TẠNG PHẾ

Nhà Thuốc HẠNH LÂM ĐƯỜNG

 

Tạng Phế, vị trí ở tại trong lồng ngực, bên trái và bên phải, tương thông với nhau.

Phế cùng tâm ở vị trí trên cách mô, liên kết lên trên với khí quản, khai khiếu ra mũi, tương thông trực tiếp với đại khí của tự nhiên giới. Cùng với đại trường, da, lông măng, mũi, cấu thành một hệ thống. Trong Ngũ hành thì thuộc Kim, là tạng Âm trong Dương. Chủ khí, điều khiển việc hô hấp, trợ Tâm hành huyết, thông điều thủy đạo. Trong ngũ tạng lục phủ thì vị trí của nó ở nơi cao nhất, là đầu của năm tạng. Phế ứng với mùa thu trong bốn mùa.

 

A) HÌNH THÁI GIẢI PHẪU CỦA PHẾ.

1) Vị trí giải phẫu của phế: Vị trí của phế nằm trong khoang ngực, hai bên trái và phải, trên cách mạc. Liên lạc lên trên với khí quản, họng là cửa ngõ, nó che phủ trên các tạng khác, là tạng cao nhất trong ngũ tạng, nên được gọi là “Hoa Cái” ( lọng che cho quý nhân ), là tạng đứng đầu trong năm tạng.

 

2) Kết cấu hình thái của phế: Tạng Phế là cơ quan sơ thông khí, bên trong rỗng như tổ ong, tính phù mà lại trầm. Nên gọi là tạng “thanh hư”.

 

B) CÔNG NĂNG SINH LÝ CỦA PHẾ

1) Phế chủ khí:

Phế chủ khí là cách nói chung về phế chủ khí của hô hấp và chủ khí toàn thân. Khí trong cơ thể con người là do phế làm chủ. Cho nên thiên Ngũ Tạng Sinh Thành sách Tố Vấn chép: “ Chư khí giả, giai thuộc ư Phế ” ( khí toàn thân đều thuộc bởi phế ). Phế chủ khí, bao quát hai phương diện là chủ khí hô hấp, và khí toàn thân.

 

a) Phế chủ khí hô hấp:

Phế chủ khí hô hấp là ý nói đến phế thông qua vận động hô hấp, hít vào thanh khí của tự nhiên giới, thở ra trọc khí của cơ thể, thực hiện công năng giao hoán khí trong và ngoài của cơ thể. Phế là cơ quan hô hấp bao gồm cả công năng hô hấp. Thông qua sự không ngừng hô ( thở ra ) trọc hấp ( hít vào ) thanh, thay cái cũ nạp cái mới mà thúc đẩy sự sinh thành của khí, điều tiết vận động xuất nhập thăng giáng của khí, từ đấy duy trì ổn định công năng thay cũ đổi mới của cơ thể. Đông y học quan niệm rằng, vận động hô hấp của cơ thể không chỉ dựa vào Phế để hoàn thành, mà còn mà còn dựa vào sự hợp tác của Thận. Phế là chủ khí, chủ thở ra; Thận chủ nạp vào; một tạng thì thở ra, một tạng thì nạp vào, một xuất một nhập, mới có thể hoàn thành vận động hô hấp. Công năng hô hấp của Phế được chính thường thì khí đạo ( khí quản ) mới thông sướng, hô hấp mới đều đặn. Nếu bệnh tà phạm Phế, ảnh hưởng đến công năng hô hấp, thì sẽ xuất hiện khái thấu ( ho ), thở ngắn, cùng các bệnh lý hô hấp khác.

 

b) Phế chủ khí toàn thân:

Nói Phế chủ khí toàn thân có nghĩa là Phế có tác dụng  chủ trì, điều tiết khí của các tạng phủ toàn thân, tức là Phế thông qua hô hấp mà tham gia vào tác dụng điều hoà khí cơ và sự sinh thành của khí.

Công năng sinh lý của của khí trong ý nghĩa Phế chủ khí toàn thân bao gồm thể hiện hai phương diện sau:

b.1) Phương diện sinh thành của khí:

Phế tham gia sự sinh thành của khí trong toàn thân, đặc biệt là sự sinh thành của Tông khí. Con người thông qua vận động hô hấp, đem thanh khí trong tự nhiên giới hít vào trong Phế, lại thông qua công năng hấp thu tiêu hoá của tràng vị, khiến cho thuỷ cốc biến thành tinh khí, nhờ sự thăng thanh của tỳ khí, chuyển lên trên Phế. Thanh khí của tự nhiên giới và tinh khí của thủy cốc kết hợp với nhau tại Phế, tích tụ lại bên trong lồng ngực thành “Thượng khí hải” ( Thượng khí hải là ý nói đến Đản trung, vị trí nằm trên điểm giữa đường thẳng hai đầu vú, đây là nơi đầu nguồn của Tông khí kết tụ ), nên gọi là Tông khí. Tông khí, bên trên thì đi ra hầu họng để thúc đẩy vận động hô hấp của khí, quán thông Tâm mạch, để hành huyết khí mà bố tán toàn thân, để ôn dưỡng các tổ chức tạng phủ và duy trì công năng hoạt động bình thường của chúng. Trong hoạt động sinh mệnh, tạng Phế chiếm một vị trí rất quan trọng, nên mới có tác dụng làm chủ khí toàn thân. Vì vậy, công năng hô hấp của Phế có kiện toàn hay không, không những ảnh hưởng đến sự sinh thành của Tông khí, mà còn ảnh hưởng đến sự sinh thành của khí toàn thân.

 

b.2) Đối với phương diện điều tiết khí cơ toàn thân:

Có thể nói, khí cơ là ý nói đến sự vận động của khí – Thăng, giáng, xuất, nhập là hình thức cơ bản nhất của nó. Sự vận động hô hấp của Phế, là thể hiện cụ thể của sự vận động thăng giáng xuất nhập của khí. Phế có quy luật nhất định là một ra một vào. Đối với vận động thăng giáng xuất nhập của khí toàn thân có một tác dụng điều tiết quan trọng. Quyển 6, sách Thái Bình Thánh Huệ Phương chép: “Phế là cái nắp đậy của bốn tạng, thông hành tinh khí của các tạng. Khí tức là Dương, lưu hành tạng phủ, tuyên phát tấu lý, mà khí đều do Phế làm chủ”, hoặc trong mục “Tý Chứng Môn”, sách Biện Chứng Kỳ Văn chép: “Phế như là cơ quan tướng phó, trị tiết là nơi này, thống nhiếp khí, không có kinh nào là không đi đến, không có tạng nào là không truyền đến, tất cả đều được Phế sung dưỡng, mà Phế còn là chủ của khí”.

Phế chủ công năng chính thường của của khí toàn thân, tức là làm cho các tạng phủ được vượng thịnh. Ngược lại, nếu công năng chính thường chủ khí toàn thân của Phế bị bất thường, sẽ ảnh hưởng đến sự sinh thành của Tông khí và vận động xuất nhập thăng giáng của khí toàn thân. Biểu hiện là thiểu khí, thở ngắn, tiếng nói nhỏ, khí hụt, chân tay mỏi vô lực và các chứng trạng thuộc hư.

