Trang chủ / KIẾN THỨC / Cơ Sở Triết Học Đông Y / Mối Quan Hệ Giữa Các Học Thuyết

Mối Quan Hệ Giữa Các Học Thuyết

Nhà Thuốc HẠNH LÂM ĐƯỜNG

 

MỐI QUAN HỆ CỦA KHÍ NHẤT NGUYÊN LUẬN – HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG – HỌC THUYẾT NGŨ HÀNH.

 

I) Quan hệ của Khí – Âm Dương – Ngũ Hành

Khí, Âm Dương, Ngũ hành đều là phạm trù quan trọng trong triết học Á đông. Khí trong mối liên kết với chiều ngang và dọc của ngũ hành, âm dương, cấu thành một hệ thống kết cấu logic rộng của khí, âm dương, ngũ hành, hình thành đặc điểm của tự thân triết học truyền thống Á châu.

 

1) Khí với Âm Dương:

Khí là một thực thể vật chất, là nguyên tố cơ bản nhất của sự cấu thành các thiên thể Vũ trụ, cùng vạn vật trong trời đất, là nguồn gốc của Thế giới. Phạm trù Khí đã khẳng định tính thống nhất của thế giới. Âm Dương là hai thuộc tính cố hữu của Khí. Theo Âm Dương mà phân, thì khí trên thế giới có thể phân thành hai loại là Âm khí và Dương khí. Âm Dương còn là yếu tố mâu thuẫn của nội tại bản thân Khí. Một khí mà phân thành Âm Dương, Âm Dương thống nhất trong khí. Khí là một, nguồn gốc vạn vật là nhất khí, nhưng nhất khí lại chia thành Âm Dương, Khí có Âm Dương là hai, hai lại tồn tại trong một, biểu hiện hai phương diện đối lập nhau, “một” ở đây nghĩa là sự thống nhất của hai cái đối lập. Khí tạo nên nguồn gốc Vũ trụ, là khí thống nhất của Âm Dương đối lập.Thế giới vật chất, dưới tác dụng tương hỗ của nhị khí Âm Dương, không ngừng vận động biến hóa. Hư thực, động tĩnh, tụ tán, thanh trọc, là biểu hiện cụ thể của hai phương diện đối lập, cũng là nội hàm cụ thể của Âm Dương trong nhất khí. Hai mặt của Âm Dương đối lập này, cùng nhau tạo thành một thể khí thống nhất, chúng là căn nguyên của mọi vận động biến hóa, từ đó tạo nên một khái niệm vật chất của khí nhất nguyên của sự đối lập thống nhất.

 

2) Khí với Ngũ hành:

Khí là nguồn gốc của Thế giới. Sách Bách Tử Toàn Thư, quyển 1 – Thúc Tra Tử Nội Thiên ( 百子全书·叔苴子内篇·卷一 ) chép: “Giữa trời đất có một khí. Khí trong mà mạnh là Hỏa, trong mà yếu là Thủy; đục mà trầm là Thổ, đục mà nổi là Mộc, đục mà đầy chắc là Kim, đều là trong đục trong của một khí lưu chảy mà thành năm loại. Một khí chia thành ngũ hành, mà Ngũ hành lại còn có Ngũ hành”; “năm có thể trở lại thành một, một có thể thâu tóm năm, nó ví như cây lớn… hình dạng không giống nhau, nhưng thật ra đều cùng chung một rễ”. Ngũ hành cùng một khí, một khí hợp cả ngũ hành. Sách “Vân Cấp Thất Tiên” ( 云笈七笺 ) hấp thu tư tưởng Âm Dương ngũ hành, căn cứ lý luận “nguyên khí gốc chỉ một, hóa sinh ra đến vạn”, giải thích rõ lên mối quan hệ của Khí với Ngũ hành, nói: “một mà hàm chứa ngũ khí là Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ”, “nguyên khí phân mà thành Ngũ hành, Ngũ hành quy về một Khí”. Quyển 2, sách Bạch Hổ Thông ( 白虎通·卷二 ) chép: “ngũ hành… đó là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, gọi là hành, đó ý muốn nói khí của thi di chuyển ( hành ) vậy. Ý là năm loại nguyên tố vật chất của năm loại Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, là do sự biến hóa vận động của khí mà thành. Như vậy, đem khái niệm kết cấu vật chất đa nguyên Ngũ hành, thống nhất trong khái niệm vật chất đơn nhất của khí nhất nguyên luận.

 

3) Âm Dương với Ngũ Hành:

Triết học cổ đại Á đông cho rằng: “Thiên giáng dương khí xuống; Địa xuất âm khí lên. Âm Dương hợp mà sinh ra Ngũ hành”. Tức là nguồn gốc ngũ hành là khí của Âm Dương, hai khí Âm Dương tác dụng lẫn nhau mà sản sinh Ngũ hành. Sách “Ngự Toản Tính Lý Tinh Nghĩa”, quyển 1 ( 御纂性理精义·卷一 ) chép: “Âm biến Dương hợp mà sinh Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Ngũ khí tuân theo đó, bốn mùa thay nhau”; “Ngũ hành là một Âm Dương, Âm Dương là một thái cực, thái cực vốn là vô cực. Ngũ hành sinh ra, mỗi cái đều có tính riêng của nó”. Quyển 10 còn chép: “Âm Dương trong Ngũ hành, có phân ra, như Mộc hỏa dương mà Kim thủy âm vậy; có hợp lại, như Giáp của Mộc, Bính của Hỏa, Mậu của Thổ, Canh của Kim, Nhâm của Thủy đều là Dương; mà Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý, đều thuộc Âm. Từ đó mà suy diễn ra, có thể thấy được cái lý của ngũ thường”.  Như vậy nghĩa là thái cực sinh Âm Dương, Âm Dương hóa Ngũ hành. Nói về Âm Dương trong Ngũ hành thì Mộc hỏa thuộc Dương, Kim thủy thuộc Âm, mà trong ngũ hành mỗi hành lại có Âm Dương, Giáp của Mộc, Bính của Hỏa, Mậu của Thổ, Canh của Kim, Nhâm của Thủy thuộc Dương; mà Ất của Mộc, Đinh của Hỏa, Kỷ của Thổ, Tân của Kim, Quý của Thủy là Âm.

Nguồn gốc của Thế giới là nhất khí, Khí động tĩnh mà sinh Âm Dương, Khí là thể của Âm Dương, Âm Dương là dụng của Khí. Âm Dương hợp và hóa sinh Ngũ hành. Vậy nên sách Ngự Toản Tính Lý Tinh Nghĩa, quyển 1 ( 御纂性理精义·卷一 ) chép: “có Thái cực thì có một động, một tĩnh mà chia ra lưỡng nghi; có Âm Dương thì có một biến, một hợp mà có Ngũ hành”. Tóm lại, như sách Ngô Văn Chính Công Tập, mục Đáp Nhân Vấn Tính Lý ( 吴文正公集·答人问性理 ) Ngô Trừng ( 吴澄 ) nói: “vốn là một khí, chia ra mà thành Âm Dương; trong Âm Dương lại chia nhỏ ra mà có Ngũ hành. Ngũ khí tức là nhị khí, nhị khí tức là nhất khí”. Nhất khí sinh Âm Dương, Âm Dương sinh ngũ hành, Âm Dương Ngũ hành đều là hình thức biến hóa của Âm Dương.

 

 

II) QUAN HỆ CỦA KHÍ NHẤT NGUYÊN LUẬN – HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG – HỌC THUYẾT NGŨ HÀNH.

 

Khí, Âm Dương, và Ngũ hành, đều là triết học duy vật cổ đại Á đông đối với phạm trù triết học của sự cấu thành vật chất Thế giới, thuộc khái niệm vật chất của nguồn gốc Thế giới. Khí nhất nguyên luận, học thuyết Âm Dương, và học thuyết Ngũ hành, là phép biện chứng và duy vật luận của Á đông cổ đại, là phương pháp và đặc điểm căn bản về văn hóa nhận thức thế giới truyền thống của Á đông.

Học thuyết Khí nhất nguyên luận, Âm Dương Ngũ hành, thẩm thấu vào lĩnh vực Y học, thúc đẩy sự phát triển và hình thành của hệ thống lý luận Y học, đồng thời xuyên suốt các phương diện của hệ thống lý luận Đông y học. Trong đó, Khí nhất nguyên luận là một Tự nhiên quan, đặt định viên đá cho hệ thống lý luận Đông y. Sẽ không phải là thái quá, nếu nói rằng toàn bộ học thuyết của hệ thống lý luận Đông y học, đều được xây dựng trên cơ sở Khí nhất nguyên luận. Mà học thuyết Âm Dương và học thuyết Ngũ hành là phương pháp luận, thì tất nhiên sẽ trở thành giá đỡ cơ bản của hệ thống lý luận Y học. Khí nhất nguyên luận, học thuyết Âm Dương và học thuyết Ngũ hành, mỗi cái vừa có đặc điểm và tính chất riêng của mình, lại vừa có liên quan tương hỗ với nhau.

 

1) Khí nhất nguyên luận:

Khí nhất nguyên luận cho rằng, Khí là một thực thể vật chất của sự vận động không ngừng, là nguồn gốc ( hoặc bản thể ) của vạn sự vạn vật trên Thế giới, là cơ sở vật chất của sự thống nhật vạn vật của trời đất và thiên thể vũ trụ. Vận động là đặc tính căn bản của Khí; Âm dương là thuộc tính cố hữu của Khí; Khí là thể mâu thuẫn thống nhất của Âm Dương; tác dụng thắng phục của Khí chính là vận động mâu thuẫn của Âm Dương, là căn nguyên của sự biến hóa vận động thế giới vật chất. Khí tụ mà thành hình, tán mà thành khí; hình ( hữu hình ) với khí ( vô hình ) cùng với sự chuyển hóa của chúng, là hình thức cơ bản của vận động và tồn tại của thế giới. Thế giới vật chất là một thế giới khí hóa vận động bởi thăng giáng xuất nhập mà không ngừng phát sinh ra Khí. Khí phân chia mà thành Âm Dương, Âm Dương hợp mà sinh Ngũ hành, mà trong Ngũ hành lại có Âm Dương. Nếu nói về nguồn gốc của Thế giới, đặt ra một cách nhìn về tự nhiên quan, thì học thuyết Khí nhất nguyên luận là cơ sở của học thuyết Âm Dương và học thuyết Ngũ hành. “Con người lấy Khí của Thiên Địa để sinh ra, phép tắc của bốn mùa mà thành”, con người là sản vật của quy luật kết hợp khí trong tự nhiên Thiên Địa. Cơ thể con người là một cơ thể vận động khí hóa bởi thăng giáng xuất nhập mà không ngừng phát sinh. Khí của con người có thể phân thành hai loại Âm khí và Dương khí. Âm Dương quân bình, thì gọi là “bình nhân” ( người không bệnh ). Quá trình sự sống là kết quả của sự vận động đối lập, thống nhất của nhị khí Âm Dương. Tạng phủ, hình thể, quan khiếu cùng các bộ phận khác trong cơ thể con người, lại có thể theo Ngũ hành mà chia ra năm hệ thống là Tâm, Phế, Tỳ, Can, Thận. Trong Ngũ hành lại có Âm Dương và Ngũ hành. Như vậy có thể thấy, cơ thể con người là một hệ thống lớn, phức tạp, có mối liên hệ mật thiết với nhau.

 

2) Học thuyết Âm Dương:

Học thuyết Âm Dương được phát triển dựa trên cơ sở khái niệm vật chất của Khí nhất nguyên luận, bao gồm khái niệm Khí bản thể luận có tính chất biện chứng sâu sắc, và có cả tính chất phương pháp luận. Khí nhất nguyên luận chú trọng phân tích nguồn gốc của sự sản sinh vạn vật Thế giới, cho rằng, Khí là cơ sở vật chất của tính thống nhất, tính đa dạng vô hạn, của vạn vật trong Thiên Địa; lấy cái tụ tán của Khí để giải thích về mối liên hệ nội tại giữa hữu hình và vô hình; nhấn mạnh sự tiêu diệt và sản sinh của sự vật chính là sự chuyển hóa hình thức tồn tại của Khí. Mà học thuyết Âm Dương thì chú trọng nghiên cứu về quy luật và căn nguyên về sự vận động của từ bản thân Khí, cho rằng Khí là “nhất vật lưỡng thể” ( một mà là hai ), là thể thống nhất của mâu thuẫn Âm Dương. Tác dụng của hai khí Âm Dương là căn nguyên vận động nơi tự thân Khí, và là nguyên nhân căn bản của biến hóa vận động của mọi sự vật. Dùng quan điểm biện chứng “một phân thành hai” để giải thích về mối tương quan giữa sự vật, hoặc hai phương diện hỗ căn đối lập lẫn nhau, tiêu trưởng chuyển hóa, và hiệp điều bình hoành, cùng tồn tại trong nội bộ sự vật. Trên cơ sở Khí nhất nguyên luận, đã thể hiện một quan niệm thô sơ về hiện tượng đối lập thống nhất. Cho rằng toàn thể Vũ trụ là một thể đối lập thống nhất của Âm Dương tương phản, tương thành. Sự đối lập thống nhất của Âm Dương là tổng quy luật của biến hóa vận động vạn vật trong Thiên Địa. Bên trong cơ thể con người, và con người với tự nhiên cũng là một thể đối lập thống nhất của Âm Dương. Lý luận Âm Dương đối lập dùng để phân tích sự mâu thuẫn của tình trạng bệnh tật và sức khỏe của con người, giải thích quy luật căn bản của vận động sự sống. Học thuyết Âm Dương, trong bản thể luận, tuy rễ là ở Khí nhất nguyên luận, nhưng trong phương pháp luận, lại có tư tưởng phép biện chứng, thêm một bước phát triển triết học truyền thống Á đông. Quan niệm của khí và quan niệm của mâu thuẫn Âm Dương có sự kết hợp hữu cơ, từ đó xây dựng nên một khái niệm vật chất Khí nhất nguyên luận của sự đối lập thống nhất.

 

3) Học thuyết Ngũ hành:

Nhận thức của học thuyết Ngũ hành đối với nguồn gốc Thế giới, cũng thuộc vào Khí nhất nguyên luận, không chỉ có đặc trưng của Tự nhiên quan, mà còn có tính chất hệ thống luận phổ biến thô sơ. Nhận thức của học thuyết Ngũ hành đối với nguồn gốc Vũ trụ chủ yếu tập trung là cấu thành vật chất của thế giới, cho rằng Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy là nguyên tố vật chất của sự cấu thành vạn vật Thế giới, so với sự giải thích của Khí nhất nguyên luận về nguồn gốc vật chất của thế giới không giống nhau. Học thuyết Ngũ hành dùng quy luật sinh khắc chế hóa, thừa vũ thắng phục của Ngũ hành, để giải thích về tính bình hoành của động thái chỉnh thể vạn vật vạn sự trong tự nhiên giới; xem Ngũ hành là quy luật phổ biến của Vũ trụ; lấy Ngũ hành làm cơ sở để giải thích về mối quan hệ sinh khắc chế hóa, thừa vũ thắng phục lẫn nhau giữa sự vật. Vạn vật Thiên Địa được sinh thành bởi Khí; bởi hệ thống kết cấu Ngũ hành là Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy, mà tạo thành một chỉnh thể; dựa vào cơ chế thắng phục thừa vũ, sinh hóa chế khắc giữa hệ thống kết cấu ngũ hành để duy trì động thái bình hoành chỉnh thể của tự nhiên giới. Cơ thể con người là một chỉnh thể hữu cơ được tạo thành bởi hệt thống kết cấu Ngũ hành, lấy Ngũ tạng là trung tâm. Con người và hoàn cảnh bên ngoài cũng là một chỉnh thể hữu cơ. Đông y học ứng dụng học thuyết Ngũ hành, từ quan điểm kết cấu hệ thống, phân tích mối liên hệ hữu cơ của cục bộ với cục bộ; cục bộ với chỉnh thể trong cơ thể con người, cùng với sự thống nhất của cơ thể con người với ngoại giới; luận chứng về một chỉnh thể quan niệm: con người là một chỉnh thể thống nhất. Cơ chế điều tiết của Ngũ hành sinh hóa, thắng phục, là nguyên nhân của động thái duy trì bình hoành và ổn định lẫn nhau của hệ thống kết cấu kinh lạc tạng phủ trong cơ thể con người. Vậy nên sách Loại Kinh Tập Dực, mục “Vận Khí” chép: huyền cơ của Tạo hóa, không thể không sinh, cũng không thể không chế. Không sinh thì không sự phát triển không có nguồn; không có chế thì vật sẽ mạnh lên mà gây hại” ( 造化之机,不可无生,亦不可无制。无生则发育无由,无制则亢而为害 – Tạo hóa chi cơ, bất khả vô sinh, diệc bất khả vô chế. Vô sinh tắc phát dục vô do, vô chế tắc kháng nhi vi hại ). Trong sinh cần phải có chế, trong chế tất phải có sinh, mới có thể vận hành không ngừng, tương phản tương thành. Thiên Ngũ Vận Hành Đại Luận, sách Tố Vấn chép: “Khí hữu dư thì sẽ ức chế cái mà nó thắng, và vũ lại lại cái nó không thắng. Nếu nó bất cập, thì cái không thắng nó sẽ nhân đó mà vũ lại; cái nó thắng, sẽ vũ nhẹ lại nó” ( 气有余,则制己所胜而侮所不胜。其不及,则己所不胜,侮而乘之;己所胜,轻而侮之 – Khí hữu dư, tắc chế kỷ sở thắng nhi vũ sở bất thắng. Kỳ bất cập, tắc kỷ sở bất thắng, vũ nhi thừa chi; kỷ sở thắng, khinh nhi vũ chi ); thiên Chí Chân Yếu Đại Luận sách Tố Vấn lại chép: “Nếu có thắng khí, thì sẽ có phục khí”; thiên Ngũ Thường Chính Đại Luận sách Tố Vấn nói tiếp: “Thắng khí yếu thì phục khí yếu, thắng khí mạnh thì phục khí mạnh. Đó là quy luật biến hóa của ngũ vận thắng phục” ( 微者复微,甚者复甚,气之常也 – vi giả phục vi, thậm giả phục thậm, khí chi thường dã ). Khí có Âm Dương, Âm Dương kết hợp mà sinh Ngũ hành, Ngũ hành và Âm Dương kết hợp mà hóa sinh vạn vật. Vận động mâu thuẫn của hệ thống kết cấu Ngũ hành là quy luật phổ biến của Vũ trụ, cũng là quy luật phổ biến của vận động sự sống. Vận động mâu thuẫn của Âm Dương Ngũ hành là biểu hiện cụ thể của vận động khí trong cơ thể con người, là quy luật vận động của kinh lạc tạng phủ trong cơ thể con người, là quy luật phổ biến của vận động sự sống.

Nói chung, so sánh giữa học thuyết Âm Dương Ngũ hành với Khí nhất nguyên luận, càng thấy có tính chất “bản thể luận”, giải thích tính thống nhất vật chất của vạn vật trong Thiên Địa, sự sống chết của con người hoàn toàn là nhờ vào khí.

So sánh giữa học thuyết Ngũ hành với học thuyết Âm Dương, thì học thuyết Âm Dương giải thích về các hiện tượng sự sống đều bao hàm hai phương diện mâu thuẫn của Âm Dương. Nếu nói về phương diện con người, như thiên “Bảo Mệnh Tòan Hình Luận” sách Tố Vấn chép: “con người sinh ra có hình hài, không thể rời khỏi Âm Dương được”, hoặc thiên Sinh Khí Thông Thiên Luận chép: “gốc của sự sống là từ Âm Dương”; hay như mục “Âm Dương Loại” sách Loại Kinh chép: “Âm Dương, một mà chia thành hai”… Từ đó, nêu lên được hình thức và mối liên hệ động cơ nguyên nhân, nguồn mạch và sự phổ biến nhất, cái đa số nhất của hoạt động sự sống. Mà học thuyết Ngũ hành thì giải thích một cách cụ thể về mối quan hệ kết cấu của kinh lạc tạng phủ trong cơ thể con người, cùng với phương thức điều tiết của nó, tức là quy luật đặc thù của động thái chỉnh thể cơ thể con người. Cho nên, Đông y học khi nói đến tạng phủ thì thường đi với Âm Dương, mà ngụ ý cả Ngũ hành; luận về sinh khắc chế hóa của tạng phủ mà lại bao gồm cả Âm Dương. Bản chất của sức khỏe là ở nội bộ cơ thể, cùng với động thái bình hoành của hoàn cảnh ngoại giới với cơ thể, nếu bình hoành bị phá đi, thì sẽ dẫn đến tật bệnh. Điều tiết Âm Dương, lấy sự tìm kiếm bình hoành chỉnh thể cơ thể, là nguyên tắc căn bản của công tác trị liệu trong Đông y học, vậy nên mới có câu “trị bệnh tất phải tìm đến gốc của nó ( Âm Dương )”, hoặc “nói đến gốc, tức là Âm Dương vậy”. Mà các hình thức điều tiết của tương sinh tương thắng Ngũ hành, chính là hình thức cụ thể hóa bằng điều tiết Âm Dương.

Âm Dương nói về mâu thuẫn đối lập của Khí; Ngũ hành giải thích về sinh khắc của Khí, cả hai cùng thẩm thấu lẫn nhau, bao hàm lẫn nhau. Ngũ hành là chất của Âm Dương; Âm Dương là khí của Ngũ hành. Khí không có chất thì không tồn tại; chất không có Khí thì không lưu hành. Chương “Vận Khí” sách Loại Kinh Đồ Dực chép: “hành, đó là khí dẫn Âm Dương vậy”. Khí hóa lưu hành, sinh sinh không ngừng. Khí hóa là một quá trình tự nhiên, là nguyên nhân căn bản của vận động biến hóa Khí, nhờ bời vận động mâu thuẫn của Âm Dương Ngũ hành trong nội bộ tự thân nó ( Khí ). Âm Dương có động tĩnh, Ngũ hành có sinh khắc, vì vậy mà hình thành được vận động biến hóa của Khí.

Nói chung, Đông y học theo kết cấu logic của Khí – Âm Dương – Ngũ hành, từ vận động mâu thuẫn của Khí – Âm Dương – Ngũ hành, mà giải thích quy luật cơ bản của hoạt động sự sống, xây dựng một hệ thống lý luận của Đông y học.

Khí nhất nguyên luận, học huyết Âm Dương, và học thuyết Ngũ hành, là phương pháp luận và tự nhiên quan của Á đông cổ đại. Đông y học hiện đại còn cần phải dùng khái niệm triết học để giải thích về các vấn đề Đông y học, đồng thời trên cơ sở lý luận y học, còn cần phải phong phú và phát triển hơn nữa tư tưởng triết học. Triết học giúp đỡ Y học, y học phong phú triết học, cả hai cùng tương bổ, tương thành, tương đắc để làm sáng tỏ nhau.

 

 

 

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

error: Bạn không thể copy nội dung này
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Xin chào, bạn cần trợ giúp ?