Vật chất quan của triết học cổ đại Á đông, từ đa nguyên luận của Ngũ Hành, đến nhị nguyên luận của hai khí âm dương, sau cùng thống nhất với nhau ở nhất nguyên luận của khí. Như trong sách “Hà Lạc Nguyên Lý” có chép: “một khí thái cực sinh ra Âm Dương, Âm Dương hóa hợp sinh Ngũ Hành, Ngũ Hành đã manh nha, dần dần chứa đựng vạn vật”.
Toàn bộ học thuyết Âm Dương Ngũ Hành được đặt trong phạm trù khí cao nhất và căn bản nhất của triết học cổ đại Á đông, dù trong thời điểm cực thịnh của học thuyết Ngũ Hành, Âm dương, cũng không trở thành chủ thể của vũ trụ quan, mà là bộ phận cấu thành của vũ trụ quan Khí Nhất Nguyên Luận. Cho nên, Ngô Trừng ( 吴澄 ) ( y gia thời Tống ), trong sách “Đáp Nhân Vấn Tính Lý” ( 答人问性理 ) có nói: “Gốc của Thiên Địa vạn vật là nhất khí, chia ra mà nói thì đấy là Âm Dương, lại trong Âm Dương chia nhỏ ra thì là Ngũ Hành. Ngũ khí tức là nhị khí, nhị khí tức là nhất khí”. Gốc của Thiên Địa vạn vật là ở Khí, con người cũng được sinh từ khí. Khí là vật chất cội nguồn của tập hợp cấu thành Thiên Địa vạn vật cùng sự sống con người. Sự sống chết của con người, thịnh suy của vật, đều là kết quả biến hóa, tụ tán của Khí. Trang Tử có nói trong thiên Tri Bắc Du ( 知北游 ): “sinh ra con người là nhờ khí tụ. Tụ thì là sinh; tán là tử. … nên vạn vật là một”. Con người và Thiên Địa thông thành nhất khí. Ngô Trừng, trong sách “Đáp Điền Phó Sứ Đệ Nhị Thư” có nói: “Con người sinh ra nhờ khí Âm Dương, Thiên Địa mà có hình. Trong hình còn có lý của Âm Dương, Ngũ Hành, từ đó tạo nên trật tự của Ngũ Thường”. Các sự vật trên thế giới, đều là hình thái khác nhau của vật chất ( khí ); các hiện tượng trên thế giới đều có nguồn gốc bởi vật chất ( khí ), đây là lý luận cơ bản của tư tưởng triết học duy vật Á đông cổ đại.
Nói chung, Khí Nhất Nguyên Luận là tư tưởng triết học quan trọng nhất, căn bản nhất, là một loại động thái, là vũ trụ quan hữu cơ. Tập trung phản ánh đặc thù truyền thống của văn hóa Á đông.
I) KHÁI NIỆM CƠ BẢN CỦA KHÍ
Khí nhất nguyên luận của triết học cổ Á đông, ứng dụng trong lãnh vực Đông y học, trở thành thế giới quan và phương pháp luận của nhận thức thế giới và vận động sự sống trong Đông y học, kết hợp với khoa học y học, mà hình thành Khí Nhất Nguyên Luận trong Đông y học.
1) Hàm nghĩa triết học của khí
Khí, là phạm trù cơ bản của biểu thị tồn tại vật chất trong triết học cổ đại Á đông, là vận động, là thực thể vật chất tinh vi nhất, là nguyên tố cơ bản nhất của cấu thành vạn vật vũ trụ, và là cội nguồn thế giới, biểu hiện rõ tồn tại khách quan của năng lực vận động và sự chiếm hữu không gian. Khí là nhận thức căn bản của Á đông cổ đại đối với nguồn gốc thế giới, từ vận khí, thủy khí đến lượng tử, không gì là không được hàm chứa.
Nhưng trong triết học cổ đại Á đông, khí lại là một phạm trù triết học, hàm chứa tinh thần với vật chất, tự nhiên với xã hội. Trong sự hàm chứa đó, vừa là thực thể tồn tại khách quan, lại vừa là tinh thần đạo đức chủ quan, chứa đựng tất cả, đan xen phức tạp.
Khái niệm về vật chất của triết học là phạm trù triết học của tiêu chí thực tại khách quan, là khái quát cao nhất của đặc tính căn bản tất cả các hiện tượng trên thế giới ( xã hội và tự nhiên ), là nói về một cảm giác thực tại khách quan, tồn tại mà không dựa vào con người. Vận động là thuộc tính căn bản của vật chất. các hiện tượng của xã hội và thế giới tự nhiên, đều là biểu hiện hình thái khác nhau của vật chất bởi sự vận động. Ý thức là sản vật cao nhất bởi sự phát triển cao độ của vật chất. Khái niệm vật chất trong triết học là một khái niệm trừu tượng, không thể xếp nó với học thuyết của hình thái và kết cấu, thuộc tính đặc thù của vật chất trong khoa học tự nhiên. Khái niệm vật chất của triết học là thường hằng, vừa không cũ, lại không thay đổi, chỉ có thể theo sự phát triển của thực tiễn và khoa học mà không ngừng phong phú. Nhưng, đối với nhận thức về khái niệm, thuộc tính, kết cấu và hình thái vật chất của khoa học cụ thể, thì theo sự phát triển của khoa học và thực tiễn mà không ngừng thay đổi và biến hóa sâu sắc.
Khí trong phạm trù triết học là khái quát cao độ của con người đối với bản chất vật chất thế giới và hiện tượng của nó, là nền tảng của sự thống nhất vạn vật trong Thiên Địa, là nguồn gốc của sự sinh thành vạn vật, là căn cứ của sự tồn tại vạn vật trong Trời đất. Nó không phải một hình thái vật chất cụ thể nào đó, mà là một sự trừu tượng, là phạm trù của đa số. Hạn chế trong mức độ phát triển khoa học của Á đông cổ đại, triết học cổ đại của người Á đông không tránh khỏi nhận thức đặc tính trực quan thô sơ, lấy thể khí của hình thái vật chất cụ thể làm mô hình, hình dung hình thức vận động tụ tán, un đúc, thăng giáng, chấn động của khí, lại mang khí quy định thành thực thể khách quan của công năng động thái, Khí lại trở thành một hình thái đặc chất cụ thể. Từ đó, hợp dùng cả khái niệm vật chất cụ thể của khoa học tự nhiên với khái niệm vật chất của triết học. Vì vậy, phạm trù khí gồm có hai ý nghĩa quan trọng là trừu tượng với cụ thể, đa số với cá biệt. Đó là một trong những đặc điểm quan trọng của phạm trù khí trong triết học cổ đại Á đông. Ngoài ra, phạm trù khí là một loại khái niệm về tính nguồn gốc của chỉnh thể mà không là khái niệm vật chất của kết cấu tính, đây lại là một đặc điểm khác của nó.
Học thuyết Khí Nhất Nguyên Luận của triết học cổ đại Á đông, theo sự phát triển của xã hội mà không ngừng hoàn thiện, phong phú và phát triển. Sau thời cận đại và chiến tranh nha phiến, theo sự du nhập của tây học, sự phát triển phạm trù khí trong triết học Á đông ( đại diện là Trung Hoa ), có biểu hiện khác với đặc thù của khái niệm cổ đại, phạm trù khí bị trao cho sự giải thích và quy định của khoa học cận đại, khí được xem là ánh sáng, điện, chất điểm, nguyên tử, lượng tử, sóng rung v.v… Lý luận Vật lý hiện đại lại giải thích theo xu hướng sóng rung. Vì vậy, khí, từ khái niệm vật chất trừu tượng, càng ngày càng có xu hướng trở thành một tồn tại cụ thể của một loại đặt định. Giá trị tính trừu tượng, tính phổ biến của nó, ngày càng thấp dần. Mâu thuẫn nội tại của tính trừu tượng với tính cụ thể, tính phổ biến với tính cá biệt mà nó bao hàm càng thêm rõ ràng. Sự biến hóa này, phản ánh công năng triết học của phạm trù khí trong Đông y học ngày càng mờ nhạt dần, đồng thời, có khuynh hướng được thay thế bởi học thuyết âm ương ngũ hành.
2) Hàm nghĩa y học của khí
Đông y học lấy Khí Nhất Nguyên Luận là vũ trụ quan và phương pháp luận, vì vậy, hệ thống lý luận Đông y học cũng tất nhiên thể hiện đặc điểm của phạm trù khí trong triết học cổ đại Á đông. Đông y học, trong lúc thuyết mình về quy luật vận động sự sống của Đông y học, khái niệm triết học trừu tượng và khái niệm khoa học cụ thể thường thường được dùng với nhau, chú trọng nghiên cứu của công năng sinh lý chỉnh thể mà không xem trọng việc nghiên cứu đến kết cấu nội bộ con người, gồm có tính thực tế cụ thể và tính mơ hồ.
Khí trong Đông y học, gồm có hai ý nghĩa quan trọng là phạm trù triết học trừu tượng và khái niệm khoa học cụ thể. Khí Nhất Nguyên Luận trong Đông y học, Khí được mang hàm nghĩa phạm trù triết học như đã nói trên, là khái niệm vật chất khoa học cụ thể trong khoa học y học. Trong hệ thống lý luận Đông y học, nếu nói đến hệ thống vật chất Khí – Huyết – Tinh – Tân Dịch thì khí là vật chất cấu thành và duy trì hoạt động sự sống con người, sức sống mạnh mẽ, vận động không ngừng, cực kỳ tinh vi, là sự thống nhất của vật chất sự sống với cơ năng sinh lý. Trong khái niệm vật chất về các hình thức cụ thể của hệ thống vật chất sự sống thì Khí là khái niệm lớn nhất.
II) NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA KHÍ NHẤT NGUYÊN LUẬN
Khí Nhất Nguyên Luận là hệ thống tự nhiên quan của văn hóa truyền thống Á đông, nội dung hàm chứa của nó cực kỳ phong phú. Ở đây, có thể tóm lược mỗi liên hệ mật thiết của nó với Đông y học như sau:
1) Khí là cội nguồn cấu thành vạn vật:
Trong triết học truyền thống Á đông, vũ trụ còn gọi là Thiên Địa, Thiên hạ, Thái Hư, Hoàn Vũ, Càn Khôn, Vũ Không v.v… Khí thông thường là nói về vật chất cực kỳ tinh vi, là nguồn gốc của cấu thành vạn vật thế giới. Thời Đông Hán, Vương Sung nói: “khí Thiên Địa hợp với nhau, vạn vật tự sinh”(Luận Hành – Tự Nhiên – 论衡·自然). Thời Bắc Tống, Trương Đới ( 张载 ) cho rằng: “Thái Hư không thể không có Khí, Khí không thể không tụ mà thành vạn vật” ( Chánh Mông – Thái Hoà – 正蒙·太和 ). Khí là một loại vật chất vô cùng nhỏ bé, vô cùng tinh vi mà mắt thường không nhìn thấy được. Khí và vật thống nhất với nhau, nên thiên “Khí Giao Biến Luận Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “muốn nói đến khí, thì phải rõ về vật”. Khí là cội nguồn của thế giới, là vật chất nguyên sơ cấu thành vũ trụ, là nguyên tố cơ bản nhất của cấu thành Thiên Địa vạn vật. Sách “Thái Thỉ Thiên Nguyên” ( 太始天元 ) trích trong thiên “Thiên Nguyên Kỷ Đại Luận” ( 天元纪大论 ) sách Tố Vấn chép: “vũ trụ hư không, bắt đầu sinh hóa, vạn vật nhờ đó mà sinh, ngũ vận đã đủ ở Thiên, khí phân bố khắp con người và vạn vật, bao bọc vũ trụ, cửu tinh soi sáng bên trên, ngũ tinh và nhật nguyệt chiếu soi, có Âm có Dương, có nhu có cương, tối sáng định vị, lạnh nóng níu kéo nhau, sinh sinh hóa hóa, vật được tạo thành” ( Thái hư liêu khuếch, triệu cơ hóa nguyên, vạn vật tư thỉ, ngũ vận chung Thiên, bố khí chân linh, tổng thống khôn nguyên, cửu tinh huyền lãng, thất diệu chu tuyền, viết Âm viết Dương, viết nhu viết cương, u hiển ký vị, hàn thử thỉ trương, sinh sinh hóa hóa, phẩm vật hàm chương – 太虚寥廓,肇基化元,万物资始,五运终天,布气真灵,总统坤元,九星悬朗,七曜周旋,曰阴曰阳,日柔曰刚,幽显既位,寒暑弛张,生生化化,品物咸章 ). Sách Nội Kinh gọi vũ trụ là Thái Hư. Trong khoảng không vũ trụ vô tận, tràn đầy nguyên khí của năng lực sinh hóa vô cùng vô tận. Nguyên khí ( bao gồm cả ý nghĩa khí bản nguyên ) bao bọc Vũ Trụ, thống nhiếp mặt đất, quy luật vũ trụ ( Thiên đạo ) được hình thành Quy luật mặt đất ( Địa đạo ) được sinh ra. Tất cả các thể hữu hình, đều phải dựa vào nguyên khí mà sinh thành. Nguyên khí là sự sinh ra đầu tiên của vũ trụ, là khởi nguyên và kết thúc của thế giới vạn vật. Khí là vật chất đầu tiên cấu thành vũ trụ. Khí vốn là một, phân làm Âm Dương, Khí là thể thống nhất và mâu thuẫn của hai khí Âm Dương. Thiên “Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận” sách “Tố Vấn” chép: “Thanh dương là Thiên, trọc Âm là Địa; Khí Địa lên trên mà thành mây, khí Thiên đi xuống mà thành mưa; Mưa từ Địa khí mà có, Mây từ Thiên khí mà có”. “Thiên khí” là khí thanh dương của tự nhiên giới; “Địa khí” là khí trọc Âm của tự nhiên giới. Âm khí đục nặng, giáng mà ngưng tụ thành vật thể hữu hình, cấu thành muôn màu khắp mặt đất; Dương khí trong nhẹ, thăng mà phát tán, là khí vô hình, hình thành vũ trụ vô tận. Khí Âm Dương Thiên Địa, trên thăng, dưới giáng, hai bên cùng giao cảm với nhau mà hình thành vạn sự vạn vật ở giứa Thiên Địa. Thiên “Chí Chân Yếu Đại Luận” sách “Tố Vấn” chép: “Gốc sinh ra ở Trời là Thiên khí. Gốc sinh ra ở Đất thì là Địa khí. Khí Thiên Địa kết hợp, lục lúc khí phân chia, mà khiến cho vạn vật được sinh”. Nói chung, Khí là thực thể của vật chất tính, là nguyên tố cơ bản của sự cấu thành vạn vật tự nhiên.
Con người là một nhóm bộ phận đặc thù của toàn thể thế giới, là sản vật của tự nhiên. Con người và tự nhiên có mối liên hệ mật thiết. Trong lịch sử triết học Trung Hoa, thời Chu, Tần thường gọi tự nhiên là “Thiên” hoặc “Thiên Địa”. Trong sách “Hoài Nam Tử” đối với quan niệm về vũ trụ có nói “cổ kim xưa nay gọi là trụ ( 宙 ), bốn phương trên dưới gọi là vũ ( 宇 ) ( Hoài Nam Tử – Tề Tục Huấn – 淮南子·齐俗训 ). Vũ trụ vừa là thế giới vật chất, vừa là tự nhiên giới. Vậy nên Vũ Trụ quan tức là Thế Giới quan. Vấn đề quan hệ Thiên Nhân là triết học đặc biệt của Trung Hoa cổ đại, là một trong những vấn đề lớn của sự tranh luận trong lãnh vực triết học vào thời “Nội Kinh”. Đông y học, xuất phát từ tính thống nhất Thiên Nhân của tiểu vũ trụ trong thân thể, đại vũ trụ trong Thiên Địa, dùng phạm trù khí để giải thích về quy luật biến hóa vận động của sự sống và tự nhiên Thiên Địa.
Đông y học bắt đầu xuất phát từ quan điểm “Khí” là nguồn gốc của vũ trụ, là yếu tố cấu thành Thiên Địa vạn vật, cho rằng Khí cũng là nguồn gốc của sự sống, là vật chất cơ bản cấu thành sự sống. Vậy nên thiên Bảo Mệnh Toàn Hình Luận sách Tố Vấn chép: con người sinh ra ở Địa, mệnh là ở Thiên, khí được hợp thành bởi Thiên Địa, được gọi là Người”( Nhân sinh ư Địa, huyền mệnh ư Thiên, Thiên Địa hợp khí, mệnh chi viết Nhân – 人生于地,悬命于天,天地合气,命之曰人 ); hoặc như nạn thứ 8 trong sách Nạn Kinh có chép: “Khí là gốc rễ của con người” ( Khí giả, Nhân chi căn bản dã – 气者,人之根本也 ). Cơ thể con người là một cơ thể không ngừng thăng giáng xuất nhập nhờ tác dụng của khí hóa. Quá trình sinh, trưởng, tráng, lão, dĩ ( 生-长-壮-老-已 – sinh ra, phát triển, mạnh mẽ, già nua, kết thúc ), cùng với sức khỏe và bệnh tật của con người, đều bắt nguồn từ khí. Vậy nên trong thiên “Y Quyền Sơ Thiên”[1] ( 医权初编 ) chép: “Sự sống chết của con người, đều dựa vào Khí. Khí tụ thì sống, khí tráng thì khỏe, khí suy thì nhược, khí tán thì chết” ( Nhân chi sinh tử, toàn lại ư Khí. Khí tụ tắc sinh, Khí tráng tắc khang, Khí suy tắc nhược, Khí tán tắc tử – 人之生死,全赖乎气.气聚则生,气壮则康,气衰则弱,气散则死 ).
Khí hun đúc cho sự vận động, là vật chất tinh vi nhất ( chí tinh chí vi ), là vật chất cơ bản nhất cấu thành và duy trì hoạt động sự sống của con người. Về mặt này của khí, so với khí của Thiên Địa mà nói, thì khí của cơ thể được gọi là “Nhân Khí”. Con người chỉ cần nhận biết về quy luật biến hóa vận động của khí, thì có thể nhận biết được quy luật vận động của sự sống. Vậy nên thiên Khí Giao Biến Đại Luận sách Tố Vấn chép: “sự biến hóa theo khí của con người thì gọi là Nhân sự”. Huyết, Tinh, Tân dịch v.v… cũng là vật chất cơ bản của sự sống, nhưng chúng đều do sự hóa sinh của khí, vậy nên gọi khí là vật chất cơ bản nhất cấu thành và duy trì hoạt động sự sống con người.
Ngô Đình Hàn ( 吴廷翰 ) trong “Cổ Trai Mạn Lục” (古斋漫录) nói: “Sự sinh của con người, chỉ là nhất khí mà thôi… khí thành tính, mà bên trong thì có tâm, bên ngoài thì có thể. Thể thì do khí sung, mà tâm là phần linh của khí”. Hình thể và tinh thần tư tưởng của con người đều là sản vật của khí. Đông y học, trên cơ sở Khí luận triết học cổ đại, từ góc độ khoa học sự sống, cho rằng “sự sống chết của con người là do Khí”, “ duy chỉ có Khí thành hình, khí tụ thì hình còn, khí tán thì hình mất” ( Y Môn Pháp Luật – 医门法律 ), như vậy cho thấy, hình thể con người là do khí cấu thành, mà hoạt động tư duy ý thức, tinh thần của con người cũng là do hoạt động của một loại vật chất cơ thể là Khí sản sinh ra, nên thiên “Bệnh Cơ Khí Nghi Bảo Mệnh Tập” sách “Tố Vấn” chép: “Hình là nhà của sự sống, Khí là nguồn của sự sống, Thần là cai quản sự sống. Hình lấy Khí để sung dưỡng, Khí hao thì hình bệnh, Thần dựa vào Khí, Khí đi vào thì Thần còn”. Hay như thiên “Thiên Nguyên Kỷ Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “Con người có ngũ tạng hóa ngũ khí, mà sinh hỷ, nộ, bi, ưư, khủng”. Sách “Tỳ Vị Luận” lại chép: “Khí, ấy là là gốc rễ của tinh thần”.
Nói chung, Khí là một loại vật chất tồn tại có tính liên tục, tràn đầy khắp toàn thể Vũ Trụ, là nguồn gốc cấu thành thế giới, là vật chất cơ sở của tính thống nhất thế giới. Khí là yếu tố vật chất cơ bản nhất cấu thành vạn vật, vạn vật là hình thức hữu hình tồn tại có thể nhận biết được của khí. Khí quy định bản chất vạn vật. Nội hàm của khí nêu lên tính phổ biến và tính vật chất, tính vô hạn và tính vĩnh hằng của khí.
2) Vận động là thuộc tính của Khí:
Khí Thiên Địa động mà không ngưng nghỉ, vận động là thuộc tính căn bản của khí. Khí bao gồm thực thể khách quan của công năng động thái, sự khởi đầu và kết thúc của Khí là ở trong sự biến hóa của vận động, hoặc động tĩnh, tụ tán, hoặc tràn đầy, thanh trọc, hoặc thăng giáng, co duỗi, lấy biến hóa vận động để làm điều kiện hoặc hình thức tồn tại của chính mình. Khí vận động trong trời đất, tụ lại mà sinh ra vạn vật. Nội Kinh gọi sự vận động của khí là “biến”, “hóa”. Trong thiên “Thiên Nguyên Kỷ Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “Vật sinh ra gọi là hóa, vật đến cực điểm gọi là biến” ( Vật sinh vị chi hóa, vật cực vị chi biến – 物生谓之化,物极谓之变 ), hay như thiên “Lục Vi Chỉ Đại Luận” sách “Tố Vấn” chép: “sự sinh của vật là do hóa; cực điểm của vật là do biến. Biến hóa đấu tranh với nhau, thành bại từ đó mà có”. Sự biến hóa của tất cả sự vật, bất kể là sự phát triển sinh sôi của động thực vật, hay là sự sinh, hóa, tụ tán của các vật thể vô tri vô giác, sự sinh thành, phát triển và biến hóa, điêu tàn của Thiên Địa vạn vật, không có gì là không bắt nguồn từ sự vận động của khí. Thiên “Lục Vi Chỉ Đại Luận” sách Tố Vấn chép tiếp: “Khí có thắng phục[2], tác dụng của thắng phục, có đức[3] có hóa, có dụng[4] có biến”. Khí có tác dụng thắng phục, tức là bản thân của khí đã có khả năng khắc chế và khắc chế ngược ( phản khắc chế ). Tác dụng thắng với phục, khắc chế với phản khắc chế của khí, là nguồn gốc của vận động tự thân của khí. Khía chia Âm Dương, Âm Dương hòa quyện ( thương thác ) lẫn nhau mà biến có từ đó. Âm Dương hòa quyện, còn gọi là Âm Dương giao thác, Âm Dương giao cảm, tức là tác dụng tương hỗ của Âm Dương. Âm Dương tương thác là nguyên nhân căn bản của sự biến hóa vận động Khí. Nói cách khác, sự thống nhất, đối lập của Âm Dương là tổng quy luật vũ trụ và căn nguyên của biến hóa vận động khí. Vậy nên thiên “Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “Âm Dương là đạo của Thiên Địa, là cương kỷ của vạn vật, là cha mẹ của biến hóa, là nguồn gốc của sự sinh sát”. Sự vận động thống nhất, đối lập của Âm Dương trong khí, biểu hiện qua sự giao cảm lẫn nhau của trên dưới, thăng giáng, xuất nhập, động tĩnh, tụ tán, thanh trọc trong Thiên Địa, đây là hình thức biểu hiện cụ thể của vận động khí. Nội Kinh lấy bốn chữ “thăng giáng xuất nhập” để khái quát về khí, vậy nên thiên Lục Vi Chỉ Đại Luận sách Tố Vấn chép: “sự thăng giáng của khí, là cái dụng của Thiên Địa. … thăng để mà giáng, giáng gọi là Thiên, giáng để mà thăng, thăng gọi là Địa, Thiên khí hạ giáng, khí tuôn tràn nơi Địa, Địa khí thượng thăng, khí chuyển ở Thiên. Cao thấp giao với nhau, thăng giáng kết hợp mà sinh biến”, “xuất nhập mất đi thì thần cơ bị diệt; thăng giáng ngưng nghỉ, thì khí bị cô tuyệt. Vì vậy không có xuất nhập, thì không có sinh, trưởng, tráng, lão, dĩ; không có thăng giáng thì không có sinh, trưởng, hóa, thâu, tàng” ( 生、长、化、收、藏 – sinh ra, lớn lên, chuyển hóa, thâu về, cất giữ ).
