TẠNG TƯỢNG

Nhà Thuốc HẠNH LÂM ĐƯỜNG

 

KHÁI NIỆM VỀ TẠNG VÀ TƯỢNG

Nguyên tác của chữ tạng tượng là “Ức Tượng” ( 臆象 ). “Tàng Tượng” ( 藏象 ). Chữ tàng tượng đầu tiên được chép trong sách Tố Vấn chương “Lục Tiết Tạng Tượng”. Tàng, ý nói đến sự ẩn tàng, tàng trữ, cất giữ vào tạng khí bên trong. Tượng, có hai ý nghĩa, một là chỉ về hình thái giải phẫu của tạng phủ, tượng tức là hình tượng, “luận tạng phủ chi hình tượng, dĩ ứng thiên địa chi âm dương dã” ( nói về hình tượng của tạng phủ, ấy là ứng với âm dương thiên địa – Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn Tập Chú_Quyển 2 ). Như “hình dạng tâm tròn và nhọn, hình như hoa sen”( Y Tông Tất Độc – Cải Chính Nội Kinh Tạng Phủ Đồ ). Hai điều trên tượng trưng chỉ đến hình tượng biểu lộ ra bên ngoài của bệnh lý và sinh lý của tạng phủ. “Tượng, vị sở kiến vu ngoại, khả duyệt giả dã” ( “Tượng”, là nói về những cái có thể thấy được bên ngoài, có thể diễn tả được – Vương Băng chú_ Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn); “Tượng, tức là hình tượng. Tàng ở bên trong, hình có thấy được ra bên ngoài nên nói là tàng tượng” ( sách Loại Kinh-mục Tàng tượng Loại ).  “Tượng” là phản ánh ra bên ngoài của tạng, “tạng” là bản chất bên trong của tượng, cả hai hợp lại thì gọi là tạng tượng. Tàng cũng đọc là tạng, ngày nay người ta gọi tàng là tạng. Tạng tượng là thể thống nhất của bản chất và hệ thống hiện tượng của cơ thể con người, là biểu hiện của phản ánh thay đổi bệnh lý cùng với sinh lý hoạt động của tạng phủ cơ thể con người. Đông y học dựa vào đây để phán đoán và chẩn đoán sức khỏe cơ thể con người, và cũng là căn cứ để trị liệu bệnh tật.

Dựa trên phương pháp luận mà nói, Đông Y Học dựa trên phương pháp hệ thống làm chủ, phương pháp phân tích yếu tố đơn giản và hệ thống phương pháp kết hợp với nhau, lấy giải phẫu làm cơ sở, thông qua biểu hiện ra bên ngoài để nhận thức được quy luật sinh lý bệnh lý bên trong, lấy bên ngoài mà nhận biết được bên trong; xác định mối quan hệ giữa tạng và phủ, hình thành khái niệm về tạng tượng. lấy bệnh lý để diễn tả sinh lý, trọng về công năng mà nhẹ về hình thức, là trọng điểm của nhận thức bản chất sinh mệnh tạng tượng. Vì vậy, nguyên hàm ý của tạng tượng  là sinh lý hoạt động bên trong của tạng phủ và  triệu chứng phản ánh bên ngoài của sự biến hoá bệnh lý. Nội dung này bao quát kết cấu hình thái của tạng phủ, công năng sinh lý, quan hệ  của biến hoá bệnh lý cùng hoàn cảnh ngoại giới với tạng phủ. Trên thực tế, tạng tượng là một khái niệm về động thái sinh lý và bệnh lý, là sự thống nhất giữa bản chất sinh mệnh và hiện tượng. Căn cứ trên nhận thức này về tạng tượng, dùng định nghĩa học thuyết tạng tượng để nghiên cứu về công năng sinh lý khí quan tổ chức tạng phủ của con người, biến hoá bệnh lý cùng với học thuyết quan hệ hỗ tương .

Sự phân hoá của khoa học cùng với sự tổng hợp là động lực xúc tiến phát triển khoa học. Trong quá trình phát triển y học đông y, hệ thống lý luận Đông y không ngừng phát sinh phân hoá và tổng hợp, từ đó hình thành một hệ thống mới phân tích lý luận một cách khoa học. Cơ sở lý luận Đông y là kết quả của sự tổng hợp và khoa học phân hoá hiện đại. Như quy định chính của tạng tượng là lấy khái niệm tổng hợp của sinh lý bệnh lý, học thuyết tạng tượng bao trùm sinh lý học đông y cùng với toàn bộ nội dung bệnh lý học. Vì vậy, trong hệ khoa học của cơ sở lý luận đông y, chỉ có “bệnh nhân học” ( khoa học về nguyên nhân gây bệnh ) mà không có “bệnh lý học” .

Trên đà không ngừng nâng cao nhận thức đối với tạng tượng, ( Đông y ) đã đem nội dung sinh lý và bệnh lý của đối tượng nghiên cứu của nguồn gốc học thuyết tạng tượng chia ra, chia thành các nhóm khác biệt nhau mà tiến hành nghiên cứu. Đem sinh lý học của tạng tượng quy về học thuyết tạng tượng và đem bệnh lý của tạng tượng quy vào bệnh cơ học còn gọi là bệnh lý học. Vì thế, Bệnh cơ học đông y hình thành một hệ thống độc lập hoàn chỉnh. Đây là công trình tự thân phân hoá và tổng hợp của hệ thống khoa học lý luận cơ sở đông y, nó giúp đỡ cho việc hiện đại hoá và phát triển của nền lý luận đông y.

Căn cứ nội dung trên, tài liệu này đem khái niệm rộng về nguồn gốc học thuyết tạng tượng và tạng tượng rút gọn lại thành định nghĩa sau: Tạng tượng là hình tượng biểu hiện ra bên ngoài của hoạt động cơ năng tạng phủ bên trong cơ thể con người. Đông y học trên lâm sàng kiểm tra sinh mệnh hoạt động của cơ thể con người thường lấy hình tượng động thái của công năng hoạt động làm gốc, mà hình thái khí quan và sự cấu thành bản chất là giống nhau, lúc liên quan đến quan hệ giữa “Khí” và “Tượng” thì cái quan trọng không phải là “Khí” ( 器 ) mà là “tượng” ( 象 ) ( khí ( 器 ) ở đây có nghĩa là cơ quan, khí quan, chứ không phải là khí ( 氣 ) của không khí ), đồng thời lấy “Tượng” của công năng để giới định “cơ quan”. Cho nên, trong tạng tượng thì lấy “Tượng” làm gốc, dựa trên tượng để định nghĩa về tạng. Dựa trên ý nghĩa này mà nói thì tạng tượng chủ yếu chỉ về hiện tượng của biểu hiện hoạt động cơ năng bên trong cơ thể con người.

Học thuyết tạng tượng là nghiên cứu về kết cấu hình thái của quan khiếu hình thể tạng tượng, quy luật hoạt động sinh lý và học thuyết quan hệ tương hỗ nhau. Học thuyết này cho rằng con người lấy ngũ tạng gồm: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận làm trung tâm; Lấy lục phủ gồm: Đởm, Vị, Đại trường, Tiểu trường, Bàng quang, Tam tiêu v.v… để phối hợp nhau; lấy khí – huyết; tinh, tân dịch làm vật chất cơ sở, thông qua  kinh lạc mà biết được ngũ tạng lục phủ bên trong, bên ngoài thì biết được sự cấu thành hệ thống, năm công năng hoạt động của ngũ tạng. Hệ thống này không những đón nhận ảnh hưởng của âm dương – tứ thời – trời đất, đồng thời còn có một mối quan hệ mật thiết với nhau, trong năm tạng còn có năm tạng, từ đấy khiến cho chỉnh thể và cục bộ của con người, cục bộ và cục bộ, cùng với cơ thể con người và ngoại giới trở thành một mạng lưới kết cấu phức tạp.

 

KHÁI NIỆM VỀ TẠNG PHỦ

Tạng phủ là tên gọi chung của ngũ tạng của cơ thể con người ( Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận ), Lục phủ (  Đởm, Tiểu trường, Vị, Đại tràng, Bàng Quang, Tam tiêu ) và phủ Kỳ hằng ( Não, Tủy, Cốt, Mạch, Đởm, Tử cung ). Trong đó chủ yếu là thực thể có thể tiếp xúc được và trông thấy được bên trong cơ thể con người. Trong điều kiện lịch sử cổ đại, nó đã được vận dụng phương pháp giải phẫu để quan sát thực tế, trắc lượng mà có. Như thiên “Ngũ Thập Doanh” sách Linh Khu bàn về sự tính toán hô hấp của con người; thiên “Cốt Độ” sách Linh Khu bàn về sự đo lường hệ thống xương của con người; các thiên “Trường Vị” và “Bình Nhân Tuyệt Cốc” v.v…Nhưng chủ yếu nghiên cứu tạng phủ của Đông y học không phải xuất phát từ cơ quan thực thể tạng phủ của giải phẫu học , mà lấy chỉnh thể công năng làm cơ sở, lấy hiện tượng công năng hiển thị ra bên ngoài và quan hệ của nó làm cơ sở để xác định khái niệm tạng phủ. Vì vậy, tạng phủ là một khái niệm tổng hợp về hình thái và công năng, không những gồm có ý nghĩa giải phẫu học, mà quan trọng hơn là một mô hình công năng của cơ thể con người.

 

ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ VÀ PHÂN LOẠI TẠNG PHỦ

Căn cứ vào đặc điểm công năng sinh lý, tạng phủ được phân thành ba loại là ngũ tạng, lục phủ và phủ kỳ hằng.

 

1) Ngũ tạng: Can, tâm, tỳ, phế, thận được gọi chung là ngũ tạng. Nhìn trên hình tượng, thì ngũ tạng thuộc cơ quan thực thể tính; nhìn trên công năng thì ngũ tạng chủ tàng tinh khí, tức là sinh hoá và tàng trữ khí huyết, tân dịch, tinh khí và các vật chất tinh vi, chủ trì hoạt động sinh mệnh phức tạp. Cho nên thiên “Ngũ Tạng Biệt Luận” sách Tố Vấn chép: “ Ngũ tạng giả, tàng tinh khí nhi bất tả dã, cố mãn nhi bất năng thực” ( 五脏者,藏精气而不泻也,故满而不能实 – ngũ tạng tàng tinh khí không cho ra ngoài, nên “đầy” mà không “chắc” ). Mãn, chỉ về trạng thái tinh khí đầy đủ; Thực, chỉ về thuỷ cốc đầy đủ, sung thực. Mãn nhi bất năng thực ý nói ngũ tạng chỉ tàng chứa tinh khí mà không tàng chứa ngũ cốc và các chất cặn bã khác.

 

2) Lục phủ: Đởm, Tiểu tràng, Vị, Đại tràng, Bàng quang, Tam tiêu gọi chung là Phủ. Chữ ( 府 ) phủ và chữ phủ ( 腑 ) đều có ý nghĩa như nhau, là kho tàng trữ. Nhìn trên hình tượng thì lục phủ thuộc cơ quan quản khang tính ( 管腔性器官 – quản khang tính khí quan – cơ quan mang tính rỗng ); Nhìn trên công năng thì lục phủ chủ truyền hoá vật, tức là thu nạp và ngấu nhừ thủy cốc, truyền hoá và bài tiết chất cặn bã, tác dụng chủ yếu là tiêu hoá đồ ăn thức uống, hấp thụ, vận chuyển, bài tiết. Cho nên thiên “Ngũ Tạng Biệt Luận” sách Tố Vấn chép: “ Lục phủ, truyền hoá vật nhi bất tàng, cố thực nhi bất năng mãn dã – 六腑,传化物而不藏,故实而不能满也” ( Lục phủ, truyền hoá vật mà không tàng trữ, nên “chắc” mà không “đầy” ). Lục phủ truyền dẫn, tiêu hoá đồ ăn thức uống, lúc nào cũng tràn đầy thủy cốc, mà không tàng trữ tinh khí. Vì truyền hoá mà không tàng trữ, nên tuy tích vật mà không thể “đủ”.  Nhưng dựa vào những điều đã nêu ra, có thể nói ngũ tạng chủ tàng tinh khí, lục phủ truyền hoá cặn bã chỉ mang tính chất tương đối, tạng và phủ mỗi cái đều có tác dụng chính của nó. Trên thực tế, trong ngũ tạng cũng có trọc khí, trong lục phủ cũng có tinh khí. Trọc khí trong tạng do phủ vận chuyển bài tiết mà ra, tinh khí trong tạng bởi sự vận chuyển của tạng mà có.

 

3) Ý nghĩa khác nhau trên lâm sàng của Tạng Phủ: Học thuyết tạng tượng lấy lý luận sinh lý bệnh lý tạng phủ làm cơ sở. Tạng Phủ là cách gọi chung, căn cứ vào sự khác nhau của đặc điểm công năng sinh lý, mà phân chia ra thành 3 loại là Tạng, Phủ, và Phủ kỳ hằng. Tạng có năm loại là Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận, gọi chung là Ngũ tạng. Tâm bào, trong học thuyết kinh lạc cũng được gọi là tạng, hợp với ngũ tạng mà thành lục tạng; Phủ có sáu loại là Đởm, Vị, Tiểu tràng, Đại tràng, Bàng quang, Tam tiêu, gọi chung là Lục phủ. Phủ kỳ hằng bao gồm Não, Tủy, Cốt, Mạch, Đởm, Bào cung.

Ngũ tạng lục phủ đều có đặc điểm công năng sinh lý của riêng của mình. Đặc điểm công năng sinh lý chung của ngũ tạng là “tàng trữ và hóa sinh tinh khí”. “Tạng”, ngày xưa viết là “tàng”, nghĩa là “cất giữ”; Đặc điểm công năng sinh lý chung của Lục phủ là “đón nhận và chuyển hóa thủy cốc”. “Phủ” ( 腑 – phủ tạng ), xưa kia viết là “Phủ” ( 府 – nhà ở, nơi chứa của cải ). Thiên “Bản Tạng” sách Linh Khu chép: “Ngũ tạng là nơi cất giữ tinh, thần, khí, huyết, hồn, phách; Lục phủ là nơi hóa thủy cốc mà hành chuyển tân dịch”. Những nội dung đó không những khái quát lên đặc điểm công năng sinh lý của Ngũ tạng lục phủ, mà đồng thời còn nêu lên sự khác biệt về công năng sinh lý của Tạng và Phủ. Có thể nói “đầy mà không đủ” và “đủ mà không đầy” chủ yếu là nói đến đặc điểm khác nhau giữa sự tàng cất tinh khí và chuyển hóa vật, như y gia Vương Băng đời Đường có nói: “Tinh khí thì đầy, thủy cốc là đủ. Ngũ tạng thì tàng cất tinh khí, nên đầy mà không đủ; Lục phủ thì không tàng cất tinh khí, mà đón nhận thủy cốc, nên đủ mà không đầy” ( 精气为满,水谷为实。(五脏)但藏精气,故满而不能实;(六腑)以不藏精气,但受水谷故也 – Tinh khí vi mãn, thủy cốc vi thực. ( ngũ tạng ) Đán tàng tinh khí, cố mãn nhi bất năng thực; ( lục phủ ) dĩ bất tàng tinh khí, đán thọ thủy cốc cố dã ).

Đối với đặc điểm khác nhau giữa “tàng” và “tả” của Tạng – Phủ, đa số cho rằng, ngũ tạng cần phải luôn ở trạng thái tinh khí sung mãn, nên trong tình trạng bệnh lý thì đa số là hư chứng, phép trị chính thường là bổ hư; Lục phủ cần phải luôn ở trạng thái thông sướng mà không ngưng trệ, nên trong tình trạng bệnh lý thì đa số là thực chứng, phép trị chính là tả thực. Gần đây, có một số ý kiến cho rằng, công năng “tàng” và “tả” của tạng phủ chỉ là tương đối mà thôi, ngũ tạng thì có tàng, nhưng trong tàng có tả, như Thận chủ tàng tinh, nếu tinh đầy thì tự tả; lục phủ chủ tả, nhưng trong tả có tàng, như Tiểu tràng chủ đón nhận và hóa vật, lại còn công năng hấp thụ chất thanh, làm chủ thủy dịch. Cũng có ý kiến cho rằng, câu “bất tả” ( không tả ) trong sách Nội Kinh, là muốn nói đến Ngũ tạng không trực tiếp bài tiết ra ngoài cơ thể, nhưng có hướng đến tác dụng du chuyển tinh khí của các tạng phủ khác. Trong sách Nội Kinh có nói lục phủ “bất tàng” chủ yếu là nói đến đặc điểm công năng chuyển hóa ẩm thực thủy cốc của lục phủ, nên “bất tàng” cần hiểu theo ý: “không thể tàng cất lâu”. Còn có ý kiến kết hợp ý nghĩa lâm sàng của nó và cho cho rằng: trên lâm sàng, vốn tất nhiên là có đơn thuần là hư chứng ngũ tạng – đơn thuần là thực chứng lục phủ, nhưng nhiều nhất vẫn là bệnh chứng tạng phủ hư thực lẫn lộn. Phép trị chính hiệu quả nhất vẫn là công bổ kiêm thi. Vì vậy, đối với các chứng trong hư có thực của Ngũ tạng, thì đồng thời lúc bổ cho hư, cũng cần phải có ghé qua phép tả để sơ thông cho ngũ tạng, điều sướng khí cơ; đối với chứng trong thực có hư của Lục phủ, thì đồng thời trong lúc tả thực, cũng nên dùng pháp trị lấy bổ để thông tắc, bổ tả kiêm hợp. Các ý kiến này là những ý kiến được phát triển thêm từ nhiều góc độ khác nhau của lý luận tạng – phủ, tàng – tả, nhưng đều nhấn mạnh đến sự lý giải toàn diện, khách quan đối nguyên văn nội dung sách Nội Kinh, không có sự thiên lệch về một lý luận phiến diện nào, và cũng không đi ngược lại với lâm sàng.

 

4) Phủ kỳ hằng Sáu cơ quan là não, tủy, cốt, mạch, đởm, tử cung gọi chung là phủ kỳ hằng. “Kỳ” ( 奇 ) nghĩa là “dị” ( 异(異 ) – sự khác biệt ), “hằng”( 恒 ) nghĩa “thường” ( 常 ). Phủ kỳ hằng, hình thể đa phần rỗng không, gần giống với phủ, bên trong chứa tinh khí, loại thì lại là tạng ( tàng mà không tả ), giống tạng mà không phải là tạng, giống phủ mà không phải là phủ nên được gọi là “Phủ kỳ hằng”.  Cho nên thiên “Ngũ Tạng Biệt Luận” sách Tố Vấn chép:“não, tủy, cốt, mạch, đởm, nữ tử bào, thử lục giả, địa khí chi sở sinh giả, giai tàng vu âm nhi tượng vu địa, cố tàng nhi bất tả, danh viết kỳ hằng chi phủ – 脑, 髓、骨、脉、胆、女子胞,此 六 者,地 气 之 所 生 也,皆 藏 于 阴 而 象 于 地,故 藏 而 不 泻,名 曰 奇 恒 之 府” ( não, tủy, cốt, mạch, đởm, tử cung sáu cơ quan này được sinh bởi địa khí, đều tàng ( cất giữ ) ở âm mà tượng ( thể hiện ra ) ở địa, vì thế tàng trữ mà không cho ra ngoài, tên gọi là phủ kỳ hằng ). Nội dung chủ yếu của học thuyết tạng tượng, hình thể và quan khiếu v.v…Trong đó, lấy tạng phủ, đặc biệt là ngũ tạng làm trọng điểm. Ngũ tạng là trung tâm của hoạt động sự sống, lục phủ và phủ kỳ hằng đều lệ thuộc bởi ngũ tạng. Vì vậy, lý luận ngũ tạng là nội dung quan trọng nhất trong học thuyết tạng tượng.

Hình thể, nếu nói về nghĩa rộng là ý nói đến bao gồm tổ chức của kết cấu hình thái nhất định bao gồm đầu, thân thể và tạng phủ bên trong; nếu nói về nghĩa hẹp thì chỉ về tổ chức kết cấu của năm loại da, thịt, cân, cốt, mạch còn gọi là ngũ thể.

Quan khiếu, “quan” là chỉ đến khí quan của công năng nhất định mà cơ thể có, như tai, mắt, miệng, môi, mũi, lưỡi, gọi chung là ngũ quan, chúng được phân về ngũ tạng, làm ngoại hậu ( vị trí chẩn đoán bên ngoài ) của ngũ tạng. Khiếu, là ý nói

đến những cơ quan có lỗ hoặc hình tượng như cái mầm, là cánh cửa liên lạc tương thông giữa cơ thể con người với ngoại giới.

Quan tất nhiên phải có khiếu, khiếu đa phần là cơ quan, vì thế nên quan khiếu được gọi chung với nhau. Khiếu thì có thất khiếu, thất khiếu là nói đến bảy khiếu ở vùng đầu mặt (hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng). Tinh khí của ngũ tạng chia ra thông đạt vào thất khiếu. Cửu khiếu còn gọi là cửu quan, ý nói đến thất khiếu, cùng với tiền âm và hậu âm.

 

 

ĐẶC ĐIỂM HỌC THUYẾT TẠNG TƯỢNG

 

Lấy ngũ tạng làm chỉnh thể quan trung tâm, là đặc điểm cơ bản của học thuyết Đông y. Đối tượng nghiên cứu của học thuyết tạng tượng phải là người có sức khoẻ tốt. Cơ thể con người lấy ngũ tạng làm trọng tâm, là một chỉnh thể hữu cơ cực kỳ phức tạp. Giữa các bộ phận hợp thành của cơ thể, trong hình thái kết cấu có sự mật thiết mà không chia lìa, trong công năng sinh lý hỗ trợ hợp tác với nhau, trong sự chuyển hoá vật chất thì có sự quan hệ giúp đỡ lẫn nhau, trong bệnh lý thì ảnh hưởng lẫn nhau. Sinh lý và bệnh lý của con người lại tương thông tương ứng với hoàn cảnh ngoại giới, thể hiện kết cấu và công năng, sự thống nhất giữa vật chất và chuyển hoá, cục bộ và chỉnh thể, cơ thể con người và hoàn cảnh. Lấy ngũ tạng làm trung tâm, từ quan điểm hệ thống chỉnh thể để nắm bắt về cơ thể con người là đặc điểm cơ bản của học thuyết tạng tượng.

Học thuyết tạng tượng xuyên suốt trong các phương diện giải phẫu học, sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán học, trị liệu, phương tễ, dược vật, dự phòng v.v… của Đông y, trong hệ thống lý luận Đông y, nó chiếm một địa vị quan trọng nhất trong Đông y.

 

Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường

 

4 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

error: Bạn không thể copy nội dung này
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Xin chào, bạn cần trợ giúp ?