Trang chủ / BỆNH ĐẶC TRỊ 1 / Bệnh Gút – Gout

Bệnh Gút – Gout

 

Nhà Thuốc Hạnh Lâm Đường

Bài viết chỉ mang tính tham khảo và phổ biến. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và điều trị đúng hướng dẫn trong bài viết thì người bệnh có thể tự điều trị được cho mình. Nếu bệnh ở mức độ nặng, lâu ngày, điều trị không hiệu quả thì bệnh nhân gửi thông tin cho nhà thuốc để được điều trị theo hướng chuyên trị hơn.

 

Bấm vào đây để vào mục Câu Hỏi Cho Bệnh Thống Phong – Gout. Bấm vào đây để đến mục Gửi Bệnh Án để điền thông tin gửi đến nhà thuốc.

 

 

THỐNG PHONG – BỆNH GÚT

 

 

 

Tên gọi “Thống phong” được ghi chép đầu tiên trong sách “Cách Chí Dư Luận” (格致余论). Trong Đông y Thống phong còn có các tên khác như: Thống tý, Bạch hổ phong, Lịch tiết phong… Nguyên nhân chính đa phần là do bẩm phú thể chất bất túc, thân dương hư, tỳ vị hư, ăn quá nhiều đồ cao lương mỹ vị, thấp nhiệt uất kết bên trong, kết hợp cảm phải ngoại tà phong hàn thấp nhiệt, huyết mạch tắc trở, kinh lạc ngưng bế, khí huyết vận hành không thông sướng, đàm – ứ – thấp – nhiệt tương kết với nhau ở các khớp chân – tay, thường xâm nhập nhiều nhất là ở khớp ngón chân hoặc ngón tay. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, dần dần chuyển đau kịch liệt, ngày nhẹ đêm nặng, vùng đau sưng đỏ. Chứng này thường có tính phát tác nhanh, kéo dài vài hôm hoặc vài tuần, đa phần sau khi phát bệnh có thể hình thành các khối cứng ở khớp biến dạng thành tật, vận động bị giới hạn, bệnh lâu ngày có thể tổn hại đến tạng thận. Trong quá trình điều trị cần chú ý khôi phục công năng các tạng phủ khí quan, theo tình hình thế bệnh mà trị, trong chứng này phải kết hợp tiêu bản kiêm trị ( cùng trị cả gốc và ngọn ) để cân bằng được thể trạng người bệnh, từng bước điều chỉnh chức năng trao đổi chất trong cơ thể, khiến cho sự tạo thành và bài tiết acid uric được cân bằng. Ngọn của chứng này là do thấp độc ứ trệ bên trong, bế trở kinh lạc, và đây cũng là mấu chốt quan trọng gây ra viêm khớp cấp tính trong chứng thống phong; Gốc của chứng này hoặc là do Tỳ mất đi sự kiện vận, không phân thanh giáng trọc được ( chuyển hóa dinh dưỡng ), hoặc do thận khí khuy hư, mất đi chứng năng khí hóa, dẫn đến chất cặn độc đi vào trong xương khớp kinh lạc. Trong trị liệu thì đối với chứng cấp cần trị ngọn, khi thế bệnh đã giảm thì trị gốc. Thấp độc nhiệt tà tụ kết bên trong chính là nhân tố quan trọng phát bệnh, cho nên đối với chứng cấp thì cần thanh nhiệt lợi thấp, tiết trọc giải độc, gấp rút khu tà ra bên ngoài mới có thể chặn đứng được thế bệnh đang phát tác. Trong thời kỳ thế bệnh đang nhẹ thì cần phối hợp hóa ứ hoặc ôn bổ tỳ thận là chính, kết hợp khu tà.

Nguyên nhân gây ra chứng thống phong thường khiến cho rối loạn chuyển hóa Purin, dẫn đến acid uric tăng, từ đó dẫn đến tình trạng tái phát liên tục các cơn đau cấp tính. Chứng thống phong có lắng đọng tinh thể urat ( thể gút Tophi ); thống phong mạn tính thể lắng đọng tinh thể urat và biến dạng khớp, đồng thời thường  liên quan đến tình trạng viêm thận kẽ mãn tính và hình thành các sỏi acid uric trong thận là các đặc điểm lâm sàng chủ yếu. Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh mà phân thành hai nhóm lớn là thống phong nguyên phát và thống phong thứ phát. Bệnh do nguyên nhân nguyên phát ngoại trừ do khiếm khuyết enzim ra, đa số còn chưa rõ ràng, đa số thường có mỡ máu cao, béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, xơ hóa động mạch và bệnh mạch vành tim, có tính do di truyền; Chứng có tính thứ phát thường do bệnh ở tạng thận, bệnh về máu, do thuốc, và các nguyên nhân khác. Chứng này đa phần thường gặp ở người nam từ 40 tuổi trở lên, ở người nữ đã mãn kinh cũng có thể phát bệnh. Bệnh này thường do ăn uống rượu chè thái quá, làm việc quá sức, cảm nhiễm hàn tà. Đa phần các nhân tố khiến tái phát thường nhiều nhất vào mùa xuân – thu, và hay phát đột ngột vào thời đểm trưa và tối.