Khí là cơ sở vật chất cấu thành vũ trụ, khí tụ mà thành hình, tán mà thành khí. Hình và khí là hình thức cơ bản của sự tồn tại vật chất, mà chuyển hóa lẫn nhau của hình và khí là hình thức cơ bản của sự vận động vật chất. Sự sinh ra của vật là bởi hóa, hóa là hóa của khí, tức là khí hóa. Sự chuyển hóa lẫn nhau giữa hình và khí là biểu hiện cụ thể của tác dụng khí hóa. Khí sinh hình, hình theo khí, khí tụ thì hình sinh, khí tán thì hình mất. Sự tồn vong của hình là ở sự tụ tán của khí. Khí tràn đầy ở khoảng giữa thái hư ( vũ trụ ), sự biến hóa và sinh thành cho đến tiêu vong của các vật hữu hình, không gì là không bởi tác dụng khí hóa của Khí. Cho nên thiên “Ngũ Thường Chính Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “Khí bắt đầu mà có sự sinh hóa, … khí kết thúc mà có dấu hiệu biến”. Nội Kinh không chỉ trên cơ sở lý luận khí hóa đề xuất tư tưởng chuyển hóa lẫn nhau giữa hình và khí, mà còn dùng học thuyết Âm Dương để nêu rõ lên căn nguyên của chuyển hóa hình khí. Thiên “Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “Dương hóa khí, Âm thành hình”. Dương động thì tán mà hóa khí, Âm tĩnh thì ngưng mà thành hình. Tác dụng hỗ tương của động tĩnh Âm Dương là hình tán và thành hình của khí, là nguyên nhân căn bản của quá trình vận động hai loại phương hướng tương phản. Khí chí đại vô ngoại, chí tế vô nội. Đại là giữa vật hữu hình với khí của thái hư ( vũ trụ ); tiểu là mỗi mặt bên trong của vật hữu hình, đều tồn tại hình hóa là khí và khí hóa, là tác dụng khí hóa của hình. Lý luận chuyển hóa hình khí của Đông y học, đối với lịch sử triết học cổ đại Á đông, có một sự ảnh hưởng rất sâu sắc.
Nói chung, khí là thể mâu thuẫn thống nhất của Âm Dương. Âm Dương là hai loại yếu tố đối lập cố hữu, mà không phải là hai bộ phận tạo thành khác nhau, tức như trong sách “Trương Tử Chính Mông Chú – quyển 1” ( 张子正蒙注·卷一 ) Trương Tử Chính có nói: “Âm Dương có định tính mà không có định chất”. Sự mâu thuẫn và đối lập của Âm Dương hình thành sự vận động biến hóa có quy luật vĩnh hằng của Khí. Động tĩnh thống nhất là tính chất vận động. Vận động khí hóa là sự thống nhất của động với tĩnh, tụ tán, thống nhất là hình thức tồn tại của khí. Tán mà trở về với thái hư, là bản thể vô hình của Khí; tụ mà sinh ra mọi vật, là tác dụng hữu hình của khí. Tụ chỉ là tạm thời, mà tán là lâu dài, tụ tán trên bình diện chất và lượng đều thống nhất với khí. Tụ tán, thống nhất nêu lên tính thống nhất của khí vạn vật vũ trụ. Âm Dương thống nhất nêu lên tính chất nội tại của khí, động tĩnh, thống nhất diễn tả tình trạng tồn tại của khí, mà thống nhất, tụ tán là quy định hình thức tồn tại của khí.
3) Khí là trung giới giữa vạn vật
Khí xuyên suốt trong vạn vật Thiên Địa, bao gồm khả nhân tính, thẩm thấu tính, và cảm ứng tính. Khí chưa tụ thì vi tế mà vô hình, có thể chuyển hóa lẫn nhau, và tác dụng lẫn nhau với khí của mọi vật chất hữu hình và vô hình, có thể sinh sản và tiếp nạp vật hữu hình, thành trung giới giữa vạn vật trong Thiên Địa, liên kết vạn vật trong Thiên Địa thành một chỉnh thể thống nhất hữu cơ.
Cảm ứng, tức là cách nói về hiện tượng giao cảm tương ứng. Có cảm thì sẽ ứng, ảnh hưởng lẫn nhau, tác dụng lẫn nhau. Khí có hai là Âm và Dương, hai trạng thái đó tồn tại trong một. Khí là thể đối lập thống nhất của Âm Dương, hai mặt đối lập của âm dương dùng nhau tạo thành thể thống nhất của khí, chúng là căn nguyên của tất cả biến hóa vận động. Hai đầu mối của khí Âm Dương cảm ứng lẫn nhau mà sản sinh ra mối liên hệ phổ biến giữa vạn vật. Có sự sai biệt, thì có sự thống nhất, có sự khác nhau thì có cảm ứng. Ở thiên “Chính Mông – Càn Xưng – ( 正蒙·乾称) ” sách “Trương Tải Tập” chép: “Lấy vạn vật làm một, nên một cái có thể hợp được những cái khác nhau; lấy cái có thể hợp mọi cái, gọi đó là cảm; … Âm Dương, vì cả hai có cảm, gốc là một nên có thể hợp nhau.Thiên Địa sinh vạn vật, cái nó tạo ra tuy khác nhau, nhưng không có gì là không cảm, dù chỉ chốc lát”. Cảm ứng lẫn nhau và liên hệ phổ biến là quy luật phổ biến của vạn vật vũ trụ. Sự cảm ứng lẫn nhau giữa hai khí Âm Dương, sản sinh ra mối liên hệ phổ biến giữa vạn vật Thiên Địa, khiến cho vạn vật thế giới không ngừng vận động biến hóa. Tư tưởng hai khí Âm Dương cảm ứng lẫn nhau bao gồm có nhân tố phép biện chứng thô sơ, lấy con người với tự nhiên, xã hội, xem là một chỉnh thể hữu cơ của mối liên hệ phổ biến. Đông y học đặt trên nền tảng tư tưởng cảm ứng lẫn nhau của Khí, cho rằng, tự nhiên giới và con người, các hiện tượng và sự vật của tự nhiên giới, công năng sinh lý với ngũ tạng lục phủ con người, cùng với giữa vật chất sự sống với hoạt động tinh thần, dù có ngàn vạn sự khác biệt, nhưng không hề có một mối liên hệ nào bị cô lập cả, mà lại có sự ảnh hưởng lẫn nhau, tác dụng lẫn nhau, liên hệ mật thiết, trong cái khác biệt lại có tính thống nhất, đều tuân theo quy luật cộng đồng, là chỉnh thể hữu cơ thống nhất. Vậy nên thiên “Chí Chân Yếu Đại Luận” sách “Tố Vấn” chép: “cái kỷ ( giềng mối ) của Thiên Địa, thông ứng với cái Thần của con người”; thiên “Kinh Thủy” sách Linh Khu chép: “Con người với Thiên Địa cùng tương hợp với nhau”.
III) ỨNG DỤNG CỦA KHÍ NHẤT NGUYÊN LUẬN TRONG ĐÔNG Y HỌC
Đông y học dùng lý luận Khí Nhất Nguyên Luận vào phương diện y học, cho rằng con người là sản vật của tự nhiên Thiên Địa, cơ thể con người cũng là bởi sự cấu thành của Khí. Cơ thể con người là một thể hữu cơ vận động, không ngừng phát sinh tác dụng khí hóa, xuất nhập, thăng giáng của chuyển hóa hình khí, đồng thời cũng nhờ đó mà nói rõ được quy luật của vận động khí hóa trong nội bộ cơ thể con người, luận thuật một cách sâu sắc quy luật cơ bản của hoạt động sự sống, trả lời được vấn đề cơ bản về khoa học sự sống. Nếu như nói, lý luận Đông y học được xây dựng trên Khí Nhất Nguyên Luận thì cũng không phải là quá.
1) Nói rõ được công năng sinh lý của tạng phủ
Thay cũ đổi mới là đặc trưng cơ bản của sự sống. Sự sống chết của con người là nhờ ở khí, khí là cơ sở vật chất của sự duy trì hoạt động sự sống. Trong vật chất cơ bản của sự sống, khí là loại vật chất thường không ngừng tự làm mới, phục hồi, thay cũ đổi mới. Kiểu vận động biến hóa này của Khí cùng với quá trình chuyển hóa năng lượng song song với nó được gọi là “Khí Hóa”. Thiên “Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “Vị hóa thành hình, hình nương theo khí; khí hóa ra tinh, tinh khí hóa mà có. Tinh được nuôi dưỡng bằng khí, hình được nuôi dưỡng bằng vị, hóa sinh tinh, khí sinh hình … tinh hóa khí” ( vị quy hình, hình quy khí, khí quy tinh, tinh quy hóa, tinh thực khí, hình thực vị, hóa sinh tinh, khí sinh hình… tinh hóa vi khí – 味归形,形归气,气归精,精归化,精食气,形食味,化生精,气生形……精化为气 ). Đó là sự khái quát đối với quá trình khí hóa. Khí hóa thành hình, hình hóa là quá trình chuyển hóa hình khí của Khí, bao quát quá trình sinh thành, chuyển hóa, lợi dụng và bài tiết của Khí, Tinh, Huyết, Tân, Dịch cùng các loại vật chất. Thiên “Lục Tiết Tạng Tượng Luận” sách Tố Vấn chép: “Thiên ( trời ) nuôi con người bằng ngũ khí, Địa ( đất ) nuôi con người bằng ngũ vị”, đấy là nói đến cơ thể con người cần phải thâu nhận những vật chất cần thiết cho hoạt động của sự sống từ môi trường chung quanh, nếu không, sẽ không thể duy trì được sự sống. Vậy nên thiên “Bình Nhân Tuyệt Cốc” sách “Linh Khu” chép: “Con người không ăn uống trong 7 ngày sẽ chết, thủy cốc, tinh khí, tân dịch đều cạn tuyệt”. Tạng phủ kinh lạc, tổ chức châu thân, của con người, đều ở góc độ, phạm vi và mức độ khác nhau, tham gia sự vận động khí hóa này, đồng thời, từ đó đón nhận được năng lượng và vật chất dinh dưỡng cần thiết, mà bài xuất ra ngoài các sản vật có hại hoặc không cần thiết. Sự vận động khí hóa của cơ thể con người diễn ra không ngừng, tồn tại trong sự khởi đầu và kết thúc của quá trình sự sống, không có khí hóa thì không có sự sống. Từ đó có thể thấy, sự vận động khí hóa là đặc trưng cơ bản của sự sống, bản chất của nó là vận động mâu thuẫn của chuyển hóa, tiêu trưởng, âm dương trong nội bộ cơ thể.
Thăng giáng, xuất nhập là hình thức cơ bản của vận động khí hóa trong cơ thể con người. Sự vận động của Khí trong cơ thể con người được gọi là “Khí cơ”. Mà, sự thăng giáng, xuất nhập của vận động khí hóa, cần phải thông qua công năng hoạt động của tạng phủ để thực hiện, vậy nên lại có thuyết thăng giáng khí cơ tạng phủ. Cơ thể con người, thông qua sự vận động xuất nhập thăng giáng của khí cơ tạng phủ, đem không khí và thủy cốc đi vào cơ thể, biến thành Khí, Huyết, Tân, Dịch, Tinh v.v… hoàn thành quá trình trao đổi năng lượng và vật chất của “vị theo hình, hình theo khí; khí theo tinh, tinh theo hóa; tinh nhờ khí nuôi dưỡng, hình nhờ vị nuôi dưỡng; hóa sinh tinh, khí sinh hình”. Các loại Khí ( Nguyên khí ), Tinh ( chất tinh vi của đồ ăn thức uống ), Vị ( vật chất dinh dưỡng ), Hình ( kết cấu hình thể ) quan hệ tác dụng lẫn nhau, nói rõ lên hoạt động sinh lý chính thường của con người, được xây dựng trên cơ sở của vận động chuyển hoán vật chất. Công năng thăng giáng khí hóa tạng phủ chính thường, xuất nhập có thứ tự, mới có thể duy trì hoạt động sinh lý chính thường: “thanh dương đi ra thượng khiếu, trọc âm đi xuống hạ khiếu; thanh dương phát ra tấu lý ( tấu lý: vùng giữa da và cơ thịt ), trọc âm đi vào ngũ tạng; thanh dương làm mạnh mẽ tứ chi, trọc âm đi vào lục phủ”, khiến cho cơ thể và hoàn cảnh ngoại giới không ngừng thay cũ đổi mới, bảo đảm cho cơ sở vật chất của hoạt động sự sống.
Khí đối với con người, nếu hợp thì là chính khí, không hợp thì là tà khí. Vậy nên, sinh lý của Khí, quý nhất là ở “hòa”. Thiên “Lục Tiết Tạng Tượng Luận” sách Tố Vấn chép: “khí hòa mà sinh, tân dịch tương thành, thần mới tự sinh”. Nguyên khí sung thịnh, thì mới có thể tuyên phát khắp châu thân, thúc đẩy vận hành khí huyết, chủ tể các hoạt động công năng tạng phủ con người, khiến tinh, khí, huyết, tân, dịch sinh hóa không ngừng. Khí cơ kinh lạc tạng phủ vượng thịnh, từ đó mà duy trì sự bình hoành tương đối sự hoạt động giữa các hệ thống, khí quan nội bộ trong cơ thể, cùng với bình hoành động thái của cơ thể với hoàn cảnh chung quanh. Từ đó có thể thấy, gốc rễ công năng sinh lý của con người là ở Khí. Vậy nên thiên “Nhiếp Sinh Loại” sách Loại Kinh chép: “sự sống con người, hoàn toàn nương tựa vào Khí”.
2) Nói rõ biến hóa bệnh lý của con người:
Ngũ tạng lục phủ đều dựa vào cái dụng của khí. Cái quý của khí là ở “hòa”, lại thích tuyên thông. Vậy nên thiên “Sinh Khí Thông Thiên Luận” sách Tố Vấn chép: “Khí huyết phải lưu thông, tấu lý phải kín đáo”; thiên “Mạch Độ” sách Linh Khu chép: “Khí không thể không lưu hành, như dòng nước phải chảy, như chu kỳ của mặt Trời mặt Trăng không ngưng nghỉ”; chương Lục Uất trong quyển Nhất, sách Kim Quỹ Cấu Huyền chép: “Khí huyết sung mãn, hài hòa thì vạn bệnh không sinh, một khi có uất, thì các bệnh từ đó sinh ra”. Phàm, sự thuận nghịch hoãn cấp, hư thực biểu lý của tật bệnh, không gì là không ngoài nguyên nhân do Khí đưa đến. Cho nên thiên “Cử Thống Luận” sách Tố Vấn chép: “Trăm bệnh sinh ra bởi khí”. Mục “Chư Khí” sách Cảnh Nhạc Toàn Thư chép: “Phàm bệnh thì có hư có thực, có hàn có nhiệt. Đến khi biến bệnh thì thì có nhiều danh trạng, muốn tìm ra tận gốc, thì chỉ cần tìm đến khí là có thể đủ để biết tường tận. Khí nếu có chỗ không điều hòa, thì gốc bệnh cũng sẽ ở tại không điều hòa ấy”. Vì vậy, tất cả sự phát triển và phát sinh của bệnh với sự sinh thành và vận hành thất thường của Khí đều có quan hệ mật thiết với nhau.
3) Chỉ đạo chẩn đoán và trị liệu:
a) Phương diện chẩn đoán:
Trong chẩn đoán học Đông y, nói về tứ chẩn, thì không có gì là không có tương quan mật thiết với với Khí. Sách “Đan Khê Tâm Pháp” chép: “ có bên trong thì mới hiện ra bên ngoài”. Thẩm sát bệnh hình của ngũ tạng, có thể biết hư thực của chân khí. Vì vậy, sự thịnh suy của chính khí có thể biểu hiện ra từ các phương diện như: sắc mặt, hình thái, âm thanh, thần chí, mạch tượng. Trong đó, thường quan trọng nhất là thần chí và mạch tượng. Sự tồn vong của thần khí là tiêu chí của hoạt động sự sống. Thần lấy tinh khí làm cơ sở vật chất, là sự biểu hiện ra bên ngoài của sự thịnh suy khí huyết, tạng phủ. Vậy nên sách “Tứ Chẩn Mạch Quyết” mới chép: “Thần, ấy chính là chính khí”; thiên “Hư Thực” ở phần “Truyền Trung Lục” sách Cảnh Nhạc Toàn Thư có chép: “Thần khí chính là nguyên khí. Nguyên khí vững chắc, thì tinh thần mạnh mẽ. Nếu nguyên khí suy nhẹ, thì thần khí sẽ suy ít; nguyên khí đại hư, thì thần khí hoàn toàn mất, thần mất thì sự vận hành của cơ thể sẽ ngưng ngay”. Vì vậy, nhìn khí sắc, thì sẽ biết được sự thịnh suy của tạng phủ, hư thực của khí huyết, sâu cạn của tà khí.
Nạn thứ nhất sách Nạn Kinh có chép: “Thốn khẩu là nơi gặp nhau lớn nhất của mạch”. Thiên “Kinh Mạch Biệt Luận” sách Tố Vấn chép: “khí của mạch lưu chuyển trong kinh lạc, kinh khí đi về phế, phế là nơi trăm mạch đổ về… Khí về thì bình, bình thì thăng bằng, khí tụ ở thốn khẩu, lấy đó mà biết được sự sinh tử”. Vậy nên sự thịnh suy của khí, được phản ánh ra trên mạch thốn khẩu. Nguyên khí của con người là gốc rễ của mạch, nên nạn thứ 14 sách Nạn Kinh có chép: “Mạch có gốc rễ, con người có nguyên khí, nhờ đó mà biết là còn sống”. Trong chẩn đoán học Đông y, thường thẩm tra xem Vị khí ra sao, để quyết định sự thuận nghịch của khí, sự quyết định sinh tử. Có vị khí thì sống, mất vị khí thì chết.
b) Phương diện trị liệu: Đông y học cho rằng, sự phát sinh của bệnh tật được quyết định bởi sự mâu thuẫn, đấu tranh giữa hai mặt Chính khí và Tà khí. Chính khí, trong quá trình phát bệnh, có vai trò chủ đạo. Vậy nên Nội kinh mới chép: “chính khí mạnh bên trong, tà khí không thể xâm phạm”, “nơi nào có tà khí, nơi đó khí đã hư”. Vì vậy, quy tắc cơ bản trong điều trị bệnh, không ngoài “phù chính khu tà” ( mạnh cho chính khí, tiêu trừ tà khí ). Khu tà tức là phù chính, phù chính tức là khu tà. Sách Nạn Kinh chép: “Khí là gốc rễ của con người”.Mục đích trong điều trị là ở lưu thông khí huyết, khiến cho bình hòa. Khí có được cái hòa thì là chính khí, mất đi cái hòa thì là tà khí. Trị khí quý là ở chỗ “điều”, “điều” ở đây có ý là điều hòa, không chỉ là dùng thuốc lý khí để điều hòa khí cơ, mà thông qua nhiều phương pháp, để điều chỉnh sự mất thăng bằng âm dương tạng phủ, phục hồi lại động thái thăng bằng công năng thăng giáng xuất nhập của âm dương, đó là cái ý “quan sát hiểu rõ nội tại âm dương để điều hòa, thăng bằng”. Từ đó có thể thấy, Khí Nhất Nguyên Luận có một ý nghĩa chỉ đạo quan trọng trong việc điều trị bệnh tật của Đôngy.
4) PHÁN ĐOÁN DỰ PHÒNG TRONG BỆNH TẬT
Ứng dụng khí nhất nguyên luận, từ quan hệ hình khí để phán đoán thuận nghịch, nặng nhẹ và dự phòng của bệnh tật, là nội dung quan trọng trong chẩn đoán học Đông y. Hình để ngụ khí, khí để sung dưỡng cho hình; như thiên “Ngọc Cơ Chân Tạng Luận” sách Tố Vấn chép: “hình khí có được nhau, có thể trị được”, “hình khí mất nhau, khó mà trị được”. Thiên “Tam Bộ Cửu Hậu” sách Tố Vấn chép: “hình mập mạp mà mạch tế, khí ngắn không đủ để thở thì đó là nguy chứng. Hình gầy mạch đại, trong hung bộ (lồng ngực) nhiều khí, sẽ chết”… da thịt đều nhão ( thoát ), cửu bộ tuy điều hòa, cũng sẽ chết”. Cho nên, Nguyên khí là gốc rễ của thuận nghịch bệnh tật.
Đông y học căn cứ trên quan điểm “hình thần hợp nhất”, nhấn mạnh đến nhìn thần sắc để quyết định sống chết. Thiên “Bát Chính Thần Minh Luận” sách Tố Vấn chép: “huyết khí là thần của con người”; thiên “Di Tinh Biến Khí Luận” sách Tố Vấn chép: “phàm, sự biến hóa của sắc, là ứng với mạch bốn mùa… để hợp với thần minh”, “sự quan trọng nhất trong điều trị, là phải nắm được sắc mạch”; thiên “Tà Khí Tạng Phủ Bệnh Hình” sách Linh Khu chép: “sắc và mạch không tương ứng nhau, nếu có sự tương thắng thì sẽ chết; nếu có sự tương sinh thì sẽ sống” ( theo lời chú của Trương Chí Thông thì ý nói sắc và mạch phải tương ứng với nhau như dùi với trống, nếu ngược lại thì sẽ chết ). Có thần thì sống, mất thần thì chết.
Khí của mạch chủ yếu là Vị khí, là căn cứ chủ yếu để phán đoán và dự phòng. Thiên “Phương Thịnh Suy Luận” sách Tố Vấn chép: “quan sát sự thông biến trên dưới, hiểu biết mạch tượng. Nếu hình thể suy nhược mà khí hư thì chết; nếu hình thể hữu dư mà mạch khí bất túc thì chết; nếu mạch khí hữu dư mà hình thể bất túc thì sống”. Đó là nói rõ về vị khí trong mạch.
[1] Tác giả là Vương Tam Tôn ( 王三尊 ), soạn năm 1721. Đây là một thiên trong sách Y Luận.
[2] Thắng phục là nói đến sự tương thắng tương chế của Ngũ Vận Lục Khí trong một năm, có quan hệ trước thắng, sau phục. Thắng khí là chủ động, có ý nói đến khí mạnh; phục khí là bị động, ý nói đến sự phục hồi (báo phục). Khí thắng phục, tức trong một năm, nửa năm về trước nếu thắng khí thái quá, nửa năm sau sẽ tương phản với phục khí. Nếu nửa năm trước nhiệt khí thiên thịnh, thì nửa năm sau sẽ có hàn khí để phục hồi. Lại như Mộc vận bất cập, kim khí thắng mộc, mộc uất sẽ sinh hỏa, hỏa có thể khắc kim, đó gọi là phục.
[3] Đức ở đây có nghĩa là khí lành.
[4] Dụng là động của thể mà có.
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường