, mát dạ dày, mát tim, giải nhiệt, trừ phong, tiêu đàm, trị ho nhiệt, dưỡng âm nhuận táo, tán ứ tắc thông cho đường ruột, tiêu mụn nhọt, trị khát, trị trúng phong không nói được, đàm nhiệt gây cuồng, các chứng trúng thử. Nước ép quả lê được gọi là “Thiên sinh cam lộ ẩm”. Tỳ – Vị hư nhược thường bị cảm, bụng lạnh hoặc cầu lỏng lâu ngày thì không dùng.
  • Quả hồng: Quả tươi vị ngọt, tính hàn. Có tác dụng dưỡng cho phần âm của Phế – Vị. Quả khô vị ngọt, tính bình. Có tác dụng Kiện tỳ bổ Vị, nhuận phế sáp trường ( nhuận cho Phế, làm chắc đường ruột ), cầm máu, đỡ đói, tiêu cam độc, trị trĩ. Trị các chứng nấc cục liên tục, đi cầu ra máu. Ăn nhiều dễ sinh “thị thạch” ( hình thành sỏi do trong quả Hồng có chứa nhiều chất Tannin ( acide tannic ) sau khi bị dịch vị tác động thì sẽ hình thành sỏi ).
  • Quýt: Vị ngọt, tính bình. Có tác dụng nhuận Phế, giải khát. Ăn nhiều dễ  sinh đàm tụ ẩm. Người bị ho đàm do phong hàn và người có đàm ẩm thi không nên dùng ( Chứng đàm ẩm là một bệnh danh trong Đông y. Đây là tình trạng thủy dịch trong cơ thể phân bố và vận hóa bất thường khiến bị đình tích lại ở một bộ vị nào đó mà gây bệnh. Đàm ẩm có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng của đàm ẩm bao gồm 4 loại: Đàm ẩm, Huyền ẩm, Dật ẩm, Chi ẩm. Vì vị trí đàm ẩm trên lâm sàng thường không giống nhau cho nên biểu hiện sẽ khác nhau. Chứng này tương đương với các chứng mạn tính trong Tây y như viêm phế quản mãn tính, hen phế quản, tràn dịch màng phổi, viêm dạ dày mãn tính, suy nhịp tim, phù thũng thể thận viêm ).
  • Dưa hấu: Vị ngọt, tính hàn. Có tác dụng mát Tỳ – Vị, giải nhiệt do trúng thử, trừ phiền nhiệt giải khát, giải rượu mát tân dịch. Dưa hấu được gọi với một cái tên rất đẹp là “Thiên Sinh Bạch Hổ Thang”. Dưa hấu có thể trị chứng đau họng, lở miệng do hỏa độc, hoắc loạn ( thổ tả ), cầu lỏng do nhiệt. Ăn nhiều gây hàn trệ làm thấp nặng hơn. Người đại tiện lỏng, Sau bệnh, sau sinh đều không nên ăn.
  • Mía: Vị ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, hòa vị ( điều hòa công năng dạ dày ), nhuận tràng, giải rượu, tiêu đàm. Có thể trị đau nhức, thử lỵ ( chứng lỵ do trúng thử gây ra ), trị ho do nhiệt, nôn mửa do thể trạng hư nhược. Đại bổ cho Tỳ âm, thông cho hầu họng, mạnh gân cốt, trị phong, dưỡng huyết. Nước ép mía được gọi là “Thiên Sanh Phục Mạch Thang”, mía vỏ xanh có tác dụng tốt hơn; mía vỏ tía tính ôn ấm.
  • Hạt dẻ nước: Khi tươi thì vị ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt. Ăn nhiều thì tổn thương dương khí làm mạnh cho thấp. Vị hàn Tỳ hư không nên ăn. Khi chín thì vị ngọt, tính bình. Ăn nhiều khiến cho khí trệ, ngực bụng đầy trướng tránh dùng.
  • Long nhãn: Vị ngọt, ấm. Có tác dụng bổ cho tâm khí, an thần định chí, bổ ích cho Tỳ âm, sinh tân dịch. Người bị cảm chưa hết, bên trong có uất hỏa, đàm ẩm khí trệ, bụng trướng đầy không đói thì không nên dùng.
  • Sơn tra ( Táo mèo ): Vị chua, ngọt, tính ấm. Có tác dụng tỉnh Tỳ khí, tiêu huyết ứ, tán kết tụ, tiêu đầy trướng, giải rượu, tiêu đàm, trừ cam tích, trị cầu lỏng. Ăn nhiều sẽ hao khí tổn thương răng, dễ đói.
  • Quả cam: Vị ngọt, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Ăn nhiều có tác dụng nhuận trường trị đình ẩm, cảm hàn sinh bệnh.
  • Quả trám: Vị chua, ngọt, tính bình. Có tác dụng khai vị sinh tân dịch, tiêu đàm làm sạch cơ thể, trừ khát, giải nhiệt cho túi mật trị co giật, thanh nhuận cho hầu họng.
  • Tỳ bà: Vị ngọt, bình. Có tác dụng nhuận Phế, điều nhiệt sinh tân dịch. Ăn nhiều sẽ sinh đàm và làm cho thấp thịnh.

Lưu ý: Các vị thuốc kể trên đều có thể mua ở các hiệu thuốc bắc.

 

Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

error: Bạn không thể copy nội dung này
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Xin chào, bạn cần trợ giúp ?