 

 

1) Nguyên nhân gây bệnh và bệnh lý:

Cơ chế chủ yếu của bệnh này là do ngoại tà gây tắc trở kinh lạc, sự vận hành của khí huyết không thông dẫn đến cơ thịt – xương khớp đau nhức, tê bại, nặng nề, co duỗi khó khăn mà hình thành chứng tý. Do tính chất cảm phải ngoại tà khác nhau hoặc có sự thiên thắng ( thiên về mặt nào đó ), vì vậy biểu hiện lâm sàng cũng khác nhau. Nếu phong tà thiên thắng thì sinh hành tý ( cơn đau di chuyển lúc nơi này lúc nơi khác ), phong tà tính chất di chuyển mà lại biến đổi rất nhanh, vì vậy các khớp thường hay đau nhức di chuyển; Nếu hàn tà thiên thắng thì sinh thống tý ( Nửa người, hoặc cục bộ đau nhức, nặng thì tay chân cơ thể co rút, nghiêm trọng thì có thể cơ khớp biến dạng, co duỗi khó khăn ), do hàn tà chủ co rút, tính ngưng trệ, cho nên cơn đau ở khớp có tính cố định; Nếu thấp tà thiên thắng thì sinh trước tý (chân tay cơ thể nặng nề, vùng đau cố định mà kiêm tê bại mất cảm giác, hoặc kiêm sưng, vị trí bệnh đa phần ở bên dưới ), tính của thấp nặng và dính, cho nên cơ thịt xương khớp tê bại nặng nề, sưng đau; Nếu nhiệt thiên thắng thì sinh nhiệt tý ( đau sưng nón, gặp nhiệt đau tăng ), kinh lạc uất nhiệt nên thường thấy các khớp sưng nóng, đau không chạm vào được. Tý chứng mới phát thuộc về thực chứng, bệnh lâu ngày thì chính khí hư tà khí thực, hư thực thác tạp. Tý chứng dễ xuất hiện trong biến chứng của 3 loại bệnh sau: Một là tý chứng lâu ngày không khỏi, sự vận hành của khí huyết tân dịch bị cản trở, huyết mạch ứ tắc, tân dịch ngưng tụ dẫn đến huyết ứ đàm trọc tắc trở ở kinh lạc, xuất hiện các chứng như khớp xương sưng to, quanh các khớp có nốt ứ huyết, dính khớp, co duỗi khó khăn; Hai là bệnh lâu ngày không khỏi khiến tổn hao đến khí huyết, biểu triệu chứng khí huyết lưỡng hư hoặc can thận khuy tổn; Ba là tý chứng không được điều trị khỏi từ kinh lạc vào đến tạng phủ rồi xuất hiện tạng – phủ tý.

Trong tây y, đối với thời kỳ khớp viêm cấp tính, tinh thể acid uric lắng đọng trong các khớp, các tinh thể acid urat bị tế bào bạch cầu ngậm dẫn đến các tế bào bạch cầu bị chết đi nhanh chóng và giải phóng ra các các Enzym lysosomal và xuất hiện chứng viêm khớp cấp tính. Trong thời kỳ viêm khớp mạn tính, acid urat xuất hiện ở bề mặt sụn của xương, quanh bao hoạt dịch, màng gân và các tổ chức chân da lắng đọng hình thành vôi thống phong, dẫn đến chứng viêm mãn tính, dày hóa bao hoạt dịch, co thắt mạch máu, thoái hóa phần xương sụn, chất xương bị xói mòn mà sinh biến dạng, đa phần xuất hiện nhiều nhất là ở vùng bàn chân và bàn tay. Sự tăng sinh vùng ven xương, xơ hóa quanh khớp cũng dẫn đến dị tật khớp. Lắng đọng tinh thể acid uric ở ống thận dẫn đến teo biến dạng quai Henle, khoang ống bị trướng lên, trong các tổ chức chất chung quanh có phản ứng viêm tế bào lớn, tương ứng với tình trạng xơ hóa tiểu cầu thận, các màng đáy ống mao mạch bị dày lên, biểu hiện rõ rệt nhất ở tủy và lồi cầu xương.

 

2) Điểm Chẩn Đoán Quan Trọng:

1 – Đàn ông trung niên trở lên nếu đột nhiên xuất hiện các cơn đau, sưng đỏ ở các vùng khớp ngón cái, lưng bàn chân, gót chân, gối, hoạt động khó khăn, hoặc các ngón chân, giữa các khớp và ngón tay đau nhức.

2 – Các ổ khớp đau thấu ra ngoài, nếu kiểm tra dịch trong bao hoạt dịch thì sẽ thấy các tinh thể acid uric lắng đọng; axit uric trong máu tăng cao, có thể dẫn đến các bệnh về thận như  sỏi urit trong thận hoặc Protein trong nước tiểu, cùng với sự suy giảm công năng thận.

 

3) Phân biệt chứng trạng:

a – Tam tý: Biểu hiện lâm sàng thường có các cơn đau, sưng, nóng di chuyển qua các khớp, không có các khối u Tophi, khám tây y không thấy axit uric tăng, sau khi khỏi bệnh các khớp không bị tình trạng biến dạng cứng thẳng.

b – Húc tý: Đa phần thấy ở người nữ trẻ, tuy đa phần là phát ở khớp nhỏ, nhưng không phát đột ngột, biểu hiện lâm sàng có cơn đau đối xưng di chuyển, nhiều khớp sưng đau, thường cứng khớp vào buổi sáng, có yếu tố thấp khớp dương tính. Kiểm tra tây y cho thấy axit uric không cao.

c – Nhiệt tý: Không có đặc điểm phát bệnh ở ngón chân cái và các khớp ngón chân, không có các khối Tophi, axit uric trong máu và nước tiểu không cao, tế bào protein trong các bao dịch ổ khớp tăng cao, khi nuôi cấy các dịch này có thể phát hiện vi khuẩn gây bệnh.

 

4) Biện chứng luận trị:

a – Thể Thấp Nhiệt Tý Trở:

Biểu hiện lâm sàng thường là các khớp nhỏ đột ngột sưng đau, đau cự án, gặp lạnh đỡ đau. Đa phần phát sốt miệng khát, tâm bồn chồn bất an, tiểu vàng; Rêu lưỡi vàng nhớt, sắc lưỡi đỏ hồng; mạch hoạt sác.

Phép trị: Thanh nhiệt hóa thấp, tuyên tý chỉ thống.

Phương thang: Bạch Hổ Gia Quế Chi Thang gia Ý dĩ nhân, Phòng kỷ, Hoàng bá, Ngưu tất.

 

b – Thể Nhiệt Uất Bên Trong:

Biểu hiện lâm sàng thường là các khớp sưng đỏ đau nhức, vùng đau thường sưng to biến dạng, co duỗi khó khăn, da cơ vùng bệnh tím bầm ấn vào hơi cứng, các vùng chung quanh cũng bị tổn thương hoặc có các khối cứng. Rêu lưỡi tím tối hoặc có các nốt ứ huyết. Rêu lưỡi vàng – mỏng; mạch tế, sáp hoặc trầm huyền.

Phép trị: Thanh nhiệt hóa ứ thông lạc.

Phương thang: Lương Huyết Tứ Vật Thang Gia Giảm.

 

c – Thể Đàm Thấp Ứ Trệ:

Biểu hiện lâm sàng thường là các khớp sưng căng, nặng thì quanh khớp sưng húp, vùng bệnh đau nhức tê mỏi, hoặc xuất hiện các khối u cứng không đỏ. Đa phần có kèm theo hoa mắt, mặt phù chân phù, lồng ngực tức, lưỡi dày sắc tối, rêu lưỡi nhớt, mạch hoãn hoặc huyền – hoạt.

Phép trị: Hóa đàm trừ thấp, thư cân thông lạc.

Phương thang: Lục Quân Tử Thang Gia Vị.

 

d – Thể Can Thận Âm Hư:

Biểu hiện lâm sàng thường là bệnh lâu ngày tái phát liên tục, các khớp đau cứng như cây gậy, khớp vùng đau biến dạng, ngày đau ít đêm đau tăng, cơ da tê dại, đi lại khó khăn, gân co rút co duỗi khó khăn, đầu choáng tai ù, gò má hồng miệng khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch huyền tế hoặc tế sác.

Phép trị: Tư bổ can thận, thư cân thông lạc

Phương thang: Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn Gia Giảm.

 

e – Thể Phong Hàn Thấp Tý:

Biểu hiện lâm sàng thường là cơ thể, các khớp đau nhức, hoặc đau di chuyển, hoặc khớp đau dữ dội, vùng đau không di chuyển, hoặc các khớp trong cơ thể sưng húp đau nhức, da cơ tê bại. Đau tăng trong những ngày mưa và thay đổi thời tiết thì đau tăng, rêu trắng, mỏng; Mạch huyền khẩn hoặc nhu – hoãn. Ba khí Phong – Hàn – Thấp hợp nhau xâm tập vào cơ thể tắc trở kinh lạc khiến cho khí huyết vận hành không thông, bất thông tắc thống ( không thông thì đau ), cho nên các khớp toàn thân đau nhức. Nếu phong tà mạnh hơn thì cơn đau ở các khớp có tính di chuyển; nếu hàn tà mạnh hơn thì các khớp đau dữ dội, vùng đau cố định; nếu thấp tà mạnh hơn thì các khớp sưng đau nặng nề, cơ da tê dại, thấp tà là âm tà, cho nên khi chuyển trời hoặc trời mưa gió thì cơn đau tăng nặng.

Phép trị: Khu phong tán hàn, trừ thấp thông lạc.

Phương thang: Ý Dĩ Nhân Thang Gia Vị.

Trong thang Ý Dĩ Nhân Thang có Khương hoạt, Độc hoạt, Phòng phong có tác dụng khu phong thắng thấp; Xuyên ô, Ma hoàng, Quế chi để ôn kinh tán hàn; Ý dĩ nhân, Thương truật để kiện tỳ trừ thấp; Đương quy, Xuyên khung để dương huyết, hoạt huyết; Sinh khương, Cam thảo để kiện tỳ hòa trung. Nếu phong tà mạnh hơn thì đau chủ yếu ở chi trên, cơn đau có tính di chuyển, có thể tăng liều Khương hoạt lên gấp đôi, gia Tang chi, Khương hoàng để khu phong thắng thấp; nếu hàn tà mạnh hơn thì gia Tế tân, Thảo ô để ôn kinh tán hàn; nếu thấp tà mạnh hơn thì gia Phong kỷ, Thổ phục linh, Mộc qua, Tỳ giải để lợi thủy thắng thấp.

 

f – Thể Phong Thấp Nhiệt Tý:

Biểu hiện lâm sàng thường là các khớp sưng nóng đỏ đau, chạm vào đau không chịu được, gặp lạnh thì dễ chịu, thế bệnh phát nhanh, đa phần phát sốt, miệng khát, phiền táo không yên, mồ hôi ra nhiều. Lưỡi đỏ, rêu vàng; mạch hoạt, sác.

Phép trị: Thanh nhiệt thông lạc, khu phong thắng thấp.

Phương thang: Bạch Hổ Thang Hợp Quế Chi Thang. Trong phương có Bạch hổ, Tri mẫu, Cam thảo, Ngạnh mễ có tác dụng thanh nhiệt trừ phiền; Quế chi để sơ phong thông lạc. Nếu phát sốt, miệng khạt, rêu lưỡi vàng, mạch sác thì có thể gia thêm Kim ngân hoa, Liêu kiều, Hoàng bá để thanh nhiệt giải độc; khớp sưng đau thì gia Tang chi, Khương hoàng, Uy linh tiên để hoạt huyết thông lạc, khư phong trừ thấp; quanh khớp xuất hiện các nốt đỏ thì gia Đơn bì, Sinh địa, Xích thược để lương huyết giải độc; Nhiệt tà tổn thương âm nên phát sốt nhẹ, miệng khô, lòng bàn tay chân và ngực nóng thì gia thêm Thanh hao, Tần giao để dưỡng âm thanh nhiệt, sơ thông kinh lạc.

 

g – Thể Đàm Ứ Tắc Trở:

Tý chứng lâu ngày không khỏi, tái phát liên tục, các khớp đau nhức lúc nặng lúc nhẹ, khớp sưng to, thậm chí biến dạng cứng đơ, co duỗi khó khăn, dưới da có nhiều khối u nhỏ. Lưỡi nhạt dày hoặc có các nốt đỏ, rêu trắng, nhớt; mạch tế – sáp. Chứng tý trị sai cách, kéo dài lâu ngày không khỏi khiến khí huyết ngưng trệ, kinh lạc không thông cho nên xuất hiện tình trạng các khớp đau nhức sưng to; kinh lạc vận hành không thông, đàm dịch ngưng tụ nên thấy có nhiều khối u nhỏ dưới da, nếu tụ ở màng gân thì khớp sẽ khó co duỗi. Lưỡi nhạt dày, rêu trắng, nhớt là dấu hiệu đàm trọc; rêu lưỡi có chấm huyết ứ, mạch tế – sác là dấu hiệu của huyết ứ.

Phép trị: Hóa đàm khư ứ, sưu phong thông lạc

Phương thang: Đào Hồng Ẩm Gia Vị. Trong phương Đào nhân, Hồng hoa dùng để hoạt huyết hóa ứ; Đương quy vĩ, Xuyên khung để dưỡng huyết hoạt huyết; Uy linh tiên thông cho 12 kinh lạc, có thể tuyên thông đạo dẫn, khu phong hóa thấp. Nếu dưới da có nhiều u nhỏ thì có thể gia thêm Bạch giới tử, Cương tàm để khư đàm tán kết; đàm ứ lâu ngày thì có thể gia Ô tiêu xà, Toàn yết để khử ứ sưu phong.

 

h – Thể Can Thận Khuy Tổn:

Biểu hiện lâm sàng thường là tý chứng lâu ngày không khỏi, tái phát liên tục, hoặc đau nhức di chuyển, hoặc nặng nề đau mỏi, nặng thì các khớp biến dạng, hoạt động khó khăn, đau bại tê dại, cột sống thắt lưng đau mỏi, tinh thần mệt mỏi người vô lực, hơi thở ngắn mồ hôi tự ra, sắc mặt không tươi; lưỡi nhạt; mạch tế hoặc tế – nhược. Tý chứng lâu ngày không khỏi, khí huyết khuy tổn thì xuất hiện tinh thần mệt mỏi, người vo lực, hơi thở ngắn mồ hôi tự ra, sắc mặt không nhuận; Cân tý không khỏi đi vào trong Can khiến cho Can huyết bất túc, cân mất đi sự nuôi dưỡng khiến cho khớp đau nhức, hoạt động khó khăn, khớp biến dạng; Cốt tý không khỏi đi vào trong thận, vùng thắt lưng bị tắc trở nên cột sống thắt lưng mỏi đau. Lưỡi nhạt, mạch tế nhược là biểu hiện của hư chứng.

Phép trị: Bổ ích can thận, khư phong tán hàn trừ thấp.

Phương thang: Độc Hoạt Ký Sinh Thang Gia Vị. Trong phương có Thục địa, Đỗ trọng, Ngưu tất, Tang ký sinh để bổ ích can thận, cường tráng cân cốt; Nhân sâm, Phục linh, Cam thảo để bổ khí kiện tỳ; Đương quy, Xuyên khung, Bạch thược để dưỡng huyết hòa vinh; Độc hoạt, Phòng phong, Tần giao, Tế tân, Quế chi để khư phong tán hàn, trừ thấp khu phong. Nếu lưng gối mỏi yếu vô lực thì gia Hoàng kỳ, Xuyên tục đoạn để ích khí bổ thận; khớp lạnh đau thì gia Phụ tử, Nhục quế để ôn dương tán hàn; Da thịt tê dại thì gia Kê huyết đằng, Lạc thạch đằng để dưỡng huyết thông lạc.

 

5) Dự phòng:

Đối với chứng này cần dự phòng đúng cách để tránh phát tác. Trước tiên cần phải kiểm soát ăn uống, tránh ăn quá nhiều đồ ăn giàu Purin như nội tạng động vật, cá mòi, các loại đậu, thực phẩm lên men. Hạn chế uống rượu, kiểm soát tình trạng tăng cân. Tránh các nhân tố ảnh hưởng đến bệnh như lao động quá sức, căng thẳng, nhiễm lạnh. Cần uống nhiều nước để hỗ trợ bài tiết axit uric trong nước tiểu. Không nên dùng các loại dược phẩm có tính chất ức chế sự bải tiết axit uric. Đối với người thân của người mắc bệnh cần được kiểm tra định kỳ về nồng độ axit urit trong máu, nếu axit uric trong máu cao ở mức 420  µmol /l trở lên thì cần phải được điều trị ban đầu bằng cách dùng các loại dược phẩm giúp bải tiết axit uric hoặc ức chế sự hình thành axit uric.

 

Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

error: Bạn không thể copy nội dung này
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Xin chào, bạn cần trợ giúp ?