Tùy theo chức năng của từng đoạn của cột sống mà các đốt sống có những đặc điểm khác biệt.
1) CÁC ĐỐT SỐNG CỔ ( Vertebrae Cervicalis ):
Hình 1: Cấu tạo của một đốt sống.
A) Đặc Điểm Chung Của Các Đốt Sống Cổ:
Thân dẹt, bề ngang phía trước dày hơn phía sau. Cuống tách ra từ phần sau của mặt bên thân đốt sống và khuyết sống trên – dưới đều sâu bằng nhau. Mảnh hình vuông, chiều rộng hơn chiều cao. Đỉnh của mỏm gai tách làm hai củ. Mõm ngang dính vào thân và cuống bởi 2 rễ giới hạn nên một lỗ gọi là lỗ ngang để cho mạch đốt sống chui ngang qua. Đỉnh của mõm ngang tách làm 2 củ: củ trước đốt sống cổ và củ sau đốt sống cổ. Mặt trên của mõm ngang có rãnh thần kinh gai sống. Mõm khớp có diện khớp phẳng nằm ngan. Diện trên nhìn lên trên và ra sau. Diện dưới nhìn xuống dưới và ra trước. Lỗ đốt sống cổ hình tam giác, rộng hơn ở các lỗ đốt sống ngực và thắt lưng để chứa đoạn phình cổ của tủy gai và thích ứng với biên độ di động lớn của đoạn sống cổ. Nói tóm lại, đặc trưng quan trọng nhất để xác định một đốt sống cổ là có lỗ ngang.
B) Đặc điểm riêng của một vài đốt sống cổ:
Có 4 đốt sống cổ có một vài đặc trưng riêng là đốt cổ 1 – 2 – 4 – 7.
a) Đốt sống cổ 1 ( còn gọi là đốt sống đội – Atlat ):
Đốt này có đặc điểm là không có thân nên có hình như một cái vòng với hai khối bên có hố khớp trên để khớp với đốt sống cổ 2. Hai khối bên được nối nhau ở phía trước bởi cung trước và ở phía sau bởi cung sau. Phía trước cung lồi ra thành củ trước và phía sau lõm thành hố răng để khớp với răng của đốt cổ 2. Ở phía sau sau lồi ra thành củ sau và phía trên sát với khối bên có rãnh động mạch đốt sống.
Hình 2 – Đốt C1
b) Đốt sống cổ 2 ( còn gọi là đốt sống trục – Axis ):
Là đốt sống dày và khỏe nhất trong các đốt sống cổ. Đặc điểm của đốt này là có một mỏm mọc lên trên thân đốt sống gọi là “răng”. “Răng” được coi như thân của đốt đội dính vào đốt trục để làm trục cho đốt đội quay. Ở phía trước răng có diện khớp trước để khớp với hố răng của đốt đội và có một diện khớp sau để khớp với dây chằng ngang của đốt đội.
Hình 3: Đốt C2
c) Đốt sống cổ 4:
Có đặc điểm là mỏm ngang lồi to ra thành củ cảnh. Củ này nếu to quá có thể chèn vào động mạch cảnh chung. Nó cũng là mốc gặp gỡ của động mạch cảnh chung với động mạch giáp dưới và động mạch đốt sống
d) Đốt sống cổ 7:
Có đặc điểm là mỏm gai không chẻ đôi và dài hẳn ra, sờ vào có thể nhận biết được dưới da nên còn gọi là đốt sống lồi. Lỗ ngang rất nhỏ, có khi không có. Đốt sống cổ 7 nằm ở ranh giới giữa đoạn sống cổ và đoạn sống ngực nên có nhiều đặc điểm chuyển tiếp giữa đốt sống cổ và đốt sống ngực.
Hình 4: Đốt C4 và C7
2) CÁC ĐỐT SỐNG NGỰC
a) Đặc Điểm Chung Của Các Đốt Sống Ngực:
Các đốt sống khớp với xương sườn và qua xương sườn với xương ức để tạo nên lồng ngực. Do đó một đặc điểm quan trọng của đốt sống ngực là ở mỗi bên thân đốt sống cổ có hai hố khớp là số sườn trên và hố sườn dưới để khớp với đầu xương sườn. Những đặc điểm của đốt sống ngực là thân dày hơn các đốt sống cổ; khuyết sống dưới sâu hơn khuyết sống trên Mỏm gai dài và chúc xuống dưới vì đoạn sống ngực không cử động nhiều. Mỏm ngang có một diện khớp gọi là hố sườn ngang để khớp với củ xương sườn. Mỏm khớp có các diện khớp đứng ngang nhìn ra phía trước hoặc phía sau. Lỗ đốt sống hình gần tròn. Tóm lại đặc trưng quan trọng nhất để xác định một đốt sống ngực là có hố sườn ở mặt bên thân đốt sống.
b) Đặc Điểm Riêng Của Một Số Đốt Sống Ngực:
– Đốt sống ngực 1: Là đốt chuyển tiếp từ đoạn cổ sang đoạn ngực nên có nhiều đặc điểm giống với đốt cổ 7. Ngoài ra có các đặc điểm riêng là hố sườn trên là một hố trọn vẹn để khớp với chỏm xương sườn 1, trong khi hố sườn dưới chỉ là một nửa hố để khớp với một phần chỏm xương sườn 2.
– Đốt sống ngực 10 không có số sườn dưới.
– Đốt sống ngực 11 và 12 chỉ có một hố sườn để khớp toàn nộ với các xương sườn tương ứng. Các mỏm ngang không có hố sườn ngang.