 

Quan hệ giữa ý nghĩa của Phế chủ khí toàn thân, và Phế chủ khí hô hấp:

Phế chủ khí toàn thân, và chủ khí hô hấp trên thực tế đều lệ thuộc vào công năng của Phế. Sự điều hoà của hô hấp của Phế là điều kiện căn bản cho sự thông sướng khí cơ, và sự sinh thành của khí. Nếu công năng hô hấp của Phế thất thường, sẽ tạo nên sức ép ảnh hưởng lên sự sinh thành của Tông khí và vận động của khí. Như vậy công năng chủ khí toàn thân và tác dụng của khí hô hấp và khí toàn thân của Phế sẽ bị suy giảm, nếu nặng thì công năng hô hấp của Phế sẽ mất đi, thanh khí không vào được, trọc khí không ra được, sự thay cũ đổi mới ngừng lại, hoạt động sinh mệnh của con người sẽ bị kết thúc. Cho nên nói, tác dụng chủ khí toàn thân của Phế, chủ yếu xác định công năng hô hấp của Phế. Nhưng, nếu khí bất túc và sự vận động thăng giáng xuất nhập khác thường, sẽ dẫn đến sự vận hành của huyết dịch, sự phân bố tân dịch, và sự bài tiết khác thường, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến vận động hô hấp của phế, mà xuất hiện hô hấp khác thường.

 

Phế là nơi trăm mạch đổ về ( phế triều bách mạch ):

Phế triều bách mạch, là ý nói đến huyết dịch của toàn thân đều thông qua kinh mạch mà tụ hội nơi Phế, thông qua sự hô hấp của Phế, thúc đẩy sự giao hoán của khí thanh trọc trong và ngoài cơ thể, và cũng nói đến tác dụng mang huyết dịch tràn đầy thanh khí đưa đi khắp toàn thân. Tức là Phế kết hợp và hỗ trợ cho tạng tâm thúc đẩy huyết dịch trong mạch quản ( huyết quản ) vận hành. Huyết dịch của toàn thân, đều thông qua kinh mạch mà chảy về Phế, thông qua hô hấp của Phế mà tiến hành sự giao hoán khí thể, sau đó lại phân bố toàn thân. Thiên “Kinh Mạch Biệt Luận” sách Tố Vấn chép: “thực khí nhập vị, trọc khí quy Tâm, dâm tinh vu mạch, mạch khí lưu kinh, kinh khí quy ư Phế, phế triều bách mạch, du tinh ư bì mao – 食气人胃,浊气归心,淫精于脉,脉气流经,经气归于肺, 肺朝百脉, 输精于皮毛 ” ( Khí của thuỷ cốc đi vào Vị, trọc khí ( cũng là khí của thủy cốc ) đi vào Tâm, chất tinh hoa đi vào mạch, khí của mạch theo đường kinh, khí của kinh mạch đi vào phế, Phế là nơi trăm mạch đi về, chuyên chở tinh khí đến nuôi dưỡng bì mao ).

Tác dụng sinh lý của “Phế triều bách mạch” là trợ cho Tâm huyết. Phế chủ khí, Tâm chủ huyết, huyết và mạch của toàn thân đều thuộc bởi Tâm. Nhịp đập của Tâm là nhờ bởi động lực hoạt động cơ bản của sự vận hành huyết dịch. Sự vận hành của huyết lại dựa vào sự thúc đẩy của khí, theo sự thăng giáng của khí mà vận hành toàn thân. Cho nên, sự vận hành của huyết dịch, lại dựa vào sự tràn đầy và điều tiết của khí. Mục “Khí Huyết Luận” sách Y Học Chân Truyền chép: “ Thân thể con người, đều có sự tuần hành của khí huyết, khí không thể không hoà huyết – huyết không thể không có sự vận hành của khí” ( nhân chi nhất thân, giai khí huyết sở tuần hành, khí phi huyết bất hoà, huyết phi khí bất vận –人之一身,皆气血之所循行,气非血不和,血非气不运 ). Phế có tác dụng trợ

Tâm hành huyết, điều đó cho thấy rõ rằng Phế và Tâm trên phương diện sinh lý và bệnh lý, phản ánh quan hệ mật thiết giữa khí và huyết. Nếu Phế khí hư suy, không thể trợ tâm hành huyết, thì sẽ ảnh hưởng công năng sinh lý của Tâm chủ huyết mạch mà xuất hiện trở ngại sự vận hành của huyết, như các chứng hung muộn ( bứt rứt trong lồng ngực ), tâm quý ( hồi hộp, rối loạn nhịp tim ), môi lưỡi tím xanh v.v…

 

2) Phế chủ hành thủy:

Phế chủ hành thuỷ là ý nói đến sự tuyên phát, và túc giáng đối với thuỷ dịch phân bố trong cơ thể; tác dụng điều tiết và sơ thông của chức năng vận hành và bài tiết của Phế. Do đó Phế là nắp đậy, và vị trí của nó là cao nhất, tham gia vào sự trao đổi điều tiết thuỷ dịch trong cơ thể, cho nên nói: “phế là thượng nguồn của thủy.  Phế khí hành thì thủy hành ” ( Phế vi thủy chi thượng nguyên, Phế khí hành tắc thủy hành – 肺为水之上源,肺气行則水行 – Huyết Chứng Luận – mục Thũng Trướng ).

 

Tác dụng của Phế chủ hành thủy:

Sự trao đổi thủy dịch trong thân thể con người là nhờ vào Phế, Tỳ, Thận, cùng với Tiểu tràng, Đại tràng, Bàng quang, và các tạng phủ khác hợp lại mà hoàn thành. Công năng sinh lý của “Phế chủ hành thủy” là thông qua sự tuyên phát và túc giáng của Phế khí  mà thực hiện. Phế khí tuyên phát, một là khiến cho thủy dịch đi nhanh lên trên, ra ngoài mà chuyển tải, bố tán ra khắp toàn thân, bên ngoài thì đạt đến bì mao, như sương mờ lơ lững mà nuôi dưỡng, nhuận thắm, bảo vệ cho các tổ chức cơ quan; hai là khiến cho sự thủy dịch sau khi đã được trao đổi, tức là những dịch chất thừa và cặn bã, sau khi được cơ thể sử dụng, thông qua hô hấp, lỗ chân lông dưới da chưng phát mà bài tiết ra ngoài. Phế khí túc giáng, khiến cho thủy dịch sau khi trao đổi trong cơ thể không ngừng đi xuống thận, trải qua tác dụng khí hoá của thận và bàng quang, trở thành nước tiểu mà bài tiết ra ngoài, điều khiển việc thông lợi tiểu tiện. Đấy là tác dụng trong chức năng điều tiết trao đổi thủy dịch của phế và cũng là công năng sinh lý thông điều thủy đạo của tạng phế. Nếu sự tuyên giáng của phế khí thất thường, mất đi chức năng hành thủy, thủy đạo bất điều, thì sẽ xuất hiện chướng ngại trong bài tíêt và phân bố của thủy dịch, như chứng đàm ẩm, thủy thũng v.v…

 

3) Phế chủ trị tiết: Trị tiết, tức là trị lý điều tiết ( trị lý: làm cho vật bên trong cơ thể hoạt động theo quy luật và thăng bằng. Tiết: là điều tiết, điều hoà cho mọi vật trật tự ). Phế chủ trị tiết là ý nói đến tác dụng công năng sinh lý của Phế bổ trợ cho tạng Tâm để trị lý điều tiết tạng phủ cùng tân dịch, khí huyết toàn thân. Tâm là tạng quân chủ, là đại chủ của ngũ tạng lục phủ. Phế là cơ quan tướng phó chủ trị tiết. “ Vị trí của Phế và Tâm ở trên cách mô, nằm gần tâm, vì thế được gọi là tể tướng ”.

Tâm là quân chủ, Phế là tể tướng. Sự hoạt động của các tổ chức tạng phủ trong cơ thể con người đều dựa vào đó mà có một quy luật hoạt động nhất định, đều dựa vào sự kết hợp trị lý điều tiết của Tâm và Phế. Vậy nên Thiên Mạch Tượng sách Loại Kinh chép: “ Phế chủ khí, khí điều tắc doanh vệ tạng phủ vô sở bất trị – 肺主气,气调则营卫脏腑无所不治 ” ( Phế chủ khí, khí điều hoà thì doanh vệ tạng phủ không có gì là không yên bình ). Vậy nên gọi phế là “ tướng phó chi quan ”.

 

Tác dụng phế chủ trị tiết:

Tác dụng trị tiết của Phế, chủ yếu biểu hiện ở bốn phương diện:

a) Phế chủ hô hấp: Vận động hô hấp của Phế có một quy luật nhất định là một ra một vào, ra “trọc” vào “thanh”. Đối với việc bảo đảm điều tiết hô hấp ( còn gọi là điều tức ) là rất quan trọng.

 

b) Điều tiết khí cơ: Phế chủ khí, điều tiết vận động thăng giáng xuất nhập của khí, khiến cho khí cơ toàn thân thông sướng điều đạt. Cho nên nói “ Phế chủ khí, khí điều hoà thì doanh vệ, tạng phủ, không có gì là không bình yên ”.

 

c) Trợ Tâm hành huyết: Phế triều bách mạch, trợ Tâm hành huyết, bổ trợ cho tạng Tâm, thúc đẩy và điều tiết sự vận hành của huyết dịch toàn thân. “ Chư khí đều thuộc bởi phế ”, khí hành thì huyết cũng hành.

 

d) Tuyên phát túc giáng: Phế chủ sự túc giáng và tuyên phát, trị lý và điều tiết sự phân bố của tân dịch, vận hành và bài tiết. Vì vậy, khi nói Phế chủ trị tiết, chỉ là khái quát về công năng sinh lý chủ yếu Phế trên thực tế.

 

4) Phế chủ tuyên túc:

Tuyên nghĩa là tuyên phát, tức là tuyên thông và phát tán. “ khí thông vào tạng Phế. Phàm khí của tạng phủ kinh lạc đều thuộc về sự tuyên phát của Phế ” ( sách Y Học Thực Tại Dị ). Túc ( 肅 ) nghĩa là túc giáng, ý nói đến sự thanh túc hạ giáng ( 清肅:  mệnh lệnh nghiêm ngặt, tiêu trừ sạch sẽ. Còn gọi là “ túc thanh ” ). Phế vốn là thể thanh hư ( thanh hư: vừa trong, vừa xốp nhẹ ), tính chủ giáng xuống, lấy thanh túc ( sự tiêu trừ sạch sẽ ) hạ giáng ( đi xuống ) làm đường đi của mình. Thể của nó vừa trong vừa xốp; dụng của nó là tuyên giáng. Tuyên phát và túc giáng là hình thức biểu hiện cụ thể của vận động xuất nhập thăng giáng khí cơ tạng Phế. Phế vị trí trên cao, nó chủ về vừa tuyên vừa giáng, lại vừa hạ giáng, đó là hoạt động bình thường của Phế. Phế khí phải ở trong tình trạng thanh hư tuyên giáng mới có thể bảo trì được chức năng chủ khí, điều hành hô hấp, trợ tâm hanh huyết, thông điều thủy đạo và các công năng sinh lý bình thường khác.

 

a) Phế chủ tuyên phát: Phế chủ tuyên phát là ý nói đến công năng hướng lên trên mà thăng tuyên, và hướng ngoại mà bố tán của Phế khí. Biểu hiện vận động khí cơ đó là: thăng và xuất ( đi lên và ra ngoài ). Tác dụng sinh lý đó, chủ yếu biểu hiện ở ba phương diện:

Một là, hấp thanh hô trọc ( hít vào dưỡng khí, thở ra trọc khí ). Phế thông qua tác dụng khí hoá của bản thân nó, trải qua hô hấp, hít vào thanh khí của tự nhiên giới, thở ra trọc khí trong cơ thể, mà điều hành vận hoá của thanh trọc trong cơ thể, bài tiết ra ngoài đàm trọc của Phế và hệ hô hấp, nhằm bảo trì sự thanh khiết của hệ hô hấp, có lợi cho hô hấp của Phế. Vậy nên mục “Cải Chính Nội Cảnh Tạng Phủ Đồ” sách Y Tông Tất Độc chép: “ Phế là nguồn sinh ra khí…hít vào thì đầy, thở ra thì xốp,…điều khiển vận hoá của thanh trọc ”.

Hai là, dẫn truyền chất tân dịch tinh vi ( 輸布津液精微 ). Phế đem các chất tinh vi thuỷ cốc và tân dịch do tỳ truyền đến, bố tán khắp thân thể, bên ngoài đạt đến bì mao để ôn nhuận, nhu dưỡng ngũ tạng lục phủ, tứ chi bách hài ( bách hài nghĩa là toàn thân ), cơ tấu bì mao.

Ba là, tuyên phát vệ khí. Phế giúp cho tuyên phát vệ khí, điều tiết sự đóng mở của tấu lý, đồng thời khiến cho tân dịch sau khi trao đổi xong hoá thành mồ hôi rồi đưa ra ngoài cơ thể bằng lỗ chân lông. Vì thế, nếu phế khí mất đi sự tuyên tán, sẽ dẫn đến hiện tượng hô hấp bất lợi ( bất lợi nghĩa là không thông ), hung muộn ( ngực bức rứt không khoan khoái ), khái thấu, mũi tắc, nhảy mũi, không có mồ hôi, cùng các chứng trạng khác.

 

b) Phế chủ túc giáng: Phế chủ giáng là ý nói Phế có công năng chủ về thanh túc ( 清肅 ), hạ giáng, đó là hình thức vận động của khí cơ là giáng và nhập. Tác dụng sinh lý ấy chủ yếu biểu hiện ở bốn phương diện:

Một là hít vào thanh khí. Phế thông qua vận động hô hấp, hít vào người thanh khí của tự nhiên giới, sự tuyên phát của Phế là lấy hô ( thở ra ) để đưa trọc khí trong cơ thể ra ngoài, sự túc giáng của Phế là đưa thanh khí của tự nhiên giới vào cơ thể con người, vừa tuyên vừa túc để hoàn thành chức năng “ hấp thanh hô trọc ” ( hít vào thanh khí thở ra trọc khí ), thổ cố nạp tân ( thay cũ đổi mới ).

Hai là vận chuyển phân bố tinh hoa tân dịch. Phế đem thanh khí hít vào cùng với tân dịch của Tỳ chuyển đến phế và tinh hoa thủy cốc đưa xuống mà bố tán toàn thân, để cung cấp cho nhu cầu công năng sinh lý của các tổ chức tạng phủ.

Ba là thông điều thủy đạo. Phế là nguồn thuỷ ( 肺為水之上源 – thủy chi thượng nguyên ), Phế khí túc giáng thì sẽ thông điều được thủy đạo, khiến cho những chất sau khi trao đổi của thủy dịch được đưa xuống bàng quang.

Bốn là “thanh túc khiết tịnh” ( 清肅潔淨 – làm cho sạch sẽ ). Hình chất của phế “ rỗng như tổ ong ”, sạch nhẹ yên tĩnh không để cho vật lạ vào. Phế khí túc giáng thì sẽ làm sạch Phế và hệ thống hô hấp, để bảo trì sự sạch sẽ cho hệ thống hô hấp. Vì vậy, sự túc giáng của Phế khí thất điều thì sẽ xuất hiện thở ngắn gấp, suyễn thở, ho đờm và các chứng Phế khí thượng nghịch.

Sự tuyên phát và túc giáng của Phế khí là sự vận động mâu thuẫn tương phản tương thành. Trong hiện tượng sinh lý thì có sự tương hỗ nương tựa và tương hỗ chế ước; trong hiện tượng bệnh lý thì thường tương hỗ ảnh hưởng. Cho nên, không có sự tuyên phát bình thường, thì không có sự túc giáng tốt nhất; không có sự túc giáng bình thường, thì cũng sẽ ảnh hưởng đến sự tuyên phát bình thường. chỉ có sự tuyên phát và túc giáng bình thường, mới có thể khiến cho khí có thể vào có thể ra, khí đạo ( hệ thống hô hấp ) mới thông sướng, hô hấp điều hoà, bảo trì được sự trao đổi khí thể trong ngoài cơ thể con người, mới có thể khiến các tổ chức tạng phủ được sự tưới tắm nuôi dưỡng của khí huyết, tân dịch, lại tránh được các tình trạng thủy thấp đàm trọc đình lưu, mới có thể khiến cho Phế khí không bị hao tán thái quá, từ đó trước sau đều có thể bảo trì được trạng thái bình thường sự thanh túc của Phế. Nếu như hai công năng này mất đi sự điều hoà, thì sẽ dẫn đến bệnh biến của Phế không tuyên hoặc Phế mất đi túc giáng. Trước là sẽ ho là đặc trưng, sau là suyễn thở khí nghịch là đặc trưng.

 

C) ĐẶC TÍNH SINH LÝ CỦA PHẾ

1) Phế là nắp đậy ( 肺為華蓋 ): Cái ( 蓋 ), tức là cái nắp đậy, là cái dù, ngày xưa người ta gọi là cái lọng che cho vua. Nói Phế là nắp đậy là ý nói đến Phế ở vị trí cao nhất ở khoang ngực trong cơ thể, bao gồm các tác dụng bảo vệ các tạng, chống đỡ ngoại tà. Vị trí của Phế trong lồng ngực, ở vị trí cao nhất trong ngũ tạng, có tác dụng che đậy cho ngũ tạng, Phế lại là chủ biểu toàn thân, là ngoại vệ của tạng phủ, nên nói Phế là lọng che của ngũ tạng. Vì vậy chủ khí , nghĩa là phế là cương lĩnh của toàn thân.

Phế thông qua khí quản, họng, mũi để trực tiếp cùng tương thông với ngoại giới. Vì vậy, công năng sinh lý của Phế dễ ảnh hưởng bởi hoàn cảnh ngoại giới nhất. Như ngoại tà do Lục dâm của ngoại giới gồm: Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hoả xâm nhập vào cơ thể con người, nhất là phong – hàn tà khí, đa phần đầu tiên là nhập vào Phế mà khiến cho phế vệ mất đi sự tuyên thông, Phế khí bất lợi, do Phế và bì mao tương hợp, cho nên bệnh biến ở thời kỳ đầu là thấy phát nhiệt ố hàn, khái thấu, mũi tắc và các triệu chứng của công năng Phế vệ thất điều.

 

2) Phế là tạng mỏng manh ( Phế vi kiều tạng: 肺為嬌臟 – kiều nghĩa là ẻo lả thướt tha ): Ý nói đến đặc tính của Phế là tạng thanh hư mỏng dòn dễ gặp ngoại tà  xâm phạm. “ Kiều ” ( 嬌 ) ở đây nghĩa là “ kiều nộn ” ( 嬌嫩 ) nghĩa là non mềm. Phế là thể thanh hư, lại ở vị trí cao, là lọng che cho ngũ tạng, là nơi triều họp về của trăm mạch, bên ngoài hợp với bì mao, khai khiếu ra mũi, trực tiếp tương thông với thiên khí. Lục dâm ngoại tà xâm phạm vào thân thể con người, không cần phải từ miệng mũi đi vào, mà còn xâm phạm vào bì mao, đều dễ phạm vào phế mà dẫn đến bệnh. Bệnh biến hàn nhiệt của Phế cũng thường ảnh hưởng dần đến Phế, nên tạng này không chịu được hàn và nhiệt, dễ gặp phải ngoại tà. Sách “Lâm Chứng Chỉ Nam Y Án” quyển 4 chép: “ kỳ tính ố hàn, ố nhiệt, ố táo, ố thấp, tối uý hoả, phong. Tà trước tắc thất kỳ thanh túc chi lệnh, toại tý tắc bất thông sảng hỹ ” (  其性恶寒、恶热、恶燥、恶湿,最畏火、风。邪著则失其清肃之令,遂痹塞不通爽矣 – tính của tạng Phế ghét hàn, ghét nhiệt, ghét táo, ghét thấp, nhất là sợ hoả, phong. Gặp phải ảnh hưởng của tà thì mất chức năng thanh túc, dần dần ứ tắc không thông sướng vậy ),  vậy nên ví tạng Phế là tạng mềm mỏng như người con gái ( kiều – 嬌 ), vị trí Phế cao nhất, tất nhiên tà khí phạm vào đầu tiên, tạng Phế như chiếc lá non, không chịu được sự xâm nhập của tà, tạng Phế là tạng thanh hư không thể để cho tà khí xâm phạm. Nên bất luận ngoại cảm, nội thương hoặc các bệnh biến của tạng khác, đều có thể liên luỵ đến Phế mà sinh ra bệnh. Vậy nên  mới nói: “ phế vi kiều tạng, sở chủ bì mao, tối dị thọ tà –  肺为娇脏,所主皮毛,最易受邪  – ( Bất Cư Tập ) ( tạng phế là tạng non nớt, nó chủ bì mao, rất dễ gặp tà khí ); hoặc như trong mục “Lý Hư Nguyên” sách Y Tông Kim Giám chép: “ Phế khí nhất thương, bách bệnh phong khởi.  Phong tắc suyễn, thấp tắc đàm, hoả tắc khái, dĩ thanh hư chi phủ, tiêm giới bất dung, nan hộ dị thương cố dã – 肺气一伤, 百病蜂起, 风则喘, 寒则嗽, 湿则痰, 火则咳,以清虚之府,纤芥不容,难护易伤故也 ” ( Phế khí bị tổn thương, trăm bệnh xuất hiện, phong thì suyễn, hàn thì ho đàm, thấp thì có đàm, hoả thì ho khan không đàm. Đây là tạng thanh hư, bé nhỏ không đơn giản, khó giữ mà dễ bị tổn thương ).

 

3) Phế khí tương ứng với khí mùa thu: Phế là thể thanh hư. Tính của Phế thích thanh nhuận ( sạch và nhuận ), giống với khí trong sạch của mùa thu, tương thông với sự trong lành của không khí. Vì thế Phế khí vượng nhất trong mùa thu, mùa thu cũng là mùa mà thấy nhiều bệnh của Phế nhất. Phế khí có quan hệ bên trong ứng với khí mùa thu, với phương tây, táo, kim, sắc trắng, vị cay v.v…Như mùa thu thuộc hành kim, táo khí đang hành, lúc này táo tà dễ xâm phạm vào cơ thể con người mà làm hao thương tân dịch của Phế, xuất hiện ho khan, miệng, mũi và bì phu khô táo và các chứng trạng khác. Lại như phong hàn thúc bó biểu, xâm nhập vào Phế vệ, xuất hiện ố hàn phát nhiệt, đầu cổ cứng đau, mạch phù và các triệu chứng biểu chứng của ngoại cảm, dùng các vị như Ma hoàng, Quế chi v.v…để tân tán giải biểu, khiến cho tà ở cơ biểu theo hãn mà đi ra.

 

Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường

 

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

error: Bạn không thể copy nội dung này
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Xin chào, bạn cần trợ giúp ?