Đau Lưng

Nhà Thuốc Hạnh Lâm Đường

 

Bài viết chỉ mang tính tham khảo và phổ biến. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và điều trị đúng hướng dẫn trong bài viết thì người bệnh có thể tự điều trị được cho mình. Nếu bệnh ở mức độ nặng, lâu ngày, điều trị không hiệu quả thì bệnh nhân gửi thông tin cho nhà thuốc để được điều trị theo hướng chuyên trị hơn.

 

Bấm vào đây để vào mục Câu Hỏi Cho Bệnh Đau Lưng. Bấm vào đây để đến mục Gửi Bệnh Án để điền thông tin gửi đến nhà thuốc.

 

 

I) TỔNG QUAN VỀ BỆNH ĐAU LƯNG:

Đau lưng trong Đông y gọi là “Yêu Thống”, là tên gọi của một chứng trạng, không chỉ đơn thuần là một bệnh. Nguyên nhân thường do ngoại cảm, nội thương hoặc tổn thương khiến cho sự vận hành khí huyết của vùng lưng bị tắc trở, hoặc mất đi sự nhu dưỡng mà dẫn đến đau vùng cột sống hoặc cạnh cột sống đau nhức là một biểu hiện lâm sàng chủ yếu của bệnh chứng này. Chứng trạng đau lưng đã được nói đến từ rất sớm trong các y văn cổ xưa như trong thiên “Mạch Yếu Tinh Vi Luận” sách Tố Vấn chép: “Lưng là phủ ( nơi ở ) của Thận, nếu không xoay chuyển cử động được là do Thận đã suy bại” ( Yêu giả, Thận chi phủ, chuyển dao bất năng, Thận tương bại hĩ -腰者,肾之府,转摇不能,肾将惫矣 ). Qua đó đã nêu lên mối quan hệ mật thiết về bệnh tật giữa Thận với vùng thắt lưng. Thiên “Thích Yêu Thống” sách Tố Vấn căn cứ vào sự tuần hành của kinh lạc đã mô tả đặc trưng sự phát sinh chứng yêu thống ở Túc tam dương ( 3 kinh dương ở chân gồm: Túc dương minh Vị, Túc thái dương Bàng quang, Túc thiếu dương Đởm ), túc tam âm ( Túc thái âm Tỳ, Túc Thiếu âm Thận, Túc Quyết âm Can ) cùng với bệnh biến kinh lạc của kỳ kinh bát mạch và các phương pháp châm cứu trị liệu tương ứng. Sự phát bệnh này thường là lấy Thận hư làm gốc, cảm phải ngoại tà, té ngã tổn thương là ngọn. Lúc điều trị lâm sàng thường nếu là thực chứng thì chú trọng khu tà thông mạch hoạt lạc, hư chứng thì chú trọng phù chính, bổ can thận, mạnh cho lưng gối, kiện Tỳ khí là những pháp trị thường dùng. Yêu thống lâu ngày, hư thực thác tạp, điều trị cần nắm chắc tiêu bản hư thực, dùng các phương pháp khu tà và bồi cho gốc. Trong điều trị chứng này, ngoài pháp trị bên trong ra, thường có thể phối hợp với các phương pháp điều trị tổng hợp như châm cứu, xoa bóp, giác hơi, dán cao, xông thuốc… để góp phần cho hiệu quả lâm sàng.

 

 

II) KHÁI LƯỢC VỀ BỆNH ĐAU LƯNG:

Yêu thống ( đau lưng ) là một chứng trạng chủ yếu có biểu hiện lâm sàng thường là đau một bên hoặc hai bên lưng. Các chứng bệnh về Thận, phong thấp, cơ lưng tổn thương, các bệnh lý về cột sống, tủy… dẫn đến đau lưng trong lâm sàng Tây y đều nằm trong phạm vi biện chứng luận trị của chứng này. Quanh vùng thắt lưng đau đa phần đều do Thận dương bất túc, hàn trệ đới mạch, hoặc thấp nhiệt ở kinh Can xâm nhập vào Đới mạch, nơi kinh lạc giao nhau, lúc dương hư khí nhược khiến cho khí kết ở Đới mạch không thông mà xuất hiện đau nhức; hoặc khí huyết ở mạch xung nhâm sung thịnh khiến cho Đới mạch ủng trệ, thấp nhiệt lưu trệ lại mà sinh đau. Người mắc chứng đau lưng đầu tiên cần phải chú ý thay đổi phương thức sinh hoạt, không nên mang các loại dày cao gót. Đau lưng là một chứng trạng, không phải là một bệnh riêng biệt, nguyên nhân dẫn đến đau lưng rất phức tạp, cho nên khi xuất hiện cơn đau lưng kéo dài mà không rõ nguyên nhân thì không nên xem thường mà cần phải đến thầy thuốc có chuyên môn để thăm khám để tránh các biến chứng và tiến triển nặng dần của bệnh. Cho đến bây giờ, xác suất thống kê chứng đau lưng ở mỗi giới tính còn chưa rõ ràng, hoặc nếu có thì mang tính địa phương và đặc thù xã hội. Trên thực tế sự xuất hiện cơn đau lưng ở mỗi giới tính đều lệ thuộc vào tiền sử bệnh tật và biến chứng của bệnh tật, đặc thù lao động, thói quen nghề nghiệp, khí hậu vùng miền, tính chất xã hội địa phương…

Đa số đau lưng là do các bệnh tật ở hệ thống vận động và tổn thương gây nên, thường có các thể sau:

  • Đau lưng do ngoại thương: Đau lưng do co thắt cơ lưng cấp tính, vùng thắt lưng tổn thương do lao động thái quá, thoát vị đĩa đệm, trật đốt sống thắt lưng, tiền sử thường có chấn thương thắt lưng. Nếu trong thời kỳ cấp tính mà không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách thì có thể biến thành chứng đau lưng mãn tính.
  • Đau lưng do phong thấp: Phong thấp và loại phong thấp đều có thể dẫn đến đau lưng. Sự biến hóa bệnh tình có liên quan đến khí hậu và thời tiết, thường có kết hợp thêm cơn đau ở một khớp nào đó.
  • Bệnh lao: Lao cột sống thắt lưng, lao khớp xương cùng thường có bệnh sử về lao, xét nghiệm và chụp X quang có thể xác định được.
  • Sai tư thế: Thường xuyên khom lưng làm việc có thể khiến cho cơ thắt lưng thường ở trạng thái căng cứng, lâu ngày khiến tổn thương cơ lưng mà dẫn đến đau lưng.
  • Cột sống biến dạng bẩm sinh: Các chứng nứt đốt sống tiềm ẩn, lệch đốt sống, trượt đốt sống… đều có thể dẫn đến đau lưng, nhưng các chứng này thường phải chụp kiểm tra bằng xquang hoặc cộng hưởng từ mới có thể nhận biết được.
  • Sự biến đổi do suy thoái ở người già: Tăng sinh chất xương ở cột sống hoặc chứng giãn khớp cố hữu.
  • Các tật bệnh về rối loạn trao đổi chất: Chứng loãng xương do thiếu Calci hoặc sự tiêu thụ calci ở xương tăng quá cao khiến xương mất calci, nhuyễn hóa xương, đa phần thường thấy ở phụ nữ thời kỳ sinh nở và phụ nữ sinh nhiều con.
  • Khối u: Các khối u nguyên phát ở cột sống hoặc khối u di căn cũng có thể gây đau lưng.

Nói chung, chứng đau lưng cần được trải qua một quá trình kiểm tra kỹ lưỡng, sau khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh mới có thể đưa ra phương pháp trị. Không nên tùy tiện lạm dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt hoặc các loại thuốc giảm đau ảnh hưởng đến hormon vỏ tuyến thượng thận để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 

 

 

III) ĐÔNG Y TRỊ ĐAU LƯNG

Biện chứng luận trị:

1. Nguyên nhân do hàn thấp:

Biểu hiện lâm sàng: Vùng lưng lạnh, nặng nề, xoay chuyển khó khăn, cơn đau có xu hướng nặng dần, nằm yên vẫn đau, gặp thời tiết mưa lạnh thì đau tăng. Sắc lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, chất nhớt. Mạch trầm, trì hoặc hoãn.

Pháp trị: Tán hàn khư thấp, thông lạc chỉ thống.

Xử phương: Ngũ Tích Tán hoặc Cam Khương Truật Linh Thang Gia Giảm.

 

2. Đau lưng do đàm thấp nội thịnh:

Biểu hiện lâm sàng: Lưng đau, cảm giác nặng nề, thân thể mỏi mệt chân tay mỏi nhừ, ho nhiều đàm nhớt, ngực đầy không thoải mái. Lưỡi sắc nhạt, rêu trắng, chất nhớt. Mạch hoạt.

Pháp trị: Táo thấp, trừ đàm.

Xử phương: Độc Hoạt Ký Sinh Thang Gia Giảm.

 

3. Đau lưng do huyết ứ:

Biểu hiện lâm sàng: Cảm giác cơn đau như châm chích, vị trí đau rõ ràng, vùng đau cự án, ngày nhẹ đêm nặng. Nhẹ thì cúi ngửa khó khăn, nặng thì không thể xoay chuyển. Sắc lưỡi đỏ tía tối, mặt lưỡi có thể có chấm ứ huyết. Mạch sáp.

Pháp trị: Hoạt huyết, hóa ứ, thông lạc chỉ thống.

Xử phương: Thân Thống Trục Ứ Thang Gia Giảm.

 

4. Đau lưng do thấp nhiệt:

Biểu hiện lâm sàng: Vùng thắt lưng đau kéo dài, vùng đau đa phần có cảm giác nóng, vận động thì đỡ đau. Tiểu tiện ngắn, đỏ. Rêu lưỡi vàng nhớt. Mạch nhu, sác.

Pháp trị: Thanh nhiệt lợi thấp, hoạt lạt chỉ thống.

Xử phương: Gia Vị Nhị Diệu Tán Gia Giảm.

 

5. Đau lưng do thận khí hư:

Biểu hiện lâm sàng: Lưng đau mỏi mềm, thích xoa bóp, đùi gối vô lực, cơn đau âm ỉ không ngừng, nằm thì giảm đau, công năng sinh lý suy giảm, tiểu tiện trong dài hoặc không khống chế được tiểu. Sắc lưỡi nhạt. Mạch nhược.

Xử phương: Thanh Nga Hoàn Gia Vị.

 

6. Đau lưng do thận âm hư:

Biểu hiện lâm sàng: Xuất hiện triệu chứng lưng đau mỏi mềm, tâm phiền mất ngủ hoặc ngủ mộng mị, trí nhớ kém, miệng khát họng khô, sốt về chiều, có mồ hôi trộm, đàn ông di tinh, phụ nữ mộng giao, nước tiểu ngắn sắc vàng. Sắc lưỡi hồng, rêu ít. Mạch tế, sác.

Pháp trị: Tư bổ thận âm.

Xử phương: Tả Quy Hoàn Gia Vị.

  • Đau lưng do thận dương hư: Có các triệu chứng như vùng thắt lưng lạnh đau, đau âm ỉ không ngừng, thắt lưng và gối mỏi mềm, chân tay lạnh, chườm ấm thì đỡ đau, sắc mặt trắng nhợt, thiếu khí vô lực, tiểu tiện trong dài hoặc bí tiểu. Sắc lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm, hoãn, vô lực.

Pháp trị: Ôn bổ thận dương.

Xử phương: Hữu Quy Hoàn Gia Vị.

 

 

 

IV) ĐIỀU TRỊ LÂM SÀNG

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau lưng. Ngoài các tật bệnh có liên quan đến xương khớp ra, còn có các tật bệnh liên quan đến các khoa như nội khoa, nữ khoa, tiết niệu. Trước tiên cần phải có sự kiểm tra nội khoa, từ đó mới có đủ cơ sở để xác định bệnh thuộc phạm vi khoa nào. Không thể nói rằng các tật bệnh nội khoa với đau lưng chỉ thuộc về các bệnh tật khoa xương khớp. Chứng đau lưng trong các bệnh tật liên quan đến hệ tiêu hóa, bệnh phụ khoa, khoa tiết niệu cũng thường thấy. Thường thấy nhất chứng viêm ruột thừa mãn tính cũng có thể dẫn đến đau lưng. Các phủ tạng trong khoang bụng như dạ dày, túi mật, tụy, lúc viêm vẫn có thể sinh ra đau lưng.

Các bệnh tật ở hệ thống tiết niệu như Thận, sỏi tiết niệu, hoặc u xơ tuyến tiền liệt cũng có thể gây ra đau lưng. Ngoài ra các nguyên nhân đến từ bệnh tật khác như cảm mạo, cảm truyền nhiễm. Trong số người bệnh đau lưng đến khám ở khoa xương khớp nhưng lại được chuyển qua nội khoa là vì có khi người bệnh có khối u ác tính di căn vào cột sống như trong chứng ung thư vú, khối u tủy đa phát. Có lúc còn phát hiện chứng tiểu đường ở người đau lưng. Bất luận ở tình trạng nào, đau lưng cũng chỉ là chứng trạng, nguyên nhân đau lưng không những nhiều mà phạm vi cũng rộng, đối với vấn đề này cần phải có một cái nhìn đầy đủ. Bệnh nhân nữ đau lưng thì đầu tiên cần đến khám ở phụ khoa. Vì vậy, lúc bắt đầu có dấu hiệu đau lưng thì cẩn kiểm tra nội khoa trước, sau đó tùy theo kết quả kiểm tra mà có biện pháp điều trị thích hợp.

 

V) CÁC PHƯƠNG PHÁP KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ ĐAU LƯNG

Lưng đau trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc thường ngày của người bệnh, có rất nhiều người bệnh điều trị quanh năm nhưng vẫn không hiệu quả mà bệnh ngày càng nặng, tâm lý ngày càng sa sút. Để điều trị triệt để chứng đau lưng cần phải chú ý đến ba mối liên kết quan trọng: Một là phải chẩn đoán chuẩn xác; hai là phải kịp thời có các phương pháp điều trị kết hợp hiệu quả; ba là phải có sự luyện tập thích hợp và kịp thời, hàng ngày cần phải có sự chăm sóc và điều chỉnh hợp lý.

  • Chẩn đoán chuẩn xác: Đau lưng có thể do nhiều bệnh lý khác nhau dẫn đến, trong đó các chứng thường thấy nhất vẫn là tổn thương cơ thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống. Cho nên khi phát hiện những tình trạng như vậy cần kịp thời chẩn đoán và chẩn đoán chính xác để loại trừ những nhân tố xấu có thể xảy ra, kiểm tra kỹ để phòng chẩn đoán nhầm, tránh kéo dài tình trạng bệnh. Những bệnh nhân không được chẩn đoán chính xác nên dẫn đến điều trị nhầm từ đó đã đánh mất đi thời cơ điều trị tốt nhất.
  • Kịp thời có các phương pháp điều trị kết hợp hiệu quả: Sau khi chẩn đoán chuẩn xác, kịp thời đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả là điều rất quan trọng. Nếu để bệnh kéo dài và đến giai đoạn nặng mà không xử lý đúng thì việc điều trị càng thêm khó khăn và phức tạp, thậm chí còn có thể khiến cho người bệnh phải mang di chứng suốt đời.
  • Kịp thời có các biện pháp luyện tập thích hợp: Trong điều trị chứng đau lưng, ngoài việc tích cực điều trị nguyên nhân phát bệnh ra thì việc kết hợp tập luyện trong và sau khi điều trị là hết sức cần thiết. Đa số các thầy thuốc chủ trương tiến hành đồng thời việc điều trị và tập luyện để tránh bệnh tái phát sau điều trị. Phối hợp các hoạt động tập luyện thích hợp là thực hiện hình thành một nếp sinh hoạt tốt.

Nếu thực hiện tốt các biện pháp liên kết như trên thì chứng đau lưng mới có thể điều trị ổn định.

 

 

VI) PHỤ:

  • Châm Cứu Điều Trị Đau Lưng:

Châm cứu điều trị:

Chủ huyệt: A thị huyệt

1 – Đau lưng do hàn thấp:

Đặc điểm chẩn đoán: Lưng đau, cảm giác nặng nề, đau chuyển xuống mông, xoay chuyển khó khăn, gặp khi thời tiết thay đổi thì đau tăng. Rêu lưỡi trắng, chất nhớt. Mạch trầm, trì có thể trầm hoãn.

Xử phương: Mệnh môn, Đại tràng du, Âm lăng tuyền, Ủy trung.

 

2 – Đau lưng do thấp nhiệt:

Đặc điểm chẩn đoán: Lưng đau, vùng đau có cảm giác nóng, trời nóng hoặc mưa thì đau tăng, vận động đỡ đau. Tiểu tiện ngắn, đỏ. Rêu lưỡi vàng, nhớt. Mạch nhu, sác hoặc huyền, sác.

Xử phương: Âm lăng tuyền, Tam âm giao, Ủy trung.

 

3 – Đau lưng do huyết ứ:

Đặc điểm chẩn đoán: Có tiền sử tổn thương thắt lưng do sang chấn, vùng đau cố định, đau cự án, ngày nhẹ đêm đau tăng, xoay chuyển khó khăn. Lưỡi đỏ tối hoặc có các chấm ứ huyết bên trong. Mạch trầm, sáp.

Xử phương: Mệnh môn, Ủy trung, Cách du, Huyết hải.

 

4 – Đau lưng do thận hư:

Đặc điểm chẩn đoán: Lưng đau mỏi mềm, thích xoa bóp, đau tái phát liên tục, làm việc thì phát đau, hai gối vô lực. Dương hư thì tay chân lạnh, lưng, thắt lưng  và bụng dưới lạnh đau, thiểu khí vô lực. Rêu lưỡi nhạt, mạch trầm, tế; Âm hư thì ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô họng ráo, mất ngủ hay quên, tai ù. Sắc lưỡi hồng nhạt. Mạch huyền, tế, sác.

Xử phương: Thận du, Thái khê, Yêu dương quang, Ủy trung.

Thận dương hư: Quan nguyên, Khí hải

Thận âm hư: Tuyệt cốt, Chiếu hải.

 

  • Các Phương Pháp Điều Trị Khác:
  • Dán huyệt vành tai: Dán miếng dán vào các vùng cột sống thắt lưng, xương cùng, Thận, Thần môn.
  • Đầu châm: Chọn các vùng phản xạ cảm giác chi dưới, cảm giác bàn chân. Phương pháp: Chọn kim hào châm 1,5 thốn, châm xuyên vào da, 1 – 2 phút vê kim một lần, sau đó kết hợp điện châm. Trong lúc châm cho bệnh nhận vận động lưng càng nhiều càng tốt.
  • Bì phu châm: Chọn huyệt A thị, Ủy trung. Phương pháp: Dùng kim hoa mai khõ cho ra máu, sau đó dùng bầu giác hơi để giác hơi.
  • Bó thuốc: Trị liệu bằng phương pháp bó thuốc là một phần trong phương pháp điều trị của Đông y. Phương pháp này dùng thảo dược chế thành thuốc bột, bó vào các bộ vị phát bệnh. Tùy theo kinh nghiệm của mỗi thầy thuốc mà dùng các phương thang khác nhau.

 

  • Chú Ý Trong Việc Xử Lý Đau Lưng:
  1. Lúc phát bệnh cần tìm hiểu nguyên nhân thông qua việc quan sát trạng thái đau, xem có liên quan đến thói quen sai lầm trong tư thế đứng ngồi hoặc di chuyển hay không. Nắm được nguyên nhân phát bệnh có ý nghĩa và giá trị rất quan trọng đối với kiểm tra lâm sàng của thầy thuốc.
  2. Về mùa đông cần chú ý giữ ấm, không chỉ là vùng thắt lưng mà cần giữ ấm nửa thân dưới, tránh để bị nhiễm lạnh.
  3. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh chuyển động quá ngưỡng vùng thắt lưng. Khi ngủ cần ngủ nệm mỏng mà cứng, không nên ngủ nệm lò xo.

Tóm lại, đối với chứng đau lưng là một chứng mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải, việc đầu tiên cần phải làm đối với cả người chưa mắc phải hoặc những người đã mắc phải là nâng cao nhận thức, hiểu biết về nguyên nhân, hiện tượng và biện pháp phòng ngừa trong chứng đau lưng. Tiếp đến cần siêng năng tập luyện để cơ thể có thể thích nghi với các ngưỡng vận động thường ngày cũng như trong công việc.

 

Được viết bởi  nhà thuốc Hạnh Lâm Đường

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

error: Bạn không thể copy nội dung này
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Xin chào, bạn cần trợ giúp ?