3) CÁC ĐỐT SỐNG THẮT LƯNG:
a) Đặc Điểm Chung Của Các Đốt Sống Thắt Lưng:
Do phải chống đỡ toàn thân và cần chuyển động nhiều nên các đốt sống lưng có các đặc điểm sau: Thân rất lớn và rộng bề ngang Cuống dày và khuyết sống dưới cũng sâu và hướng ngang ra sau. Mỏm ngang dài được coi như một xương sườn thoái hóa nên gọi là mỏm phụ. Mõm khớp trên dẹt chiều ngang, có diện khớp lõm ở mặt trong và có mỏm núm vú ở mặt ngoài. Mỏm khớp dưới có diện khớp lồi hình trụ để thích ứng với diện khớp của mỏm trên. Lỗ đốt sống hình tam giác nhỏ hơn lỗ đốt sống cổ và lớn hơn lỗ đốt sống ngực. Tóm lại, vì đốt sống thắt lưng không khớp với xương sườn và không có động mạch đốt sống chui qua lỗ ngang nên đặc trưng để xác định một đốt sống thắt lưng là không có hố sườn ở bên thân và không có lỗ ở mỏm ngang.
b) Đặc Điểm Riêng Của Một Số Đốt Sống Thắt Lưng:
– Đốt sống thắt lưng 1 có mỏm sườn kém phát triển hơn các đốt khác.
Hình 5: Cấu tạo chung của một đốt sống thắt lưng.
– Đốt sống thắt lưng 5 thì có thân dày ở phía trước hơn phía sau, 2 mỏm khớp dưới cách xa nhau hơn ở những đốt thắt lưng khác. Mỏm gai nhỏ nhất trong số các đốt thắt lưng.
4) XƯƠNG CÙNG:
Xương cùng do 5 đốt sống cùng dính lại mà thành. Xương cùng khớp ở trên với đốt sống thắt lưng thứ 5 tạo thành một góc lồi ra phía trước gọi là ụ nhô. Hai bên khớp với xương chậu tạo thành chậu hông. Xương cùng hình tháp 4 mặt, dẹt trước sau, nền quay lên trên, đỉnh xuống dưới, có hai mặt là mặt chậu hông và mặt lưng, một nền, một đỉnh và hai phần bên
Hình 6: Xương cùng nhìn mặt trước
a) Mặt Chậu Hông:
Mặt này quay ra phía trước nên ( còn gọi là mặt trước ) nhìn vào chậu hông và lõm. Có 4 đường ngang, là vết tích ranh giới giữa các đốt sống cùng. Ở hai bên đầu các đường ngang là lỗ cùng chậu hông để cho các nhánh trước của các dây thần kinh gai sống cùng chui ra.
b) Mặt lưng:
Rất lồi và gồ ghề. Dọc đường giữa là mào cùng giữa. Mào này là do các mỏm gai của 4 đốt sống cùng trên tạo nên. Ở đầu dưới mào chẻ đôi tạo thành hai sừng cùng. Giữa hai sừng là một khe hở gọi là lỗ cùng thông với ống cùng. Ở hai bên mào cùng giữa là mào cùng trung gian. Mào này do các mỏm khớp của các đốt sống cùng tạo nên. Ở phía ngoài mào là các lỗ cùng lưng để cho ngành sau của các dây thần kinh gai sống cùng chui ra. Ngoài các lỗ cùng lưng là mào cùng bên do các mỏm ngang của các đốt sống cùng tạo nên. Giữa mào cùng giữa và hai mào cùng trung gian là rãnh cùng do các mảnh của các đốt sống cùng dính lại.
Hình 7: Xương cùng nhìn mặt sau.
c) Nền Xương Cùng:
Nền xương cùng tương ứng với mặt trên của đốt sống cùng thứ nhất. Giữa nền là đầu trên của ống cùng. Hai bên là mỏm khớp trên để khớp với mỏm khớp dưới của đốt sống thắt lưng thứ 5. Đường tròn liên tiếp giữa nền với mặt chậu hông của xương cùng tạo nên phần sau của đường cùng của xương chậu, ranh giới giữa chậu lớn và chậu nhỏ.
Hình 7: Nền xương cùng
d) Phần Bên:
Phần bên là hình tam giác mà nền ở trên và đỉnh ở dưới. Ở phần trước nền có diện tai ( còn gọi là diện nhĩ ) để khớp với diện tương ứng của xương chậu. Phía sau diện nhĩ là lồi củ cùng.
Hình 8: Xương cùng nhìn ngang
e) Đỉnh Xương Cùng:
Đỉnh xương cùng tiếp khớp với nền xương cụt bằng một diện khớp hình soan có đường kính ngang lớn. Ở những người lớn tuổi thì khớp này cứng lại bằng mỏ xương.
f) Ống Cùng:
Ống cùng liên tiếp với ống sống và chứa các nhánh của đuôi ngựa. Ống cùng có tiết diện hình tam giác và thông với các lỗ cùng chậu hông và cùng lưng bởi 4 lỗ gian đốt sống.
5) XƯƠNG CỤT:
Xương cụt được tạo nên bởi 4 đến 6 đốt sống cụt lúc đầu rơi nhau, sau dính lại làm một. Các đốt sống cụt này rất cằn cỗi và được coi như là di tích của đuôi ở các loại vật. Xương cụt cũng hình tháp 4 mặt: Mặt chậu hông; mặt lưng; hai mặt bên; một nền và một đỉnh. Mặt chậu hông lõm, mặt lưng lại lồi, nền quay lên trên và khớp với đỉnh xương cùng, có hai sừng cụt nối với hai sừng cùng bởi một dây chằng.
Hình 9: Xương cụt
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường