Trang chủ / Y học bốn phương / Đề Kháng Kháng Sinh – Mối Đe Dọa Toàn Cầu

Đề Kháng Kháng Sinh – Mối Đe Dọa Toàn Cầu

Hiện nay, theo báo cáo của WHO giai đoạn 2011 – 2014, Việt Nam nằm trong các nước có tỷ lệ vi khuẩn E.Coli sinh ESBL cao nhất trên thế giới với tỷ lệ trên 60%.

Năm 1940, các nhà nghiên cứu lần đầu ghi nhận chủng vi khuẩn Staphylococcus kháng Penicillin, năm 1968 ghi nhận thêm 4 chủng vi khuẩn kháng thuốc và đến năm 2013 theo báo cáo của CDC 2013 đã ghi nhận hàng chục chủng vi khuẩn kháng thuốc, trong số đó có 18 chủng vi khuẩn nguy cơ cao.

Theo nghiên cứu đề kháng kháng sinh (SMART – 2008) về các chủng vi khuẩn tiết men betalactam ESBL (Extended spectrum Beta lactamase – men giúp vi khuẩn chống lại kháng sinh) ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, tại Việt Nam ghi nhận vi khuẩn E.Coli tiết ESBL chiếm 35%, K.peumoniae là 40% và K.oxyloca là 50%.

Việc sử dụng kháng sinh cần tuân thủ đúng quy định

Bên cạnh đó, tỷ lệ chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA) ngày càng trở nên phổ biến với tỷ lệ 40 – 59% và vi khuẩn Klebsiella pneumonia kháng lại nhóm Carbapenem từ 20 – 50%. Kháng sinh là được xem là “vũ khí” then chốt để đối phó vi khuẩn kháng thuốc.

Theo dự báo đến năm 2050, số lượng tử vong do kháng thuốc sẽ lên đến con số 10 triệu người, dẫn đầu và vượt xa so với ung thư 8,2 triệu; đái tháo đường 1,5 triệu; tai nạn giao thông 1,2 triệu và các nguyên nhân khác.

Các nhà nghiên cứu đã cho ra đời nhiều loại kháng sinh như Vancomycin (1972), Linezolid cho chủng MRSA, Imipenem (1985) dành cho vi khuẩn tiết ESBL… Tuy nhiên, để đưa ra đời một loại kháng sinh mới phải mất gần 10 năm cho các khâu nghiên cứu, thử nghiệm và lượng giá trước khi được sử dụng trên con người trong khi chỉ cần vài ba năm cho vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, trước tình hình bùng nổ các chủng vi khuẩn đề kháng và sự bão hòa các thuốc kháng sinh, các tổ chức y tế toàn cầu buộc phải đưa ra những phác đồ phối hợp nhiều loại kháng sinh mạnh nhằm tạm thời ứng phó với đề kháng kháng sinh. Chính vì điều đó trong vài năm sắp tới, chúng ta phải gánh chịu chi phí khổng lồ từ việc sử dụng kháng sinh cũng như tỷ lệ tử vong ngày càng gia tăng.

10 nội dung được WHO khuyến cáo liên quan đến tình trạng đề kháng kháng sinh

Đề kháng kháng sinh là gì?

Đề kháng kháng sinh là khả năng của một vi sinh vật (vi trùng, virus và một số ký sinh trùng) ngăn chặn tác dụng của một thuốc chống lại nó (như kháng sinh, thuốc kháng virus và thuốc chống sốt rét). Hậu quả là, các phương pháp điều trị chuẩn trở nên không hiệu quả, vi sinh vật gây bệnh vẫn tồn tại và có thể lan sang người khác.

Kháng thuốc là một vấn đề toàn cầu

Trong những năm qua, việc sử dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh đã làm tăng số lượng và chủng loại vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, nhiều bệnh truyền nhiễm có thể một ngày nào đó sẽ trở nên không kiểm soát được. Với sự phát triển của thương mại và du lịch toàn cầu, các vi sinh vật kháng thuốc có thể lây lan nhanh chóng đến bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Tại sao vi khuẩn kháng thuốc

Kháng thuốc là một hiện tượng tiến hóa tự nhiên. Khi vi sinh vật được tiếp xúc với một kháng sinh, hầu hết các sinh vật sẽ chết, nhưng vẫn để lại vi khuẩn đề kháng với kháng sinh. Sau đó, tình trạng đề kháng của những vi khuẩn này sẽ truyền lại cho các thế hệ con, cháu của chúng.

 Sử dụng kháng sinh không thích hợp làm trầm trọng thêm khả năng kháng thuốc

Việc sử dụng kháng sinh không thích hợp sẽ thúc đẩy sự phát triển tình trạng kháng thuốc. Dùng kháng sinh quá liều, không đủ liều, dùng sai chỉ định đều góp phần làm nặng thêm tình trạng kháng thuốc.

Để đảm bảo bệnh nhân được sử dụng kháng sinh đúng liều lượng kháng sinh thích hợp đòi hỏi phải có hành động từ người kê đơn, dược sĩ và người phân phối thuốc, ngành dược phẩm, cộng đồng và người bệnh, cũng như các nhà hoạch định chính sách.

Thiếu thuốc có chất lượng góp phần làm gia tăng tình trạng kháng thuốc

Một số nước có hệ thống kiểm chuẩn đảm bảo chất lượng thuốc còn yếu. Điều này có thể dẫn đến tồn tại các loại thuốc có chất lượng kém, làm người bệnh không nhận được nồng độ thuốc tối ưu khi sử dụng, do đó tạo điều kiện cho sự kháng thuốc phát triển. Ở một số nước, do nguồn cung cấp kháng sinh không đủ, người bệnh không được sử dụng thuốc theo đúng lộ trình điều trị hoặc phải tìm giải pháp thay thế có thể bao gồm các loại thuốc không đạt chuẩn.

Chăn nuôi là một nguồn đề kháng kháng sinh

Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc để thúc đẩy tăng trưởng hoặc ngăn ngừa bệnh tật có thể dẫn đến vi sinh vật kháng thuốc, và có thể lây lan sang người.

Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn kém càng làm nặng tình trạng kháng thuốc

Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn kém có thể làm tăng sự lây lan của các vi khuẩn kháng thuốc. Bệnh nhân nhập viện là một trong những hồ chứa chính của vi sinh vật kháng thuốc. Bệnh nhân mang mầm bệnh kháng thuốc có thể hoạt động như một nguồn lây nhiễm cho người khác.

Hệ thống giám sát đề kháng kháng sinh yếu góp phần vào sự lây lan kháng thuốc

Trong khi hệ thống giám sát sự xuất hiện của lao và HIV kháng thuốc đang được cải thiện, hiện tại có rất ít mạng lưới được thành lập và thường xuyên thu thập, báo cáo các dữ liệu liên quan về đề kháng kháng sinh. Một số quốc gia thiếu các cơ sở xét nghiệm có thể xác định chính xác các vi sinh vật kháng thuốc. Điều này làm suy yếu khả năng phát hiện sự xuất hiện của vi sinh vật kháng thuốc để có những hành động phù hợp.

Không đủ nghiên cứu mới về chẩn đoán để phát hiện vi sinh vật kháng thuốc

Kháng sinh mới để chống lại tình trạng kháng thuốc đang cạn kiệt

Các thuốc kháng sinh và thuốc chống ký sinh trùng hiện có, và, ở mức độ thấp hơn, các loại thuốc kháng virus đang mất dần hiệu lực do tình trạng kháng thuốc. Đồng thời, không đủ đầu tư nghiên cứu để phát triển thêm các loại kháng sinh mới. Tương tự, không đủ nghiên cứu mới về chẩn đoán để phát hiện vi sinh vật kháng thuốc; và vắcxin mới để phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng. Nếu xu hướng này tiếp tục, kho vũ khí của các công cụ chống lại vi sinh vật kháng thuốc sẽ sớm bị cạn kiệt.

Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi tất cả các bên liên quan chống lại tình trạng kháng thuốc

Các mối đe dọa từ kháng thuốc đang gia tăng, cần phải có hành động khẩn cấp, mọi người phải cùng tham gia. Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 68 (5/2015) đã thông qua một kế hoạch hành động toàn cầu phòng ngừa đề kháng kháng sinh.

Mục tiêu của kế hoạch hành động toàn cầu là để đảm bảo duy trì điều trị thành công và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm với các loại thuốc hiệu quả và an toàn, được đảm bảo chất lượng, được sử dụng một cách có trách nhiệm và mọi người dân có thể tiếp cận được khi cần. Mỗi nước phát triển kế hoạch hành động quốc gia để giúp đạt được các mục tiêu kế hoạch hành động toàn cầu. Cho đến nay, 79 nước đã có kế hoạch hành động và hơn 49 nước đang trong quá trình xây dựng kế hoạch.

 

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan

error: Bạn không thể copy nội dung này
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Xin chào, bạn cần trợ giúp ?