I) GIẢI PHẪU HÌNH TRẠNG CỦA TÂM:
a) Vị trí giải phẫu của tâm:
Liên quan đến vị trí giải phẫu của tạng tâm, trong “Nội Kinh”, “Nạn Kinh”, “Y Quán” v.v…văn hiến Đông y đã có những ghi chép so sánh chính xác, Tâm nằm ở bên trái của khoang lồng ngực, trên vị trí bên dưới phế và bên trên hoành cách mô “ Tâm ở bên dưới phế quản, trên cách mạc, gần đốt 5 cột sống lưng” ( Loại Kinh Đồ Dực – Kinh Lạc ). Tâm nằm ở phía trước đốt sống, là một cơ quan quan trọng nằm phía sau xương lồng ngực. Đầu nhọn của tâm máy động bên dưới vú trái.
b) Hình thái kết cấu của tâm:
Tâm có hình tròn đầu nhọn, sắc đỏ, bên trong có lỗ, bên ngoài có tâm bào lạc bảo vệ, tâm ở bên trong. Đối với Đông y thì trọng lượng của tâm, màu sắc, kết cấu, và lượng máu trong tim v.v…đều có một nhận thức nhất định, những nhận thức đó chỉ mang tính sơ lược mà thôi.
Tâm trong học thuyết tạng tượng, trong văn hiến đông y có điểm khác biệt về phương diện thực thể có thể nhìn thấy được của tâm và chức năng thần minh. Thực thể của tâm là chỉ về cái có thể thấy được của tâm; thần minh của tâm là chỉ về sự tiếp nhận và phản ánh với sự vật ngoại giới của não bộ, công năng hoạt động của tinh thần tiến hành ý thức, tư duy, tình chí v.v… Đông y học đem hoạt động của tinh thần, ý thức, tư duy quy vào tâm, nên mới có cách nói tâm chủ thần minh.
II) CÔNG NĂNG SINH LÝ CỦA TÂM:
a) Tâm chủ huyết mạch:
“Tâm chủ huyết mạch” ( Chủ có nghĩa là chủ tể, chủ quản, điều khiển ) đầu tiên được ghi chép trong thiên “Nuy Luận” sách Tố Vấn: “Tâm chủ huyết mạch toàn thân”.
Tâm chủ huyết mạch, ý nói đến tác dụng tâm chủ huyết quản và thúc đẩy huyết dịch vận hành trong mạch, bao quát hai phương diện chủ huyết và chủ mạch. Huyết tức là huyết dịch. Mạch, tức là mạch quản ( còn gọi là huyết quản – đường dẫn huyết không cho huyết đi ra ngoài ), còn gọi là kinh mạch, là phủ của huyết, là đường thông đạo của vận hành huyết dịch. Tạng tâm và mạch quản có sự tương liên với nhau, hình thành một hệ thống kín đáo, trở thành then chốt của tuần hoàn huyết dịch. Tâm tạng không ngừng hoạt động, thúc đẩy huyết dịch trong huyết quản toàn thân tuần hoàn khép kín, chu lưu không nghỉ, trở thành động lực tuần hoàn của huyết dịch. Cho nên ở mục Tạng Phủ sách Y Học Nhập Môn chép: “ Tâm con người hoạt động, thì huyết hành đến các kinh, …là Tâm chủ huyết vậy”. Do đó có thể thấy được, công năng sinh lý của hệ thống độc lập tương đối này là cấu thành của huyết dịch và mạch đều thuộc về tâm là chủ, đều dựa vào nhịp đập thường xuyên của tạng Tâm.
Tạng Tâm có nhịp đập theo quy luật, huyết quản tương thông với tạng tâm cũng theo đó mà tạo ra nhịp đập giống với quy luật đó gọi đó là “ mạch bác ” ( 脉搏 – nhịp đập của mạch ). Đông y thông qua kiểm tra nhịp đập của mạch mà biết được sự thịnh suy của khí huyết, làm thành một phần căn cứ của chẩn đoán bệnh tật, gọi đó là “ mạch chẩn ” ( 脉诊 ). Trong tình hình sinh lý thông thường, công năng của tạng tâm bình thường, khí huyết vận hành thông sướng, cơ năng toàn thân bình thường thì nhịp của tâm đều đặn theo quy luật, hoà hoãn hữu lực. Nếu ngược lại thì mạch sẽ xuất hiện sự thay đổi bất thường.
Tâm hoàn thành trách nhiệm chủ về công năng sinh lý huyết mạch, cần thiết phải có hai điều kiện:
Thứ nhất là: Hình chất của Tâm không bị tổn thương, và dương khí của Tâm phải mạnh mẽ. Tâm khí và tâm huyết, Tâm dương và Tâm âm là hai trạng thái đối lập nhau mà lại thống nhất với nhau, cấu thành sự vận động mâu thuẫn của chính tạng tâm, để duy trì công năng sinh lý của tạng tâm. Nhịp đập bình thường của tâm, chủ yếu dựa vào tác dụng của dương khí. Dương khí của tâm mạnh mẽ thì mới có thể duy trì sức lực của tâm bình thường, duy trì được quy luật hoạt động của tâm, huyết dịch mới có thể vận hành bình thường trong huyết mạch.
Hai là: Sự vận hành bình thường của huyết dịch, cũng có dựa vào sự sung mãn huyết dịch của bản thân tạng tâm và sự thông sướng trơn tru của mạch máu. Cho nên dương khí của Tâm sung mãn, huyết dịch sung mãn và huyết mạch trơn tru là điều kiện tiền đề cơ bản nhất của vận hành huyết dịch. Trong đó một nhân tố bất kỳ nào mà thất thường, đều có thể làm thay đổi trạng thái tuần hành huyết dịch.
Tác dụng sinh lý chủ huyết mạch của Tâm có hai phương diện:
Một là: Hành huyết để vận chuyển vật chất dinh dưỡng. Tâm khí thúc đẩy huyết dịch trong mạch tuần hoàn vận hành, huyết dịch chuyên chở dinh dưỡng vật chất để cùng nuôi dưỡng toàn thân, khiến cho ngũ tạng lục phủ, tứ chi bách hài, cơ nhục bì mao, toàn bộ cơ thể đều nhận được dinh dưỡng đầy đủ, lấy đó để duy trì công năng hoạt động bình thường.
Hai là: Sinh huyết, khiến cho huyết dịch không ngừng nhận được sự bổ sung. Tinh vi thủy cốc mà vị tràng tiêu hoá hấp thụ, thông qua Tỳ chủ vận hoá, tác dụng thăng thanh tán tinh, bên trên thì chuyên chở vào trong Phế. Ở Phế bộ, sau khi “ thổ cố nạp tân ” ( thải cũ nhận mới ), rót vào trong tâm mạch biến hoá ra sắc đỏ mà thành huyết dịch, do đó nên mới nói Tâm sinh huyết. Vì vậy, thiên “Ngũ Tạng Sinh Thành” sách Tố Vấn chép: “Chư huyết đều thuộc bởi Tâm”. Mạch toàn thân đều nối tiếp với Tâm, trải đều khắp cơ thể, là con đường lưu thông của huyết, vì vậy, mạch còn được gọi là “Huyết phủ” ( nơi ở của huyết ).
Huyết dịch vận hành không ngừng nghỉ trong mạch đạo, chu lưu toàn thân, như vòng tròn khép kín, chủ yếu là dựa vào sự thúc đẩy của tâm khí. Sự lưu chuyển hay bế tắc của Tâm khí đều rất quan trọng trong công năng hoạt động sinh lý của tâm chủ huyết mạch. Như trong thiên “Kinh Mạch” sách Linh Khu chép: “Thủ thiếu âm ( Tâm ) khí tuyệt thì mạch không thông, mạch không thông thì huyết không lưu thông”.
Công năng sinh lý của Tâm chủ huyết mạch có chính thường hay không thường phản ánh ra bên ngoài cơ thể chủ yếu bốn phương diện gồm mạch tượng, sắc mặt, hình tượng lưỡi, và các cảm giác vùng lồng ngực. Đó là vì thể của Tâm là mạch, vinh nhuận ra mặt, khai khiếu ra lưỡi, vị trí ở lồng ngực. Nếu công năng sinh lý Tâm chủ huyết mạch chính thường, thì mạch tượng sẽ hòa hoãn hữu lực; sắc diện hồng nhuận sáng bóng; sắc lưỡi đỏ hồng, vinh nhuận. Nếu tâm khí bất túc, huyết dịch khuy hư, mạch đạo không thông, thì mạch tượng, sắc mặt, biểu hiện lưỡi sẽ xuất hiện các biểu hiện khác thường, vùng lồng ngực sẽ xuất hiện các cảm giác bất thường. Nếu biểu hiện bệnh lý là sắc mặt không tươi, sắc lưỡi nhạt mà dày, mạch tượng vô lực, tâm quý chinh xung, ngực bồn chồn đoản khí, đa phần đó là do Tâm khí hư tổn; nếu sắc mặt tối trệ, sắc lưỡi đỏ tối, mạch tượng trầm sáp, hoặc – đợi, vùng trước tim thường đầy, tức, đau, thì đó là do tâm mạch tắc nghẽn. Ngoài ra, các bệnh lý khác của tâm, nếu ảnh hưởng đến công năng Tâm chủ huyết mạch, thì đều có thể phản ánh ra ở bốn phương diện trên.
Bệnh biến của Tâm mạch thất thường thì đa phần bất cập sinh “hư”, và thái quá sinh “thực”. Tâm khí khuy hư, tâm dương không hưng phấn sẽ dễ dẫn đến sự vận hành khí huyết của Tâm mạch vô lực, thậm chí hàn ngưng tâm mạch, biểu hiện lâm sàng thường là da mặt bóng, tay chân lạnh, Tâm quý khí đoạn, vùng trước lồng ngực bồn chồn đau nhức. Như chứng Tâm Hỏa Kháng thịnh ( thuộc thực hỏa ), hoặc Tâm âm khuy hư ( thuộc hư hỏa ), có thể khiến nhịp tim đập nhanh, mạch máu trướng, tất cả đều có thể khiến mặt đỏ, lưỡi đỏ, mạch sác, cùng các chứng Tâm, ngực phiền nhiệt. Ngoài ra, ứ huyết, đàm trọc, ngoại tà… đều có thể ngăn trở hoặc tổn thương đến Tâm mạch, khiến cho Tâm mạch không thông sướng, hoặc tổn thương đến Tâm mạch, nên khiến cho xuất hiện các biểu hiện lâm sàng khác nhau.
b) Tâm chủ thần chí:
Tâm chủ thần chí tức là tâm chủ thần minh, còn gọi là Tâm tàng thần.
- Hàm nghĩa của “Thần”: Trong Đông y học, hàm nghĩa của “Thần” gồm có ba phương diện: Một là chỉ về công năng của sự vận động biến hoá trong tự nhiên giới và quy luật của nó. Có thể nói “Âm dương bất trắc vị chi thần –阴阳不测谓之神 ( cái không thể đo lường được của âm dương gọi là “Thần” – thiên “Thiên Nguyên Kỷ Đại Luận” sách Tố Vấn). Hai là nói về cách gọi chung của hoạt động sinh mệnh con người. Đa số gọi nó theo nghĩa rộng là thần. Toàn thể biểu hiện bên ngoài của hoạt động sinh mệnh con người, như tất cả hình tượng và sắc diện, ánh mắt, ngôn ngữ, ứng đáp, tư thái hoạt động cơ thể v.v… của con người, không có gì là không bao hàm trong phạm vi của thần. Nói cách khác, thường thì hình tượng biểu hiện ra bên ngoài của cơ thể, đều là phản ánh ngoại tại của hoạt động sự sống cơ thể. Ba là chỉ về tinh thần của con người, ý thức, tư duy hoạt động, tức là thần chí do tâm làm chủ, thông thường đa số đều hiểu thần theo nghĩa hẹp.
- Sự sinh thành của thần: Thần là công dụng hay cơ năng của hình thể cơ thể con người. Do hình thể của sự cấu thành tinh khí là căn bản của cơ thể con người. Thiên “Bản Thần” sách Linh khu chép: “Sinh chi lai vị chi tinh, lưỡng tinh tương bạc vị chi thần – 生之来谓之精,两精相搏谓之神” ( chất được sinh ra gọi là tinh, tinh của âm và dương ( lưỡng tinh ) thúc đẩy nhau mà sinh ra thì gọi là thần ). Thần nương theo sự phát sinh, phát dục, trưởng thành, tiêu vong mà phát sinh, phát triển và tiêu vong của cá thể. Thần do sự hoá sinh của từ tinh khí của tiên thiên, lúc giai đoạn phôi thai phát triển, thần của sự sống cũng đã phát sinh rồi. Sau khi sinh ra, trong quá trình phát dục của cá thể, thần còn cần phải dựa vào sự sung dưỡng của tinh khí thủy cốc hậu thiên. Cho nên thiên “Bình Nhân Tuyệt Cốc” sách Linh Khu chép: “Thần giả, thủy cốc chi tinh khí dã – 神者,水谷之精气也” ( Thần, ấy là tinh khí của thủy cốc vậy ).
Thần không phải là thứ vật chất siêu việt, sự sản sinh của nó là từ cơ sở vật chất. Tinh khí là cơ sở vật chất của sự sản sinh ra thần. Hình đầy đủ mà thần được sinh ra ( 形具而神生 – Hình cụ nhi thần sinh ), hình là gốc của thần ( 形者神之体 – hình giả thần chi thể ), thần là dụng của hình ( 神者形之用 – thần giả hình chi dụng ). Hình còn thì thần còn, hình mất thì thần tự diệt. Nói chung, Thần là sản vật của vật chất tự nhiên giới, là một loại hiện tượng tự nhiên giữa thiên và địa.
c) Tác dụng sinh lý của tâm chủ thần chí:
Tâm tàng thần, là trung tâm của hoạt động sinh mệnh của con người. Tác dụng sinh lý đó gồm có hai phương diện:
Một là chủ tư duy, ý thức, tinh thần. Trong hoàn cảnh bình thường, tâm của thần minh tiếp nhận và phản ánh khách quan sự vật ngoại giới, tiến hành tinh thần, ý thức, hoạt động tư duy. Tác dụng này được gọi là “nhậm vật” ( 任物 ). Nhậm, nghĩa là tiếp thu, gánh vác, phụ giúp, tức là tâm bao gồm tác dụng tiếp nhận và xử lý tin tức được đưa đến từ bên ngoài. Có được tác dụng “nhậm vật” này, mới có thể sản sinh được tinh thần và tư duy hoạt động, đối với sự vật ngoại giới có được sự phán đoán suy xét.
Hai là chủ tể hoạt động sinh mệnh. “Tâm vi thân chi chủ thể, vạn sự chi căn bản – 心为身之主宰,万事之根本” ( lời tựa sách “Ẩm Thiện Chính Yếu” ). Tâm của thần minh là chủ tể hoạt động sinh mệnh của cơ thể con người. Ngũ tạng lục phủ cần phải dưới sự chỉ huy thống nhất của tâm, mới có thể tiến hành hoạt động sinh mệnh bình thường, hoà hiệp thống nhất với nhau. Tâm là quân chủ nên tạng phủ bách hài ( cơ thể ) đều phục tùng dưới sự chi phối của tâm. Tâm tàng thần mà lấy thần làm dụng. Thiên “Tà Khách” sách Linh Khu chép: “ Tâm giả, ngũ tạng lục phủ chi đại chủ dã, tinh thần chi sở xá dã – 心 者,五 脏 六 腑 之 大 主 也,精 神 之 所 舍 也 ” ( Tâm, là đại chủ của ngũ tạng lục phủ, là nhà của tinh thần ).
d) Quan hệ giữa thần của ngũ tạng và tâm chủ thần chí:
Đông y học xuất phát từ quan niệm chỉnh thể, cho rằng tất cả hoạt động tư duy, ý thức tinh thần của cơ thể con người đều là phản ánh của công năng sinh lý tạng phủ. Vì thế đem “Thần” phân ra thành năm phương diện, đồng thời phân về năm tạng, tức là: “ tâm tàng thần; phế tàng phách, can tàng hồn, tỳ tàng ý, thận tàng chí – 心藏神,肺藏魄,肝藏魂,脾藏意,肾藏志” ( thiên Tuyên Minh Ngũ Khí Luận sách Tố Vấn ). Hoạt động tư duy ý thức tinh thần của con người, tuy phân về ngũ tạng, nhưng chủ yếu vẫn là quy thuộc về công năng sinh lý tâm chủ thần chí. Vì thế chương Tật Bệnh Loại sách Loại Kinh chép: “ Tâm là đại chủ của ngũ tạng lục phủ, mà tổng quản hồn phách, kiêm đủ cả ý chí”.
Quan hệ giữa tâm chủ thần chí và chủ huyết mạch:
Khí, huyết, tân dịch, tinh v.v…là cơ sở vật chất của công năng hoạt động tạng phủ trong cơ thể con người. Thần chí là một trong những công năng sinh lý của tạng tâm, Tạng tâm vận chuyển huyết dịch để dinh dưỡng cho toàn thân, cũng bao gồm tự nó đưa ra vật chất tất yếu của hoạt động sinh mệnh, cho nên dựa trên ý nghĩa này mà diễn giải, thì huyết dịch là cơ sơ vật chất của hoạt động thần chí. Vậy nên thiên “Bát Chính Thần Minh Luận” sách Tố Vấn chép: “ Huyết khí giả, nhân chi thần – 血气者,人之神” ( huyết khí là thần của con người ), thiên Doanh Vệ Sinh Hội sách Linh Khu chép: “ huyết giả, thần khí dã – 血者,神气也” ( huyết, ấy là thần khí của con người ). Vì thế, công năng của tâm chủ huyết mạch thất thường, thì tất nhiên sẽ xuất hiện sự thay đổi của thần chí.
e) Quan hệ giữa não là phủ của nguyên thần cùng với tâm chủ thần chí:
Não là tủy hải, tủy bởi tinh sinh, tinh vốn bởi khí huyết của ngũ tạng lục phủ. Cho nên, công năng của não và ngũ tạng tương quan với nhau. Sự suy nghĩ nhanh nhạy, trí nhớ, tư duy ngôn ngữ, nhìn, nghe, ngửi v.v…đều bởi não làm chủ, nên nói não là phủ của nguyên thần, não là trung khu hoạt động sinh mệnh của cơ thể con người. Tâm của thần minh thực chất là não. Tâm chủ huyết, bên trên thì giúp cho não. Vì thế tâm và não có quan hệ với nhau, thường gọi chung là “tâm não”, hoặc “tâm não đồng trị”.
Hoạt động tinh thần, ý thức và tư duy của con người, đều thuộc bởi công năng sinh lý của đại não, là phản ánh của đại não với sự vật ngoại giới. Điều này trong văn hiến Đông y từ sớm đã có sự bàn luận rõ ràng. Nhưng học thuyết tạng tượng đem tinh thần, ý thức và tư duy hoạt động của con người không chỉ quy thuộc về ngũ tạng mà còn chủ yếu quy thuộc về công năng sinh lý của tạng tâm. Cho nên, thực chất của tâm chủ thần chí là chỉ về đại não thông qua cơ quan cảm giác, tiếp thu, phản ánh khách quan sự vật ngoại giới, mà tiến hành hoạt động ý thức, tư duy tình chí v.v…Bởi vì khái niệm về tạng phủ trong học thuyết tạng tượng tuy rằng bao hàm lấy sự liên quan đến thành phần giải phẫu học, nhưng nhìn trên phương diện chủ yếu, lại là một sự biểu hiện cho hệ thống ký hiệu của liên hệ công năng tạng phủ, là mô hình công năng chỉnh thể của con người. Đông y học đem hoạt động tư duy quy về tâm là căn cứ vào sự sung mãn huyết dịch và sự biểu lộ tinh thần hưng phấn có liên quan mật thiết mật thiết với nhau mà nêu ra. Tâm là phạm trù quan trọng của tâm tính học trong triết học cổ đại trung hoa. “Tâm chi quan tắc tư – 心之官则思” ( Mạnh Tử – Cáo Tử Thượng – tâm là nơi dùng để tư duy ). Cổ nhân cho rằng tâm là cơ quan để tư duy, về sau vẫn dùng như vậy để ám chỉ về não. Cơ quan tạng tâm là dùng để suy nghĩ tư duy. Lòng tức là tâm, chỉ có sự tư duy trong hoạt động thực tế của con người mới có ý nghĩa. Tâm có hình thể là máu thịt là chỉ đến bản thể của tâm; tâm thần minh là nói đến ý thức chủ thể mà bản thể của Tâm sinh ra, thực ra chính là công năng của đại não. Vì vậy, khái niệm về Tâm của Đông y học đã phản ánh lên nét đặc sắc rõ ràng của triết học Tâm tính trong văn hoá truyền thống của người trung hoa. Tâm thần luận của đông y học trong lịch sử lâu dài đã chỉ đạo thực tiễn lâm sàng Đông y, gồm có khoa học trọng yếu và giá trị thực tiễn.
Tính quan trọng của hoạt động sinh mệnh trong cơ thể con người của thần:
Thiên “Di Tinh Biến Khí Luận” sách Tố Vấn chép: “đắc thần giả xương, thất thần giả vong – 得神者昌,失神者亡 ” ( còn thần thì sống, mất thần thì chết ). Tâm chủ sự quân bình công năng sinh lý của thần chí ( sinh lý nghĩa là cơ chế sự sống chứ không phải chỉ về sinh lý giới tính ), nhờ vậy nên tinh thần phấn chấn, thần chí tỉnh táo, tư duy rõ ràng, đối với sự tác động của ngoại giới thì linh hoạt minh mẫn và và chính thường. Nếu như công năng sinh lý của tâm chủ thần minh khác thường, thì không những xuất hiện sự khác thường về ý thức tinh thần, tư duy hoạt động như mất ngủ, mộng nhiều, thần chí bất an, thậm chí nói nhảm hoặc phản ứng trì độn, tinh thần uỷ mị, nặng thì hôn mê bất tỉnh nhân sự v.v… mà còn có thể ảnh hưởng đến công năng hoạt động của các tạng phủ khác, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng. Cho nên thiên “Linh Lan Bí Điển Luận” sách Tố Vấn chép: “ chủ minh tắc hạ an…chủ bất an tắc thập nhị quan nguy – 主 明 则 下 安 … 主 不 明 则 十 二 官 危 ” ( chủ anh minh thì bên dưới mới an lành, chủ không anh minh thì cả mười hai khí quan đều nguy ), hay như thiên “Khẩu Vấn” sách Linh Khu chép: “ tâm động tắc ngũ tạng lục phủ giai dao – 心 动 则 五 脏 六 腑 皆 摇 ” ( tâm có biến động thì ngũ tạng lục phủ đều bị ảnh hưởng ). Thanh tâm tịnh thần có thể trừ bệnh mà sống thọ, phòng được sự lão hoá sớm.
III) ĐẶC TÍNH SINH LÝ CỦA TÂM
a) Tâm là tạng dương mà chủ dương khí:
Tâm là thái dương trong dương, lấy dương khí làm dụng. Dương khí của tâm có thể thúc đẩy huyết dịch tuần hoàn, duy trì hoạt động sinh mệnh của con người, bộ máy sự sống không ngưng nghĩ, nên được ví như mặt trời trong cơ thể con người. Sách Y Học Thực Tại Lục chép: “ cái nhân dữ thiên địa tương hợp, thiên hữu nhật, nhân diệc hữu nhật, quân phụ chi dương, nhật dã – 盖人与天地相合,天 有日,人亦有日,君父之阳,日也” ( Con người tương hợp cùng với thiên địa, thiên có mặt trời, con người cũng có mặt trời, là cha là vua của dương ấy là mặt trời ). Khí dương nhiệt của tạng tâm, không chỉ duy trì công năng hoạt động củ bản thân tạng tâm, mà còn có tác dụng ôn dưỡng cho toàn thân. Chương Tạng Phủ Bệnh Cơ Luận sách Huyết Chứng Luận chép: “Tâm là tạng hoả, sưởi ấm vạn vật”, nên thường sự vận hoá ngấu nhừ của tỳ vị, sự ôn ấm chưng bốc của thận dương, cùng với sự chuyển hoá huyết dịch toàn thân, điều tiết mồ hôi v.v…tâm dương đều tỏ rõ tác dụng trọng yếu của mình.
b) Tâm khí tương thông với hạ khí:
Tâm ứng với khí mùa hạ, “thông” tức là tương hỗ thông ứng. Con người cùng với tự nhiên là một chỉnh thể thống nhất, sự biến hoá tiêu trưởng âm dương bốn mùa của tự nhiên giới thông ứng liên hệ với hệ thống công năng hoạt động của tạng phủ con người. Tâm với mùa hạ, phương nam, nhiệt, hoả, vị đắng, màu đỏ v.v…có liên hệ bên trong. Tâm là dương tạng nên chủ dương khí. Thiên nhân tương ứng, trong tự nhiên giới thì mùa hạ lấy khí nhiệt làm chủ, trong cơ thể con người thì khí mùa hạ tất nhiên sẽ tương thông với tâm là tạng thái dương trong dương, hiểu rõ được đặc tính sinh lý này của tâm thì sẽ giúp rất nhiều trong việc hiểu rõ sinh lý bệnh lý của tâm, đặc biệt là quan hệ giữa khí hậu mùa với bệnh lý. Tâm thông với khí mùa hạ là nói đến tâm dương trong mùa hạ là mùa vượng thịnh nhất, công năng mạnh nhất.
PHỤ: TÂM BÀO LẠC
1) Hình thái và vị trí:
Tâm bào lạc, gọi tắt là tâm bào, là màng bao chung quanh tạng tâm, là tổ chức bên ngoài chung quanh của tâm, phía bên trên có lạc của mạch dùng để thông hành với kinh lạc khi huyết nên gọi chung là tâm bào lạc.
2) Công năng sinh lý:
Do tâm bào lạc là tổ chức bên ngoài chung quanh của tạng tâm nên nó có chức năng bảo vệ tạng tâm, có tác dụng thay tâm chống đỡ với tà khí. Học thuyết tạng tượng cho rằng, tâm là cơ quan quân chủ, tà không được phạm vào, cho nên lúc lúc ngoại tà xâm phạm vào tâm, đầu tiên là đi vào tâm bào, nên thiên Tà Khách sách Linh Khu chép: “ Chư tà chi tại ư tâm giả, giai tại ư tâm chi bào lạc – 诸邪之在于心者,皆在于心之包络” ( chư tà ở tâm, thật ra đều là ở tâm bào lạc ). Biểu hiện trên lâm sàng, chủ yếu thường là sự thay đổi công năng của tâm tàng thần, như trong chứng ngoại cảm nhiệt bệnh, vì tà ôn nhiệt đang hãm bên trong, xuất hiện sốt cao hôn mê, nói nhảm nói càn v.v…đó là hình thái bệnh của chứng tâm thần đang bị quấy nhiễu, thường gọi là “nhiệt nhập tâm bào”. Do thần chí khác thường của đàm trọc gây nên, biểu hiện là tinh thần mê man, mơ hồ, ý thức chướng ngại v.v…tinh thần bấn loạn, gọi đó là “đàm trọc mông tế tâm bào” ( đàm trọc che kín tâm bào ). Trên thực tế, tâm bào cùng với tâm đón nhận bệnh biến xuất hiện của bởi tà, vì vậy trong biện chứng và trị liệu là giống nhau.
Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường